Bài 3: Thiếu đường ray, 'con tàu du lịch' chưa thể tăng tốc

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Đây là cơ hội để du lịch Việt Nam phát triển nhanh chóng nếu bắt kịp và hội nhập được với thế giới. Nhưng đó cũng là thách thức đòi hỏi chúng ta phải vươn lên vượt bậc. Nắm bắt và vận dụng tốt ưu thế, có giải pháp hợp lý, chắc chắn du lịch Việt Nam sẽ vươn xa hơn.

(Tiếp theo và hết)

Đào tạo người đào tạo

Nguyên nhân của những thực trạng chúng tôi đã nêu ở các bài trước là do chất lượng đào tạo nhân lực ngành du lịch chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Chuyên nghiệp trong du lịch phải gắn với ấn tượng, tinh tế, vẹn toàn, xúc cảm. Với phương pháp đào tạo nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành ở đa số các cơ sở đào tạo hiện nay, phần lớn lao động nghề du lịch ra trường khó đáp ứng yêu cầu công việc.

Thực tế hiện nay cho thấy, các cơ sở giáo dục Việt Nam đào tạo tương đối tốt về kiến thức chuyên môn, kiến thức chung về chuyên ngành. Chẳng hạn, Viện Đại học Mở Hà Nội còn tham khảo cả tài liệu nước ngoài để bổ sung cho sinh viên. Tuy nhiên, kỹ năng là yêu cầu vô cùng quan trọng với người làm trong ngành du lịch, từ nhân viên tới cán bộ quản lý thì chúng ta lại yếu. Bà Nguyễn Thị Thúy Minh, nguyên Phó tổng giám đốc khách sạn Sheraton cho biết: “Theo chương trình đào tạo suốt 4 năm học đại học, các em chỉ có 12 tuần thực hành. Trong khi, để thực sự đem lại sự hài lòng cho khách đòi hỏi những kỹ năng vô thức. Chẳng hạn, cách khách 5 bước chân, nhân viên đã phải nhìn vào mắt khách, khi họ đến gần hơn phải hỏi chuyện… Để làm tốt kỹ năng này, bình thường nhân viên khách sạn phải thực hành từ 7 đến 21 lần mới thuần thục. Một nhân viên thông thường cần khoảng 52 đến 100 kỹ năng như vậy. Người bình thường cần một năm để học các kỹ năng trong một công việc. Với 4 tuần thực hành của sinh viên, riêng tuần đầu các em phải làm quen với khách sạn, từ môi trường làm việc, đường đi lối lại… Vậy làm thế nào các em học kịp được?”.

 Hướng dẫn viên giới thiệu điểm đến đình Hùng Lô (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

Hướng dẫn viên giới thiệu điểm đến đình Hùng Lô (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

Trình độ sinh viên yếu, khó thích ứng với hơi thở cuộc sống không thể không có vai trò của các nhà trường, các thầy, cô giáo. Đáng tiếc, thực tiễn cũng là điều mà nhiều thầy, cô giáo của ta còn thiếu. GS, TS Nguyễn Văn Đính phân tích: "Có hai lý do cho điều này. Thứ nhất, nhiều thầy cô ngại ra thực tiễn. Thứ hai, họ không có điều kiện cả về thời gian và kinh tế”.

Các trường hiện đang dùng một biện pháp khá hiệu quả là mời chuyên gia du lịch tham gia giảng dạy. Tuy nhiên, bên cạnh đó các trường cũng phải chủ động. Chẳng hạn, bộ Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS 2013) do Dự án “Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” (gọi tắt là Dự án EU-ESRT, do Liên minh châu Âu tài trợ) hỗ trợ xây dựng là cơ sở khá tốt để các trường bám theo, đào tạo cho người lao động. Nhưng trước tiên những người đào tạo theo bộ tiêu chuẩn phải giỏi.

Bên cạnh đó, những kỹ năng mềm cũng vô cùng quan trọng. Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch đặt câu hỏi: “Chính phủ đang kêu gọi xây dựng ngành thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng các app du lịch (ứng dụng trên điện thoại thông minh) nhưng liệu có nơi nào đã đào tạo về cái này chưa? Điều tra thực tế chúng tôi thấy rằng nhiều cơ sở giáo dục của ta chưa hề hướng dẫn marketing kỹ thuật số, sử dụng sức mạnh mạng xã hội mà vẫn dùng cách truyền thống”. Trong khi đó, theo PGS, TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch: Ngoại ngữ là vô cùng quan trọng với những người làm du lịch, nhưng hiện nay chỉ có rất ít trường đào tạo ngoại ngữ và giảng viên hiểu biết vấn đề mình đi giảng bằng tiếng nước ngoài, ngoại ngữ yếu nên thầy cô không chỉ ra được nguồn tài liệu cho sinh viên”.

Như vậy, đào tạo lại chính cho những người làm công tác giảng dạy, đào tạo đang là vấn đề được thực tế đặt ra, buộc chúng ta phải nhìn nhận, xem xét lại nếu muốn xây dựng đội ngũ nhân lực du lịch mạnh, đủ sức cạnh tranh và thích ứng với biến đổi không ngừng của thế giới.

Cần chiến lược về phát triển nhân lực du lịch

Theo PGS, TS Phạm Trung Lương, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị "Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn" đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng từ ứng xử, quan điểm dường như chưa thỏa đáng, tư duy chưa đến tầm, nhận thức chưa đầy đủ. Chẳng hạn, hiện nước ta có 195 cơ sở đại học, 65 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng có đào tạo về du lịch, 10 trường mang tên cao đẳng du lịch, 8 trường trực thuộc bộ, 71 trường trung cấp đào tạo liên quan du lịch, 4 trung tâm đào tạo nhưng đến giờ vẫn chưa có trường đại học du lịch. Ông Lương băn khoăn: "Tại sao tôi nói vậy trong khi du lịch là ngành cần kỹ năng nhiều hơn kiến thức? Bởi so vị thế của một khoa không thể bằng trường, đặc biệt là tầm ảnh hưởng và mối quan hệ quốc tế, trường đại học chuyên ngành du lịch sẽ có tầm nhìn và chiến lược toàn diện, đầy đủ hơn”.

Vấn đề này cũng từng được nhiều người đặt ra. Cách đây chưa lâu, ông Phạm Thế Triều, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, từng có thắc mắc tương tự khi bắt tay vào làm du lịch mà đụng đâu cũng bí người: “Ngành nào cũng có đại học nhưng riêng ngành kinh tế mũi nhọn lại chưa có trường đại học riêng. Chúng ta không có những người nghiên cứu sâu về đường hướng phát triển, khoa học chuyên môn, con người với tư thế, suy nghĩ khác… vì thế du lịch chưa thể chuyên nghiệp”.

Câu chuyện về quan điểm, nhận thức không thống nhất cũng thể hiện khá rõ ràng dưới khía cạnh của xã hội hóa về đào tạo. Đây vốn là vấn đề được áp dụng khá thành công ở nhiều nước phát triển du lịch và bước đầu có những thành quả nhất định ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông Trịnh Cao Khải cho rằng, hiện nay doanh nghiệp chỉ có thể đào tạo nhân viên của họ, cho gửi sinh viên thực tập hay góp ý chương trình đào tạo, cử cán bộ đến cùng giảng dạy... Các doanh nghiệp đang được hưởng thành quả mà không phải chịu bất cứ một trách nhiệm ràng buộc nào về chi phí đào tạo do Nhà nước đã bỏ ra. "Nên chăng, có một quỹ do các doanh nghiệp đóng góp để đào tạo nâng cao trình độ nghề cho nhân lực du lịch?”, ông Khải nói.

Nói thì đơn giản vậy nhưng vận hành, quản lý quỹ lại khá phức tạp. Theo ông Hoàng Nhân Chính, qua thực tế quản lý quỹ của Hội đồng Tư vấn du lịch, quỹ đào tạo do doanh nghiệp đóng góp muốn thu hút được sự đầu tư từ các doanh nghiệp cần tính minh bạch phải rất cao (qua kiểm toán quốc tế), có tính chuyên nghiệp (phải thuê chuyên gia) và tính hiệu quả (có thể doanh nghiệp không được hưởng lợi trực tiếp nhưng quốc gia được hưởng lợi).

Như vậy, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo chỉ có thể chung tay chứ không thể là người dẫn dắt câu chuyện. Muốn làm được điều này cần có quyết tâm từ phía cơ quan nhà nước. Ông Hoàng Nhân Chính cho rằng: “Cơ quan quản lý nhà nước phải kết nối doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, thậm chí không chỉ kêu gọi mà còn đưa ra quy chế cụ thể. Ví dụ, giải thưởng cho doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo hằng năm”.

Vậy tư duy về nhân lực của ngành kinh tế mũi nhọn cần thay đổi thế nào, cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo hay doanh nghiệp, ai là người quan trọng trong hệ thống, tầm quan trọng tới đâu... Mỗi câu hỏi lại cần những lời giải được tính đến tất cả yếu tố, khía cạnh... Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng, du lịch Việt Nam cần có chiến lược và bài bản thì đội ngũ nhân lực mới phát triển, đủ sức cạnh tranh. Nếu không xây dựng được chiến lược thì mọi biện pháp chỉ là nói khơi khơi thôi vì để ra được chiến lược cần những nghiên cứu, đánh giá, thống kê, phân tích về người lao động, nhu cầu doanh nghiệp... Từ đó mới đưa ra định hướng, xây dựng kế hoạch. Khi các bên theo “đường ray” đó, “con tàu du lịch” mới có thể vận hành xuyên suốt, hiệu quả.

“Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch. Chú trọng nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động ngành du lịch”. (trích Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị)

Bài và ảnh: MINH NHÃ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/bai-3-thieu-duong-ray-con-tau-du-lich-chua-the-tang-toc-613192