Bài 5: Từ 'Thành phố Vì hòa bình' đến 'Thành phố Sáng tạo'

Nhân kỷ niệm 20 năm Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) trao danh hiệu 'Thành phố Vì hòa bình', phóng viên HNMO có cuộc trò chuyện với Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Michael Croft, về giải thưởng cao quý này cũng như ý nghĩa của danh hiệu đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Ông Michael Croft Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam. (Ảnh: UNESCO)

- Thưa ông, cách đây 20 năm (1999), cùng với Hà Nội, hơn 70 thành phố và thủ đô các nước trên thế giới, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 11 thành phố ứng cử, lý do nào UNESCO chọn Thủ đô của Việt Nam để trao danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”?

- Ông Michael Croft: Sáng kiến trao Giải thưởng “Thành phố Vì hòa bình” của UNESCO nhằm tôn vinh các thành phố đã có những hành động đẩy mạnh tình đoàn kết trong toàn xã hội, cải thiện đời sống của người dân và xây dựng môi trường đô thị hòa bình. Xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở các tiêu chí cần có, giải thưởng đã được trao cho các thành phố có những nỗ lực to lớn trong thực tế, trong số này có Thủ đô Hà Nội. Hà Nội thời điểm đó đã cho thấy một sự phát triển, vươn lên mạnh mẽ, các chính sách đều hướng tới người dân.

- Như đã biết, để được trao danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”, nơi được chọn phải đáp ứng hàng loạt tiêu chí quan trọng về nỗ lực cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy đoàn kết xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, môi trường sinh thái… Trên thế giới, có bao nhiêu nơi đáp ứng được các tiêu chí đó và được trao danh hiệu cao quý này thưa ông?

- Ông Michael Croft: UNESCO đã xem xét, quyết định trao danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” cho 5 thành phố đại diện cho các châu lục và khu vực, cụ thể là: Zuk Mikael của Lebanon (khu vực Trung Đông – Arab); Timbuktu của Mali (châu Phi); Quito của Ecuador (khu vực Mỹ la tinh và Caribean), Delft của Hà Lan (châu Âu) và Hà Nội của Việt Nam. Thủ đô Hà Nội là thành phố duy nhất của châu Á – Thái Bình Dương được nhận danh hiệu này.

Danh hiệu "Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình" là niềm tự hào, là động lực thúc đẩy Thủ đô phát triển. (Ảnh: Thương Nguyệt)

- Thưa ông, danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển tại các thành phố nói trên? Với tư cách Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam và với hiểu biết của mình về Hà Nội, ông nghĩ tác động đó đã được thể hiện như thế nào trong 20 năm qua?

- Ông Michael Croft:Mỗi thành phố sẽ có câu trả lời riêng về vấn đề này. Đối với con người và đất nước Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, xét trên nhiều khía cạnh khác nhau, tôi cho rằng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” góp phần nâng cao giá trị hình ảnh của thành phố trong con mắt bạn bè thế giới, góp phần thúc đẩy Thủ đô Hà Nội tích cực, chủ động hòa mình với khu vực và thế giới, đóng góp cho nền hòa bình nói chung.

Chúng tôi biết việc trao danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” cho thành phố Hà Nội gắn với bối cảnh cụ thể. Theo thời gian, nhiều thứ thay đổi và các thành phố cũng có sự đổi thay. Bởi vậy lúc này, 20 năm đã qua, câu hỏi đơn giản được đặt ra là các thành phố này đã bảo vệ danh hiệu như thế nào.

Hai mươi năm trước, bối cảnh phát triển ở Hà Nội không giống như hiện tại. Giờ đây, thành phố đã và đang đối mặt với những thách thức đến từ quá trình đô thị hóa và tốc độ gia tăng dân số như: Khả năng cung cấp dịch vụ xã hội, quản lý rác thải, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa...

Hà Nội đang nỗ lực giải quyết tốt các vấn đề về môi trường, đô thị. (Ảnh: Xuân Chính)

Thách thức lớn hơn trước rất nhiều, nhưng kết cấu xã hội đã giúp thành phố Hà Nội được trao danh hiệu này vào năm 1999 thì vẫn còn nguyên giá trị. Thành phố hiện đang chú trọng tới các giá trị liên quan tới chất lượng cuộc sống của người dân, đã và đang có những bước đi vững chắc để gìn giữ, bảo vệ cũng như phát huy truyền thống văn hóa của Thủ đô nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung...

- Khi trả lời báo chí, ông từng bày tỏ rất ấn tượng về sự thân thiện của người dân Hà Nội đối với du khách. Điều gì khiến ông đưa ra nhận xét này?

- Ông Michael Croft: Dù Hà Nội là Thủ đô có diện tích rộng lớn nhưng mỗi lần có dịp tản bộ trên những con phố của Hà Nội, tôi luôn cảm nhận được sự ấm áp và thân thiện, như thể mình đang bước đi trong một ngôi làng nào đó; sự giao tiếp giống như cái cách mà mọi người chào hỏi nhau ở làng quê, thân thiện và cởi mở.

Rõ ràng, người Hà Nội dành cho khách du lịch sự thân thiện thấy rõ. Mỗi thành phố có nét đặc trưng riêng về cảnh quan, thanh âm hay hương vị khác nhau, nhưng đến với Hà Nội, tôi cảm nhận được mối liên hệ gắn bó giữa người với người ở mức độ mạnh mẽ nhất, đáng nhớ nhất và đó là một điều rất đặc biệt trong tôi.

Hà Nội đang tạo được những giá trị văn hóa cởi mở, thân thiện ở những điểm đến công cộng. (Ảnh: Thương Nguyệt, Sungroup)

- Hà Nội không ngừng nỗ lực để trở thành “nơi đáng sống”, “điểm đến tin cậy”, nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trên đây, ông đã nói về thách thức từ quá trình đô thị hóa, sự gia tăng dân số. Liệu còn điều gì đó đáng quan tâm không, thưa ông?

- Ông Michael Croft: Tất cả chúng ta điều biết rằng tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng không chỉ mang đến cơ hội mà còn cả thách thức. Đô thị hóa luôn đi cùng với các vấn đề về quản lý rác thải, dịch vụ xã hội, giao thông, chất lượng không khí... và tất cả những vấn đề này sẽ gây áp lực lớn đối với công tác quy hoạch. Thành phố sẽ phải nỗ lực để tháo gỡ các thách thức nói trên. Đây cũng là câu chuyện thường gặp, là điều mà rất nhiều thành phố phải đối mặt trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng.

Tôi cho rằng, nguồn lực và công tác quy hoạch đô thị là các thành tố quan trọng, nhưng tầm nhìn mới chính là yếu tố thiết yếu mang tới thành công.

Tầm nhìn không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển của thành phố trong tương lai, mà còn phản ánh mối quan tâm và mong ước của người dân. Đó là điều có ý nghĩa quan trọng, bởi khi tất cả mọi người đều yêu mến, hài lòng về thành phố của mình và cùng chung một hướng nhìn về tương lai, họ sẽ phấn đấu hết mình vì thành phố. Cảm hứng đó sẽ lan tỏa rộng, giúp thu hút những nhân tài mới, dự án mới để làm giàu đẹp thêm cho Thủ đô Hà Nội.

Người dân và du khách đến với Hà Nội đang được thụ hưởng một môi trường sống tốt đẹp, nhân văn. (Ảnh: Đinh Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Chính, Nguyễn Ngọc Duy...)

- Hà Nội đã là điểm đến thân thiện, tin cậy. Theo ông, trong tương lai có cần thêm điều gì nữa?

- Ông Michael Croft:UNESCO hiểu được rằng, Đảng bộ, chính quyền và người dân Thủ đô Hà Nội tự hào về nền văn hiến, truyền thống văn hóa của mình và luôn hướng về tương lai. Cũng cần phải nói thêm rằng Hà Nội là một địa điểm đầy sức sống dành cho giới trẻ. Bởi vậy, UNESCO tin tưởng rằng Hà Nội có đầy đủ các yếu tố cần thiết để trở thành trung tâm của sự sáng tạo.

UNESCO mong muốn hợp tác cùng Hà Nội, không chỉ để gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hóa mà còn xây dựng những ngành công nghiệp mới. UNESCO tin rằng, đây chính là cách để vừa gìn giữ tốc độ phát triển một cách phù hợp, vừa thu hút nhân tài cho thành phố, vừa tạo việc làm cho thanh niên trẻ và xây dựng Hà Nội - "Thành phố Vì hòa bình" trở thành "Thành phố Sáng tạo".

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/940165/bai-5-tu-thanh-pho-vi-hoa-binh-den-thanh-pho-sang-tao