Bãi biển Đông Nam Á: Càng đẹp, càng 'khổ'

Việc chính phủ Philippines đóng cửa tạm thời đảo du lịch Boracay trong 6 tháng với lý do cải tạo môi trường - dù ước tính hành động này có thể kéo giảm 0,1% GDP đất nước trong cả năm - phần nào phản ảnh áp lực ngày càng lớn đối với các bãi biển trên khắp Đông Nam Á.

Hạ tầng những nơi này đang oằn mình chịu đựng lượng du khách đông kỷ lục, nhất là khi người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài ngày càng nhiều.

Ngoài Boracay, Philippines còn có kế hoạch kiểm tra khu nghỉ mát Puerto Galera trên đảo Mindoro, các bãi biển El Nido và Coron thuộc tỉnh Palawan.

Dù vậy, các điểm du lịch nổi tiếng quanh Philippines cũng không mấy hào hứng trước triển vọng tăng doanh thu từ làn sóng du khách chuyển hướng sang. Thái Lan đang có kế hoạch đóng cửa vịnh Maya nổi tiếng ở đảo Phi Phi trong 4 tháng mùa hè này trong khi một nhóm nhà hoạt động vì môi trường kêu gọi chính phủ Indonesia hành động khẩn cấp để cứu đảo Bali.

Theo nhóm này, hòn đảo đón hơn 5,5 triệu du khách vào năm ngoái đang gặp "khủng hoảng môi trường" và giới chức Indonesia bị chỉ trích vì để xảy ra tình trạng phát triển tràn lan, khiến ruộng lúa biến thành sân golf và biệt thự, bãi biển thường xuyên ngập tràn rác thải nhựa.

Các nhân viên vệ sinh thu nhặt rác trên bãi biển Kuta ở đảo Bali - Indonesia Ảnh: SONNY TUMBELAKA

Các nhân viên vệ sinh thu nhặt rác trên bãi biển Kuta ở đảo Bali - Indonesia Ảnh: SONNY TUMBELAKA

Ông Kanokkittika Kritwutikon, người đứng đầu văn phòng của Cục Du lịch Thái Lan ở Phuket, cũng than thở hòn đảo này đang "căng như dây đàn", đặc biệt là sân bay, mặc dù đã trải qua nhiều đợt nâng cấp trong những năm gần đây.

Việc đóng cửa vịnh Maya nhằm bảo vệ các rạn san hô đang bị tàn phá bởi lượng du khách đông đúc và nhiệt độ ấm hơn. Động thái này diễn ra sau khi 10 địa điểm lặn nổi tiếng ở Thái Lan đóng cửa vào năm 2016 vì có đến 80% san hô ở khu vực bị tẩy trắng. Thành phố biển Pattaya, phía Nam thủ đô Bangkok, cũng nằm trong danh sách "chuẩn bị".

Ông Brian King, Phó Hiệu trưởng Trường Quản lý Du lịch và Khách sạn thuộc Trường ĐH Bách khoa Hồng Kông, cảnh báo Boracay không phải là hòn đảo đầu tiên cũng như cuối cùng phải đóng cửa. "Nhiều điểm đến quá tải trên khắp châu Á đang cần được dọn dẹp" - ông nói với Reuters.

Việc đóng cửa các điểm du lịch như Boracay không phải chuyện mới. Hồi năm 2004, giới chức Malaysia đóng cửa tất cả khách sạn trên đảo Sipadan để giúp bảo vệ hệ sinh thái và sau đó hạn chế số lượng khách du lịch đến đảo.

Thế nhưng, một số chuyên gia cho rằng các hành động mạnh tay thường được thực hiện quá trễ. Ông Matt Gebbie, chuyên gia phân tích từ Công ty Tư vấn du lịch Horwath HTL (Indonesia), nhận định bảo vệ môi trường chủ động là giải pháp hiệu quả hơn nhiều so với hành động đối phó.

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/bai-bien-dong-nam-a-cang-dep-cang-kho-20180409212213799.htm