Bài 4: Cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ

Làm tốt công tác xây dựng tổ chức đảng (TCĐ) và đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân (KTTN), để TCĐ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp (DN), góp phần phát triển KTTN lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là nhiệm vụ không của riêng ai. Do đó, để đạt được mục tiêu, yêu cầu đặt ra của công tác này, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, toàn diện của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Khắc phục bất cập từ các văn bản chỉ đạo

Xây dựng TCĐ trong các đơn vị KTTN được Đảng ta nhận định: “Đây là vấn đề mới và khó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không ít cấp ủy còn lúng túng hoặc chưa có quyết tâm chính trị cao”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, khóa XII về “Phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” đã chỉ ra: “Hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách khuyến khích KTTN phát triển còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. KTTN chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Thực tế, ở một số tỉnh (thành phố) đang tồn tại song song đảng bộ khối DN (đảng bộ khối cơ quan và DN); đảng bộ khu công nghiệp, khu chế xuất. Hai đảng bộ này đều là đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc tỉnh ủy (thành ủy). Tuy là đảng bộ độc lập nhưng chức năng, nhiệm vụ có những nét tương đồng nên dẫn đến sự cồng kềnh của bộ máy, nhiều khi có sự chồng chéo trong công tác chỉ đạo của tỉnh ủy (thành ủy). Sở dĩ có hai đảng bộ vì các địa phương thực hiện theo đúng hướng dẫn của Trung ương. Đảng bộ khối DN tỉnh (thành phố) được thành lập theo Quy định số 294-QĐ/TW ngày 23-3-2010 của Ban Bí thư về “Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của đảng ủy khối DN tỉnh, thành phố”. Đảng bộ khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập theo Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW ngày 17-10-2013 của Ban Tổ chức Trung ương về việc “Xây dựng mô hình TCĐ ở khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cụm công nghiệp”.

Dù là cấp trên cơ sở, nhưng đảng ủy của hai đảng bộ trên không có quyền chuẩn y kết nạp chủ DN là quần chúng ưu tú vào Đảng. Theo Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW ngày 30-1-2013 của Ban Tổ chức Trung ương về việc “Thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ DN tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng” và Công văn số 8180-CV/BTCTW ngày 31-12-2014 của Ban Tổ chức Trung ương về việc “Tiếp tục thực hiện Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW, ngày 30-1-2013 của Ban Tổ chức Trung ương”, ngoài quy định tiêu chuẩn, điều kiện hết sức khắt khe đối với cá nhân chủ DN thì thủ tục và thẩm quyền kết nạp chủ DN tư nhân vào Đảng khá phức tạp, qua nhiều công đoạn xét duyệt của nhiều cấp ủy đảng, đó là: Chủ DN tư nhân vào Đảng phải bảo đảm nguyên tắc, thủ tục theo quy định tại Điều 4, Điều 5 của Điều lệ Đảng và các quy định của Trung ương; được ban thường vụ tỉnh ủy (thành ủy) đồng ý bằng văn bản, cấp ủy có thẩm quyền (huyện ủy và tương đương) xem xét, quyết định. Trong khi đó, chủ DN tư nhân vào Đảng còn bị ràng buộc bởi Quy định số 15/QĐ-TW, ngày 28-8-2006 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tại Hội nghị Trung ương 3, khóa X) về “Đảng viên làm kinh tế tư nhân”. Thủ tục rườm rà đó khiến việc kết nạp chủ DN tư nhân vào Đảng càng gặp khó khăn.

 Lãnh đạo Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ nắm bắt tình hình và động viên lãnh đạo doanh nghiệp. Ảnh: XUÂN THƯỞNG.

Lãnh đạo Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ nắm bắt tình hình và động viên lãnh đạo doanh nghiệp. Ảnh: XUÂN THƯỞNG.

Đối với công tác phát triển đảng viên, theo Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 20-9-2016 của Ban Chấp hành Trung ương về “Một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng” quy định: “Nếu làm hợp đồng có thời hạn, thời gian thực tế làm việc tại cơ quan, DN, đơn vị sự nghiệp dưới 12 tháng thì TCĐ nơi cư trú xem xét kết nạp; trước khi làm thủ tục xem xét kết nạp phải có nhận xét của cơ quan, DN, đơn vị sự nghiệp nơi người vào Đảng đang làm việc. Nếu làm hợp đồng liên tục từ đủ 12 tháng trở lên thì TCĐ của cơ quan, DN, đơn vị sự nghiệp nơi người đó làm việc xem xét kết nạp”. Như vậy, công tác phát triển đảng theo hướng dẫn của Trung ương phù hợp với những DN đã có TCĐ, còn đối với những DN chưa có TCĐ thì việc xem xét kết nạp những quần chúng ưu tú vào Đảng là rất khó khăn.

Trong khi đó, Nghị định số 98/2014/NĐ-CP ngày 24-10-2014 của Chính phủ “Quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội tại DNthuộc mọi thành phần kinh tế”, tại Điều 4 "Quy định thành lập TCĐ tại DN" chỉ rõ: “DN đã có TCĐ: TCĐ tại DN tiến hành rà soát số người lao động (NLĐ) là đảng viên đang làm việc ổn định từ 12 tháng trở lên trong DN đang sinh hoạt đảng ở nơi khác và đề nghị cấp ủy đảng cấp trên chuyển số NLĐ là đảng viên đó về sinh hoạt tại TCĐ của DN. DN chưa có TCĐ: Cấp ủy đảng cấp trên cơ sở nơi DN hoạt động tiến hành rà soát khi có đủ từ 3 NLĐ là đảng viên chính thức đang làm việc ổn định từ 12 tháng trở lên trong DN đang sinh hoạt đảng ở nơi khác, tiến hành chuyển số đảng viên đó về TCĐ cấp trên cơ sở, phối hợp với DN làm các thủ tục thành lập TCĐ ở DN...”. Các DN thực hiện Nghị định của Chính phủ sẽ xảy ra các tình huống sau: Nếu công nhân đã là đảng viên trước khi vào DN làm việc thì phải sinh hoạt ở nơi khác 12 tháng trở lên mới được đề nghị về TCĐ tại DN để tham gia sinh hoạt Đảng. Nếu DN đã có đủ 3 đảng viên chính thức, nhưng 3 đảng viên chính thức này chưa làm việc ổn định được 12 tháng tại DN thì vẫn chưa thể thành lập được chi bộ. Như vậy có thể thấy nội dung của Điều 4 trong Nghị định của Chính phủ đang tự phát sinh mâu thuẫn, không đúng theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Về mức đóng đảng phí giữa đảng viên sinh hoạt ở TCĐ trong DN và đảng viên sinh hoạt tại TCĐ địa phương có sự chênh lệch khá lớn. Trong Hướng dẫn số 03-HD/VPTW, ngày 6-7-2016 của Văn phòng Trung ương Đảng về “Thực hiện chế độ đảng phí theo Quyết định số 342-QĐ/TW, ngày 28-12-2010 của Bộ Chính trị” chỉ rõ: “Đảng viên làm việc trong các DN nhà nước, công ty cổ phần, công ty hợp danh, DN tư nhân, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, đơn vị sự nghiệp công lập. Mức đóng đảng phí hằng tháng bằng 1% các khoản sau: Tiền lương theo ngạch bậc, lương chức vụ, chức danh hoặc tiền công; tiền lương theo ngạch bậc, lương chức vụ, chức danh tăng thêm từ quỹ tiền lương của đơn vị theo quy định của Chính phủ; các khoản phụ cấp tính đóng bảo hiểm xã hội”. Cũng theo hướng dẫn trên, đảng viên trong độ tuổi lao động mức đóng đảng phí được quy định là: “Khu vực nội thành các thành phố trực thuộc Trung ương, mức đóng đảng phí 10.000 đồng/tháng; khu vực nội thành đô thị loại I, loại II, loại III của các tỉnh trực thuộc Trung ương đóng đảng phí 8.000 đồng/tháng; khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (địa bàn khu vực III theo quy định của Chính phủ) đóng đảng phí 4.000 đồng/tháng. Các khu vực còn lại đóng đảng phí 6.000 đồng/tháng.” Như vậy, sự chênh lệch mức đóng đảng phí đã khiến đảng viên không muốn chuyển sinh hoạt từ địa phương về DN như thực tế đang diễn ra ở nhiều địa phương và đơn vị KTTN.

Tổ chức công đoàn ở các đơn vị KTTN hoạt động theo Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; công đoàn tổng công ty và một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đặc thù khác trực thuộc liên đoàn lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Như vậy, ban chấp hành công đoàn cơ sở ở đơn vị KTTN với đảng ủy khối DN; đảng ủy khu công nghiệp, khu chế xuất là mối quan hệ phối hợp công tác, không có sự gắn kết, khó trong công tác giới thiệu đoàn viên công đoàn ưu tú vào Đảng.

Huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành

Tuy còn những bất cập về cơ chế, chính sách nhưng nhiều địa phương đã quán triệt sâu sắc các văn bản của trên, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả và thực tế của địa phương mình, qua đó đã huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành đối với công tác xây dựng TCĐ và đảng viên trong đơn vị KTTN.

Như ở Đảng bộ TP Hà Nội, theo đồng chí Đường Hoài Nam, Phó trưởng ban Tổ chức Thành ủy: Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các DN ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020” ra đời trở thành “cú hích” cho công tác xây dựng TCĐ và đảng viên trong các đơn vị KTTN. Thực hiện nghị quyết, toàn Đảng bộ TP Hà Nội đã thành lập mới được gần 900 TCĐ, nâng tổng số TCĐ trong các đơn vị KTTN của Hà Nội lên hơn 1.650 và phát triển được gần 6.000 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên trong các đơn vị KTTN ở Hà Nội lên gần 26.500 đảng viên.

Cùng với việc sắp xếp, kiện toàn Đảng bộ Khối DN, thời gian tới Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội sẽ tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục chỉ đạo thành lập các đảng bộ khối DN quận, huyện, thị xã trực thuộc quận, huyện, thị ủy để quản lý và chỉ đạo các TCĐ trong đơn vị KTTN phát triển theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước; làm cầu nối giữa DN với lãnh đạo địa phương và giữa các DN trong khối.

Nói về chủ trương xây dựng TCĐ và đảng viên trong thời gian tới, đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh khẳng định: "Ban chỉ đạo về xây dựng TCĐ, phát triển đảng viên trong các đơn vị KTTN trên địa bàn cấp tỉnh và cấp huyện, thành phố sẽ chủ động rà soát, nắm chắc số lượng, đánh giá kỹ thực trạng tổ chức và hoạt động của TCĐ trong các DN, đề ra giải pháp cụ thể để củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động... đồng thời xác định cụ thể chủ trương, biện pháp phát triển đảng viên ở những DN chưa có TCĐ".

Theo lãnh đạo Ban Tổ chức Thành ủy TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy các tỉnh: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... và qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu của chúng tôi, thấy rằng, để công tác xây dựng TCĐ và đảng viên ở các đơn vị KTTN đạt kết quả tốt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, làm rõ nhiệm vụ của TCĐ trong đơn vị KTTN; có những điều chỉnh phù hợp trong công tác kết nạp đảng viên, thành lập TCĐ trong đơn vị KTTN. Cần cụ thể hóa chủ trương, giải pháp xây dựng TCĐ và đảng viên trong đơn vị KTTN vào Điều lệ Đảng.

Trước mắt, các cấp ủy cần lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18-3-2019 của Ban Bí thư về “Tăng cường xây dựng TCĐ trong các đơn vị KTTN”. Những DN đã có TCĐ, các cấp ủy xác định giải pháp cụ thể để củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động; xây dựng quy chế hoạt động và quy chế phối hợp giữa cấp ủy với ban lãnh đạo, chủ DN chặt chẽ. Cấp ủy trong DN tích cực phát hiện, giới thiệu, tiến cử đảng viên đủ tiêu chuẩn, điều kiện để xem xét, bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý của DN. Những DN chưa có TCĐ, cấp ủy cấp huyện và tương đương phối hợp với các đoàn thể trong DN phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên. Tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, cựu chiến binh ở các đơn vị KTTN nâng cao chất lượng hoạt động, tích cực phát hiện, giới thiệu quần chúng ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng. Các TCĐ, các cấp chính quyền địa phương có hình thức biểu dương, khen thưởng các đơn vị KTTN có TCĐ, đoàn thể hoạt động hiệu quả... Chỉ có huy động được sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức, chúng ta mới hy vọng tạo ra những chuyển động tích cực trong công tác xây dựng TCĐ và phát triển đảng viên ở các đơn vị KTTN.

Lời kết: Xây dựng TCĐ và đảng viên trong các đơn vị KTTN là yêu cầu khách quan, cấp thiết, góp phần xứng đáng để DN phát triển bền vững, đóng góp tích cực cho KTTN phát triển lành mạnh theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết và các cấp, các ngành, các địa phương đã cụ thể hóa nội dung của các chỉ thị, nghị quyết, đề ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng TCĐ và phát triển đảng viên trong các đơn vị KTTN. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn khá nhiều tồn tại, khó khăn, bất cập nảy sinh. Qua những nội dung đề cập, gợi mở, kiến nghị trong loạt bài, chúng tôi hy vọng các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và có trách nhiệm hơn nữa, có như vậy thì đường lối, chủ trương của Đảng về công tác xây dựng TCĐ và phát triển đảng viên trong các đơn vị KTTN mới đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực.

KIM LÂN - QUANG THẮNG - MINH MẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/bai-4-can-su-vao-cuoc-quyet-liet-dong-bo-582757