Bài 3: Thay đổi nhận thức, xóa 'khoảng tối'

Cùng với phong trào cưới tiết kiệm, văn minh, cuộc vận động 'giữ truyền thống, bỏ hủ tục' trong tổ chức việc tang cũng có bước tiến quan trọng. Sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã từng bước tạo thay đổi nhận thức của cộng đồng trong việc tổ chức tang lễ theo hướng văn minh, tránh lãng phí, bảo vệ môi trường sống theo tinh thần Chỉ thị 27.

Nhiều gia đình đã lựa chọn hình thức hỏa táng khi người thân qua đời. Ảnh: Thái Hiền

Dần loại bỏ hủ tục

Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 27 một cách bền bỉ, sáng tạo đã cho hiệu quả rõ nét. Chẳng hạn, nhiều năm về trước, việc tổ chức đám tang của đồng bào Mông ở tỉnh Thanh Hóa còn lạc hậu. Có gia đình treo thi hài trong nhà, tổ chức tang ma dài ngày, cỗ bàn liên miên…, gây tốn kém và gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh ở cơ sở.

Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã xây dựng Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” với nhiều giải pháp: Tổ chức các đội tuyên truyền vận động; phát huy vai trò gương mẫu trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; đầu tư xây dựng nghĩa trang, hỗ trợ nhân dân tổ chức tang lễ…

Ông Lương Văn Tưởng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Ở những nơi có đồng bào Mông sinh sống, cán bộ trực tiếp xuống từng gia đình để vận động tổ chức an táng theo cách mới. Thời gian đầu cũng có nhiều người phản đối. Thậm chí cán bộ, đảng viên bị người trong dòng họ chỉ trích vì dám đi ngược tục lệ, bị dọa không theo lệ cũ sẽ phải chịu hậu quả xấu. Vì vậy, nhiều cán bộ sau khi thực hiện tang lễ cho người thân theo hướng văn minh đã xuống cơ sở thường xuyên hơn để chứng minh mình vẫn khỏe mạnh, chẳng có hậu quả xấu nào...".

Quyết liệt, bền bỉ như vậy nên hiện nay ở Thanh Hóa đã có 6/8 dòng họ dân tộc Mông thay đổi cách tổ chức tang lễ theo hướng tích cực. Tỷ lệ người Mông sau khi qua đời được khâm liệm và chôn cất trong vòng 12 giờ đã đạt mức 60%.

Tại Hà Nội, hơn 20 năm trước, việc tổ chức ăn uống trong các đám tang ở làng Nhân Hòa (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) diễn ra khá phổ biến, gây phiền hà, tạo gánh nặng kinh tế cho gia chủ. Trước tình hình đó, người cao tuổi trong làng đã họp, thống nhất phá bỏ lệ cũ. Từ đó, đa số người dân chỉ đến phúng viếng, tiễn đưa người quá cố chứ không dự cỗ bàn. Ngoài ra, thi hài không lưu trong nhà quá 24 giờ trừ trường hợp đặc biệt (như thân nhân người đã khuất ở xa chưa về kịp). Chính “nghị quyết” của làng là cơ sở vững chắc giúp cho việc tang ở Nhân Hòa ngày một văn minh.

Cũng như ở Nhân Hòa, người dân nhiều nơi đã nhận ra tác hại nhiều mặt của việc tổ chức đám tang theo lệ cũ, nên chủ động rời xa hủ tục. Như ở xã Đại Đồng (Tứ Kỳ, Hải Dương), sau khi chính quyền kiên trì vận động, tuyên truyền, việc tang đã được người dân thực hiện theo quy chế của địa phương: Tang không cỗ bàn, rượu, bia, thuốc lá; không cử nhạc vào sáng sớm và tối muộn; không rải vàng mã, tiền lẻ, lăn đường, khóc thuê…

Không chỉ Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Dương, trong những năm qua, nhiều địa phương khác cũng ghi nhận sự chuyển biến tích cực trong tổ chức việc tang. Tại Bắc Giang, thống kê gần đây cho thấy trên địa bàn tỉnh có hơn 80% đám tang không tổ chức cỗ bàn. Tại Yên Bái, đồng bào Mông thuộc các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, Mù Cang Chải… khâm liệm, chôn cất người thân theo hình thức văn minh. Hay như TP Hồ Chí Minh, từ hơn 10 năm qua nổi lên mô hình Câu lạc bộ trợ táng...

Tạo kết quả bền vững

Bên cạnh kết quả đạt được, cuộc vận động tổ chức việc tang theo hướng văn minh vẫn còn hạn chế, bất cập. Tỷ lệ hỏa táng trung bình của cả nước còn thấp (dưới 30%). Một số dân tộc thiểu số vẫn duy trì hủ tục như rạch tay chân khi có người thân qua đời; phụ nữ góa kiêng tắm, gội; phơi nắng, bón cơm cho người chết; để tử thi tự phân hủy trong nhà...

Nhiều nơi, do thiếu hướng dẫn cụ thể nên còn lúng túng trong việc xác định như thế nào là hủ tục; có nơi phát sinh hiện tượng tiêu cực mới trong tổ chức việc tang như thuê người đồng tính biểu diễn thời trang, nhảy múa phản cảm. Có nơi coi việc báo hiếu là phải xây mồ mả to dẫn đến tình trạng xây dựng lăng mộ phô trương; việc nhắc nhở vi phạm còn chưa được thực hiện kịp thời.

Theo PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, hủ tục là "khoảng tối" trong nhận thức. Giải pháp chủ yếu cho vấn đề này là tập trung tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức của nhân dân. Chính quyền địa phương cần lắng nghe nguyện vọng của dân, hiểu rõ nguồn gốc sâu xa của hủ tục để có cách vận động bài trừ hợp lý, đồng thời cần tranh thủ uy tín của các già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo trong việc vận động tổ chức việc tang văn minh...

Ngoài tuyên truyền, vận động, việc nhận diện hủ tục, phân định nét văn hóa truyền thống trong tổ chức việc tang là điều cần thiết, bởi, như Tiến sĩ Dương Văn Sáu (Trưởng khoa Văn hóa, Đại học Văn hóa Hà Nội) phân tích: Nhiều tập tục không còn phù hợp, nhưng cũng có phong tục là di sản văn hóa, tạo nên sự khác biệt giữa các dân tộc. Cần tổng hợp những nghi lễ, tập tục đó để xác định cụ thể đâu là yếu tố cần lưu giữ, đâu là hủ tục cần loại bỏ.

Những yếu tố đi ngược lại tiêu chuẩn văn minh, tiến bộ trong việc tang, việc cưới phải được loại bỏ. Để đạt được kết quả bền vững, quan trọng nhất vẫn là kiên trì tuyên truyền, vận động để xóa bỏ “khoảng tối” trong nhận thức về việc tang. Bên cạnh đó, cần có quy định chặt chẽ, đưa vấn đề tổ chức việc tang vào tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, đảng viên, bình xét danh hiệu văn hóa với cơ chế thưởng, phạt rõ ràng.
(còn tiếp)

Thanh Thủy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/895608/bai-3-thay-doi-nhan-thuc-xoa-khoang-toi