Bài 4: Xuất hiện những làng nghề mới

Đồng Nai nổi danh cả nước với nghề làm trầm hương ở xã Phú Trung (huyện Tân Phú) và trồng nấm ở ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang (TP.Long Khánh). Tuy là hai làng nghề mới nhưng lại cung cấp lượng trầm hương và nấm các loại khá lớn của cả nước.

Nghề làm trầm tại xã Phú Trung (huyện Tân Phú). Ảnh:H.Giang

Nghề làm trầm tại xã Phú Trung (huyện Tân Phú). Ảnh:H.Giang

Hiện nay, sản phẩm trầm hương và nấm của các làng nghề trên được tiêu thụ khá tốt ở thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Riêng nấm đã được UBND tỉnh cấp chứng nhận làng nghề truyền thống và xây dựng chỉ dẫn địa lý.

* Vùng nguyên liệu trầm hương hàng đầu cả nước

Các cơ sở làm trầm hương ở xã Phú Trung chủ yếu sản xuất ra nguyên liệu thô rồi bán cho các cơ sở, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước để sản xuất các sản phẩm như: nhang, tinh dầu, vòng đeo tay, đồ mỹ nghệ... Đây là vùng cung cấp nguyên liệu trầm hương vào loại hàng đầu tại Việt Nam. Sản phẩm làm ra được bán cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn ở TP.Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế và các tỉnh phía Bắc. Nhiều doanh nghiệp từ Trung Quốc, Đài Loan cũng đặt mua trầm từ làng nghề này về để sản xuất.

Tại Đồng Nai còn một số làng nghề mới tồn tại được 15-30 năm như: sản xuất chuối sấy ở xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), làm hủ tiếu, bánh ướt, bánh đa tại phường Hố Nai (TP.Biên Hòa), làm cốm ở xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch), làm bột sắn dây ở xã Bình Minh (huyện Trảng Bom)... Các sản phẩm của làng nghề được tiêu thụ ở thị trường nội địa và xuất khẩu.

Bà Bùi Thị Thanh Phương, chủ cơ sở sản xuất trầm hương ở ấp Phú Lợi, xã Phú Trung cho biết: “Mỗi tháng cơ sở chúng tôi cung cấp cho thị trường trên 1 tấn trầm các loại. Do trầm ở đây chất lượng cao và được phân ra thành từng loại để khách hàng dễ lựa chọn nên họ rất an tâm khi đặt hàng. Vì vậy, đầu ra của cơ sở tương đối thuận lợi, trầm nguyên liệu làm ra đến đâu bán hết đến đó”.

Cũng theo bà Phương, cơ sở của bà đi mua các cây dó bầu có trầm từ các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên và Đông Nam bộ về để sản xuất ra trầm nguyên liệu thô. Trầm nguyên liệu phân làm 3 loại, loại thượng đẳng giá khoảng 20 triệu đồng/kg, loại trung bình 200-300 ngàn đồng/kg và loại thấp nhất khoảng 50 ngàn đồng/kg.

Phó chủ tịch UBND xã Phú Trung Nguyễn Thị Minh Tuyết cho biết: “Khoảng 2 năm trở lại đây, làng nghề làm trầm ở xã Phú Trung rất phát triển. Trầm hương ở Phú Trung có chất lượng cao nên đầu ra hút hàng, hiện toàn xã có hơn 30 cơ sở làm trầm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động của địa phương với mức thu nhập 200-250 ngàn đồng/ngày”. Hiện một số cơ sở làm trầm ở xã Phú Trung đang đầu tư thêm máy móc làm nhang trầm để tăng giá trị cho sản phẩm.

Theo bà Trần Thị Dung, chủ cơ sở sản xuất trầm tại ấp Phú Lợi, xã Phú Trung, các cơ sở đều thiếu vốn để đầu tư máy móc và mua cây gỗ có trầm về sản xuất. Nếu vay được nguồn vốn ưu đãi, các doanh nghiệp, cơ sở có thể mở rộng quy mô sản xuất trầm thô và chế biến sâu để nâng giá trị cho trầm ở Đồng Nai. Khu vực này là nơi cung cấp nguyên liệu trầm lớn nhất cả nước, mỗi tháng đưa ra thị trường hàng chục tấn trầm. Vì thế làng nghề cũng cần được hỗ trợ trong việc xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm trầm của huyện Tân Phú.

* Đưa nấm xuất ngoại

Làng nghề trồng nấm ở ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang hình thành từ năm 2000, lúc mới bắt đầu chỉ có vài hộ trồng với số lượng nhỏ. Sau đó, được người dân mở rộng dần và đến năm 2010, nghề trồng, sơ chế nấm phát triển mạnh về quy mô lẫn số hộ tham gia. Ban đầu chỉ là trồng nấm mèo, nhưng để đa dạng sản phẩm, người dân trồng thêm các loại nấm khác như: nấm linh chi, nấm bào ngư, nấm sò, nấm rơm.

Nghề trồng nấm ở xã Bảo Quang (TP.Long Khánh). Ảnh:H.Giang

Năm 2014, xã Bảo Quang đạt chuẩn nông thôn mới một phần nhờ vào nghề trồng nấm vì đã giúp người dân nâng cao thu nhập. Để sản phẩm nấm có thương hiệu và đầu ra ổn định, xã Bảo Quang đã đăng ký xây dựng làng nghề truyền thống trồng và sơ chế nấm ấp Bàu Cối. Năm 2018, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận làng nghề trồng và sơ chế nấm Bàu Cối.

Ông Danh Trình (ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang) nói: “Nấm Bàu Cối được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, công nhận là làng nghề đã giúp đầu ra của các loại nấm thuận lợi hơn. Hiện nấm ở đây tiêu thụ trong nước và xuất khẩu được khách hàng đánh giá cao về chất lượng”.

Bà Phạm Thị Hằng (ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang) cho rằng, sản phẩm nấm của làng nghề được nuôi trồng và sơ chế đúng quy trình an toàn từ khâu làm meo đến sử dụng nguồn nước tưới nên sản phẩm đảm bảo sạch, giá bán cao hơn nấm của các vùng khác vì có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Làng nghề trồng và sơ chế nấm ấp Bàu Cối có gần 140 hộ theo nghề. Năm 2017, làng nghề cung cấp cho thị trường 1.242 tấn nấm, doanh thu khoảng 36,3 tỷ đồng. Đến năm 2018, làng nghề tăng sản lượng nấm cung cấp cho thị trường lên gần 1.600 tấn và doanh thu gần 46 tỷ đồng. Dự kiến năm 2019, doanh thu của làng nghề trồng và sơ chế nấm sẽ tăng lên hơn 50 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Bảo Quang đánh giá: “Nhiều hộ gia đình nhờ trồng và sơ chế nấm đã trở nên khá giả. Thu nhập bình quân của người trồng nấm gần 6 triệu đồng/người/tháng. Xã tiếp tục hỗ trợ làng nghề bằng cách phối hợp với thành phố tổ chức đào tạo nghề trồng nấm theo mô hình công nghệ cao cho người dân, quảng bá thương hiệu để có đầu ra tốt hơn”.

Tuy làng nghề trồng và sơ chế nấm Bàu Cối đang có đầu ra thuận lợi, song về lâu dài các hộ dân cần có sự liên kết thành lập hợp tác xã, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, sơ chế để có số lượng lớn nhằm ký hợp đồng tiêu thụ trực tiếp với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Sản phẩm nấm của làng nghề Bàu Cối hướng đến phải đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở thị trường nước ngoài để bảo vệ thương hiệu.

Hương Giang

Bài 5: Để bảo tồn, phát triển làng nghề

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201911/song-gio-lang-nghe-bai-4-xuat-hien-nhung-lang-nghe-moi-2972568/