Bài 4: Còn nhiều 'lỗ hổng' pháp lý

Nói về nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ việc xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài nguyên nhân do nhận thức pháp luật của thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em rất thấp thì về phía các quy định pháp luật cũng còn một số hạn chế, bất cập.

Mới đây, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức Phiên họp đánh giá việc thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp về nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và giải pháp trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần khẩn trương khắc phục một số khó khăn vướng mắc để đảm bảo thực hiện một cách tốt nhất chức năng, thẩm quyền của mình trong việc nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. (Ảnh: Q.H)

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần khẩn trương khắc phục một số khó khăn vướng mắc để đảm bảo thực hiện một cách tốt nhất chức năng, thẩm quyền của mình trong việc nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. (Ảnh: Q.H)

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến nhấn mạnh, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em để lại những hậu quả vô cùng nặng nề cho các em nhỏ là nạn nhân cũng như gia đình của nạn nhân. Tuy nhiên, trong phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em nói riêng và xâm hại tình dục nói chung vẫn gặp những khó khăn, bất cập. Đó là thiếu văn bản hướng dẫn một số quy định trong các luật để bảo đảm việc áp dụng, xử lý thống nhất, chính xác như: chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Ngoài ra, chưa có quy trình tố tụng đặc biệt để xử lý tố giác, tin báo và giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Điều đáng nói vẫn còn hạn chế trong nhận thức pháp luật và trong nghiệp vụ…

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, nhiều ý kiến đề nghị, cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao phòng ngừa tội phạm này. Ngoài ra, Tòa án Nhân dân Tối cao cần ban hành văn bản hướng dẫn xác định các dấu hiệu của “Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi”.

Trước việc thiếu quy trình giám định đặc biệt đối với loại án xâm hại tình dục, nhất là xâm hại tình dục trẻ em, các ý kiến đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chủ trì xây dựng quy trình trưng cầu giám định đối với loại án này...

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, quan tâm, chăm sóc và bảo vệ trẻ em luôn được Đảng và Nhà nước xác định là chính sách ưu tiên hàng đầu trong bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài của đất nước. Thời gian qua, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em đã được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em vẫn còn một số hạn chế, bất cập.

TS. Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, những vụ xâm hại tình dục trẻ em thời gian qua khiến người dân bức xúc là vì xử lý chưa nghiêm, người thực thi công vụ chưa làm hết trách nhiệm.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong xét xử, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Duy Hữu, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho rằng, điều tra, xét xử tội dâm ô rất phức tạp, đặc biệt là với đối tượng trẻ em, phải làm sao để cho các em hiểu và miêu tả đúng các hành vi. Ông Hữu cũng đề xuất cần sớm có hướng dẫn các dấu hiệu của tội dâm ô để thống nhất trong cách điều tra, xét xử.

Nói về nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ việc xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài nguyên nhân do nhận thức pháp luật của thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em rất thấp thì về phía quy định pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử chưa áp dụng tối đa các hình phạt hiện hành đối với tội xâm hại tình dục trẻ em.

Luật sư Nguyễn Bích Lan, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, pháp luật hình sự còn bỏ sót một số hành vi xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng như tàng trữ ấn phẩm khiêu dâm trẻ em, chưa có quy định cụ thể các hành vi thuộc tội danh xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là hành vi dâm ô trẻ em.

Pháp luật tố tụng hình sự cũng chưa quy định thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án bạo lực, xâm hại trẻ em, chưa chú trọng đầy đủ đặc tính dễ tổn thương của trẻ em - nạn nhân của xâm hại khi tham gia quá trình tố tụng; chưa quy định chi tiết về bảo mật thông tin, bí mật riêng tư cho trẻ em trong tố tụng, bảo vệ người tố giác.

Cũng theo luật sư Lan, ở nước ta, một đứa trẻ có đến hơn 10 cơ quan bảo vệ quyền lợi. Thế nhưng, khi đứa trẻ đó bị xâm hại thì gia đình các em lại không biết phải đến “gõ cửa” cơ quan nào để đòi lại công bằng. Có nhiều em bị xâm hại tình dục xảy ra từ 3-4 năm nay, nhưng sự việc vẫn bị “chìm xuồng” chưa thể giải quyết. Sự im lặng này do đâu? Đây là câu hỏi được dư luận đặt ra trong thời gian này, khi mà một số vụ xâm hại tình dục trẻ em liên tiếp xảy ra thời gian gần đây, gây bức xúc trong dư luận.

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bai-4-con-nhieu-lo-hong-phap-ly-90412.html