Bài 4: Ý đảng, lòng dân muôn năm bền chặt

Những năm gần đây, tinh thần xã hội như được thổi thêm một luồng sinh khí mới, tâm thế người dân trở nên phấn chấn hơn. Một trong những nguyên nhân tạo nên năng lượng tinh thần tích cực đó là Đảng ta đã bắt trúng mạch nguồn khát vọng, mong muốn dân tộc hùng cường của hơn 96 triệu người dân Việt.

“Đảng ta muôn vạn tấm lòng niềm tin”

Người ta vẫn thường nói, cái gì đi từ trái tim sẽ đến trái tim. Sở dĩ Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày ra đời đến nay luôn được đại đa số người dân tin tưởng bởi lẽ Đảng ta luôn thực hiện mục tiêu, lý tưởng nhất quán là đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc và mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Lợi ích của Đảng luôn gắn bó, hòa quyện và nằm trong lợi ích của các tầng lớp nhân dân, lợi ích của quốc gia, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”.

Sinh ra từ phong trào cách mạng giải phóng dân tộc và là con nòi ưu tú của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, dù trong thời chiến muôn vàn gian khó hay trong thời bình xây dựng đất nước phải đối mặt với không ít thách thức, nhưng nhờ kiên trì giữ vững bản chất cách mạng của một đảng cách mạng “tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”, Đảng ta luôn sát cánh, đồng hành với dân tộc, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ với nhân dân. Điều này được thể hiện rõ nét, sâu đậm trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Do gần dân, trọng dân, thương dân hết mực nên Đảng ta luôn được các tầng lớp nhân dân chở che, đùm bọc ở mọi lúc, mọi nơi. Tình cảm, sự yêu mến, kính trọng của nhân dân dành cho Đảng, như nhà thơ Tố Hữu từng lý giải, có cội nguồn sâu xa: “Đảng ta, con của phong trào/ Mẹ nghèo mang nặng khổ đau khôn cầm”, cho nên “Đảng ta, muôn vạn công nông/ Đảng ta, muôn vạn tấm lòng niềm tin”.

Niềm tin chỉ có giá trị khi nó xuất phát từ thực tiễn. Từ ngày thành lập Đảng đến nay, những bước ngoặt của cách mạng Việt Nam đã được đổi hướng, xoay chiều theo hướng tiến bộ đều có dấu ấn quyết định của Đảng. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 giành đỉnh cao thắng lợi huy hoàng, công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, bắt nguồn từ nhiều yếu tố tổng hợp, trong đó, vai trò mở đường, dẫn dắt, lãnh đạo của Đảng là nhân tố bảo đảm hàng đầu. Điều này đã được thực tiễn chứng minh, lịch sử kiểm chứng, nhân dân thừa nhận và đó cũng là lý do khẳng định vị thế chính danh cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội là khách quan, tất yếu, hợp lòng dân.

 Ảnh minh họa: qdnd.vn

Ảnh minh họa: qdnd.vn

Đảng tự vươn lên hoàn thiện mình, giành sự tin yêu của đồng bào

Công tâm mà nói, trong lịch sử 90 năm giữ vai trò lãnh đạo đất nước, không phải lúc nào Đảng cũng hoàn thiện, hoàn mỹ để thu phục được sự tin tưởng tuyệt đối, trọn vẹn của mọi người dân. Bởi có lúc, có thời điểm do cả khách quan và chủ quan, Đảng ta cũng mắc khuyết điểm, sai lầm và chưa tiên liệu được hết sự quanh co, phức tạp của thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Tuy nhiên, khi tình thế cách mạng, vận mệnh của dân tộc rơi vào tình thế khó khăn, phức tạp, Đảng ta đã sớm nhận thức rõ tình hình, kịp thời nhận thấy “gót chân Achilles” của mình để tìm ra biện pháp giải quyết phù hợp, hiệu quả, qua đó từng bước củng cố niềm tin trong nhân dân, lấy lại tâm thế và năng lượng tinh thần tích cực cho xã hội.

Còn nhớ vào những năm 80 của thế kỷ 20, đứng trước lằn ranh sinh-tử của chế độ, Đảng ta đã dũng cảm buông bỏ tư duy quan liêu bao cấp, kiên trì, kiên quyết khởi xướng và lãnh đạo toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, đưa cách mạng Việt Nam từng bước vượt qua mọi sóng gió của thời cuộc, không ngừng khôi phục, tạo dựng và nâng tầm vị thế, hình ảnh của một đất nước từng được bạn bè thế giới ngợi ca là “lương tri của thời đại”. Nhờ đó, chỉ số niềm tin của nhân dân tưởng chừng như đang “chạm đáy” dần được khôi phục và tiếp tục nhân lên theo khát vọng lý tưởng của Đảng soi sáng.

Sau hơn ba thập niên đổi mới, khi đời sống kinh tế-xã hội phát triển thì một trong 4 nguy cơ mà Đảng đã cảnh báo từ đầu năm 1994 là quốc nạn tham nhũng như một thứ ung nhọt làm xói mòn niềm tin nhân dân, trở thành một thách thức không nhỏ đối với vị thế cầm quyền của Đảng. Đứng trước bối cảnh xã hội mà chỉ số lòng dân ít nhiều chênh chao đối với thể chế chính trị, thêm một lần, Đảng lại dũng cảm tự đứng lên để gột rửa, chữa trị những mầm mống ung nhọt trong bộ máy công quyền. Một cuộc đại phẫu tìm ra căn nguyên của quốc nạn tham nhũng kinh tế, tham nhũng quyền lực đã được Đảng ta tiến hành công khai, kiên quyết, mạnh mẽ, triệt để.

Trước sự mong đợi và lòng dân đòi hỏi, trước yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, từ nhiệm kỳ Đại hội XI, đặc biệt là nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ta mạnh tay với việc chỉnh đốn Đảng gắn liền với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Cái mới, các khác của việc chỉnh đốn lần này làm từ trên xuống dưới, chấn chỉnh từ cán bộ cấp cao đến cán bộ cấp thấp, kiên quyết vạch mặt, chỉ tên và xử lý nghiêm minh những quan chức tham nhũng dù ở bất cứ cương vị nào. Con số hơn 70 cán bộ cao cấp, tướng lĩnh “dính chàm” bị xử lý kỷ luật trong hơn 3 năm qua là một tổn thất chưa từng thấy trong công tác cán bộ của Đảng, nhưng cũng là một thành tích rất đáng tự hào trong việc nỗ lực làm trong sạch nội bộ Đảng.

Từ hiệu quả rõ rệt trong đấu tranh phòng, chống quốc nạn tham nhũng thời gian qua, sức đề kháng của Đảng càng thêm mạnh mẽ, sung mãn hơn; nhờ đó, uy tín, thanh danh của Đảng được củng cố, lan tỏa trong xã hội và niềm tin của nhân dân vào Đảng đã luôn được bồi đắp, tăng cường.

Đảng truyền cảm hứng tích cực cho toàn xã hội

Không chỉ chú trọng tự gột rửa, chữa trị những mầm mống ung nhọt làm mọt ruỗng đạo đức, văn hóa chính trị của Đảng, Đảng ta còn biết khơi lên niềm cảm hứng, khát vọng cho mọi người dân về một đất nước Việt Nam thịnh vượng, hùng cường.

Thời gian gần đây, trong các buổi gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại, trò chuyện với các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta luôn nhắc đến dấu mốc 2030-kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và dấu mốc 2045-kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Đó là phấn đấu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng XHCN, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc. Để đạt được mục tiêu này, Đảng quyết tâm đổi mới khâu tổ chức thực hiện đường lối bảo đảm sát thực, khả thi hơn, trong đó đặc biệt coi trọng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ ở mọi ngành, mọi cấp, đặc biệt là cấp chiến lược. Vì cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững.

Chưa nhiệm kỳ nào mà công tác cán bộ được Đảng ta quan tâm như nhiệm kỳ Đại hội XII. Ngoài ban hành những văn bản, chỉ thị, nghị quyết nhằm chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, siết chặt kỷ cương, kỷ luật Đảng, Đảng ta đã có những việc làm thiết thực để chuẩn bị đội ngũ kế cận, kế tiếp đủ sức gánh vác sự nghiệp sơn hà xã tắc trong một thế giới đầy biến động và yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của nước nhà trong thời kỳ mới với nhiều thuận lợi, khó khăn cùng cơ hội, thách thức đan xen. Các cấp ủy đảng từ Trung ương đến địa phương đã tổ chức hàng chục lớp bồi dưỡng kiến thức cho cấp ủy viên đương nhiệm và cán bộ quy hoạch cấp ủy viên nhiệm kỳ tới, trong đó đặc biệt quan tâm đến cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII của Đảng. Thông qua các lớp bồi dưỡng này nhằm trang bị, cập nhật những kiến mức mới về lý luận, thực tiễn cho đội ngũ cán bộ cốt cán; nâng cao tầm nhìn, tư duy, kỹ năng, phong cách, phương pháp và năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu mới của đất nước trong bối cảnh quốc tế hội nhập sâu rộng.

Trí tuệ, năng lực, sức sống của Đảng trước hết phụ thuộc vào trí tuệ, năng lực, phẩm chất chính trị và đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Do đó, việc Đảng ta kết hợp tăng cường chấn chỉnh, siết chặt đội ngũ đi đôi với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính là bảo đảm cho nhiệm vụ “then chốt của then chốt” ngày càng chắc chắn, vững vàng. Khi xây dựng được một đội ngũ cán bộ đủ tầm, tâm, tài, uy tín, Đảng đã thiết thực chăm lo xây dựng ngọn cờ tập hợp, lôi cuốn quần chúng vững bước đi theo mục tiêu, lý tưởng và thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của Đảng đã đề ra.

Đảng thắp sáng niềm tin cho các tầng lớp nhân dân

Niềm tin là một tình cảm tự nhiên, thể hiện những điều xác tín thiêng liêng của con người vào những điều tốt đẹp. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Vì vậy, tiếp tục chăm lo xây dựng, tăng cường niềm tin cho mọi tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng là một trong những nhân tố sống còn đối với Đảng hiện nay.

Nếu như trong kháng chiến, cả nước cùng chung một sứ mệnh là đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, quân-dân hừng hực khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” thì thời nay, trước sự biến đổi nhanh chóng, sâu sắc về cơ cấu giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội, việc khơi nguồn, kiến tạo niềm tin cho nhân dân cùng gánh vác mục tiêu chung của Đảng và dân tộc không phải chuyện đơn giản.

Đất nước ta chưa bao giờ có được vị thế, cơ đồ, triển vọng như ngày nay. Nhưng chúng ta cũng đang phải đối mặt với không ít mâu thuẫn. Đó là yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng ngày càng cao, nhưng ý thức, tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, trách nhiệm chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế, thậm chí có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đảng đặt ra mục tiêu thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nhưng nguy cơ phân tầng giai cấp, mâu thuẫn lợi ích giữa tầng lớp trong xã hội và khoảng cách giàu-nghèo đang có chiều hướng gia tăng. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xã hội thông tin bùng nổ, cơ cấu nghề nghiệp trong xã hội có sự biến đổi phức tạp… cũng đặt ra thách thức mới về phương thức lãnh đạo của Đảng và lề lối, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Phải nhận thức thấu đáo những vấn đề đó để chúng ta tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chủ trương, đường lối, quyết sách lãnh đạo, quản lý đất nước phù hợp với sự thay đổi mau lẹ của thời cuộc; đáp ứng sự trông mong, chờ đợi và những đòi hỏi chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Muốn vậy, Đảng ta cần trở lại những nguyên lý bất biến mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra: Phải lấy dân làm gốc, toàn tâm toàn ý nuôi dưỡng sức dân; việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh; mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; phải quan tâm xây dựng Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và thể hiện rõ vai trò, bổn phận là người công bộc tận tụy, người đày tớ thật trung thành của nhân dân.

Lòng dân là quốc bảo. Có lòng dân là có tất cả. Mất lòng dân là mất hết. Điều này hầu như cán bộ, đảng viên nào cũng thuộc nằm lòng, nhưng vấn đề là ở chỗ: Nói bao giờ cũng dễ, hiểu ra vấn đề không khó, cái khó chính là nói đi đôi với làm. Hiệu quả của việc làm chính là thước đo chính xác về năng lực, sức mạnh của tổ chức đảng nói chung, về uy tín, tư cách của mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng. Nếu mọi cấp ủy, tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên muốn lấy “chữ tín” làm trọng đối với nhân dân và đất nước thì không gì hơn là tự mình phải chăm lo củng cố, nâng cao chỉ số lòng dân đối với Đảng ở mọi lúc, mọi nơi. Đây là một cách kiến tạo niềm tin, truyền cảm hứng tích cực cho nhân dân một cách hiệu quả, bền vững nhất. (còn nữa)

Nhóm phóng viên Báo QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-90-nam-ngay-thanh-lap-dang-csvn-3-2-1930-3-2-2020/bai-4-y-dang-long-dan-muon-nam-ben-chat-607287