Bài 5: Vai trò của VKSND góp phần vào công cuộc xây dựng miền Bắc

Để ngành kiểm sát nhân dân làm tốt nhiệm vụ và chức năng của mình, Bộ Chính trị quyết định: Ngành kiểm sát nhân dân có trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan nhà nước theo đúng Luật Tổ chức VKSND đã quy định, nhằm làm cho luật pháp được thực hiện thống nhất trong cả nước.

Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc về vai trò của VKSND góp phần vào công cuộc xây dựng miền Bắc trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1964).

Bảo đảm cho pháp chế xã hội chủ nghĩa được giữ vững là điều cần thiết để tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đến toàn thắng. Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng cũng đã nhấn mạnh: Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm mọi quyền lợi của nhân dân, không ngừng mở rộng dân chủ, thi hành đúng Hiến pháp và các luật lệ đã ban hành, xây dựng pháp chế xã hội chủ nghĩa và giáo dục mọi người tôn trọng pháp luật; phát huy tinh thần làm chủ, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa của nhân dân.

Hiện nay, trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân ta còn thấp. Trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên ta, còn có người chưa thấy đầy đủ tác dụng của pháp luật, nhất là đối với việc đẩy mạnh và bảo vệ sản xuất, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, đối với việc nâng cao trình độ tổ chức và quản lý sản xuất và cải thiện đời sống cho nhân dân. Do đó, hiện tượng, hành động trái pháp luật, vi phạm chế độ, thể lệ còn xảy ra nhiều.

Để phát huy hiệu lực của các cơ quan pháp luật, bảo đảm tăng cường chuyên chính với bọn phản cách mạng, đồng thời tăng cường dân chủ và kỷ luật trong nội bộ nhân dân, Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã nêu rõ: “Phải kiện toàn cơ quan công an nhân dân, tòa án nhân dân, cơ quan kiểm sát nhân dân, giáo dục nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng”. Điều 2 của Điều lệ Đảng nói về nhiệm vụ của đảng viên cũng đã ghi rõ: Đảng viên phải “gương mẫu chấp hành pháp luật của Nhà nước”.

Từ ngày thành lập đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành kiểm sát nhân dân được ổn định dần về mặt tổ chức, bắt đầu phát huy được tác dụng trong công cuộc đấu tranh chống bọn phản cách mạng và các bọn phạm tội khác, trong việc ngăn ngừa những hành động vi phạm pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân. Công tác kiểm sát đã hướng vào việc thực hiện nhiệm vụ trung tâm của Đảng và Nhà nước, đã giúp các cấp ủy đảng phát hiện và ngăn chặn được một số việc làm không đúng với chính sách và pháp luật.

Đồng chí Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thăm và làm việc tại VKSND tối cao, ngày 22/5/2009. (Ảnh: Tư liệu)

Đồng chí Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thăm và làm việc tại VKSND tối cao, ngày 22/5/2009. (Ảnh: Tư liệu)

Tuy nhiên, đây là một công tác rất mới; trình độ nghiệp vụ của cán bộ kiểm sát còn thấp, kinh nghiệm công tác còn ít, tổ chức của ngành kiểm sát nhân dân đến nay vẫn chưa được kiện toàn. Cụ thể là, vẫn còn 11 huyện và thị xã chưa thành lập được VKSND; các VKSND tỉnh thuộc Khu tự trị Tây Bắc còn thiếu cán bộ phụ trách. Một số vấn đề về quan hệ công tác giữa VKSND với các cơ quan nhà nước khác chưa được quy định một cách cụ thể. Sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác kiểm sát chưa được chặt chẽ. Do đó, vẫn chưa phát huy được mạnh mẽ chức năng của ngành kiểm sát nhân dân trong việc phục vụ chế độ, phục vụ nhân dân.

Để ngành kiểm sát nhân dân làm tốt nhiệm vụ và chức năng của mình, Bộ Chính trị quyết định như sau:

1. Ngành kiểm sát nhân dân có trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan nhà nước theo đúng Luật Tổ chức VKSND đã quy định, nhằm làm cho luật pháp được thực hiện thống nhất trong cả nước.

Để phù hợp với khả năng của VKSND và bảo đảm cho công tác kiểm sát phát huy hiệu lực, việc kiểm sát các văn bản có tính chất pháp quy cũng như việc kiểm tra tình hình tuân theo pháp luật cần tập trung phục vụ tốt các công tác trung tâm của Đảng và Nhà nước trong từng thời gian, tránh tràn lan. Phải kết hợp kiểm sát các văn bản và biện pháp có tính chất luật pháp của các cơ quan với việc xem xét kết quả của việc thi hành những văn bản và biện pháp đó trong nhân dân để kịp thời phát hiện những vi phạm pháp luật của cán bộ, nhân dân và đề ra yêu cầu sửa chữa.

2. Để kịp thời trấn áp bọn phản cách mạng và đấu tranh chống bọn tội phạm hình sự một cách có hiệu quả, cần có sự cộng tác chặt chẽ giữa ba ngành công an, kiểm sát và tòa án. Các đảng đoàn các ngành nêu trên phải cùng nhau thỏa thuận để quy định quan hệ công tác nhằm bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ và sự nhất trí trong việc giải quyết các trường hợp cụ thể, bảo đảm thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng.

3. Để cho VKSND thực hiện được chức năng của mình, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp các văn bản và các tài liệu cần thiết theo yêu cầu của VKSND, đồng thời trả lời nghiêm chỉnh và đúng thời hạn đã được quy định những kháng nghị và kiến nghị do VKSND gửi đến. Đảng đoàn Chính phủ cần đề nghị với Chính phủ quy định cụ thể về vấn đề này và chỉ thị cho các bộ, các cấp và các ngành chấp hành đúng.

4. Để tăng cường ngành kiểm sát nhân dân và công tác kiểm sát, cần tổ chức ngạch kiểm sát viên và quy định trách nhiệm, quyền hạn của kiểm sát viên về mặt pháp lý. Các cấp ủy đảng cần chú trọng bổ sung cán bộ cho ngành kiểm sát nhân dân ở những nơi ngành này còn yếu.

Kiểm sát viên được dùng loại chứng minh thư riêng, trong đó có ghi rõ trách nhiệm, quyền hạn và tư cách pháp nhân để tiện việc sử dụng trong khi thi hành chức năng của mình. VKSND tối cao sẽ nghiên cứu cụ thể chế độ kiểm sát viên để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

5. Công tác kiểm sát trong quân đội do cơ quan kiểm sát quân sự các cấp đảm nhiệm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương. Về mặt chuyên môn, hệ thống viện kiểm sát quân sự chịu sự lãnh đạo về nghiệp vụ của Viện trưởng VKSND tối cao. Để tăng cường sự lãnh đạo công tác kiểm sát và thống nhất kiểm sát việc chấp hành pháp luật trong và ngoài quân đội, Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Trung ương đồng thời giữ chức Phó Viện trưởng VKSND tối cao.

6. Về mặt chuyên môn, ngành kiểm sát nhân dân tổ chức theo hệ thống dọc từ Trung ương đến huyện, và đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất và tập trung của các cấp ủy đảng. Các cấp ủy đảng phải tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác kiểm sát và phải có kế hoạch giáo dục và bồi dưỡng cán bộ kiểm sát, định kỳ nghe báo cáo và cho chỉ thị về công tác kiểm sát nhằm bảo đảm chấp hành đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong ngành kiểm sát.

Song, để bảo đảm sự kết hợp chặt chẽ giữa tính nguyên tắc và tính thống nhất của pháp luật với yêu cầu chính trị cụ thể của địa phương, gặp trường hợp cấp ủy đảng và ủy ban kiểm sát bất đồng ý kiến về một vấn đề gì đó, thì hai bên cùng báo cáo lên cấp trên của mình. Ủy ban kiểm sát ở cấp trên sẽ nghiên cứu vấn đề và trình bày với cấp ủy cùng cấp xét và quyết định, rồi mỗi bên đều thông tri cho cấp dưới của mình. Trong trường hợp cần phải giải quyết ngay, không thể trì hoãn thì sẽ do cấp ủy địa phương có vấn đề bất đồng ý kiến quyết định và chịu trách nhiệm, nhưng sau đó phải báo cáo ngay lên cấp ủy cấp trên để xét định.

Ban Bí thư, Đảng đoàn VKSND tối cao, Đảng đoàn Bộ Công an, Đảng đoàn Tòa án nhân dân tối cao, Đảng đoàn Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Quân ủy Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, đảng đoàn các ngành có liên quan và các cấp ủy địa phương có trách nhiệm nghiên cứu để thi hành Nghị quyết này.

Ngày 7/2/1963, Đảng đoàn VKSND tối cao sao gửi Nghị quyết đến tất cả các đơn vị trong toàn ngành để nghiên cứu, học tập. Đây là Nghị quyết hết sức quan trọng, là “bó đuốc” soi đường cho toàn ngành kiểm sát, tạo mọi điều kiện thuận lợi về chính trị, tư tưởng và tổ chức để ngành kiểm sát nhân dân thực hiện tốt Luật Tổ chức VKSND. Một số viện kiểm sát địa phương đã tham mưu cho tỉnh ủy, căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, ra nghị quyết cụ thể hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ra Thông tư số 09-TTg quy định về quan hệ công tác giữa VKSND các cấp với các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ và cơ quan nhà nước địa phương.

Thông tư yêu cầu các cơ quan và các tổ chức của Nhà nước, các cán bộ, công nhân, viên chức phải gương mẫu trong việc nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, phối hợp chặt chẽ với VKSND để kịp thời phát hiện mọi hiện tượng phạm pháp, nhanh chóng sửa chữa những sai sót đã xảy ra, tích cực ngăn ngừa những sai sót về sau, giữ vững pháp chế dân chủ nhân dân. Thông tư tạo điều kiện cho VKSND các cấp tổ chức thực hiện công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội.

(Còn tiếp).

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/bai-5-vai-tro-cua-vksnd-gop-phan-vao-cong-cuoc-xay-dung-mien-bac-84349.html