Bài 3: Tổ chức đảng vững mạnh - phải là danh hiệu của lòng dân

Chỉ trong một năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy Hà Nội về việc 'Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội' (Nghị quyết 15), tình hình mọi mặt ở nhiều địa phương có chuyển biến tích cực.

Đến nay, các cấp ủy đảng đã chỉ đạo giải quyết được 82/200 vụ việc phức tạp; có 97/117 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) được củng cố. Đặc biệt, đã giải quyết được 47 vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài. Trước đòi hỏi của thực tiễn, Đảng bộ TP Hà Nội nói chung và TCCSĐ nói riêng đã không để khó khăn cản lối, bằng nhiều giải pháp, hướng mọi sự lãnh đạo vào phục vụ nhân dân.

Không để khó khăn cản lối

Những thống kê cho thấy, Nghị quyết 15-NQ/TU của BTV Thành ủy Hà Nội có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển ổn định của Thủ đô hiện nay và những năm tới. Tuy nhiên, ban chỉ đạo thực hiện nghị quyết nghiêm túc đánh giá: Việc giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội chưa đạt được kết quả như mong muốn; tiến độ 6 tháng năm 2018 còn có biểu hiện chững lại, còn 112/200 vụ việc chưa được giải quyết; 180/361 vụ việc do các quận, huyện, thị xã tự rà soát chưa giải quyết xong. Số lượng các vụ việc phức tạp, có tính chất đông người nhìn chung chưa giảm nhiều; một số vụ việc mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, tình hình tạm thời ổn định, nhưng chưa giải quyết được tận gốc, nên kết quả đạt được thiếu bền vững, vẫn còn tiềm ẩn phức tạp.

Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ rõ: Việc rà soát, đánh giá chất lượng tổ chức và hoạt động của TCCSĐ thời gian qua tuy có tiến bộ, nhưng vẫn chưa phản ánh đúng thực chất tình hình. Đồng chí Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, cho biết: “Năm 2017, toàn Đảng bộ TP Hà Nội có 5 TCCSĐ được phân loại yếu kém. Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra, một số nơi, TCCSĐ được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ, nhưng có nhiều cán bộ lãnh đạo vi phạm phải thi thành kỷ luật, xử lý về pháp luật; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu giảm sút. Một số quận, huyện qua rà soát báo cáo không có TCCSĐ cần quan tâm, củng cố, tuy nhiên trên địa bàn tình hình đơn thư, các vụ việc phức tạp còn tồn đọng, chưa phản ánh thực chất tình hình”.

Bên cạnh đó, việc củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các TCCSĐ bước đầu đạt kết quả tích cực, đạt 82,9%, nhưng một số nơi, kết quả chưa bền vững, chưa thực sự tạo chuyển biến mạnh về xây dựng chỉnh đốn Đảng. Điển hình là xã Đồng Tâm (Mỹ Đức), địa phương này cần tiếp tục quan tâm củng cố hệ thống chính trị từ thôn đến xã; kiện toàn trưởng, phó thôn Hoành; xử lý kỷ luật đảng viên tham gia nhóm đồng thuận; xử lý số đối tượng cầm đầu nhóm đồng thuận tiếp tục kích động nhân dân chống đối các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước... Ở xã Thanh Lâm (Mê Linh), nhân dân các thôn: Phú Hữu, Yên Vinh, Lâm Hộ, Phú Nhi... chưa được nhận đất dịch vụ; việc thực hiện Dự án Công viên Tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước chưa nhận được sự đồng thuận của nhân dân...

Theo đồng chí Đào Đức Toàn, Phó bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU: Nghị quyết 15-NQ/TU ra đời đúng lúc, kịp thời, góp phần quan trọng xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết được nhiều vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội. Tuy nhiên, qua một năm thực hiện thấy rằng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy cơ sở còn hạn chế; cá biệt, có cấp ủy mất vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, để xảy ra những vụ việc nổi cộm, bức xúc, điểm nóng; cấp ủy cấp trên trực tiếp chưa kịp thời có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục. Vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị của một số tổ chức đảng (TCĐ) chưa đáp ứng yêu cầu. Sinh hoạt chi bộ ở một số đơn vị thuộc khối cơ quan hành chính còn hình thức. Tính chiến đấu, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt cấp ủy ở một số nơi chưa tốt. Tinh thần gương mẫu trong thực thi nhiệm vụ của một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn hạn chế, thái độ phục vụ còn gây bức xúc người dân và doanh nghiệp; tính chủ động trong tham mưu, đề xuất của một số cơ quan, đơn vị để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân còn hạn chế. Còn có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội ở một số địa phương, nhất là ở cơ sở chậm đổi mới; công tác vận động quần chúng có nơi, có việc chưa đáp ứng được yêu cầu, nội dung, hình thức chưa phong phú, chưa sát đối tượng, hiệu quả chưa cao.

Hướng mọi sự lãnh đạo vào phục vụ nhân dân

Không để khó khăn cản lối, phải quyết liệt hành động, giữ cho TCĐ vững từ gốc là chủ trương chung của BTV Thành ủy Hà Nội. Vì vậy, trong hội nghị sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục bám sát 7 nhóm giải pháp nêu trong nghị quyết, tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Căn cứ tình hình thực tiễn từng TCCSĐ và yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời điểm cụ thể, cấp ủy các cấp chỉ đạo thực hiện cùng lúc hoặc ưu tiên thực hiện những nhóm nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị. “Các cấp ủy cần tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo; tập trung hướng về cơ sở; làm tốt công tác dự báo và giải quyết kịp thời những vi phạm, tiêu cực là mầm mống gây mất ổn định tại địa phương, như: Quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, đơn thư khiếu nại, tố cáo... Tiêu chí TCCSĐ trong sạch thì có nhiều, nhưng nay tiêu chí quan trọng nhất là phải được dân tin, dân yêu. Mỗi TCĐ phải có trách nhiệm lãnh đạo địa bàn cho an dân, để dân vui, dân hạnh phúc. Điều đó bắt buộc mỗi cấp phải hướng mọi sự lãnh đạo vào phục vụ nhân dân; tập trung giải quyết triệt để bức xúc trong dân, không được để các sự vụ kéo dài, làm phiền lòng dân", đồng chí Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Để làm được đều đó, trong phương hướng nửa nhiệm kỳ cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP Hà Nội, BTV Thành ủy Hà Nội xác định: Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải quan tâm tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của tổ chức, nhân dân, để điều chỉnh các giải pháp lãnh đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Thường xuyên, chú trọng nâng cao chất lượng công tác dân vận, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng là giải pháp rất quan trọng, phải luôn đi trước một bước, đổi mới phương pháp; nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn và thời điểm cụ thể; giúp cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc, xác định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm, từ đó nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời có tác dụng ngăn ngừa sai phạm; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong mọi trường hợp, cấp ủy phải chỉ đạo chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời cung cấp những thông tin, định hướng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là ở những địa bàn có các vụ việc phức tạp. Cùng với đó, phải nâng cao hoạt động, chất lượng và hiệu quả của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, phản động, ngăn chặn kịp thời hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị, nhất là trên mạng xã hội.

Theo lãnh đạo các địa phương của TP Hà Nội, để Nghị quyết 15-NQ/TU đạt kết quả tốt cần phải kiên trì, thực hiện đồng bộ và quyết liệt 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, từ dự báo tình hình, tuyên truyền, vận động, phát huy dân chủ đến công tác cán bộ… Đặc biệt, với 118 vụ việc chưa giải quyết xong, cần sớm tìm ra những “điểm nghẽn” tránh để âm ỉ, trở thành “điểm nóng”, ảnh hưởng đến sự phát triển của Thủ đô.

Với kinh nghiệm 24 năm làm bí thư chi bộ, ông Trần Quang Chương, Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 9, phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy), cho rằng: “Để ổn định hoạt động của TCCSĐ, điều quan trọng nhất vẫn là công tác cán bộ. Làm sao để lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức, nhất là với những đơn vị, địa bàn có vị trí hoặc được giao các nhiệm vụ chính trị quan trọng để tránh những phức tạp phát sinh do cán bộ (đặc biệt là người đứng đầu) không đáp ứng được nhiệm vụ. Đối với những địa bàn đã phát sinh phức tạp, nếu có nguyên nhân từ cán bộ yếu kém về bản lĩnh chính trị, năng lực công tác và phẩm chất thì phải kiên quyết xử lý, thay thế".

Thành ủy Hà Nội cũng xác định: Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, lấy lực lượng cựu chiến binh, đảng viên lão thành cách mạng làm nòng cốt trong tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống; tích cực tham gia giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ; tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm và các tệ nạn xã hội; góp phần xây dựng và củng cố cơ sở chính trị, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Nhóm Phóng viên Báo QĐND

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thuc-hien-hieu-qua-nghi-quyet-trung-uong-iv-khoa-xii-cua-dang/bai-3-to-chuc-dang-vung-manh-phai-la-danh-hieu-cua-long-dan-552891