Bài 4: Minh bạch sẽ khắc phục tiêu cực trong công tác cán bộ

Trao đổi với phóng viên về những nội dung trong Quy định 205-QĐ/TW, đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương khẳng định: Quy định là rất rõ, nhưng vẫn phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu để Quy định được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn.

Đồng chí Hà Đăng: Quy định số 205-QĐ/TW là một bước tiến lớn trong công tác Xây dựng Đảng (Ảnh: Hiền Hòa).

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, đồng chí đánh giá như thế nào về việc ban hành Quy định này?

Đồng chí Hà Đăng: Lần đầu tiên trong lịch sử Đảng ta, Bộ Chính trị đã có một quy định rõ ràng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Có thể nói, đây là một văn bản có giá trị rất cao, bởi vì phải dựa trên cơ sở của văn bản để mà đẩy mạnh hơn việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng ngừa những tiêu cực nói chung trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, trong đó có tiêu cực về công tác cán bộ.

Quy định đã đưa ra khái niệm về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ bởi vì trước đây, chúng ta chỉ sử dụng khái niệm kiểm soát quyền lực nói chung như: Kiểm soát quyền lực kinh tế, quyền lực chính trị, quyền lực xã hội, nhưng kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ thì đây là lần đầu tiên được đề cập. Như vậy, Quy định 205 đã đáp ứng việc phòng ngừa lạm quyền, lộng quyền hoặc những vi phạm trong công tác cán bộ, sắp xếp cán bộ; đồng thời là những căn cứ để các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên thực hiện. Nếu vi phạm thì cứ theo Quy định mà xử lý.

Như vậy có thể nói, đây là một bước phát triển quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác cán bộ, vì Đảng ta coi công tác cán bộ là then chốt của then chốt thì cán bộ lại là then chốt của xây dựng Đảng, điều đó có ý nghĩa rất quan trọng để phòng ngừa tốt hơn trong Đảng nói chung, đặc biệt là tiêu cực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền.

PV: Quyền lực là yếu tố cần thiết của người lãnh đạo và trong việc lãnh đạo, nhưng vì sao chúng ta lại phải kiểm soát quyền lực?

Đồng chí Hà Đăng: Cách mạng là để giành chính quyền, lập chính quyền, tức là giành lấy quyền lực lãnh đạo, quyền lực phục vụ nhân dân. Do vậy, quyền lực là rất cần thiết cho người làm lãnh đạo. Nhưng quyền lực nếu về tay một người hoặc một nhóm người mà không có kiểm soát thì quyền lực đó trở thành độc quyền, độc tài và nó trở thành một cái gì đó phản lại lợi ích của quyền lực nhân dân. Do vậy, vấn đề kiểm soát quyền lực là vấn đề rất lớn; giao cho anh quyền lực, anh làm nhiệm vụ của anh, mà nhiệm vụ đó là phải phục vụ quyền lợi của Nhân dân, phục vụ quyền lợi của Đảng, mà quyền lợi cao nhất của Đảng cũng chính là quyền lợi của Nhân dân.Nhưng nếu quyền lực cứ thả ra cho anh tự tung, tự tác thì rất nguy hiểm. Do đó, phải “nhốt” quyền lực vào lồng thể chế, cơ chế để kiểm soát quyền lực.

Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị vừa rồi đã nêu rất rõ và đưa ra rất nhiều biện pháp, trong đó nêu cả trách nhiệm của người giới thiệu những người không đủ tiêu chuẩn, vi phạm nguyên tắc đạo đức... đều phải xử lý chứ không phải chỉ là những người đã vi phạm. Giới thiệu những người không đủ tiêu chuẩn, không đủ phẩm chất, những người có tỳ vết về chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, lạm quyền thì chính những người giới thiệu cũng phải chịu trách nhiệm. “Nhốt” quyền lực có nghĩa là quyền lực phải đi đôi với pháp luật, với những quy định, trách nhiệm.

PV: Quy định lần này cũng nêu rất rõ người chịu trách nhiệm liên đới trong việc giới thiệu cán bộ không đúng. Đồng chí phân tích gì về nội dung này?

Đồng chí Hà Đăng: Quy định lần này nêu rõ, đối với thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm cá nhân trong việc đề xuất nhân sự và trong việc nhận xét, đánh giá, xác nhận hồ sơ, lý lịch, các giấy tờ có liên quan của nhân sự thuộc thẩm quyền phụ trách. Với tư cách là thành viên, chịu trách nhiệm liên đới đối với từng quyết định không đúng về công tác cán bộ của tập thể lãnh đạo, trừ trường hợp đã có ý kiến không đồng ý trong quá trình thực hiện quy trình công tác cán bộ và báo cáo cấp có thẩm quyền bằng văn bản (hoặc ý kiến đã được ghi nhận trong biên bản cuộc họp).

Quy định về trách nhiệm cá nhân của người giới thiệu là rất rõ. Vấn đề giới thiệu cán bộ, giới thiệu những người làm việc này, việc khác thì trước đây chúng ta cứ nhân danh là người này giới thiệu, nhưng qua tập thể là thông qua để coi là tập thể giới thiệu và như vậy là không có ai chịu trách nhiệm. Những người giới thiệu người không đủ tiêu chuẩn giữ cương vị lãnh đạo thì cũng phải chịu trách nhiệm. Vì trên thực tế, khi xảy ra cán bộ vi phạm bị xử lý kỷ luật thì chúng ta hay truy nguyên xem anh nào giới thiệu họ. Việc quy định rõ sẽ khiến cho người giới thiệu cũng phải cân nhắc kỹ trước khi đưa ra nhân sự.

PV: Để hạn chế tình trạng “cả họ làm quan”, Quy định 205 nêu rất rõ những điều cấm, nhưng làm thế nào để chống được việc đưa người nhà, người thân vào trong cùng cấp, cùng đơn vị, thưa đồng chí?

Đồng chí Hà Đăng: Vấn đề này chúng ta đã nói từ lâu, không đưa bạn bè, người nhà, người thân, họ hàng vào làm cùng bộ máy. Và thực tế cũng có những nơi làm được nhưng còn quá ít so với yêu cầu đề ra. Lần này đang yêu cầu làm mạnh mẽ và quyết liệt. Không chỉ nêu ở trong nội bộ Đảng, trong các chỉ thị, nghị quyết, mà còn công bố một cách công khai để từ đó có cơ sở kiểm điểm sự lãnh đạo của cấp này hay cách khác, của cá nhân hay của tập thể về công tác cán bộ. Điều cấm này rất dễ quan sát và kiểm soát.

"Không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cùng cấp ủy; chủ tịch Ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị"

---- Quy định 205-QĐ/TW--

PV: Thưa đồng chí, việc cấm tặng quà nhằm mục đích vụ lợi đã được nêu ở một số văn bản khác và trong Quy định lần này, nhưng như ai sẽ là người thực hiện việc kiểm tra?

Đồng chí Hà Đăng: Việc kiểm tra đó là nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, nhưng chắc chắn phải nhờ tới quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, việc tặng quà một cách tinh vi thì ai biết được, ví dụ tặng tiền, tặng tài khoản, tặng nhà xe … thì rất khó kiểm soát. Nhưng nếu chỉ tặng giữa hai người với nhau thì mới khó, còn có những trường hợp có thể tặng nhiều người với số tiền lớn, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi khác sẽ không thoát khỏi cặp mắt của những người chính trực. Nhân dân sẽ biết rất rõ ai là người có nhiều nhà đẹp, xe sang, hay những cuộc vui chơi tiệc tùng linh đình, xa xỉ có thể quan sát và phát hiện được.

PV: Vậy theo đồng chí, làm sao để xác định được việc tặng quà đấy là không có mục đích vụ lợi?

Đồng chí Hà Đăng: Đây lại là những nội dung tác nghiệp cụ thể và theo tôi, để thực hiện được điều này chỉ có thể làm được khi mà những người lãnh đạo có trách nhiệm ở tất cả các cấp ủy, tổ chức đảng, mà trực tiếp là những người làm công tác tổ chức cán bộ. Nếu đề cao trách nhiệm và căn cứ vào văn bản này để thực thi thì hoàn toàn có thể phân biệt được chứ không khó. Vấn đề là, nếu anh bị chèn ép bởi những động cơ thì sẽ gọi đó là khó, còn nếu quang minh chính đại thì sẽ phân biệt được đâu là động cơ vụ lợi, đâu là tình cảm chân thành.

PV: Thưa đồng chí, có ý kiến cho rằng, sẽ rất khó phát hiện việc thỏa hiệp trong công tác cán bộ, không bộc lộ rõ chạy chức chạy quyền. Vậy chúng ta phải làm gì để việc ngăn chặn có hiệu quả?

Đồng chí Hà Đăng: Tôi vẫn phải nhấn mạnh trách nhiệm của người lãnh đạo, người làm công tác cán bộ. Vì nếu anh không thực hiện hết trách nhiệm của mình, không trong sáng thì anh có thể lợi dụng vị trí lãnh đạo của anh để mà bố trí sắp xếp cán bộ theo hướng có lợi, gắn với lợi ích của anh. Nếu anh thật sự trong sáng vì nhân dân, vì đất nước, vì Đảng thì hoàn toàn không có gì có thể che lấp được. Ở đây, vẫn đòi hỏi tính minh bạch và thật sự dân chủ trong công tác lãnh đạo của Đảng nói chung và đặc biệt là trong công tác cán bộ, nhất là trước thềm đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII. Thật sự minh bạch trong công tác cán bộ, thật sự vì lợi ích của đất nước, lợi ích cuộc sống của nhân dân thì hoàn toàn có thể khắc phục được những tiêu cực trong công tác cán bộ.

Quy định số 205-QĐ/TW lần này rất cụ thể và đây là một bước tiến rất lớn. Trước đây, chúng ta chỉ đi vào định tính chứ không có định lượng thì nay, văn bản này đã nhận diện rõ giống như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ 27 biểu hiện, Quy định lần này cũng đã chỉ rõ 6 hành vi chạy chức chạy quyền, 8 hành vi bao che tiếp tay, đó là những bước tiến rất mạnh mẽ. Cứ căn cứ vào đó mà thực hiện đúng thì sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ, sẽ loại bỏ được chạy chức, chạy quyền và tạo môi trường lành mạnh, công bằng cho tất cả những cán bộ, công chức khác.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Hiền Hòa (thực hiện)

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/bai-4-minh-bach-se-khac-phuc-tieu-cuc-trong-cong-tac-can-bo-540272.html