Bài 3: Sự chọn lựa chủ động, đúng hướng của Việt Nam

Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) giữa Việt Nam và EU đã chính thức được ký kết vào ngày 19/10/2018, mở ra một chương mới trong tiến trình phát triển ngành lâm nghiệp Việt Nam.

Ông Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT).

Xung quanh công tác chuẩn bị pháp lý và môi trường thực hiện Hiệp định này, phóng viên Báo Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT).

Xin ông cho biết công tác chuẩn bị cho việc thực thi VPA/FLEGT tại Việt Nam đang được tiến hành đến đâu ?

Ông Phạm Văn Điển: Công tác chuẩn bị cho VPA/FLEGT là một quá trình, bắt đầu từ năm 2010 bằng việc lựa chọn tham gia hiệp định và đang được tiếp tục thực hiện đến khi cấp phép FLEGT vào cuối năm 2020. Ngoài ra, khi thực thi hiệp định thì sự chuẩn bị cho từng giai đoạn tiếp theo, cũng sẽ được quan tâm.

Sự chuẩn bị chu đáo đã dẫn tới kết quả là Hiệp định được ký vào ngày 19/10/2018 vừa qua. Kế hoạch hành động cụ thể để thực thi VPA/FLEGT sẽ được ban hành trong vài ngày tới.

Có hai mốc thời gian quan trọng trong bản Kế hoạch này là: Chính phủ Việt Nam và Nghị viện EU phê duyệt Hiệp định vào Quý I/2019 và việc cấp phép FLEGT sẽ được bắt đầu từ cuối 2020.

Vậy là chúng ta còn 2 năm để chuẩn bị chính thức thực thi hiệp định này, ông đánh giá thế nào về tình hình thực thi pháp luật về quản lý gỗ và lâm sản hiện nay? Liệu có thể đáp ứng yêu cầu hiệp định với EU trong thời gian tới không?

Ông Phạm Văn Điển: Hiện nay, chúng ta thực hiện sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ theo các quy định của pháp luật hiện hành. Việc này đang được thực hiện tốt. Việc xuất khẩu đồ gỗ sang EU tuân thủ đúng Quy chế gỗ của liên minh châu Âu (EUTR - Uropean Union Timber Regulation). Một số loại gỗ và sản phẩm gỗ khác thì được thực hiện theo quy trình CITES. Sự tăng trưởng về xuất khẩu đồ gỗ trong những năm qua đã chứng tỏ rằng, quốc tế đã ghi nhận Việt Nam như một cường quốc về xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản.

VPA/FLEGT sẽ giúp chúng ta thay đổi và cải thiện mạnh mẽ cách quản trị rừng, hướng xuất khẩu ra thị trường mở một cách bền vững và có hiệu quả cao đối với cả chuỗi cũng như từng mắt xích tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đến giờ, việc thể chế hóa Luật Lâm nghiệp đã cơ bản hoàn thành, mở đường cho việc thực thi tốt hơn những dự định. Chúng ta cần có thêm một Nghị định của Chính phủ về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp (VNTLAS). Từ việc thực hiện Nghị định này có thể phân loại được doanh nghiệp; xác minh được lượng hàng xuất khẩu; kiểm soát được chuỗi cung; xác định loài và vùng địa lý rủi ro; xác minh xuất khẩu. Đó là nền tảng chính để cấp phép FLEGT.

Cùng với sự chuẩn bị của các doanh nghiệp, chúng ta cũng có thời gian để nâng cao năng lực cho cả người sản xuất và chế biến, để cùng thống nhất tôn chỉ là bất kỳ ai tham gia vào chuỗi cung ứng gỗ và sản phẩm gỗ, đều tuân thủ quy định, hành động hợp pháp và minh bạch.

Có nhiều ý kiến lo ngại việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gỗ của chúng ta từ trước tới nay chưa thực sự chuyên nghiệp. Khi chính thức tham gia rất sâu vào một thị trường lớn và chuyên nghiệp như EU liệu cơ chế của chúng ta có đủ sức để thực hiện những cam kết này không?

Ông Phạm Văn Điển: Lý giải thuyết phục cho điều này là thực tiễn. Xuất khẩu lâm sản và đồ gỗ của Việt Nam liên tục gia tăng trong 25 năm qua, từ khoảng 200 triệu USD (năm 1993) lên đến 9,2 - 9,4 tỷ USD năm 2018. Chúng ta đã xâm nhập và có chỗ đứng tốt tại các thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng. Lượng xuất của Việt Nam sang Mỹ chiếm hơn 40% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, tiếp đến là Nhật, Hàn Quốc và EU. Về phương diện giá trị, Việt Nam đang đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Luật Lâm nghiệp ra đời là một bước tiến vững chắc cùng với các quy định hiện nay như việc đóng cửa rừng tự nhiên, truy xuất nguồn gốc gỗ, phát triển rừng sản xuất, cấm tạm nhập tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ; chuyển thị hiếu tiêu dùng từ gỗ rừng tự nhiên sang gỗ rừng trồng; hình phạt nghiêm khắc có thể tới 15 năm tù giam đối với hành vi mua bán trái phép động, thực vật hoang dã ghi trong bộ luật hình sự... là những yếu tố giúp Việt Nam có thể thực hiện tốt cam kết theo VPA/PLEGT.

Doanh nghiệp cần xác định vị trí và chuyên nghiệp trong chuỗi giá trị sản xuất để tối ưu hóa lợi nhuận - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ông có chia sẻ gì với các doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ? Theo ông doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội thế nào trong Hiệp định tới đây với EU?

Ông Phạm Văn Điển: Trước tiên doanh nghiệp cần tuân thủ tối đa Hiệp định, thông qua việc chấp hành Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS).

Hiện nay doanh nghiệp gỗ Việt Nam còn chủ yếu gia công theo đơn hàng nên lợi nhuận còn thấp. Cần có sự chủ động trong chiến lược kinh doanh bằng việc thiết kế sản phẩm, mẫu mã riêng, xây dựng thương hiệu, gắn chế biến với thương mại quốc tế, … để có lợi nhuận cao hơn. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải xác định được chuỗi giá trị cho mình.

Nhiều doanh nghiệp vẫn hiểu làm theo chuỗi là họ làm sản phẩm từ A đến Z, nhưng thực sự không phải vậy. Nếu có liên kết và làm chuyên nghiệp một công đoạn trong cả chuỗi sản xuất, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí trong sản xuất, nhân công, bố trí mặt bằng.

Một nỗi lo nữa thường xuất hiện với doanh nghiệp là các rào cản kỹ thuật, nhưng thực tế VPA/FLEGT rất minh bạch, nên mọi yêu cầu kỹ thuật đều sẽ công khai. Đáp ứng được yêu cầu của VNTLAS, sẽ không phải lo vấn đề này.

Một vấn đề cũng được nhiều sự quan tâm trong thực thi VPA/FLEGT là nguồn nguyên liệu. Chúng ta đang chuẩn bị nguyên liệu như thế nào cho sự phát triển ngành đồ gỗ Việt Nam?

Ông Phạm Văn Điển: Gỗ nguyên liệu của Việt Nam là gỗ hợp pháp. Chúng ta đang thực hiện triệt để các giải pháp để ngăn chặn sự trà trộn của gỗ không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Với 75% nguồn nguyên liệu chủ động trong nước hiện nay, Việt Nam có hơn 20 triệu m3 gỗ nguyên liệu được khai thác từ rừng trồng, cây phân tán, vườn nhà… được xác định rõ nguồn gốc.

Việt Nam xác định đến giai đoạn 2020 - 2025 sẽ có cơ cấu phát triển rừng với 40% là rừng gỗ lớn và 60% rừng gỗ nhỏ. Gỗ nguyên liệu từ rừng sản xuất hiện đang có 2,86 triệu ha sẽ có lộ trình phát triển đến năm 2020 là 3,3 triệu ha. Chúng ta đã và đang đưa giống tốt vào sản xuất, bổ sung nhiều loài cây bản địa, sinh trưởng nhanh, có giá trị kinh tế; thực hiện thâm canh; liên kết sản xuất và cấp chứng chỉ rừng. Hiện nay, chúng ta đã có 245 nghìn ha rừng được chứng nhận quản lý bền vững. Con số này ngày một tăng lên.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đỗ Hương (thực hiện)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/bai-3-su-chon-lua-chu-dong-dung-huong-cua-viet-nam/353698.vgp