Bài 4: Sẵn sàng trả giá gấp 3 – 5 lần để chạy những video quảng cáo thuốc đông y

Năm 2019, video clip quảng cáo về 'tinh dầu mọc tóc Hyra' được giới thiệu là 'bí quyết gia truyền của người phụ nữ dân tộc Dao Lưu Thị Hòe đã nổi đình, nổi đám trên các mạng xã hội. Mặc dù để sở hữu 'tinh dầu mọc tóc gia truyền' người ta phải bỏ ra số tiền không nhỏ, nhưng đã có rất nhiều người tin tưởng và sẵn lòng chi với ước mong có lại mái tóc như xưa.

Sau khi một số cơ quan báo chí, truyền thông vào cuộc và điều tra thì đã phanh phui ra "nguồn gốc" của "phương thuốc bí truyền" này. Theo đó, địa chỉ của “bà Hòe” trên các bản quảng cáo đã phát, các cơ quan chức năng xác nhận không có bất cứ người phụ nữ nào có tên như vậy, hoặc cá nhân có liên quan đến việc “gia truyền bốc thuốc”.

Mà thực tế, thứ tinh dầu “gia truyền” đó được sản xuất bởi Công ty cổ phần Dược phẩm Quốc tế Thăng Long (địa chỉ tại KCN Nguyên Khê, Tổ 61, huyện Đông Anh, Hà Nội), được phân phối độc quyền bởi Công ty cổ phần Thương mại Hydra (địa chỉ tại tầng 11, tòa nhà Zen Tower, số 12 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội)”.

Sau vụ việc đó, câu chuyện về “bí kíp gia truyền” của bà Hòe đã biến mất trên các hệ thống…

"Tinh dầu mọc tóc gia truyền" đã có thời nổi đình, nổi đám trên mạng xã hội

"Tinh dầu mọc tóc gia truyền" đã có thời nổi đình, nổi đám trên mạng xã hội

“Các quảng cáo chữa xương khớp, đau đầu, mất ngủ, yếu sinh lý… đang tràn lan trên các mạng xã hội hiện nay có kịch bản tương tự như thời “tinh dầu mọc tóc Hyra” gia truyền thời ấy. Vẫn là những video quảng cáo thuốc gia truyền với kịch bản, diễn viên quần chúng… như nhau” - chị P.N.Q, trưởng của một nhóm chuyên sản xuất video clip và viết bài cho các nhãn hàng cho biết.

Không những chỉ giống về kịch bản quảng cáo, bán thuốc, mà về chuyện mua – bán cũng tương tự. Có nghĩa, những trung tâm, nhà thuốc “gia truyền” ấy chỉ mua thuốc được chế biến từ một đơn vị, một công ty sản xuất nào đó rồi về tự đóng nhãn mác rồi xây dựng thương hiệu. “Điều đó có nghĩa, các “phương thuốc thần thánh” ấy chẳng liên quan chút gì đến câu chuyện “gia truyền” hay “ba đời” nào cả” - chị Q. khẳng định.

Cũng theo chị Q., những nhân viên cầm điện thoại tư vấn chữa bệnh cho những người nhẹ dạ gọi đến thực tế là những nhân viên sale được tuyển dụng thường xuyên. “Họ không phải là những người đã học hoặc biết về ngành y, dược, mà chỉ đơn giản là những người có khoa ăn nói và sẵn sàng nhận việc. Cũng bởi làm công việc ấy nếu bán được sản phẩm họ sẽ có mức thu nhập khá cao, thế nên không ít người mặc dù biết là lừa đảo, thế nhưng vẫn dấn thân” - chị Q. nói.

Theo những người có thâm niên làm marketing thì chi phí để chạy những quảng cáo đông y trên mạng xã hội không hề rẻ. Đơn cử, hiện nay trên nền tảng quảng cáo trả tiền của youtube có giá đấu thầu quảng cáo thông thường rơi vào khoảng 1USD/1000 lượt hiển thị. Nhưng các đơn vị bán thuốc sẵn sàng đặt giá thầu cao hơn gấp từ 3 – 5 lần để chạy những video quảng cáo trên đó. Việc chi ngân sách quảng cáo mạnh tay khiến các “thần y” được ưu tiên xuất hiện ở các video có nội dung có lượng tiếp cận cao. Thế nên, việc phủ sóng khiến nhiều người “điên đầu”, cũng khiến nhiều người mắc lừa cũng bởi lý do ấy.

Không chỉ trả quảng cáo cao, thậm chí việc viết nội dung cho các trung tâm, nhà thuốc gia truyền này, theo chị Q. cũng cao hơn với các nhóm ngành khác. “Nếu 1 job nội dung của các lĩnh vực khác khoảng 8 – 10 triệu đồng thì với ngành đông y, họ trả lên đến 12 – 14 triệu với yêu cầu và số lượng bài viết tương tự các job khác”.

Chi phí quảng cáo, viết nội dung, xây dựng video cùng với chiết khấu cho nhân viên sale rất cao, nhưng kinh doanh đông y “bẩn” vẫn vô cùng có lãi. “Thực tế với 1000 lượt hiển thị, chỉ cần 5 – 10% lượng người quan tâm là quảng cáo đã coi như thành công, và với 50 – 100 người tương ứng quan tâm, họ chỉ cần có khoảng 50 – 60 người gọi điện thoại đến, và trong số người gọi điện đến chỉ cần 1/3 người mua sản phẩm là dư dả lãi” - chị Q. cho biết.

Rất hiếm khi có trung tâm, nhà thuốc gia truyền nào bán đơn lẻ một sản phẩm, thường khi tư vấn, họ sẽ cố gắng mồi chài nạn nhân mua cả liệu trình. “Nếu 1 liệu trình bán ra 5 triệu, thì tiền chi cho marketing, trả tiền nhân viên, tiền thuê mặt bằng, lãi xuất của chủ đầu tư… sẽ chiếm gần hết. Còn lại con số rất rất nhỏ… là tiền cho sản phẩm” - người phụ nữ tiết lộ thêm.

Vậy với số tiền vài trăm bạc cho cả “lốc” thuốc theo lộ trình ấy, thì dược liệu, công người sản xuất ở đâu? “Thuốc Nam, Bắc nhập lậu từ Trung Quốc và với giá nào chẳng có thể mua được với số lượng lớn để về chế biến chứ” - lời chị Q.

(Còn nữa)

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bai-4-san-sang-tra-gia-gap-3-5-lan-de-chay-nhung-video-quang-cao-thuoc-dong-y-235262.html