Bài 4: Cộng đồng là chủ thể bảo vệ di sản từ sớm, từ xa

Xã hội hóa hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa là một chủ trương, biện pháp quan trọng của Đảng và Nhà nước. Thực tế đã chứng minh rằng, không có quốc gia nào mà Nhà nước có thể gánh hết các công việc liên quan đến di sản văn hóa, mà phải khơi dậy, phát huy vai trò của cộng đồng để họ tích cực, tự giác tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đây là chia sẻ của PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam khi trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị về bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, đưa Luật Di sản văn hóa năm 2024 vào đời sống.

Huy động khả năng, tâm huyết, trách nhiệm của người dân

Thưa ông, Luật Di sản văn hóa năm 2024 đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 tác động đến công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa như thế nào?

- Chúng ta đã có Luật Di sản văn hóa từ năm 2001, Luật Sửa đổi một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009. Mỗi lần sửa đổi Luật là mỗi lần hoàn thiện hơn, sát hợp với thực tế hơn và ngày càng gắn kết với các quy định quốc tế. Luật Di sản văn hóa năm 2024 với 9 chương và 95 điều có nhiều điểm mới. Thứ nhất, tư tưởng chung của Luật đề cập đến các vấn đề như di sản văn hóa, quản lý văn hóa, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa... Luật cũng nêu trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan, tổ chức xã hội đối với di sản văn hóa.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam

PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam

Thứ hai, Luật Di sản văn hóa lần này cũng quy định rõ hơn xác định trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân, cộng đồng. Luật xác định, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi tổ chức và cá nhân trong xã hội. Trong đó, Chính phủ quản lý thống nhất về di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL là đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý về di sản văn hóa; các bộ, ngành... có trách nhiệm phối hợp với Bộ VHTT&DL quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong thẩm quyền, trách nhiệm của mình. Đặc biệt, Luật Di sản văn hóa lần này xác định Chủ tịch UBND các tỉnh, TP có vai trò rất lớn, phải chịu trách nhiệm toàn diện về việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn của mình.

Trong Luật Di sản văn hóa năm 2024 có giao quyền cho chính quyền địa phương quản lý di sản văn hóa. Vậy người dân địa phương là chủ thể sẽ được hỗ trợ như thế nào để bảo vệ và phát huy di sản văn hóa?

- Sau khi có Luật Di sản văn hóa năm 2024 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành thì một nội dung rất quan trọng là phổ biến rộng rãi Luật tới người dân để họ biết, thấm nhuần và từ đó thực hiện. Còn nếu người dân không hiểu pháp luật thì sẽ làm sai hoặc làm sai mà không biết. Ví dụ như đình, chùa đã được xếp hạng di tích, trước khi tu sửa phải báo cáo, xin phép, thực hiện theo quy trình nhưng nếu không nắm được luật thì sẽ tự ý làm; rồi có trường hợp đưa tượng phật hoặc các vật ngoại lai vào chùa...

Để người dân bảo vệ và phát huy di sản văn hóa thì chúng ta làm điều gì cũng phải hướng về cộng đồng. Cộng đồng có lợi gì, được thụ hưởng gì khi bảo vệ và phát huy di sản văn hóa. Thụ hưởng ở đây không có nghĩa là người dân được tiền, đó chỉ là một phần, vấn đề là quyền lợi của người dân như thế nào, có chính sách ưu đãi gì, khen thưởng ra sao?

Cũng cần nói thêm, xã hội hóa không chỉ là tiền mà phải huy động khả năng, tâm huyết của người dân cũng như tinh thần, trách nhiệm, niềm hứng khởi của họ để tham gia vào công việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa. Ở các quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Nhà nước đóng vai trò tạo điều kiện, hướng dẫn việc bảo vệ di sản văn hóa, còn cộng đồng làm là chính. Cũng như ở nước ta, cộng đồng là những người gìn giữ bảo vệ di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội, hầu đồng...

Về chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể được quy định cụ thể tại Điều 14, Chương II Luật Di sản văn hóa năm 2024. Theo đó, nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể được Nhà nước xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước và thực hiện các hình thức tôn vinh khác theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng. Khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu, nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể sẽ được thụ hưởng nhiều chính sách đãi ngộ cũng như các cơ chế tài chính hỗ trợ khác để phát huy vai trò trong bảo tồn, trao truyền di sản.

Ngoài ra, căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định chế độ đãi ngộ nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.

Cần nhiều giải pháp quyết liệt

Theo ông, cần những giải pháp đột phá gì trong công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa?

- Các địa phương nên tranh thủ, khuyến khích, động viên các tổ chức xã hội nghề nghiệp về di sản văn hóa tích cực tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước. Những tổ chức này có số lượng hội viên đông đảo, là cánh tay nối dài của Nhà nước tuyên truyền về Luật Di sản văn hóa thì sức lan tỏa sẽ rất lớn.

Cụ thể, theo thống kê trong cả nước có hơn 4 triệu hiện vật trong bảo tàng và trên 300 bảo vật quốc gia. Những bảo vật này không chỉ ở các bảo tàng mà còn trong những sưu tập tư nhân, khu di tích. Nhà nước quy định bảo vật quốc gia phải được bảo vệ với chế độ đặc biệt. Khi các hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia thì các địa phương có bảo vật phải có chương trình, kế hoạch hành động để bảo vệ. Đồng thời, cũng phải có những phương tiện kỹ thuật; điều kiện về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm… để bảo vệ cổ vật.

Thế nhưng hiện nay, nhiều khi các địa phương gặp khó khăn về nguồn kinh phí, chưa thực hiện được việc bảo vệ bảo vật nên vẫn có nguy cơ bảo vật bị mất cắp, hỏa hoạn. Do đó, tôi muốn đề cập đến một vấn đề nữa: lúc nào chúng ta cũng khó khăn về kinh phí để bảo vệ và phát huy di sản văn hóa. Để giải bài toán này, Nhà nước sẽ bảo đảm những khoản chi thường xuyên về di sản văn hóa nhưng hằng năm các địa phương phải có kế hoạch cụ thể như chi bao nhiêu, vào việc gì thì mới hiệu quả.

Với bề dày nghìn năm văn hiến, sở hữu vốn di sản văn hóa phong phú, đặc sắc, Hà Nội cần phải làm gì để phát huy nguồn lực di sản này phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa nói riêng, phát triển Thủ đô nói chung, thưa ông?

- Hà Nội là Thủ đô nghìn năm văn hiến, đứng đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Hà Nội có nhiều di tích quốc gia đặc biệt, nhiều bảo vật quốc gia, nhiều di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đặc biệt di sản văn hóa thế giới như Hoàng thành Thăng Long, Di sản tư liệu thế giới bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tất cả những di sản đó là nguồn lực vô cùng phong phú để phát triển Thủ đô.

Những năm qua, Hà Nội rất quan tâm đến việc bảo vệ di sản văn hóa. Thành ủy, HĐND TP Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết về di sản văn hóa, bảo vệ các khu phố cổ, những làng nghề, các kiến trúc cổ. Nhưng Hà Nội vẫn có hạn chế nhất định trong công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa.

Về giải pháp, đầu tiên Hà Nội phải đặc biệt quan tâm đến khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Đơn cử, TP có Bảo tàng Hà Nội, mang tính chất, tầm quan trọng cấp quốc gia, do đó Hà Nội cần đặc biệt quan tâm đến công tác trưng bày hiện vật để phát huy giá trị và xứng tầm với Thủ đô.

Thứ nữa, Hà Nội có rất nhiều di tích, TP cũng rất quan tâm nhưng di tích xuống cấp vẫn nhiều. Vì thế, TP cần quan tâm hơn nữa đầu tư kinh phí và huy động xã hội hóa để có thêm nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa. Theo báo cáo của Hội Di sản văn hóa Thăng Long, Hà Nội có tới 50 - 60% kinh phí tu bổ di tích là từ xã hội hóa, đây là điều rất tốt và Hà Nội cần tiếp tục phát huy để có thêm nguồn lực.

Một vấn đề nữa là phân cấp quản lý các di sản văn hóa. Ví dụ, hiện nay Hà Nội có di tích cấp TP, di tích cấp quốc gia, di tích cấp quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới. Bây giờ, chúng ta phải phân cấp, đồng thời kèm theo những hướng dẫn, quy định hết sức cụ thể để công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa mang lại hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

Năm 2022, tại Kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết về chế độ đãi ngộ, hỗ trợ nghệ sĩ Nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân và câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể TP Hà Nội. Theo đó, chế độ đãi ngộ, hỗ trợ một lần đối với nghệ nhân Nhân dân được phong tặng danh hiệu là 40 triệu đồng; với nghệ nhân ưu tú được phong tặng danh hiệu là 30 triệu đồng… Tôi hy vọng, 34 tỉnh, TP đều có chính sách đãi ngộ với nghệ nhân bởi UNESCO đã xác định các nghệ nhân ở lĩnh vực di sản phi vật thể đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc lưu giữ cũng như trao truyền các giá trị văn hóa.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam

(Còn nữa)

Trần Oanh thực hiện

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-4-cong-dong-la-chu-the-bao-ve-di-san-tu-som-tu-xa.774185.html