Bài 4: Đồng chí - Vẻ đẹp của hình tượng người lính

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã có rất nhiều bài thơ nổi tiếng viết về hình ảnh người lính, về tình đồng đội. Nhưng một trong những thi phẩm xuất sắc nhất phải nói đến là 'Đồng chí' của nhà thơ Chính Hữu mà sau này được nhạc sĩ Minh Quốc phổ nhạc, thành bài hát 'Tình đồng chí'.

(Cinet)- Trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã có rất nhiều bài thơ nổi tiếng viết về hình ảnh người lính, về tình đồng đội. Nhưng một trong những thi phẩm xuất sắc nhất phải nói đến là “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu mà sau này được nhạc sĩ Minh Quốc phổ nhạc, thành bài hát “Tình đồng chí”.

Ảnh minh họa. Nguồn: baogiaothong.vn

Và kể từ khi ra đời đến nay, bài hát Tình đồng chí đã khơi dậy những cảm xúc mạnh mẽ trong lòng nhiều thế hệ cách mạng, nhất là những người lính đã từng cầm súng chiến đấu qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Mở đầu từ mạch tự sự, tâm tình: “Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá/ Anh với tôi đôi người xa lạ/ Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”. Mỗi người đến từ một miền quê, người từ miền biển mặn, đất phèn, người từ miền trung du đất ít hơn sỏi đá. Thế nhưng từ những phương trời xa lạ ấy, chẳng hẹn mà lại hóa thân quen. Đặc biệt, đã có một sức mạnh vô hình - sức mạnh của tình yêu quê hương, đất nước, của ý chí chiến đấu kiên cường không quản ngại khó khăn đã biến họ thành đôi tri kỷ: “Súng bên súng đầu gác bên đầu/ Ðêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ”. Hai câu thơ vừa mang ý nghĩa tả thực vừa mang ý nghĩa biểu trưng bởi đã gợi lên hình ảnh những người lính luôn sát cánh bên nhau trong khi làm nhiệm vụ “súng bên súng”, lại vừa chung chí hướng, chung lý tưởng cách mạng “đầu sát bên đầu”.

“Đồng chí” - Câu thơ được tách riêng một dòng như lời nghẹn ngào, như nốt nhấn trên bản đàn, buộc người đọc phải dừng lại suy nghĩ. Hai tiếng “đồng chí” đơn sơ mà cảm động đến nao lòng, làm bừng sáng ý nghĩa của cả bài thơ.

Đồng chí là hai tiếng thiêng liêng, là kết tinh của mọi tình cảm, là cội nguồn sức mạnh vang lên từ sâu thẳm tâm hồn mỗi người lính để họ dũng cảm, can trường cùng vượt qua những tháng ngày đầy gian khó: “Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh/ Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi/ Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/ Miệng cười buốt giá/ Chân không giày/ Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Với sự lặp lại của những cặp đối xứng so sánh, tứ thơ đã trở nên đặc biệt, qua đó để thấy được rằng, càng gian khó thiếu thốn bao nhiêu thì vẻ đẹp trong tâm hồn người lính càng tỏa sáng bấy nhiêu.

Kết thúc bài thơ là một hình ảnh tuyệt đẹp: “Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo”. Hiện ra trước mắt người đọc là khung cảnh vô cùng giá lạnh của núi rừng Việt Bắc, những người đồng chí vẫn đứng cạnh nhau, cùng nhau vào sinh ra tử, từ đó vun đắp tạc nên một biểu tượng có tính khái quát cao lay thức lòng người “Đầu súng trăng treo”. Nếu như vầng trăng là biểu tượng của hòa bình, yên ả thì súng là vật để bảo vệ cho sự yên bình ấy. Súng và trăng, xa và gần, thực tại và mơ mộng. Một hình ảnh đậm chất chiến đấu pha trữ tình, đậm chất chiến sĩ và thi sĩ. Cũng chính vì giá trị tuyệt đẹp như vậy, hình ảnh đó đã trở thành nhan đề cho tập thơ cùng tên của chính tác giả.

Thơ ca bắt nguồn từ cuộc sống. Có lẽ vì thế mà mỗi bài thơ đều mang đến cảm xúc và sự đồng điệu trong tâm hồn người đọc và tâm hồn thi sĩ. “Đồng chí” như một lời ca nhẹ nhàng trong trẻo ngân lên về tình đồng đội và cũng là một bức tranh đẹp về người lính trong kháng chiến chống Pháp. Dù thời gian có trôi bao lâu, thi phẩm, nhạc phẩm này vẫn mãi mãi là dấu ấn không thể nào quên trong lòng mỗi người.

Nguyệt Như

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cuoc-song-va-van-hoa/bai-4-dong-chi-ve-dep-cua-hinh-tuong-nguoi-linh-351274.html