Bài 41. Kiện toàn VKS Quân sự các cấp, góp ý kiến sửa đổi Luật Tổ chức VKSND

Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc việc kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của Viện kiểm sát quân sự các cấp và công tác nghiên cứu, thảo luận, góp ý kiến sửa đổi Luật Tổ chức VKSND năm 1960 để phù hợp với yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới.

Viện kiểm sát quân sự các cấp kiện toàn tổ chức

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Viện trưởng VKSND tối cao, căn cứ vào Hiến pháp năm 1959 và Luật Tổ chức VKSND năm 1960 quy định về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát và vận dụng hình thức tổ chức của VKSND, từ năm 1976, Viện kiểm sát quân sự các cấp kiện toàn tổ chức, ngày 8/3/1977, Bộ Tổng tham mưu ra các quyết định (số 63/QĐ-TW, số 64/QĐ-TM) sửa đổi biên chế Viện kiểm sát quân sự Trung ương và Viện kiểm sát quân sự cấp thứ hai.

Theo tổ chức mới, VKSQS Trung ương biên chế 43 sĩ quan và 7 hạ sĩ quan chiến sĩ, bao gồm 1 Viện trưởng, 2 Phó Viện trưởng; Phòng Kiểm sát chung: 8 sĩ quan; Phòng Kiểm sát tố tụng hình sự: 10 sĩ quan; Phòng Công tố: 5 sĩ quan; Phòng Nghiên cứu pháp lý: 6 sĩ quan; Phòng Tổng hợp: 5 sĩ quan; Phòng Hành chính: 6 sĩ quan và 7 hạ sĩ quan chiến sĩ.

Các VKSQS Quân khu I, Quân khu III, Quân khu IV, Quân khu V, Quân khu IX, Quân chủng Phòng không, Quân khu VII, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật, quân số mỗi Viện 16 sĩ quan. Các Viện kiểm sát Tổng cục Xây dựng kinh tế, khu Trung ương, mỗi Viện 18 sĩ quan.

VKSQS khu Trung ương phụ trách Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Cục Tài vụ, Viện Khoa học quân sự, Viện Kỹ thuật quân sự; các Binh chủng pháo binh, thiết giáp, đặc công, hóa học, các học viện, nhà trường. VKSQS Quân khu V phụ trách Học viện Quân sự. VKSQS Quân khu VII phụ trách Trường Sĩ quan Lục quân 2.

Các VKSQS Quân đoàn 1, Quân đoàn 2, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4, mỗi Viện 10 sĩ quan. VKSQS Bộ Tư lệnh Thủ đô có 5 sĩ quan. Các Viện kiểm sát quân sự Bộ Tư lệnh Thông tin, Bộ Tư lệnh Công binh, mỗi Viện có 8 sĩ quan.

Cùng với việc kiện toàn tổ chức bộ máy, tình hình biên chế cán bộ từ năm 1976 đến năm 1981 tăng với số lượng vượt bậc so với những năm trước. Nếu như năm 1976, biên chế toàn Ngành là 4.340 người, đạt 85,1% so với chỉ tiêu đã phân bổ, trong đó có 1.384 Kiểm sát viên, gồm 47 ở VKSND tối cao, 371 ở Viện kiểm sát cấp tỉnh, 966 ở Viện kiểm sát cấp huyện, thì đến năm 1981, biên chế toàn Ngành là 5.400 người trên tổng số chỉ tiêu phân bổ 5.500 người (đạt 98%), nâng bình quân biên chế ở Viện kiểm sát cấp tỉnh, thành lên 48,8 người, cấp huyện lên 5,5 người.

 Khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VII, ngày 25/6/1981. (Ảnh: tư liệu)

Khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VII, ngày 25/6/1981. (Ảnh: tư liệu)

Tuy nhiên, công tác tổ chức cán bộ và bộ máy làm việc của ngành Kiểm sát còn hạn chế, bất cập, lực lượng Kiểm sát viên các cấp, nhất là cấp huyện ở các tỉnh, thành phố phía Nam còn quá mỏng. Bộ máy làm việc của Viện kiểm sát cấp tỉnh, thành phố chưa bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; chưa tiêu chuẩn hóa và chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ. Việc phân cấp quản lý cán bộ chưa thật rõ ràng.

Từ năm 1981, VKSND kiện toàn tổ chức theo Hiến pháp năm 1980 và Luật Tổ chức VKSND năm 1981.

Sửa Luật nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới

Để củng cố và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tình hình cả nước thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, từ năm 1976, VKSND tối cao tổ chức nghiên cứu, thảo luận, góp ý kiến sửa đổi Luật Tổ chức VKSND.

Luật Tổ chức VKSND ban hành năm 1960 đã tạo cơ sở kịp thời và cần thiết cho công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật; thúc đẩy công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị.

Trước yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới và sau một thời gian áp dụng trong thực tiễn, Luật Tổ chức VKSND năm 1960 đã bộc lộ một số thiếu sót và nhược điểm, cần được nghiên cứu, điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tế khách quan.

Về chức năng, nhiệm vụ của VKSND: Luật Tổ chức VKSND năm 1960 nêu chưa rõ vị trí, chức năng của Ngành trong việc tổ chức và đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, trong việc bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, khi sửa đổi, cần nêu rõ vấn đề này trong phần nguyên tắc chung, nhiệm vụ cụ thể và trong các khâu nghiệp vụ.

Về nhiệm vụ chính trị của công tác kiểm sát trong giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, nên bổ sung để làm rõ nhiệm vụ bảo vệ chế độ quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân và các quyền dân chủ của nhân dân.

Về phương châm, phương pháp công tác, cần thể hiện để làm rõ quan điểm quần chúng, dựa vào quần chúng để đấu tranh chống vi phạm và tội phạm.

Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ngành: Luật Tổ chức VKSND năm 1960 chưa thể hiện rõ nguyên tắc tổ chức theo chế độ thủ trưởng chế của Ngành, chưa nêu rõ tư cách pháp lý của Viện trưởng các cấp và Kiểm sát viên, nên trong hoạt động công tác kiểm sát còn mang nhiều tính chất hành chính.

Cần nghiên cứu về tổ chức và hoạt động của Ủy ban Kiểm sát để bảo đảm nguyên tắc thủ trưởng chế, nhưng đồng thời phát huy được trí tuệ tập thể. Cần nghiên cứu, sửa đổi chế độ bổ nhiệm Kiểm sát viên và Kiểm sát viên dự khuyết cho phù hợp với nguyên tắc tổ chức của Ngành.

Về tiêu chuẩn Kiểm sát viên các cấp trong điều kiện hiện tại, nên quy định như thế nào để thể hiện được trình độ chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ nghiệp vụ pháp lý và đề cao được trách nhiệm của Kiểm sát viên.

Về các mặt công tác nghiệp vụ: Công tác kiểm sát chung: Luật Tổ chức VKSND ban hành năm 1960 chưa thể hiện được chặt chẽ về quan hệ pháp lý giữa Viện kiểm sát với cơ quan Nhà nước. Vì vậy, cần quy định lại một số nguyên tắc có tính chất bắt buộc về mặt pháp lý trong luật. Cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước đối với kháng nghị và yêu cầu của Viện kiểm sát và thời hạn giải quyết.

Công tác kiểm sát điều tra: Trong lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm, để thực hiện chức năng giám sát của mình, ngành Kiểm sát được sử dụng quyền công tố Nhà nước. Đó là việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những kẻ phạm tội. Để thực hiện quyền này một cách đầy đủ và chính xác, Viện kiểm sát phải nắm được công tác điều tra của Công an, đòi hỏi việc điều tra phải được tiến hành một cách khách quan, thận trọng, đúng luật pháp bảo đảm có những chứng cứ đầy đủ, rõ ràng để việc xử lý tội phạm được thực hiện đúng phương châm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan, không lọt. Do đó, trong Luật Tổ chức VKSND mới cần phải xác định một cách cụ thể và rõ ràng vị trí, điều kiện của Viện kiểm sát đối với công tác điều tra.

Công tác kiểm sát xét xử: Một số nguyên tắc về quyền hạn Kiểm sát viên trong hội nghị trù bị, quyền đình chỉ thi hành vụ án bị kháng nghị, quyền của Kiểm sát viên đối với việc yêu cầu Tòa án cung cấp hồ sơ các vụ án hình sự, dân sự, quyền của Kiểm sát viên khi giữ quyền công tố trước Tòa án nên được ghi trong luật mới.

Công tác kiểm sát giam giữ: Cần thể hiện rõ hơn quyền hạn của Viện trưởng và Kiểm sát viên đối với việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong trại giam và trại cải tạo. Nên quy định quyền hạn của Viện kiểm sát trong việc duyệt tập trung cải tạo và trách nhiệm của Viện kiểm sát đối với những người đã hết hạn tù được tha về...

Những ý kiến đóng góp của VKSND các cấp được ghi nhận. Bản dự thảo Luật Tổ chức VKSND mới được trình Quốc hội.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/bai-41-kien-toan-vks-quan-su-cac-cap-gop-y-kien-sua-doi-luat-to-chuc-vksnd-86741.html