Bài 4: Tạo dựng văn hóa chất lượng sau kiểm định

Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) đã mang lại những thay đổi tích cực trong công tác quản trị nhà trường. Sau KĐCL, các cơ sở GD từng bước tạo dựng văn hóa chất lượng bằng việc thay đổi từ nhận thức đến hành động của lãnh đạo nhà trường cũng như cán bộ giảng viên, nhân viên và người học.

Sau KĐCL, các cơ sở GD đã chú trọng đến đáp ứng yêu cầu của người học. Ảnh: Minh Phong

Phải là vấn đề tự thân

Theo ThS Đào Phong Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng (Trường ĐH Cần Thơ), các bộ tiêu chuẩn về KĐCL đều hướng đến: Sau KĐCLGD và các chương trình đào tạo, các cơ sở GD sẽ cải tiến theo đề xuất của đoàn đánh giá ngoài. Những gì chưa đạt cần có kế hoạch để hoàn thiện và những gì đã đạt rồi cần phát huy để ngày càng tốt hơn.

“Có 2 quan điểm: Văn hóa chất lượng tác động đến KĐCL và KĐCL góp phần xây dựng văn hóa chất lượng. Hiện giờ, văn hóa chất lượng ở một số cơ sở GD trong nước đang ở mức chưa rõ nét, thậm chí là chưa có. Vì vậy, những cơ sở GD này càng cần phải đẩy mạnh KĐCL. Làm sao để văn hóa chất lượng trong các cơ sở GD là vấn đề tự thân và phải thật rõ nét” - ThS Đào Phong Lâm trao đổi.

Trao đổi về văn hóa chất lượng trong các cơ sở GD, ThS Đào Phong Lâm chia sẻ: Cần hiểu nội hàm của từ văn hóa. Văn hóa là sự nuôi dưỡng và phát triển. Văn hóa chất lượng trong các cơ sở GDĐH là bất cứ ai, từ nhân viên mới được tuyển dụng cho đến lãnh đạo đơn vị và các cán bộ thâm niên đều được tạo điều kiện để làm việc; mọi người hỗ trợ cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong môi trường làm việc ấy, mọi người đều có quyền bình đẳng và tôn trọng các nguyên tắc về chất lượng.

TS Phan Hồng Dương - Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng GD (Học viện Quản lý GD) cho rằng, bộ tiêu chuẩn KĐCL GDĐH của Việt Nam đã tiệm cận với các nước trong khu vực Đông Nam Á, phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong quá trình đổi mới và phát triển GDĐH. Nhờ vậy, sau kiểm định, nhận thức của cán bộ, giảng viên và nhân viên trong thực hiện chuyên môn, nhiệm vụ được nâng lên rất nhiều. Trong quá trình triển khai thực thi nhiệm vụ, các đơn vị và cá nhân có ý thức nâng cao chất lượng trong công việc. Hệ thống quản trị nhà trường hoạt động đồng bộ và hiệu quả hơn, đặc biệt các trường đã chú trọng đến đáp ứng yêu cầu của người học và các bên liên quan.

 Ảnh minh họa/ Internet

Ảnh minh họa/ Internet

Chất lượng bền vững

Khẳng định, KĐCLGD có tác động đến quản trị và văn hóa chất lượng trong các cơ sở GD, PGS.TS Đoàn Quang Vinh - nguyên Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng viện dẫn: KĐCLGD giúp các trường ĐH định hướng và xác định chuẩn chất lượng cho từng hoạt động. Đó chính là các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đã được xác định.

Ngoài ra, KĐCLGD còn giúp các trường ĐH có cơ hội xem xét lại toàn bộ hoạt động của mình một cách có hệ thống, từ đó điều chỉnh các hoạt động theo một chuẩn mực nhất định. Quá trình KĐCLGD giúp nhà trường có cái nhìn tổng thể, phản ánh toàn bộ thực trạng của nhà trường. Qua đó giúp các nhà quản lý nhìn nhận những mặt mạnh, mặt yếu của đơn vị mình để có bước hành động tiếp theo.

Cũng theo PGS Đoàn Quang Vinh, KĐCLGD cũng giúp cho các bên liên quan đánh giá được chất lượng đào tạo của nhà trường. Trên cơ sở đó, các bên sẽ có những sự lựa chọn phù hợp và đúng đắn. Đặc biệt, KĐCLGD góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa chất lượng cho cơ sở GDĐH. Trước tiên, khi triển khai các hoạt động tự đánh giá và đánh giá ngoài, KĐCLGD nhà trường đã giúp cho toàn bộ hệ thống của nhà trường thay đổi suy nghĩ, tư duy về hoạt động. Đây không chỉ là nhiệm vụ và hoạt động của bộ phận quản lý chất lượng, mà là của tất cả các đơn vị, cá nhân thuộc cơ sở GD và các bên liên quan.

Theo PGS Đoàn Quang Vinh, các chỉ số, tiêu chuẩn, tiêu chí cũng giúp cho từng bộ phận, từng vị trí việc làm trong cơ sở GD hiểu rõ hơn công việc của mình và của những người liên quan. Đó cũng là cơ sở để nhà trường triển khai hành động, xây dựng chiến lược phát triển. Từ đó không ngừng nâng cao chất lượng trong mọi công việc, góp phần hình thành văn hóa chất lượng trong nhà trường.

Ở khía cạnh khác, PGS.TS Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm KĐCLGD (Hiệp hội các trường ĐHCĐ Việt Nam) cho rằng, KĐCL góp phần làm thay đổi nhận thức của nhà tuyển dụng và các cựu sinh viên để bước đầu hình thành được nếp văn hóa đóng góp ý kiến và chung sức xây dựng phát triển cơ sở GD nơi đào tạo nguồn nhân lực cho chính các nhà tuyển dụng.

Quản lý chất lượng được thể hiện thông qua các công cụ, cơ chế đo lường, đánh giá, đảm bảo và tăng cường chất lượng. Văn hóa chất lượng được hình thành ở cấp độ cơ sở là sự cam kết của cá nhân nhằm phấn đấu đạt chất lượng mong đợi, hình thành các niềm tin, giá trị chung cho tập thể. Quản lý chất lương và cam kết chất lượng là những yếu tố thiết yếu để hình thành văn hóa chất lượng trong nhà trường. - PGS.TS Lưu Văn An - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bai-4-tao-dung-van-hoa-chat-luong-sau-kiem-dinh-4036234-b.html