Bài 6: Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu

Những năm qua, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của nước ta đạt được những kết quả tích cực, song cũng vẫn còn những hạn chế, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân. Vì thế, các văn kiện Đại hội XIII dành nhiều quan tâm về vấn đề này và có những điểm mới so với Đại hội XII, đặc biệt là việc chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu trong tình hình mới.

Phát triển điện gió để xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Trong ảnh: Cánh đồng điện gió ở tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nguyệt Nhi

Nhiều điểm mới trong chỉ tiêu về môi trường

Các chỉ tiêu về môi trường được xác định trong các văn kiện Đại hội XIII nhiều hơn, yêu cầu cao hơn. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra 5 chỉ tiêu về môi trường của nước ta trong thời kỳ 5 năm (2021-2025), đến năm 2025: Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị 95-100%, của dân cư nông thôn 93-95%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 92%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%.

Trong khi đó, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) cũng đề ra 5 chỉ tiêu về môi trường: Tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính; 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3-5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.

Báo cáo chính trị Đại hội XIII đã đề ra 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trong đó định hướng thứ 6 về lĩnh vực bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu có nhiều nội dung mới, cụ thể, thể hiện quyết tâm cao. Đó là: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Báo cáo chính trị Đại hội XIII cũng đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm. Do tầm quan trọng và ý nghĩa cấp thiết của vấn đề quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nội dung này được xác định là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện. Đó là nhiệm vụ trọng tâm thứ 6: “Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu

Bên cạnh nhiệm vụ đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế, hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, Báo cáo chính trị Đại hội XIII đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực biến đổi khí hậu, nên đã đề ra nhiều chủ trương, nhiệm vụ cụ thể hơn, đầy đủ, toàn diện hơn để chủ động ứng phó có hiệu quả.

Cụ thể là các nhiệm vụ: “Nâng cao năng lực nghiên cứu, giám sát biến đổi khí hậu, dự báo khí tượng, thủy văn và cảnh báo thiên tai; năng lực chủ động phòng, tránh, giảm nhẹ, năng lực chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng hệ thống và cơ chế giám sát biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo thiên tai. Huy động, ưu tiên các nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình để thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, tránh, hạn chế, giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu gây ra”.

Trong khi đó, Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) yêu cầu: “Chủ động giám sát, ứng phó có hiệu quả với biển đổi khí hậu; phát triển nền kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các bon thấp. Tăng cường chia sẻ thông tin, minh bạch, xây dựng cơ chế liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu, xây dựng phương pháp, quy trình dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần, biển đối khí hậu, nước biển dâng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, xâm nhập mặn, lún sụt, sạt lở bờ sông, bờ biển ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, ven biển miền Trung; lũ ống, lũ quét, sạt lở ở các khu vực trung du, miền núi…”.

Báo cáo chính trị Đại hội XIII cũng đề ra các nhiệm vụ: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, huy động sự tham gia của toàn dân vào công tác khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp nghiên cứu, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện các cam kết quốc tế, góp phần cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu, đi tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương…

(Còn nữa)

(Bài viết có sử dụng tư liệu cuốn “Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng” do Hội đồng Lý luận Trung ương biên soạn).

Phùng Thị Ngọc Loan

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/997205/bai-6-chu-dong-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau