Bài 4: AFTA-AEC: Hội nhập lâu, khai thác vẫn mờ nhạt

Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) là Hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên mà Việt Nam tham gia và là nền tảng quan trọng để hình thành Cộng đồng kinh tế (AEC) vào cuối năm 2015. Quá trình hội nhập sâu này đã giúp quan hệ giao thương Việt Nam-ASEAN có bước tăng trưởng đáng kể, song thâm hụt thương mại đang nghiêng về phía Việt Nam.

Nông, thủy sản là mặt hàng chủ yếu XK sang ASEAN song kim ngạch chưa ổn định. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Nhập siêu áp đảo

Nhờ tham gia FTA với khu vực ASEAN, suốt thời gian qua, thứ hạng XNK hàng hóa của Việt Nam và các nước thành viên ASEAN tăng lên rõ rệt.

Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong ấn phẩm thường niên "WTO Trade Profiles 2017": XK hàng hóa của Việt Nam đã tăng từ vị trí 50 trong năm 2007 lên vị trí 26 ghi nhận trong năm 2016. Trong khi đó, NK hàng hóa của Việt Nam cũng tăng lên từ vị trí thứ 41 trong năm 2007 lên vị trí 25 ghi nhận trong năm 2016.

Xét sâu trong quan hệ giao thương giữa Việt Nam-ASEAN, tuy giá trị tổng thể tăng lên song điểm dễ nhận thấy là cán cân thương mại chủ yếu thâm hụt về phía Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong các năm từ 2011 đến 2016, Việt Nam lần lượt nhập siêu từ ASEAN là: 7,32 tỷ USD, 3,68 tỷ USD, 3,21 tỷ USD, 4,1 tỷ USD, 5,66 tỷ USD và 6,7 tỷ USD. Trong năm 2017, dù XK của Việt Nam sang khu vực ASEAN tăng mạnh 23,9%, đạt 21,51 tỷ USD, song với con số NK 28,02 tỷ USD từ ASEAN, mức thâm hụt cán cân thương mại tiếp tục nghiêng về phía Việt Nam với 6,51 tỷ USD.

Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) chính thức được thành lập vào năm 1992. Việt Nam bắt đầu thực hiện Hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) nhằm thiết lập AFTA từ năm 1996. Theo cam kết, các nước thành viên phải giảm thuế NK xuống 0-5% trong vòng 10 năm. Để theo kịp xu thế hội nhập khu vực và toàn cầu hóa, các nước ASEAN đã cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế quan vào năm 2010 đối với ASEAN 6 (gồm: Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore và Thái Lan) và vào năm 2015, có linh hoạt đến năm 2018 đối với 4 nước thành viên mới là Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam. Như vậy đến năm 2015, Việt Nam đã cơ bản xóa bỏ thuế quan với các mặt hàng.

Cuối năm 2015, trên cơ sở nền tảng của AFTA, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành, mở thêm nhiều cơ hội khai thác thị trường ASEAN cho Việt Nam. Trong số các FTA mà Việt Nam đã ký kết tính đến thời điểm đó, các cam kết về cắt giảm thuế quan trong AEC là cao nhất và nhanh nhất. Lúc này, Hiệp định CEPT cũng được thay thế bằng Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Theo Bộ Công Thương, XK của Việt Nam sang ASEAN chủ yếu là nông sản, thủy sản và khoáng sản. Những mặt hàng này tuy hầu hết đều được hưởng thuế NK ưu đãi theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) tại các nước NK nhưng giá cả còn phụ thuộc vào biến động trên thế giới nên kim ngạch XK chưa ổn định. Trong nhóm công nghiệp, ngoại trừ mặt hàng máy vi tính và linh kiện điện tử, các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng được sản xuất, gia công khác như may mặc, giày dép… chỉ chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong tổng kim ngạch XK sang ASEAN. Gần đây, Việt Nam bắt đầu XK được một số mặt hàng chế tạo sang ASEAN như: Dây điện và dây cáp điện, đồ chơi trẻ em, xe đạp và phụ tùng xe đạp… Những mặt hàng này tuy có nhiều triển vọng nhưng kim ngạch vẫn còn khá khiêm tốn. Trong khi đó, về mặt NK, Tổng cục Hải quan phân tích: ASEAN là đối tác lớn thứ hai (sau Trung Quốc) XK hàng hóa có xuất xứ ASEAN sang Việt Nam trong nhiều năm qua. Nhiều nhóm hàng được NK từ thị trường này chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch NK của Việt Nam bao gồm: Xăng dầu, dầu thô, giấy các loại, chất dẻo nguyên liệu, dầu mỡ động thực vật, gỗ và sản phẩm gỗ…

Liên quan tới tỷ lệ sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi trong XK hàng hóa vào thị trường ASEAN, số liệu của Cục Xuất nhập khẩu và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy con số cũng còn khá khiêm tốn. Cụ thể, trong nửa đầu năm nay, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi mẫu D đối với các mặt hàng XK chỉ đạt 33%.

Có thể thấy, AFTA và sau này là AEC là FTA có "tuổi đời" dài hơn cả trong số các FTA mà Việt Nam đã tham gia. Tuy nhiên, phải thừa nhận, suốt thời gian qua, khả năng tận dụng cơ hội nhằm thúc đẩy XK, khai thác thị trường ASEAN chưa đạt kết quả như mong đợi. Nói như PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương): Việt Nam chưa tận dụng tốt cơ hội khi vào “mái nhà chung” này. Trong khi đó, nhiều nước nội khối lại tận dụng được cơ hội, điển hình như Thái Lan. Thái Lan đã có hàng loạt hoạt động mua lại hoặc rót vốn vào các thương hiệu đình đám như BigC, Metro… Nhiều cửa hàng tiện lợi bán hàng Thái đã len lỏi sâu vào trong ngõ ngách của hầu hết tỉnh, thành. "Không chỉ Thái Lan, hàng hóa của Singapore, Indonesia hay thậm chí từ nước vốn được coi là cạnh tranh yếu như Campuchia cũng đã xâm lấn thị trường Việt Nam", TS. Phạm Tất Thắng nói.

Nâng năng lực cạnh tranh

Đề cập tới câu chuyện tác động của FTA với khu vực ASEAN từ góc độ số thu ngân sách ngành Hải quan, đại diện Phòng Dự toán- Quản lý thu ngân sách, Cục Thuế Xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho hay: Với việc thực thi Hiệp định ATIGA, hầu hết thuế suất các mặt hàng đến ngày 1/1/2015 cắt giảm về 0%. Năm 2018, việc thực thi các FTA sẽ tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng đối với số thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan, nhất là thực hiện Hiệp định ATIGA. Đó là bởi khoảng 7% số dòng thuế linh hoạt, tương đương 687 mặt hàng được xem là nhạy cảm theo thỏa thuận với ASEAN sẽ được xóa bỏ (trừ mặt hàng xăng dầu có lộ trình riêng). Mạnh nhất là một số mặt hàng có số thu lớn, thuế suất cao như: Ô tô giảm từ 30% xuống 0%; linh kiện phụ tùng 5%, 20% xuống 0%; sắt thép 5% xuống 0%; nông sản, thuốc lá, rượu...

Tại sao các nước trong khu vực tận dụng tốt cơ hội từ việc mở cửa hội nhập, đặc biệt là những ưu đãi thuế quan từ FTA để khai thác thị trường Việt Nam mà Việt Nam thì chưa? Đáp lại câu hỏi này, ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, năng lực cạnh tranh của DN cũng như hàng hóa các nước ASEAN cao hơn Việt Nam. Cụ thể, hàng hóa của ASEAN có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý. DN của các nước ASEAN có chiến lược sản phẩm cũng như chiến lược tiếp thị tốt. Đặc biệt, các DN ASEAN còn tham gia vào nhiều thương vụ sáp nhập, mua bán. Điều này cho thấy DN có chiến lược tiếp cận và mở rộng thị trường. Ở chiều ngược lại, chất lượng hàng Việt còn kém, giá cả thiếu cạnh tranh. Bên cạnh đó, chiến lược tiếp thị, chiến lược sản phẩm của DN Việt cũng còn kém...

Đứng từ góc độ DN, ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Woodsland (DN chuyên XK gỗ và sản phẩm gỗ) đánh giá: ASEAN là thị trường có những yêu cầu đơn giản hơn thị trường khó tính, điển hình như EU. Tuy nhiên, khó khăn với DN Việt Nam khi XK sang ASEAN là chi phí rất cao. Chi phí ở đây đến từ chi phí ở cảng, chi phí vận chuyển trên đường... Tất cả khiến cho hàng Việt khó cạnh tranh với các nước khác ngay trong khu vực ASEAN.

Liên quan tới vấn đề tận dụng các cơ hội, ưu đãi để thúc đẩy XK sang thị trường ASEAN, ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chăn nuôi, Chế biến và XNK nêu quan điểm: Các mặt hàng nông nghiệp ví dụ như hoa quả, thực phẩm của Việt Nam có nhiều mặt hàng các nước trong khu vực khá ưa chuộng. Tuy nhiên, thực tế số lượng các mặt hàng đó chưa nhiều cũng như thế mạnh chưa vượt trội. Ông Lý phân tích, các nước trong khu vực ASEAN có điều kiện môi trường, khí hậu tương tự như nhau. Mấu chốt là yếu tố về giống và ai làm trước. Khi các nước cùng sản xuất, thị trường sản phẩm sẽ bão hòa.

Đại diện một số DN chuyên XK nông sản vào thị trường ASEAN cho rằng, thực tế, DN vẫn thiếu vắng những thông tin thị trường, chưa nắm rõ "đường đi nước bước" để tấn công thị trường đầy tiềm năng này. Vì vậy, để tận dụng tốt hơn cơ hội từ FTA, thúc đẩy XK hàng hóa, DN mong muốn Chính phủ và các cơ quan chức năng đẩy mạnh khâu phổ biến những chính sách, thông tin, hướng dẫn DN tiếp cận được các đối tác trong ASEAN.

Để khai thác tốt hơn thị trường ASEAN, theo ông Phương, năng lực cạnh tranh của sản phẩm cần được nâng lên bằng cách thay đổi mẫu mã, chủng loại phong phú. Về phía các DN, cần có tầm nhìn với chiến lược tiếp thị sản phẩm tốt hơn. DN cũng cần đầu tư vào công nghệ để tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng...

Liên quan tới vấn đề này, ông Thắng bổ sung: ASEAN là khu vực có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam nhưng tính “khác biệt” cũng khá rõ ràng. Ví dụ, thị trường này đòi hỏi những sản phẩm lương thực thực phẩm, rau, củ, quả, gạo,… tưởng như là thế mạnh của Việt Nam, song khu vực này tập trung cả người Hồi giáo, người theo Phật giáo... với nhu cầu khác nhau. Vì vậy, phải tìm được sự khác biệt, tìm hiểu từng đối tượng nhằm đầu tư sản xuất đúng hướng, điều chỉnh sản xuất để “cung” đáp ứng được “cầu”.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Tham gia FTA, Việt Nam phải chấp nhận nhập siêu với một số thị trường lớn hơn

Việt Nam là nước tham gia tích cực trong đàm phán các FTA. Mục tiêu của FTA là thị trường. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có mục tiêu khác như tạo ra xung lực để chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nước hoặc thu hút đầu tư hoặc... mở cửa là để tạo điều kiện cho DN XK, bên cạnh đó để tạo điều kiện cho các DN sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước có lựa chọn đa dạng hơn,tránh lệ thuộc vào thị trường nhất định. So với việc chưa có FTA, hiện nay, DN XK Việt Nam đã tăng kim ngạch XK lên khá nhiều. Ở chiều ngược lại, bên cạnh gia tăng XK, Việt Nam cũng phải chấp nhận mức độ NK gia tăng nhiều hơn, làm cho nhập siêu với một số thị trường lớn hơn. Đó là vấn đề hiện nay Chính phủ đã nhận thấy. Về cơ bản, chúng tôi nhận định các FTA đem lại lợi ích cho DN, cho cả nền kinh tế cũng như giúp cho Chính phủ có điều hành thúc đẩy hoạt động sản xuất, XK, kinh doanh của DN tốt hơn. Chính phủ cũng đặc biệt lưu ý về những hệ quả, những tác động bất lợi có thể có để tìm cách giảm thiểu, ngăn chặn.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bai-4-afta-aec-hoi-nhap-lau-khai-thac-van-mo-nhat.aspx