Bài 6: Đổi mới tư duy về kinh tế thị trường và bài học cho hôm nay

Cùng với nỗ lực khôi phục kinh tế sau chiến tranh, từ Đại hội lần thứ VIII (1980) đến Đại hội lần thứ X Đảng bộ thành phố Hà Nội (tháng 10-1986) là khoảng thời gian mà Đảng bộ và nhân dân Thủ đô vượt qua nhiều thử thách cam go, tiếp tục cùng cả nước trăn trở tìm đường phát triển. Đây đồng thời cũng là quá trình đổi mới tư duy của Đảng bộ thành phố về xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trước khi Đảng ta quyết định thực hiện đổi mới trên toàn quốc.

1. Quán triệt quan điểm "cho sản xuất bung ra" từ Hội nghị Trung ương 6 (khóa IV) năm 1979 của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã kiên trì chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Nhờ sự năng động, sáng tạo từ cơ sở, từ năm 1982 trở đi, nền công nghiệp Hà Nội bắt đầu có chiều hướng đi lên. Trong việc thử nghiệm, tìm tòi theo hướng kinh tế thị trường, đã xuất hiện những nhân tố mới như: Điện cơ Thống Nhất, X40, In Tiến bộ, Giày da Hà Nội...

Với sản xuất nông nghiệp, việc tìm tòi cơ chế khoán, thừa nhận kinh tế hộ như một động lực mới đã có nhiều mô hình hay. Trước khi có Chỉ thị 100-CT/TƯ ngày 13-1-1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa V), trên thực tiễn ở tỉnh Hà Sơn Bình đã có Hợp tác xã Kim Thư (huyện Thanh Oai), Hợp tác xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa) “khoán chui” từng phần cho xã viên. Ở Hà Nội, chỉ sau 6 ngày có Chỉ thị 100-CT/TƯ, ngày 19-1-1981, Thường vụ Thành ủy đã họp bàn các biện pháp thực hiện sáng tạo văn bản của Trung ương. Trước đó, Hà Nội đã thực hiện chế độ “3 khoán” (khoán chi phí sản xuất, khoán công điểm, khoán sản lượng) trong nông nghiệp, nhưng là khoán chung đến đội sản xuất. Nay theo Chỉ thị 100-CT/TƯ, Hà Nội khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động nhằm phát huy quyền làm chủ và tính tích cực trong sản xuất của mỗi người, mỗi gia đình; khuyến khích hơn nữa lợi ích thiết thực của người lao động, làm cho người lao động thực sự gắn bó với sản phẩm cuối cùng.

Được tiếp thêm sức mạnh với Nghị quyết 08-NQ/TƯ ngày 21-1-1983 của Bộ Chính trị (khóa V) về công tác của Thủ đô Hà Nội, Thành ủy đã ra Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 21-11-1983, tập trung giải quyết "Một số vấn đề cấp bách về phân phối lưu thông”. Với Nghị quyết 04-NQ/TU, thành phố đã từng bước xóa bỏ "ngăn sông cấm chợ'', tháo gỡ ách tắc trong phân phối lưu thông.

Cũng cần phải nói thêm, qua những năm Hà Nội trăn trở cùng cả nước tìm tòi chuyển sang kinh tế thị trường đã phải trải qua những lực cản không nhỏ. Đại hội đại biểu lần thứ IX Đảng bộ thành phố Hà Nội (vòng 1 từ ngày 11 đến 16-1-1982; vòng 2 từ ngày 11 đến 16-6-1983) vẫn chủ trương cải tạo, củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất, lập lại trật tự kinh tế - xã hội, nhất là trên mặt trận phân phối lưu thông… Bên cạnh những quan niệm cũ, có một xu hướng ngày càng mạnh lên là muốn có cách giải quyết mạnh mẽ; thừa nhận sản xuất hàng hóa và những quy luật của sản xuất hàng hóa phải được xem như là bước đột phá trong nhận thức về chủ nghĩa xã hội lúc bấy giờ.

Sau khi làm thí điểm ở huyện Mê Linh, ngày 27-6-1985, Thành ủy ra Nghị quyết 16-NQ/TU quyết định từ 1-8-1985 chấm dứt việc bán theo giá cung cấp, thực hiện chuyển lương hiện vật thành tiền theo giá kinh doanh thương nghiệp đối với 10 mặt hàng tiêu chuẩn theo định lượng: Gạo, thịt, đường, nước chấm, cá, mì chính, đậu phụ, chất đốt, xà phòng, vải. Tuy nhiên, nhìn tổng quát, tình hình kinh tế - xã hội Hà Nội giai đoạn này vẫn chưa ổn định, lún sâu vào khủng hoảng, đời sống nhân dân tiếp tục gặp khó khăn.

Thực tiễn cuộc sống và quyết tâm chuyển sang kinh tế thị trường đã được phản ánh trong Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ X Đảng bộ thành phố. Chỉ tính riêng ở đại hội Đảng các cấp đã có trên 8 vạn ý kiến đóng góp vào dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ X Đảng bộ thành phố và trên 10 vạn ý kiến đóng góp vào văn bản tóm tắt dự thảo văn kiện Đại hội VI của Trung ương.

Một luồng gió đổi mới từ thời cuộc đã tạo nguồn sinh lực mới trong đời sống chính trị ở Thủ đô. Thực tiễn khắc nghiệt những năm đầu thập kỷ 8 của thế kỷ XX với những khó khăn, thách thức nhiều mặt; những trăn trở, tìm tòi, thành công và thất bại… đã tạo tiền đề để Đảng bộ và nhân dân Hà Nội góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân tiến tới bước ngoặt quyết định tại Đại hội lần thứ X Đảng bộ thành phố (tháng 10-1986) đóng góp quan trọng vào Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986). Theo đó, Đảng ta xác định rõ đường lối đổi mới với nội dung cốt lõi là: “Đổi mới cách nghĩ, cách làm (đổi mới tư duy nhất là tư duy kinh tế, đổi mới phong cách làm việc); đổi mới tổ chức và cán bộ nhằm thực hiện quyết tâm chiến lược xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang phát triển kinh tế nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

2. Việc Đảng bộ thành phố Hà Nội trăn trở cùng cả nước đổi mới tư duy tìm đường xây dựng, hình thành và phát triển kinh tế thị trường đã để lại nhiều kinh nghiệm quý cho hôm nay. Trong đó, nổi trội lên là kinh nghiệm phải xuất phát từ hoạt động thực tiễn rộng lớn của nhân dân, vì nhân dân; từ thực tiễn cuộc sống mà tìm tòi nhận thức, hiểu biết, khám phá và sáng tạo. Trong lúc đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội, từ trong thực tiễn đã xuất hiện ở nhiều nơi tìm cách "vượt rào", đã có một số đồng chí lãnh đạo với tư duy nhạy cảm, với cái đức và cái tâm vì dân, với một tầm nhìn xa trông rộng, đã dũng cảm "nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng bản chất sự thật", nêu tấm gương tiên phong cùng nhân dân tìm đường đổi mới.

Lý luận đổi mới thực chất là biết tổng kết, khái quát từ sự "mách bảo" của thực tiễn đổi mới. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã cung cấp cho chúng ta thế giới quan và phương pháp luận khoa học, những giá trị cốt lõi; song những vấn đề cụ thể của đổi mới do điều kiện lịch sử của thời Mác - Ănghen, Lênin, Hồ Chí Minh về cơ bản chưa xuất hiện. Đảng Cộng sản Việt Nam phải căn cứ vào tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận, bởi đây là sự nghiệp "chưa từng có trong tiền đề lịch sử". Bản chất và linh hồn sống của học thuyết Mác là biết phân tích vấn đề cụ thể trong bối cảnh cụ thể để rút ra những kết luận cụ thể.

Nếu không có sự dũng cảm, không có cái tâm, vì dân, vì nước cùng với sự tỉnh táo và tinh thần trách nhiệm cao, chắc chắn không dám đột phá vào kinh tế thị trường, từ bỏ cơ chế bao cấp (quan liêu) sang cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; không dám chấp nhận hiện tượng bóc lột, làm thuê, quan hệ tư bản, đảng viên được làm kinh tế tư nhân (có điều kiện)… Kinh nghiệm ấy hôm nay vẫn đang giữ nguyên giá trị khi chúng ta đứng trước tình hình mới của thế giới và trong nước. Kinh nghiệm này, nhắc nhở chúng ta khi nghiên cứu tổng kết thực tiễn cần chú ý:

Một là, tổ chức nghiên cứu và tổng kết thực tiễn không phải là mô tả tình hình, kiểm điểm liệt kê những ưu điểm, khuyết điểm; cũng không phải đưa ra những đánh giá chung chung hay những kết luận đơn giản về những hiện tượng đã và đang diễn ra. Tổng kết thực tiễn là xuyên qua tình hình, các sự kiện, hiện tượng biết phát hiện ra, đúc rút được những vấn đề cốt lõi, chỉ ra được bản chất và quy luật vận động của thực tiễn, từ đó đề xuất được những giải pháp, biện pháp đúng đắn để thúc đẩy và phát triển thực tiễn theo hướng phục vụ đắc lực cho cuộc sống của con người.

Hai là, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ khi tổ chức nghiên cứu và tổng kết thực tiễn xây dựng Nghị quyết không thể đi theo lối mòn, dựa vào những kết luận đã có trong sách vở để phân tích và chứng minh theo kiểu kinh nghiệm, ít đưa ra được những cái mới, đáp ứng những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Kinh nghiệm những năm qua cho thấy, chính thực tiễn đổi mới "mách bảo" cho tư duy đổi mới và lý luận đổi mới. Nếu cứ đi theo đường mòn, dựa vào những kết luận đã có sẵn trong sách vở thì khó đưa ra được những kết luận mới, cụ thể từ sự phát triển của thực tiễn.

Ba là, lý luận mới được khái quát từ chính sự phát triển của thực tiễn, do vậy, không định kiến với những ý kiến tìm tòi có thể trái với tư duy và các kết luận hiện hành. Ý kiến của thiểu số, của cá nhân phải được coi trọng, xem xét nghiêm túc. Tất nhiên mọi ý kiến, mọi tranh luận phải từ động cơ trong sáng, tinh thần xây dựng. Phải lấy thực tiễn đổi mới để kiểm nghiệm các ý kiến đúng, sai.

Bốn là, phải xây dựng được một hệ thống phương pháp khoa học, thiết thực, có tính khả thi của việc tổ chức nghiên cứu và tổng kết thực tiễn. Làm như vậy, mới tránh được đi nghiên cứu và tổng kết thực tiễn mà có khi lại lâm vào tình trạng lúng túng, tiến hành mò mẫm, tốn công sức, hiệu quả thấp do thiếu phương pháp khoa học. Đồng thời, tiến hành tổng kết thực tiễn về vấn đề gì phải có chương trình, kế hoạch, bước đi cụ thể. Phải có kế hoạch kinh phí, phương tiện, điều kiện tương ứng bảo đảm cho nội dung chương trình tổng kết được thực hiện.

Thiết nghĩ, những bài học kinh nghiệm này vẫn có giá trị thực tiễn khi cả hệ thống chính trị Thủ đô đang tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025.

(Còn nữa)

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/960377/bai-6-doi-moi-tu-duy-ve-kinh-te-thi-truong-va-bai-hoc-cho-hom-nay