Bài 4: Siết chặt quản lý

Đối mặt với những phức tạp mà mạng xã hội gây ra, các cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra chính sách ngăn chặn mối đe dọa từ không gian mạng, từ đó tạo dựng không gian mạng quốc gia an toàn, ổn định, tạo bước đột phá trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Kiên quyết ngăn chặn thông tin vi phạm trên mạng xã hội

Nhận thức rõ mặt trái của mạng xã hội, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng xã hội, đấu tranh ngăn chặn các thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật.

Theo đó, Bộ đã ban hành, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường quản lý internet và thông tin trên mạng xã hội, như: Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT quy định chi tiết về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới làm căn cứ pháp lý để yêu cầu các trang thông tin điện tử và mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam; tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 1-3-2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, Nghị định số 159/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Đặc biệt, Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua từ ngày 12-6-2018 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, quy định 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng, thực sự là “lá chắn” đắc lực giúp duy trì luật pháp trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đã tăng cường xử lý các đối tượng có hành vi sai trái, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội. Từ năm 2016 đến nay, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường xử lý các đối tượng có hành vi sai phạm, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội; phối hợp với lực lượng công an xử lý các đối tượng tung tin đồn thất thiệt ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng, an ninh quốc gia…

Bộ đã tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các công ty truyền thông, quảng cáo lớn trong nước nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, nhất là hoạt động quảng cáo trên các trang mạng nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như Facebook và Google. Bộ cũng chủ động đàm phán với Google và Facebook, yêu cầu 2 doanh nghiệp này phải cam kết và nghiêm túc triển khai việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin phản động, xấu độc trên hai mạng xã hội này khi có yêu cầu từ phía Chính phủ Việt Nam.

Còn ở góc độ của đơn vị tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ TT&TT quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về an toàn thông tin mạng, Cục An toàn thông tin đã xây dựng và vận hành Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia để tập trung đầu mối kỹ thuật về giám sát, bảo đảm an toàn thông tin cho người dân, doanh nghiệp và các hệ thống quan trọng của Đảng, Nhà nước, phục vụ phát triển bền vững. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp; nghiên cứu, định hướng các doanh nghiệp viễn thông, internet trong triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn tấn công mạng, phát tán mã độc, thông tin xấu độc, lừa đảo hay lợi dụng mạng để thực hiện hành vi phạm pháp luật...

 Tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng xã hội. Ảnh: TTXVN.

Tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng xã hội. Ảnh: TTXVN.

Theo đánh giá của Bộ TT&TT, kết quả đạt được bước đầu rất tích cực. Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã được đưa vào vận hành, với hai chức năng. Đó là giám sát được các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam và giám sát được thông tin trên không gian mạng như trên báo chí, mạng xã hội. Trung tâm này có khả năng xử lý được 100 triệu tin/ngày, có thể phân loại, đánh giá được tỉ lệ thông tin tiêu cực và tích cực. Trước đây, có những lúc thông tin tiêu cực trên không gian mạng chiếm trên 30%, thì giờ đã tác động, điều chỉnh giảm còn dưới 10%.

Cùng với đó, các nhãn hàng, công ty quảng cáo lớn trong nước đều thực hiện đúng cam kết với Bộ TT&TT không quảng cáo trên những video clip, tài khoản mạng xã hội vi phạm pháp luật, trên các trang web vi phạm bản quyền. Một số công ty công nghệ trong nước tích cực tham gia hỗ trợ Bộ trong việc phát hiện và cảnh báo sai phạm trên mạng...

Đồng thời, Google, Facebook đồng ý ngăn chặn, gỡ bỏ rất nhiều nội dung vi phạm trên hai mạng xã hội này; cam kết thiết lập kênh trao đổi trực tiếp tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu của Bộ TT&TT một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Các cơ quan báo chí vào cuộc mạnh mẽ, tuyên truyền đậm nét về những kết quả đã đạt được, phê phán các hành vi sai phạm khi sử dụng mạng xã hội, vạch trần âm mưu, thủ đoạn lợi dụng internet và mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, cũng như làm rõ những hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật Việt Nam của các trang mạng nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam...

Trong phiên chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sau khi khảo sát thực tế từ các doanh nghiệp trong nước, cùng với sự trợ giúp của một số nước, đến nay việc đấu tranh với những doanh nghiệp xuyên biên giới đã mở ra hướng mới. Đối với Facebook, trước đây Nhà nước đưa ra yêu cầu họ chỉ thực hiện được khoảng xung quanh 30%, bây giờ tỷ lệ thực hiện yêu cầu của Facebook đối với Việt Nam là từ 70 đến 75%. Youtube tuân thủ tốt hơn, trước đây khoảng 60%, bây giờ thì từ 80 đến 85%, Apple gần như không thực hiện, gần đây tỷ lệ thực hiện là 75% các yêu cầu.

Tính đến tháng 6-2019, Facebook đã gỡ 201 tài khoản cá nhân giả mạo; 109 đường link tuyên truyền thông tin giả mạo, xấu, độc, kích động chống phá nhà nước; 2.444 đường link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp; 214 đường link phát ngôn gây thù hận, bôi nhọ các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức; 215 fanpage về game cờ bạc, đổi thưởng. Google đã ngăn chặn và gỡ bỏ 7.192 video vi phạm trên Youtube; ngoài các video riêng lẻ, Google đã gỡ bỏ 15/62 kênh Youtube, trong đó đặc biệt có 1 kênh Youtube có tên là Tin tức hằng ngày bao gồm 501 video. Google đã gỡ 58/63 game bài; Apple đã gỡ 7/15 game không phép)...

Siết chặt quản lý doanh nghiệp xuyên biên giới

Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử đã căn cứ vào nội dung của Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ ngày 1-1-2019) để đấu tranh với mạng xã hội Facebook. Tuy nhiên, Facebook chưa chấp thuận hai yêu cầu quan trọng là mở văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu người dùng trong máy chủ đặt tại Việt Nam.

Do đó, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho rằng cần phải có giải pháp kiên quyết yêu cầu các nhà cung cấp nền tảng xuyên biên giới mở văn phòng đại diện tại Việt Nam; đồng thời triển khai một loạt giải pháp về kinh tế, công nghệ để các nhà cung cấp này tuân thủ quy định pháp luật.

Trong khi đó, theo thống kê, chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, trên thế giới, hàng loạt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn được ban hành liên quan đến bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin trọng yếu, vấn đề dữ liệu xuyên biên giới, bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng... Từ các văn bản, chính sách này, mỗi quốc gia lại có cách triển khai với mục đích và biện pháp khác nhau. Do đó, Việt Nam sẽ phải chắt lọc, học hỏi để phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn tại Việt Nam nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa lợi ích quốc gia và xây dựng một môi trường cởi mở trong hợp tác quốc tế, cân bằng giữa lợi ích của doanh nghiệp và người dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế; đồng thời vẫn bảo đảm môi trường không gian mạng phát triển an toàn, bền vững và lành mạnh.

Bảo đảm môi trường không gian mạng phát triển an toàn, bền vững và lành mạnh/ Ảnh minh họa.

Cụ thể, để triển khai các biện pháp ngăn chặn dòng tiền thanh toán cho hoạt động vi phạm pháp luật trên các nền tảng công nghệ, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT, Cục An ninh mạng (Bộ Công an) để xây dựng các biện pháp giúp cho hoạt động quảng cáo đúng tôn chỉ mục đích; thông qua đó, thu lại nguồn thuế để tái đầu tư cho xã hội.

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế cho biết, việc Bộ TT&TT chủ trì triển khai các giải pháp chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên nền tảng số là một sự cố gắng lớn, góp phần chống thất thu thuế cho đất nước. Cơ quan thuế cũng sẽ sửa đổi các văn bản dưới luật để bảo đảm việc thu thuế minh bạch, công bằng.

Phó cục trưởng Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do thì cho rằng, chúng ta cần tích cực hoàn thiện các văn bản pháp luật. Trước mắt, Bộ Công an cần nhanh chóng xây dựng nghị định hướng dẫn chi tiết thực hiện Luật An ninh mạng. Bộ TT&TT cũng cần chỉnh sửa những quy định có liên quan để phù hợp với thực tiễn trong đó có Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ trên internet và thông tin trên mạng. Tiếp đó, cần tăng cường sự phối hợp để ngăn chặn được những kênh thanh toán cho các hoạt động vi phạm pháp luật; tạo được sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước qua việc thu thuế.

Những công ty như Facebook, Google luôn có cách để né tránh, trì hoãn và không thực hiện triệt để yêu cầu của các cơ quan chức năng về việc tuân thủ luật pháp Việt Nam. Facebook gần như không cam kết gì bằng văn bản, thể hiện sự không tôn trọng các nguyên tắc hợp tác cơ bản với các cơ quan Nhà nước khi kinh doanh và cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Các đại diện được cử sang làm việc với Việt Nam lại không phải là những người có thể ra quyết định...

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), cơ quan thuế muốn thực hiện nhiều biện pháp để thu hồi số tiền thuế đã thất thoát nhưng lại bị vướng về vấn đề pháp lý. “Việt Nam đang bị mất hai nguồn lực thuế. Thứ nhất là những người bán hàng online trên Facebook nhưng không kê khai nộp thuế. Thứ hai là số tiền Facebook nhận được từ các cá nhân, tổ chức tham gia quảng cáo tại Việt Nam, thế nhưng lại không nộp thuế nhà thầu”, ông Phụng cho biết. Nhìn rộng hơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn cho rằng, việc thất thu thuế đồng nghĩa với nguồn lực của đất nước bị chảy ra nước ngoài và rơi vào túi Facebook....

Đại diện Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết thêm, thống kê sơ bộ, hiện có 8 doanh nghiệp cho phép Facebook kết nối trực tiếp và đặt gần 900 máy chủ tại Việt Nam. Đáng chú ý, trong các hợp đồng ký với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam của mạng xã hội này lại không có điều khoản cam kết, tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam. Đây là “khe hở” để Facebook có thể lợi dụng, tiếp tục vi phạm luật pháp.

Để giải quyết việc này, cơ quan quản lý tiếp tục tập hợp các bằng chứng vi phạm, đấu tranh yêu cầu Facebook tuân thủ pháp luật; yêu cầu bổ sung cam kết tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam trong thỏa thuận giữa các nhà cung cấp và Facebook. Bên cạnh đó, Facebook cũng được yêu cầu phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc quản lý hoạt động thanh toán, thuế đối với các giao dịch thương mại, quảng cáo tại Việt Nam. Các biện pháp kỹ thuật sẽ được áp dụng khi cần thiết nếu Facebook không có những động thái tích cực.

(còn nữa)

Bài 5: Những việc cần làm ngay

Bài, ảnh: PHONG THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/bai-4-siet-chat-quan-ly-591584