Bài 33. Bốn nội dung triển khai thực hiện kế hoạch phục vụ trật tự trị an

Trong việc thực hiện kế hoạch phục vụ trật tự trị an, Kế hoạch 05/KHTA ngày 25/6/1975 của VKSND tối cao gồm 4 nội dung gắn liền với nhau, giúp VKSND cấp huyện, thị xã, khu phố phát huy được chức năng, nhiệm vụ của Ngành.

Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc về kết quả công tác năm 1975 của VKSND; việc thực hiện Kế hoạch 05/KHTA ngày 25/6/1975 của VKSND tối cao về trật tự trị an; công tác kiểm sát giam giữ, kiểm sát xét xử dân sự, giải quyết đơn khiếu tố của ngành Kiểm sát.

Tiến bộ về nhận thức trong việc làm án

Năm 1975, nhiều Viện kiểm sát tăng cường một bước việc phối hợp với các ngành Công an, Tòa án, Thanh tra, có tiến bộ về nhận thức và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong việc làm án, thể hiện trên hai mặt: Vừa công tác vừa đấu tranh với các việc làm sai pháp luật, chính sách, thủ tục của một số cán bộ làm công tác điều tra, chấp pháp, xét xử, giam giữ.

Chất lượng công tác kiểm sát ở một số nơi được nâng lên rõ rệt, góp phần đưa được một số vụ án ra xét xử kịp thời, phục vụ yêu cầu chính trị của địa phương như một số vụ án trong lĩnh vực quản lý lương thực, nông nghiệp, lâm nghiệp.

Một số Viện kiểm sát thực hiện được sự hiệp đồng giữa các khâu kiểm sát điều tra, xét xử hình sự, kiểm sát giam giữ, kiểm sát chung và kiểm sát xét xử dân sự; kết hợp được ba biện pháp: Điều tra, kiểm sát, phát động quần chúng; gắn liền hai mặt đấu tranh chống phạm pháp trong cơ quan xí nghiệp Nhà nước và ngoài xã hội; gắn liền đấu tranh chống tội phạm với phòng ngừa tội phạm, chú ý tìm những sơ hở trong quản lý là nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm để kiến nghị với đơn vị hữu quan có biện pháp khắc phục, nhằm tăng cường quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước, quản lý xã hội.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông tư số 139-TTg, các VKSND đã tổ chức cho cán bộ trong Ngành học tập, nghiên cứu Thông tư và các văn bản hướng dẫn của VKSND tối cao, giúp Ban Chỉ đạo 228 và Ủy ban hành chính tổ chức phổ biến Thông tư cho các ngành, các cấp để trên cơ sở đó xây dựng quan hệ giữa ngành Kiểm sát với các ngành hữu quan.

Đến năm 1975, trong số 18 tỉnh, thành phố đã có 278 cơ quan báo cáo với Viện kiểm sát các vụ việc phát hiện qua học tập Nghị quyết số 228-NQ/TW. Ngành kiểm sát đã hướng dẫn các cơ quan đó phân loại xử lý. Ở Trung ương, 31 cơ quan báo cáo các vụ việc đã phát hiện với VKSND tối cao. VKSND tối cao (Vụ 2A) sơ kết việc tổ chức thực hiện Thông tư để rút ra những kinh nghiệm bước đầu phổ biến cho toàn Ngành vận dụng.

Trong việc thực hiện kế hoạch phục vụ trật tự trị an, Kế hoạch 05/KHTA ngày 25/6/1975 của VKSND tối cao gồm bốn nội dung gắn liền với nhau, giúp VKSND cấp huyện, thị xã, khu phố phát huy được chức năng, nhiệm vụ của Ngành.

Bốn nội dung gồm: Tham gia phân loại và xử lý các vi phạm và tội phạm theo đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh việc áp dụng thủ tục rút ngắn ở Viện kiểm sát các cấp; tăng cường những biện pháp công tác kiểm sát nhằm góp phần làm giảm tình trạng trẻ em phạm pháp; nâng cao chất lượng kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam.

Có 12 tỉnh, thành phố gồm 95 huyện, thị xã, khu phố thực hiện nội dung thứ nhất và thứ hai; 24 tỉnh gồm 151 đơn vị huyện, thị xã, khu phố thực hiện nội dung thứ ba; 13 tỉnh gồm 68 đơn vị cấp huyện thực hiện nội dung thứ tư; có 9 tỉnh, thành phố đã thực hiện cả bốn nội dung (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Hưng, Hà Tĩnh, Nam Hà, Hà Tây, Thái Bình, Tuyên Quang, Quảng Ninh).

Ở những địa phương này, một số nội dung được thực hiện tương đối tốt như VKSND khu phố Hai Bà Trưng đã tham mưu cho cấp ủy đảng và giúp Ủy ban hành chính khu phố hướng dẫn trách nhiệm cụ thể cho các Đồn Công an. Ban đại diện hành chính tiểu khu phân loại xử lý phạm pháp trị an ở cơ sở, giúp Ủy ban hành chính khu phố xây dựng quy chế trách nhiệm của Đồn Công an, các ban đại diện hành chính, nhà trường và gia đình trong việc giáo dục, đấu tranh ngăn ngừa trẻ em phạm pháp.

 Nhân dân Sài Gòn đón chào quân Giải phóng tiến vào giải phóng thành phố, ngày 30/4/1975. (Ảnh: Tư liệu - TTXVN)

Nhân dân Sài Gòn đón chào quân Giải phóng tiến vào giải phóng thành phố, ngày 30/4/1975. (Ảnh: Tư liệu - TTXVN)

Ở Hà Tĩnh, ba ngành Công an, Tòa án, Kiểm sát ra nghị quyết chung hướng dẫn cấp dưới của mình trong toàn tỉnh thực hiện việc phân loại xử lý. Những VKSND làm tốt như trên đã phát huy được vai trò của Ngành, góp phần nhất định vào việc nâng cao ý thức pháp chế trong việc giữ gìn trật tự xã hội ở cơ sở.

Đẩy mạnh công tác kiểm sát các nơi giam, giữ và các trại cải tạo

Về công tác kiểm sát giam giữ, năm 1973, công tác kiểm sát giam giữ và cải tạo tiếp tục đi vào hướng kiểm sát công tác tạm giữ, tạm giam của ngành Công an. Nhìn chung, khâu công tác này có một số chuyển biến. Công tác lãnh đạo và chỉ đạo hoạt động kiểm sát giam giữ và cải tạo ở các cấp được quan tâm hơn, cán bộ làm công tác kiểm sát giam giữ được bổ sung dần; nhận thức về chức năng và mối quan hệ hữu cơ giữa kiểm sát giam giữ với các khâu kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử ngày càng gắn bó và được thể hiện qua hoạt động thực tiễn của công tác kiểm sát giam giữ.

Năm 1974, công tác kiểm sát các nơi giam, giữ và các trại cải tạo cũng được đẩy mạnh hơn. Các Viện kiểm sát tỉnh, thành đã thường xuyên kiểm tra các trại tạm giam. VKSND tối cao cũng đã tiến hành kiểm tra 7 trong số 16 trại cải tạo.

Về công tác kiểm sát xét xử dân sự, ngành Kiểm sát cố gắng tập trung hơn vào hướng phục vụ sản xuất, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và giữ gìn trật tự xã hội. Một số Viện kiểm sát huyện, thị, khu phố chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ Ủy ban hành chính mở hội nghị các ngành, các Ban chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp để nghe Viện kiểm sát giới thiệu về nội dung pháp chế trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng, phân tích tác hại và nguyên nhân do vi phạm hợp đồng của các ngành, các Hợp tác xã làm thiệt hại tài sản xã hội chủ nghĩa và gây trở ngại đến việc thực hiện kế hoạch Nhà nước.

Mặt khác, nhiều viện kiểm sát địa phương tăng cường hướng dẫn khởi tố và khởi tố một số vụ tranh chấp hợp đồng phức tạp, kéo dài, góp phần giải quyết thu hồi vốn, vật tư cho Nhà nước và tập thể được nhanh gọn (hướng dẫn khởi tố 232 vụ, khởi tố 141 vụ).

Về phục vụ đời sống Nhân dân và giữ gìn trật tự xã hội, ở những nơi bị chiến tranh tàn phá nặng nề, các Viện kiểm sát Hà Nội, Hải Phòng, Nam Hà chỉ đạo các Viện kiểm sát khu phố, thị xã bám sát cơ sở để nắm tình hình phân phối nhà đất của Ủy ban hành chính, tình hình tranh chấp nhà đất giữa cơ quan Nhà nước với tư nhân, giữa tư nhân với tư nhân, tranh thủ phối hợp với các ngành hữu quan nghiên cứu hồ sơ, đơn từ khiếu nại, thẩm tra xác minh, thăm dò dư luận cán bộ cơ sở và quần chúng khối phố, từ đó đề xuất được nhiều ý kiến sát đúng, góp phần giải quyết được nhiều vụ tranh chấp gay gắt, phức tạp. Nhiều Viện kiểm sát huyện, thị, khu phố quan tâm đến việc tham gia xét xử các vụ án trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, do đó về chất lượng nghiên cứu hồ sơ, quyết định về đường lối xử lý được vững vàng hơn.

Công tác kiểm sát dân sự năm 1974 gắn bó hơn với việc phục vụ các nhiệm vụ chính trị. Khâu kiểm sát xét xử dân sự giảm tình trạng bị động ngồi chờ các án kiện dân sự do Tòa án chuyển sang, chủ động khâu kiểm sát chung thông qua việc phát hiện những vi phạm pháp luật về dân sự hướng dẫn khởi tố hoặc trực tiếp khởi tố những vụ tranh chấp về hợp đồng thu mua, hợp đồng gia công giữa cơ quan Nhà nước với Hợp tác xã để bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, góp phần thực hiện quan hệ hợp tác trong sản xuất và kinh doanh.

Năm 1974, tổng số vụ án dân sự (bao gồm các án kiện tranh chấp về hôn nhân và gia đình, tranh chấp về quan hệ tài sản) do các Tòa án thụ lý là 20.408 vụ. So với năm 1973, số án kiện tranh chấp về quan hệ tài sản của năm 1974 tăng 12%. Các Viện kiểm sát địa phương đã nghiên cứu 1.964 hồ sơ, kết luận bằng văn bản 895 vụ và dự phiên tòa 1.101 vụ. Riêng án phúc thẩm mà Tòa án đã xử là 1.790 vụ, Viện kiểm sát đã nghiên cứu 742 hồ sơ, có bản kết luận 629 vụ, tham gia phiên tòa 444 vụ (chiếm 24%).

Năm 1975, công tác kiểm sát xét xử dân sự ở nhiều VKSND địa phương nhất là ở cấp huyện, thị xã, khu phố, VKSND tối cao đã có nhiều cố gắng và tiến bộ, chủ động hơn trong việc tham gia thực hiện các kế hoạch phục vụ quản lý lương thực và nông nghiệp, lâm nghiệp chứ không chỉ chú trọng lĩnh vực hôn nhân và gia đình như các năm trước đó. Việc khởi tố và hướng dẫn khởi tố cũng đã được một số Viện kiểm sát chú ý hơn trước.

Về công tác giải quyết đơn khiếu tố, năm 1973, các Viện kiểm sát tỉnh, thành quan tâm nắm bắt tình hình và công tác xét giải quyết đơn thư khiếu tố, chỉ đạo hướng dẫn giải quyết tập trung vào những loại đơn phức tạp mang tính chất thời sự, đột xuất (tranh chấp nhà đất, sa thải cán bộ công nhân viên, vi phạm nghiêm trọng đến quyền dân chủ của Nhân dân...), những đơn có liên quan đến công tác bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, giữ gìn trật tự xã hội, bảo vệ quyền dân chủ và đời sống của Nhân dân, nhất là những đơn thuộc trách nhiệm giải quyết của Ngành.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/bai-33-bon-noi-dung-trien-khai-thuc-hien-ke-hoach-phuc-vu-trat-tu-tri-an-86241.html