Bài 3: Tháo gỡ vướng mắc, tạo sự thống nhất trong huấn luyện

Từ khảo sát thực tiễn chúng tôi nhận thấy, việc tăng cường đưa tình huống vào quá trình huấn luyện cơ bản như Sư đoàn 312 làm trong thời gian qua đã đem lại tác dụng thiết thực. Tuy nhiên, để chủ trương này đạt kết quả tốt hơn thì cần khắc phục một số vấn đề.

Thống nhất từ nhận thức đến hành động

Báo cáo tổng hợp của Sư đoàn 312 tại buổi rút kinh nghiệm sau hai năm thực hiện huấn luyện theo tình huống (HLTTH) nêu rõ: “Thời gian đầu, việc xây dựng ngân hàng tình huống còn chậm, tính khoa học chưa cao. Kết cấu tình huống còn sơ sài, chưa sát thực tiễn với hoạt động của đơn vị…”. Sở dĩ có hiện tượng này là bởi cán bộ cấp phân đội còn đơn giản trong xác định, lựa chọn các tình huống để huấn luyện bộ đội. Hơn nữa, lúc đầu khi thực hiện ý tưởng HLTTH, bản thân cán bộ cấp phân đội (nơi xuất phát và cũng là nơi trực tiếp thực hiện HLTTH) cũng chưa hình dung hết những phần việc, các bước cần phải xử lý của một tình huống. Trong thực tế, có thể họ đã xử trí các tình huống thường gặp ở đơn vị, nhưng chưa ai nghĩ tới việc xây dựng nó thành kịch bản, khái quát thành nguyên tắc. Vì vậy, khi nhận xét trong buổi rút kinh nghiệm sau hai năm thực hiện HLTTH của Sư đoàn 312, Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Tư lệnh Quân đoàn 1, chỉ rõ: “Công tác quán triệt ý định của trên còn chưa kỹ, quyết tâm của người chỉ huy phân đội chưa cao, nhận thức của một số chỉ huy phân đội chưa nhất quán… Đây chính là những rào cản ảnh hưởng đến chất lượng công tác HLTTH”.

Từ nhận xét của đồng chí Tư lệnh quân đoàn, chúng tôi đã khảo sát tại một số đơn vị như Trung đoàn 141, Trung đoàn 165, Tiểu đoàn 15... và thấy rằng, hầu hết cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn, tiểu đoàn đều hiểu rõ, hiểu sâu việc HLTTH, nắm chắc các nguyên tắc khi xử lý tình huống ở cấp mình. Tuy nhiên, một số cán bộ cấp trung đội, đại đội, mức độ nhận thức còn có những hạn chế nhất định. Có cán bộ trung đội chưa biết vận dụng, lồng ghép các tình huống vào quá trình huấn luyện để cho bộ đội xử trí, mà vẫn nghĩ việc HLTTH là một nội dung mới, cần bố trí thời gian để tổ chức huấn luyện. Việc xử trí tình huống của đội ngũ cán bộ cấp tiểu đội cũng còn gặp nhiều khó khăn.

Đến Trung đoàn 165 đúng thời điểm trung đoàn đang tổ chức cho Tiểu đoàn 4 luyện tập nội dung bao gói vượt sông, tôi hỏi Trung sĩ Ngô Văn Chung, Khẩu đội trưởng Khẩu đội Cối 60, Đại đội 1: “Nếu khẩu đội đang vượt sông mà phao bị thủng thì làm thế nào?”. Sau một hồi lúng túng, được sự gợi ý của Phó tiểu đoàn trưởng Hồ Văn Giang, cuối cùng Chung cũng tìm được cách xử trí khá phù hợp, đó là lấy dây dự phòng gia cố phao bơi, ra tín hiệu cho khẩu đội bạn hỗ trợ và tiếp tục vượt sông. Thực tế chiến đấu, tình huống này hoàn toàn có thể xảy ra, vì vậy cách xử trí các khẩu đội trưởng cần phải thuộc nằm lòng.

Chúng tôi cho rằng, việc thống nhất trong nhận thức về vấn đề HLTTH ở Sư đoàn 312 là rất quan trọng. Nó là nút thắt để giải quyết mọi khúc mắc trong công tác huấn luyện. Vì vậy cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt để mọi cán bộ, chiến sĩ đều nhận rõ HLTTH là nội dung không mới, không tách rời với chương trình huấn luyện cơ bản, mà thực tế HLTTH chính là phần nâng cao của huấn luyện cơ bản, nghĩa là ứng dụng các nội dung của huấn luyện cơ bản vào xử trí các tình huống diễn ra trong thực tế chiến đấu, học tập, công tác…

Bộ đội Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 165 luyện tập bao gói vượt sông.

Tiếp tục chuẩn hóa các tình huống

Qua trao đổi với chỉ huy các đơn vị chúng tôi thấy, việc tạo lập nội dung các tình huống để đưa vào "ngân hàng tình huống" phải căn cứ vào những vấn đề đã nảy sinh trong thực tiễn, từ đó mới có thể khái quát thành nguyên tắc xử lý. Thực tế ở Sư đoàn 312, hàng trăm tình huống đã được xây dựng theo phương pháp này. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Trung Hiếu, Sư đoàn trưởng, cho biết: “Sư đoàn giao các đơn vị thành lập các tổ nghiên cứu tình huống để soạn thảo bộ tình huống của đơn vị mình. Đây là những cán bộ, chỉ huy có kinh nghiệm thực tiễn, có lý luận cơ bản. Trước tiên, tổ nghiên cứu lựa chọn các đầu đề tình huống, thảo luận, thống nhất, thông qua chỉ huy các cấp để tránh trùng lặp, sau đó mới phân công triển khai viết kịch bản tình huống, xác định các nguyên tắc xử trí. Do đó "ngân hàng tình huống" của toàn sư đoàn khá hệ thống, thống nhất…”.

Chúng tôi kiểm tra bộ tình huống của Đại đội 2, Tiểu đoàn 15 và thấy năm 2017 đại đội đã luyện tập 30 tình huống, trong đó có nhiều tình huống thuộc lĩnh vực sẵn sàng chiến đấu có tính thực tế cao. Tuy nhiên, ở các tình huống thuộc lĩnh vực đời sống sinh hoạt của bộ đội thì còn khá đơn giản, nguyên tắc xử trí cũng vì thế mà đơn điệu, khô cứng. Để bảo đảm cho các tình huống ngày càng sát thực hơn, chất lượng hơn, chỉ huy các đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh cả về nội dung tình huống và biện pháp xử trí.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Đoàn Tất Khu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 15 cũng nhận ra: “Bộ tình huống tuy được tiểu đoàn nghiên cứu, chuẩn bị khá công phu, nhưng đúng là chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế. Có những tình huống mới nảy sinh đơn vị chưa kịp cập nhật vào trong bộ tình huống để xác định nguyên tắc xử trí. Chẳng hạn như vừa qua, trong xã hội có xuất hiện người theo đạo lạ, đơn vị cũng đã kịp thời quán triệt, giáo dục bộ đội nâng cao cảnh giác với hiện tượng này, nhưng việc này chưa được khái quát thành tình huống để có biện pháp xử trí thống nhất trong toàn đơn vị. Vì vậy, người chỉ huy cần phải tiếp tục nghiên cứu, xây dựng tình huống dạng này thành kịch bản để có cách xử trí phù hợp”.

Trong quá trình tìm hiểu thực tế, chúng tôi cũng thấy còn nhiều tình huống có thể xảy ra trong chiến đấu, trong học tập công tác... chưa được các đơn vị đưa vào bộ tình huống, nên khi chúng tôi đưa ra các giả định thì đội ngũ cán bộ còn khá bỡ ngỡ. Do đó, các cơ quan chức năng của quân đoàn cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị rà soát lại toàn bộ hệ thống tình huống đã xây dựng, luyện tập. Những tình huống đơn lẻ, không phổ biến thì không nhất thiết phải đưa vào bộ tình huống, mà cần nghiên cứu thật kỹ các vấn đề có tính phức tạp cả trong chiến đấu (như cách phòng, tránh vũ khí sát thương của địch, cách xử trí khi gặp vật nổ lạ, cách phòng cháy, chữa cháy...) và trong học tập, công tác (như xử trí đối với các đối tượng quá khích, xử trí các dấu hiệu bất thường về an ninh chính trị trên địa bàn, các tình huống thường gặp khi bộ đội tiếp xúc với nhân dân…) để huấn luyện, phổ biến cho bộ đội có cách ứng xử phù hợp.

HLTTH ở Sư đoàn 312 nói riêng, Quân đoàn 1 nói chung đã cho thấy những kết quả tích cực, thiết thực với các đơn vị. Vì vậy, vấn đề này cần được nghiên cứu, rút kinh nghiệm nghiêm túc để bổ sung vào giáo trình của các nhà trường trong quá trình đào tạo sĩ quan quân đội, bảo đảm cho các sĩ quan khi ra trường đều có thể nhận biết các tình huống và nguyên tắc xử trí. Ở các đơn vị cũng cần nghiên cứu, bổ sung những nội dung cho phù hợp với tính chất, đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị và tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của địa bàn đứng chân. Khi những tình huống có độ khái quát rộng, phổ biến thì độ thống nhất trong xử trí càng cao, góp phần giúp các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ ngày càng tốt hơn.

Bài và ảnh: Nhóm PV Báo QĐND

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bai-3-thao-go-vuong-mac-tao-su-thong-nhat-trong-huan-luyen-559653