Bài 4: 'Quét' sạch rác – kinh nghiệm và giải pháp

Tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác là vấn nạn gây bức xúc trong xã hội trong thời gian dài, đặt ra một yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông và cơ quan quản lý nhà nước phải chung tay bảo vệ người sử dụng thuê bao di động; giúp cho người dân có được một công cụ mạnh để bảo vệ mình trước những thông tin không mong muốn.

Siết chặt quản lý

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết: Nghị định 91 quy định các nhà mạng phải nâng cao kỹ thuật chặn lọc thông qua việc sử dụng công nghệ hiện đại như chủ động đặt ngưỡng tần suất và điều chỉnh tần suất để xác định thuê bao nghi ngờ phát tán tin nhắn rác và đạt được hiệu quả chặn tin nhắn rác tùy theo tính chất, phạm vi và thời điểm chặn tin nhắn rác; xây dựng, vận hành hệ thống kỹ thuật để chống, ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các giải pháp công nghệ tiên tiến; xây dựng, kết nối hệ thống kỹ thuật quản lý tên định danh của đơn vị tới hệ thống quản lý tên định danh quốc gia; ngăn chặn người quảng cáo gửi tin nhắn sử dụng tên định danh không do Cục An toàn thông tin Bộ TT&TT cấp... Đồng thời, thống nhất khâu quản lý tên định danh giúp đơn giản hóa việc cấp tên định danh cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng trong lĩnh vực quảng cáo. Đặc biệt, Nghị định 91 còn bổ sung chế tài xử phạt mới, mạnh mẽ mang tính chất răn đe và bảo vệ người dùng.

Người dân dễ dàng sở hữu một sim điện thoại. Ảnh: Minh Sơn.

Người dân dễ dàng sở hữu một sim điện thoại. Ảnh: Minh Sơn.

Chia sẻ về điều này, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, đơn vị này đã sử dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn tin nhắn rác. Cụ thể, VNPT xử lý qua hệ thống theo dõi, kiểm soát tin nhắn rác, thu thập thông qua hệ thống chăm sóc khách hàng, chặn spam sms (tin nhắn rác) bằng cách hạn chế thuê bao gửi đi liên tục số lượng lớn tin nhắn…Khi phát hiện các hiện tượng tin nhắn rác, kỹ thuật tiến hành xử lý quyết liệt bằng các biện pháp như khóa đầu số, khóa số thuê bao thậm chí cắt hợp đồng với các cá nhân/đối tác vi phạm. Tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, số lượng tin nhắn rác VNPT đã chặn là 9,5 triệu tin nhắn rác.

Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết trong tháng 7 và tháng 8 năm 2020, các nhà mạng đã thực hiện ngăn chặn tổng cộng 18.329 thuê bao phát tán cuộc gọi rác. Các thuê bao này bị khóa chiều gọi đi với thuê bao nội mạng và khóa chiều gọi đến với thuê bao liên mạng. Trong đó, Viettel đã chặn 16.399 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, chiếm khoảng 90% tổng số thuê bao bị ngăn chặn; VNPT đã thực hiện ngăn chặn thành công 545 thuê bao phát tán cuộc gọi rác trong tháng 7 và 1.005 thuê bao trong tháng 8. MobiFone hiện ngăn chặn tổng cộng 380 thuê bao do mới chỉ triển khai biện pháp kỹ thuật để chặn cuộc gọi rác từ tháng 8.

Để giải quyết những bất cập này, Bộ TT&TT đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp như: Chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai hệ thống chia sẻ mẫu tin nhắn rác (hiện đã xây dựng được hơn 280.000 mẫu tin). Hệ thống chặn lọc tin nhắn rác của các nhà mạng hoạt động khá hiệu quả, có khả năng chặn lọc hàng trăm triệu tin nhắn rác mỗi năm. Cuối tháng 6-2020, Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cũng đã có văn bản gửi nhà mạng về việc ngăn chặn cuộc gọi rác và chỉ trong 3 tháng gần đây, các nhà mạng đã khóa chiều đi với gần 35.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, đồng thời ngăn chặn trên 9 triệu cuộc gọi giả mạo. Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để các cuộc gọi rác thì vẫn còn nhiều khó khăn do liên quan đến yếu tố về mặt kỹ thuật.

Mặc dù giảm đáng kể lượng sim rác, nhưng vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác vẫn tồn tại và tấn công người dùng di động hằng ngày. Các tin nhắn, cuộc gọi chào mời dịch vụ, quảng cáo từ những đầu số không mong muốn liên tục quấy nhiễu người dùng không kể ngày, đêm.

Đánh giá về những nỗ lực ngăn chặn tin nhắn rác trong thời gian vừa qua của Bộ TT&TT, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng việc quyết liệt triển khai các giải pháp từ kiểm tra, xử phạt đến ra các văn pháp quy phạm thuộc thẩm quyền đã siết chặt quản lý hơn tình trạng tin nhắn rác.

Người dùng thường xuyên nhận được những tin nhắn quảng cáo. Ảnh: Thu Hà

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, Nghị định 91 đã hoàn thiện khung pháp lý về xử lý, quản lý lĩnh vực này. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn cần tiếp tục triển khai các giải pháp khác để ngăn chặn vấn nạn này. Khung pháp lý đã có nhưng công tác triển khai trên thực tế cần nghiêm túc, đầy đủ mới phát huy hiệu quả. Các cơ quan chức năng trong lĩnh vực quản lý cần tiếp tục rà soát, tăng cường các biện pháp về mặt kỹ thuật để ngăn chặn tình trạng này.

Bên cạnh đó, cũng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát phát hiện các vi phạm và tiến hành xử lý một cách nghiêm minh. Có như vậy mới mong ngăn chặn được vấn nạn này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ.

Số thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị ngăn chặn trong tháng 11-2020. Ảnh: Cục viễn thông.

Quốc tế chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác và mạng xã hội như thế nào?

Tin nhắn rác từ lâu đã là một vấn nạn cần giải quyết, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều quốc gia khác. Năm 2013, số lượng tin nhắn rác tại Trung Quốc ước tính khoảng ba trăm tỷ, trong đó tin nhắn quảng cáo chiếm 65%. Thống kê cũng chỉ ra trung bình mỗi ngày, người sử dụng điện thoại tại Bắc Kinh phải nhận tới 2,22 tin nhắn rác.

Truyền thông Trung Quốc cho hay nước này sẽ giới hạn số lượng tin nhắn mà một thuê bao có thể gửi trong một ngày, tránh trường hợp tin nhắn rác tràn lan làm tắc nghẽn mạng lưới di động. Việc ngăn chặn tin nhắn rác, bao gồm từ nghiên cứu; phát triển cho đến thiết lập chính sách, đã thu hút được chú ý từ nhiều quốc gia trên thế giới. Với các giải pháp nghiên cứu và phát triển hiện tại, có hai hướng chính được chủ trọng: Dựa trên nội dung của tin nhắn và dựa vào hành vi của người gửi.

Kinh nghiệm nhiều nước trong siết chặt an ninh mạng. Ảnh đồ họa: Thu Hà

Đi cùng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) và học máy (Machine Learning), rất nhiều nghiên cứu đã được tiến hành dựa vào việc đọc nội dung của tin nhắn để ngăn chặn tin rác. Năm 2006, các nhà khoa học đến từ đại học Universidad Europea de Madrid (Tây Ban Nha) và tập đoàn Vodafone (Anh) đã giới thiệu một phương pháp phát hiện được cho là hiệu quả. Họ đã thống kê các từ khóa thường hay được sử dụng trong các đoạn tin đã được đánh dấu là rác, sau đó áp dụng lên các tin nhắn mới để phát hiện. Độ chính xác của phương pháp được chỉ ra lên đến 95%.

Liên quan đến các chính sách, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đã quy định việc gửi tin nhắn SMS cũng được coi tương đương với gửi thư điện tử, việc gửi SMS liên quan đến quảng cáo cũng cần phải tuân thủ với các điều luật quy định trong việc gửi thư điện tử. Theo điều luật số 26 năm 2002, mục 4 và mục 7, người gửi phải tuân thủ việc không được phép gửi tin nhắn cho bất cứ ai mà chưa được sự đồng ý của họ. Theo mục số 32, người vi phạm có thể bị phạt đến một triệu Yên hoặc bị phạt tù đến 1 năm.

Trong khi đó, chỉ thị của Liên minh châu Âu về Quyền riêng tư và Truyền thông Điện tử ban hành tháng 10 năm 2003 yêu cầu, các quốc gia thành viên thực hiện việc gửi thông tin thương mại, thư rác, email hoặc hệ thống tin nhắn điện tử khác như fax, SMS, và MMS, trừ khi đã được sự đồng ý trước của người nhận. Hơn nữa, các thông tin, tin nhắn tiếp thị bằng email hoặc SMS không được che giấu danh tính của người gửi. Chúng cần một địa chỉ hợp lệ và người nhận có thể gửi yêu cầu ngừng nhận các tin nhắn như vậy. Chế độ chọn tham gia là bắt buộc đối với bất cứ emai, SMS hoặc fax gửi đến mỗi cá nhân.

So với các cáo buộc của các chính trị gia hoặc đảng phái chính trị ở các quốc gia như Australia và Đức, các tuyên bố xử phạt về việc lan truyền trực tuyến tin đồn, tin tức giả mạo và thông tin sai lệch là do chính phủ ban hành, như ở Trung Quốc, Ai Cập, Nga và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Nếu nội dung bị xem là phản cảm, thông tin đó sẽ bị yêu cầu gỡ bỏ.

Vào tháng 6 năm 2019, Thư ký của Tổng cục Thông tin và Quan hệ thuộc Bộ Nội vụ Ai Cập cáo buộc rằng có khoảng 4 đến 6 triệu trang lưu hành thông tin sai lệch trên các tài khoản mạng xã hội nhắm vào người Ai Cập. Vào năm 2018, Tổng thống Ai Cập khẳng định rằng chính phủ Ai Cập đã xác định được khoảng 21.000 "tin đồn" được lan truyền trên mạng xã hội trong khoảng thời gian 3 tháng vào năm đó. Theo Ủy ban Truyền thông và Công nghệ Thông tin trong Quốc hội Ai Cập, 53.000 tin đồn thất thiệt được cho là đã được lan truyền ở Ai Cập chỉ trong 60 ngày trong năm 2017.

Tin nhắn cho vay tiền, mở tài khoản thường xuyên được nhắn đến điện thoại người dùng. Ảnh: Chụp màn hình.

Luật của Liên bang Nga định nghĩa "tin tức giả" bao gồm thông tin sai lệch "có ý nghĩa xã hội" mà trong số những thứ khác có thể gây ra vi phạm hàng loạt đối với trật tự công cộng hoặc an ninh công cộng hoặc can thiệp vào các lợi ích quan trọng của nhà nước như giao thông, cơ sở hạ tầng xã hội, tổ chức tín dụng hoặc các phương thức liên lạc. Quyết định của tòa án năm 2019 trong một vụ án liên quan đến một nhà hoạt động chính trị Nga đề cập đến các yếu tố bắt buộc để bị kết tội theo luật "chống tin tức giả" của Nga. Nhà hoạt động được cho là đã bị buộc tội phát tán thông tin sai lệch trên tài khoản mạng xã hội của cô ấy vì đã công khai một cuộc biểu tình trái phép chống lại việc chọn một địa điểm ở một thành phố của Nga để xử lý chất thải.

Tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, việc đăng hình ảnh một chiếc ô tô đậu ngang qua hai bãi đậu xe dành cho người khuyết tật cũng có thể bị quy kết trách nhiệm theo luật cấm xuất bản trực tuyến thông tin, tin tức của nước này. Theo đó, bất cứ thông tin nào có thể gây thiệt hại cho lợi ích, danh tiếng, uy tín và tầm vóc của nhà nước hoặc bất kỳ thể chế nào đều có thể bị kết tội.

Việc kiểm soát và xử lý fake news (tin giả) trên mạng xã hội đã được chính phủ các quốc gia tiế́n hành một cách gắt gao. Cụ thể, Chính phủ Trung Quốc yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải được đăng ký với nhà nước, cũng như tất cả người dùng phải dùng danh tính thật của mình trên mạng xã hội. Tại Liên bang Nga, bộ luật Roskomnadzor đã yêu cầu tất cả người chứng thực tin tức mình đã đăng lên mạng và cam kết đây không phải là fake news. Chặt chẽ hơn nữa, tại một số quốc gia, các nền tảng xã hội đã được khuyến khích hoạt động để thay thế Facebook, nơi mà sự tự do trong việc đăng tin không thể kiểm soát được. Cụ thể, chính phủ Ai Cập đã tuyên bố xây dựng thành công phiên bản Facebook Ai Cập, cho phép quản lý hiệu quả fake news trên mạng xã hội. Tại Trung Quốc, một nền tảng mạng xã hội khổng lồ đang được khuyến khích có tên là WeChat, được vận hành bởi Tencent.

Tại châu Âu, các qui định GDPR đã tác động rất nhiều đến mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, khi trang mạng xã hội này buộc phải đảm bảo an toàn dữ liệu cho người dùng. Theo đó, người dùng sẽ được hỏi ý kiến trước khi dữ liệu của mình bị thu thập, hoặc bị tước quyền sử dụng dữ liệu đã cấp trước đó và ngăn chặn tổ chức dùng thông tin của mình vào các mục đích không cho phép. Việc vi phạm GDPR có thể bị phát đến 20 triệu Euro, hoặc 4% tổng thu nhập của doanh nghiệp theo năm tài chính. Năm 2018, công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica đã bị phát hiện sử dụng dữ liệu người dùng từ Facebook mà không xin phép. Cụ thể hơn, dữ liệu này được phục vụ cho các mục đích rất quan trọng như bầu cử, chính trị. Facebook, sau khi vi bị phát hiện liên quan đến Cambridge Analytica, đã phải đối diện với mức phạt gần 1.6 tỷ USD.

Tỷ lệ thực hiện ngăn chặn cuộc gọi rác trong tháng 11-2020. Ảnh: Cục viễn thông.

Thay đổi ý thức người sử dụng

Theo Cục Viễn Thông, thống kê sơ bộ cho thấy các cuộc gọi rác tập trung nhiều nhất vào các dịch vụ rao bán nhà đất, căn hộ, condotel, mời mua bảo hiểm, các dịch vụ tài chính, học tiếng Anh…

Mặc dù biết là số lạ, tin nhắn lạ nhưng vì sợ đó có thể là số điện thoại của khách hàng, hay của bạn bè nên vẫn buộc phải nghe máy đó là tâm lý chung của đa số khách hàng sử dụng dịch vụ mạng. Sau khi biết đó là số từ sim rác, nhiều khách hàng đã dùng công cụ chặn các cuộc gọi rác, nhưng chặn số này thì lại có số khác gọi đến với nội dung tương tự.

Tin nhắn quảng cáo không được sự đồng ý trước của người sử dụng. Ảnh: Thu Hà.

Tuy nhiên, báo cáo của các doanh nghiệp cho thấy, tỉ lệ khách hàng phản hồi việc thu thập ý kiến của nhà mạng rất thấp, chỉ chiếm khoảng 5% số thuê bao nhận được câu hỏi. Trong khi đó, chất lượng và hiệu quả của giải pháp ngăn chặn cuộc gọi rác phụ thuộc nhiều vào tỉ lệ phản hồi của khách hàng.

Do đó, để ngăn chặn tình trạng này một cách hiệu quả, có lẽ cần nhiều hơn sự ủng hộ của người dùng đối với biện pháp ngăn chặn cuộc gọi rác bằng cách phối hợp trả lời tin nhắn thu thập ý kiến phản hồi của các khách hàng nhận cuộc gọi nghi ngờ có hành vi tạo cuộc gọi rác.

Bên cạnh đó, việc làm cho người dân hiểu rõ hơn về quy định và nhận dạng rõ ràng các khái niệm về tin nhắn rác của Nghị định 91 sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước về tin nhắn rác được thực hiện dễ dàng và đồng bộ hơn.

Song song đó, nghị định mới này còn có các quy định cụ thể về biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và người quảng cáo trong việc ngăn chặn tin nhắn rác; đồng thời quy định cụ thể các mức xử phạt vi phạm hành chính và nâng mức phạt cao hơn so với quy định trước đó.

Cùng với những quy định về những nguyên tắc cụ thể liên quan đến gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo hay việc gọi điện quảng cáo, Chính phủ cũng đã xây dựng những chế tài, xử phạt cụ thể đối với các nhà quảng cáo cũng như những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này vi phạm.

Về xử phạt vi phạm hành chính, đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ internet, mức phạt có thể lên tới 170 triệu đồng nếu không thực hiện các biện pháp ngăn chặn tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo đến danh sách không quảng cáo; không ngăn chặn, thu hồi địa chỉ điện tử được dùng để phát tán tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

Có thể thấy, vấn nạn tin nhắn rác không phải chỉ có ở Việt Nam mà hầu như có ở tất cả các mạng điện thoại di động trên thế giới. Để ngăn chặn tình trạng này, Chính phủ và Bộ TT&TT đã vào cuộc một cách quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, đẩy mạnh công tác quản lý, thanh tra các hoạt động này. Một trong những giải pháp được cử tri đánh giá cao và kỳ vọng sẽ ngăn chặn được vấn nạn này là việc ban hành Nghị định số 91 quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Tuy nhiên, để Nghị định phát huy được hiệu quả trên thực tế rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ban ngành liên quan. Bên cạnh đó, các thuê bao khi sử dụng dịch vụ mạng cũng cần trang bị các kiến thức cần thiết để tự phòng tránh.

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QĐND ĐIỆN TỬ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/khoa-hoc-cong-nghe/trong-nuoc/bai-4-quet-sach-rac-kinh-nghiem-va-giai-phap-648836