Bài 9: Kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa

Bài 8: Xây dựng đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc

(HNM) - Tháng 12-1986, trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thử thách, tại Đại hội VI, Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng công cuộc đổi mới. Hơn 30 năm qua, Đảng ta kiên định mục tiêu đổi mới - phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, được bổ sung và phát triển qua các kỳ Đại hội của Đảng, đưa đất nước từng bước vươn lên tầm cao mới, vững vàng hội nhập.

1. Bước vào chặng đường mới, Đảng xác định rõ quan điểm nhất quán: Đổi mới toàn diện đồng bộ nhưng có trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn, trước hết là đổi mới tư duy để mở đường và định hướng cho quá trình đổi mới. Trong đó, đổi mới và phát triển kinh tế là trung tâm, đi trước một bước; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên; lấy sự ổn định chính trị - xã hội làm tiền đề, làm điều kiện tiên quyết cho sự nghiệp đổi mới và phát triển...

Trước bối cảnh mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tạm thời lâm vào thoái trào, Đại hội VII của Đảng (tháng 6-1991) khẳng định tiếp tục đổi mới đồng bộ, triệt để trên các lĩnh vực với những bước đi, cách làm phù hợp và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xác định những quan điểm và phương hướng phát triển đất nước, khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng.

Tiếp đó, các nghị quyết của Đảng từ Đại hội VIII đến nay tiếp tục khẳng định sự kiên định, kiên trì thực hiện đường lối đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới không ngừng được bổ sung và phát triển. Ðảng Cộng sản Việt Nam từng bước hoàn thiện và cụ thể hóa toàn diện các định hướng đổi mới, phát triển, xác định rõ trọng tâm trong từng giai đoạn. Ban Chấp hành Trung ương Ðảng các khóa đã ban hành nhiều nghị quyết về những vấn đề quan trọng; lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách và giải pháp quản lý, quản trị phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Để đổi mới thành công, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và xã hội được chú trọng, triển khai đồng bộ. Trong đó, Đảng không chỉ xác định rõ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ… mà còn đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Những kết quả cụ thể, tích cực đạt được trong công tác xây dựng Đảng, nhất là nhiệm kỳ Đại hội XII không chỉ được nhân dân đồng tình, ủng hộ mà còn góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Cùng với đó, việc đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội gắn với phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ công dân đã tạo động lực cho quá trình đổi mới, góp phần bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đồng thời, Đảng tập trung đổi mới kinh tế, kết hợp đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, từng bước đổi mới chính trị thận trọng, vững chắc để giữ vững và ổn định chính trị. Quá trình đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình, trọng tâm là xây dựng, phát triển và “tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng thành công và vận hành đồng bộ, thông suốt nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần huy động và phân bổ, sử dụng có hiệu quả nhất mọi nguồn lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đã mang lại kết quả khả quan.

2. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá; nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm.

Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2019 tăng trưởng ấn tượng ở mức 7,02%, bất chấp sự giảm tốc của nền kinh tế thế giới. Tăng trưởng cao, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát ở mức thấp, nợ công giảm, kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 517 tỷ USD, doanh nghiệp thành lập mới đạt mức kỷ lục, môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện. Tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển theo chiều sâu, tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 46,11%, bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt gần 2.800 USD...

Cùng với phát triển kinh tế, Đảng xác định phát triển con người, văn hóa, xã hội là nhiệm vụ và mục tiêu định hướng quan trọng. Trong đó, coi xây dựng hệ giá trị Việt Nam đặc trưng trong giai đoạn mới phù hợp yêu cầu của bối cảnh toàn cầu hóa; tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; coi phát triển giáo dục và đào tạo cùng với khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng chính sách phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bên cạnh đó, dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Ðại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang đạt được một số kết quả tích cực. Số lượng đảng viên không ngừng gia tăng. Từ Đại hội lần thứ I (1935) Đảng ta có khoảng 500 đảng viên, đến Đại hội lần thứ XII (2016) Đảng ta có hơn 4,5 triệu đảng viên. Nhiều đảng viên đã để lại tấm gương tốt, thể hiện tinh thần tiền phong, gương mẫu trong nhiều lĩnh vực.

Không chỉ vậy, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã triển khai, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi. Cùng với đó, đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân góp phần quan trọng để thế giới hiểu hơn về Việt Nam, chia sẻ những giá trị và quan điểm của Việt Nam, tăng thêm cơ hội để bảo đảm chính sách ngoại giao độc lập, giữ vững chủ quyền và lợi ích quốc gia; góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới...

Những thành tựu nổi bật này không chỉ khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo mà còn tạo nền tảng, tiền đề quan trọng để Đảng lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiếp tục đổi mới và phát triển đất nước trong hành trình hướng đến tương lai.

(Còn nữa)

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/956319/bai-9-kien-dinh-muc-tieu-xa-hoi-chu-nghia