Bài 4: Bát nháo thị trường phân bón NPK: Các ông lớn 'so găng'

Cả 5 'ông lớn' ngành phân bón (có sản xuất NPK) đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam có những điểm mạnh và yếu khác nhau về vốn, thị trường… Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp (DN) đều có chiến lược phát triển khá 'độc đáo' để giữ vững thị trường và chiếm thị phần còn lại của đối thủ.

Sẵn sàng “nuốt” thị phần đối thủ

Trong số các “ông lớn” ngành phân bón, Bình Điền là một đối thủ mạnh. Cụ thể, không chỉ là DN có tổng công suất sản xuất phân bón cao nhất tại Việt Nam (1.125 tấn/năm), Bình Điền còn xây dựng 5 nhà máy ở các vùng miền với từng mục tiêu khác nhau.

 Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng (giữa) thăm và làm việc tại các doanh nghiệp phân bón lớn để tìm hiểu những khó khăn của ngành phân bón Việt Nam hiện nay. Ảnh: H.L

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng (giữa) thăm và làm việc tại các doanh nghiệp phân bón lớn để tìm hiểu những khó khăn của ngành phân bón Việt Nam hiện nay. Ảnh: H.L

Theo Công ty Chứng khoán FPT, Đạm Phú Mỹ có thể cắt giảm chi phí khoảng 300 tỷ đồng/năm nếu được khấu trừ thuế VAT; trong khi đó, Đạm Cà Mau cũng dự kiến sẽ tiết kiệm được chi phí khoảng hơn 200 tỷ/năm nếu được khấu trừ VAT…

Điểm đặc biệt với Bình Điền hiện nay, Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Ngoài ra, với chiến lược thâm nhập vào thị trường Thái Lan do nhu cầu phân bón đặc chủng ở thị trường này rất cao cùng với chủ trương xây nhà máy NPK 100.000 tấn tại Myanmar, quy mô và tầm ảnh hưởng trong thời gian tới của Bình Điền ở khu vực Đông Nam Á là rất lớn.

Riêng Nhà máy Ninh Bình (400.000 tấn/năm) phục vụ nhu cầu các tỉnh phía Bắc. Tuy công suất hiện nay chỉ đạt 200.000 tấn/năm, nhưng thị phần của Bình Điền ở các tỉnh phía Bắc ngày càng mở rộng.

Đây cũng là đối thủ khiến Hóa chất Lâm Thao (LAS) buộc phải đầu tư dây chuyền NPK công nghệ mới (150.000 tấn/năm) để cạnh tranh giữ thị phần. Thống kê của Công ty Chứng khoán FPT cho thấy, Bình Điền đang chiếm 28% thị phần khu vực Nam Bộ, 30% khu vực Tây Nguyên và 10% ở miền Bắc.

DN lớn thứ 2 về quy mô sản xuất NPK trong ngành là Lâm Thao (LAS). Cụ thể, với việc đưa vào dây chuyền sản xuất NPK mới, tổng công suất của DN này lên tới 900.000 tấn/năm. Từ năm 2017 trở về trước, Lâm Thao chiếm tới 60% thị phần NPK ở khu vực phía Bắc và chiếm khoảng 19% thị phần NPK của cả nước.

Phân bón Miền Nam cũng là DN lớn ở phân khúc phân NPK. Sản lượng NPK của Phân bón Miền Nam theo thống kê của Công ty Chứng khoán FPT chiếm khoảng 8% tổng sản lượng cả nước. Mới đây nhất (quý IV.2018), Phân bón Miền Nam đưa dây chuyền sản xuất phân bón 150.000 tấn/năm đi vào hoạt động (công nghệ tạo hạt tháp cao), được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao vị thế của DN này trong phân khúc NPK.

Hai “ông lớn” ngành đạm là Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau cũng có kế hoạch đưa các dây chuyền sản xuất NPK vào hoạt động. Với Đạm Phú Mỹ, dự án nâng cấp xưởng sản xuất NH3 lên 540.000 tấn/năm và dự án NPK chất lượng cao 250.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đã chính thức vận hành vào quý III.2018. Theo ước tính của DN, khi nhà máy này đi vào vận hành sẽ đóng góp khoảng 4.186 tỷ đồng doanh thu và 303 tỷ đồng lợi nhuận.

Còn dự án NPK của Đạm Cà Mau (dự kiến quý II.2019) cũng được dự báo khá thuận lợi khi chủ động được nguồn ure hạt đục (sản phẩm chủ lực và độc quyền của Đạm Cà Mau, là nguyên liệu đầu vào của các DN sản xuất NPK); hơn nữa, thị phần ure của Đạm Cà Mau đang khá lớn (chiếm 58% thị phần khu vực Tây Nam Bộ, 24% ở Đông Nam Bộ và 38% thị phần ure ở Campuchia) nên đây cũng là kênh thuận lợi để phân phối sản phẩm NPK ra thị trường.

Chờ cơ chế, chính sách

Một vấn đề khá quan tâm đối với các DN sản xuất phân bón hiện nay nói chung và DN sản xuất phân bón NPK nói riêng là câu chuyện thay đổi chính sách thuế GTGT từ miễn thuế sang chịu thuế 5%. Theo đó, các DN sản xuất có thể nhận khấu trừ thuế đầu vào, giúp tăng biên lợi nhuận và cải thiện dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, dù Dự thảo Luật sửa đổi luật thuế giá trị gia tăng đã được công bố lấy ý kiến từ tháng 8.2017, nhưng tại kỳ họp Quốc hội tháng 11.2018 vừa qua, dự thảo này vẫn chưa được trình lên.

Theo tính toán của các công ty chứng khoán, nếu dự luật này được thông qua, các DN trong ngành có thể giảm chi phí sản xuất nhờ thay đổi chính sách thuế GTGT; tuy nhiên các nhà sản xuất phân đơn như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Lâm Thao… sẽ hưởng lợi nhiều hơn các nhà sản xuất phân phức hợp như Phân bón Miền Nam, Bình Điền.

Quốc Hải

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/thi-truong-nong-san/bai-4-bat-nhao-thi-truong-phan-bon-npk-cac-ong-lon-so-gang-961134.html