Bài 3: 'Quét cầu thang' cần 'bàn tay sạch' (Tiếp theo và hết)

Khắc phục vấn đề 'hậu duệ' trong điều kiện Đảng ta là đảng cầm quyền, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đòi hỏi cần có hệ thống giải pháp đồng bộ mà trong một bài viết chắc chắn không đề cập ngọn ngành mọi nhẽ được. Bài viết này xin kiến nghị một khâu then chốt và một giải pháp mang tính đột phá...

Sinh thời, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người rất tích cực theo gương Bác Hồ chống chủ nghĩa cá nhân (CNCN), chống tham nhũng, lãng phí. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khái quát phương pháp hữu hiệu để chống CNCN là “quét cầu thang”. Đó là một lối ví von sâu sắc, cũng là một triết lý, một giải pháp có tính đột phá. Vấn đề “hậu duệ”, suy cho cùng thuộc phạm trù tham nhũng quyền lực, vì vậy giải pháp đột phá chính là vận hành phương pháp “quét cầu thang”. Chiếc cầu thang nhiều tầng, nhiều nấc, làm thế nào để quét đến đâu sạch luôn đến đó, chỉ có cách duy nhất là quét từ trên xuống.

Với giải pháp này, rõ ràng việc khắc phục vấn đề “hậu duệ” phải bắt nguồn từ các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sau đó đến các đồng chí trong Ban Chấp hành (BCH) Trung ương. Nhiệm kỳ XII của Đảng, lần đầu tiên, BCH Trung ương ban hành Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương Đảng. Trong đó, quy định mỗi đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống: “Chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm. Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác cán bộ; đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhất là đối với người nhà, người thân”.

Tiếp đó, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, đã đề cập nhiều nội dung liên quan kiểm soát vấn đề “hậu duệ”, như: Không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan; nghiêm cấm hành vi để người nhà, người thân (vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột) lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để thao túng, can thiệp công tác cán bộ...

Dân gian có câu “nhà dột từ nóc”, "thượng bất chính thì hạ tắc loạn”. Không phải tự nhiên mà BCH Trung ương Đảng lại phải ra quy định bắt buộc cán bộ cấp chiến lược phải nêu gương, trong đó có nêu gương về vấn đề “hậu duệ”. Kiểm soát quyền lực trong 5 triệu đảng viên là khó, nhưng kiểm soát chừng vài trăm con người (là những cán bộ cao cấp) thì sẽ dễ dàng hơn, nhất là khi chúng ta biết phát huy vị trí, vai trò đảng viên và tổ chức đảng, mở mang tai mắt từ nhân dân. Trước đây, vấn nạn “hậu duệ” ở nước ta phát tác rất phức tạp, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Đến đầu nhiệm kỳ XII, khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương bắt đầu phát đi những “hồi trống lệnh” đấu tranh kiên quyết với nạn “hậu duệ” bằng việc xử lý kỷ luật rất nhiều con em cán bộ cấp cao (con em của một số đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy...) thì “phong trào” thu vén cho các “cậu ấm, cô chiêu” mới có dấu hiệu được ngăn chặn, hiện tượng phát triển “thần tốc” mới có dấu hiệu chững lại.

Tuy nhiên, với những biến tướng tinh vi trong công tác cán bộ hiện nay, khi “trên có chính sách, dưới có đối sách”, “trên nóng dưới vẫn lạnh” thì dẫu các quy chế, quy định có chặt chẽ đến đâu cũng vẫn còn những “khoảng trống”, “khe hở” mà những người cơ hội có thể phát hiện để “lách” vào. “Quan tham, ô lại”, “Ông thầy ăn một, bà cốt ăn hai”. Cấp trên nghiêm thì chưa bảo đảm cấp dưới đã sạch, nhưng có điều chắc chắn là nếu cấp trên nghiêm thì cấp dưới sẽ khó làm những điều xằng bậy. “Quét cầu thang” mang ý nghĩa như một giải pháp đột phá trong giải quyết vấn đề “hậu duệ” vì lẽ đó.

Có người cho rằng, nhìn ra thế giới, nhất là các nước phát triển thì chuyện con nhà “trâm anh thế phiệt” nối tiếp thế hệ trước giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyền là điều bình thường. Đúng vậy, chuyện “bố tổng thống, con tổng thống” là chuyện bình thường ở nhiều quốc gia. Ở nước ta hiện nay, chống nạn “hậu duệ” nhưng Đảng, Nhà nước ta cũng ban hành nhiều chính sách khuyến khích, ưu tiên con em người có công với cách mạng. Con cháu cán bộ cấp cao nếu là những người có tài, có đức thì đích thị là vốn quý của dân tộc. Họ cần được đối xử công bằng như những người có tài, có đức khác. Mà để có công bằng trong công tác cán bộ, điều kiện tiên quyết là phải thực hiện công khai, dân chủ. Tháng 3-2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường có quyết định bổ nhiệm PGS, TS Trần Hồng Thái làm Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn. Mặc dù ông Trần Hồng Thái là em trai đương kim Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhưng dư luận đánh giá việc bổ nhiệm ông là xứng đáng. Ông Trần Hồng Thái sinh năm 1974, là tiến sĩ chuyên ngành Khoa học trái đất và Toán học tại Đại học Tổng hợp Heidelberg (Đức), được phong phó giáo sư khi còn khá trẻ, từng kinh qua nhiều vị trí công tác trong ngành khí tượng thủy văn. Nhìn vào “lý lịch” như vậy, ai cũng thấy mừng, gần như không có ai xì xào ông là “hậu duệ”. Điều đó chứng tỏ, quần chúng rất tỏ tường, rạch ròi trong đánh giá cán bộ.

PGS, TS Nguyễn Văn Giang, Phó viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, một khâu then chốt trong kiểm soát quyền lực hiện nay là kiểm soát người đứng đầu cấp ủy. Dù là “con ông cháu cha” muốn có “quan lộ thần tốc” thì vẫn phải “chạy”: “Chạy ai thì phải chạy người có quyền quyết định trong công tác cán bộ. Hiện nay, người có quyền quyết định trong công tác cán bộ của ta, về mặt chung là BCH, nhưng thực chất quyền lực là do ban thường vụ. Nhưng phải nói thật, trong ban thường vụ cũng chưa phải là cuối cùng, chốt lại là phải chạy đồng chí đứng đầu, tức là đồng chí bí thư. Theo tôi, đồng chí bí thư có thể quyết định được 95%. Bởi vì bí thư là người chủ trì. Chủ trì tức là có quyền đề xuất nhân sự. Bí thư lại có quyền quyết định thời điểm. Một ban thường vụ của một tỉnh ủy, huyện ủy biết nhau hết, nhiều người phải nhờ vả bí thư, cho nên nhân sự của bí thư đưa ra là “chúng em” ủng hộ thôi”.

“Cán bộ nào thì phong trào ấy”, muốn có “bàn tay sắt” trước hết phải có “bàn tay sạch”. Bởi vậy, then chốt để giải quyết vấn đề “hậu duệ” ở các cấp hiện nay là chúng ta phải chọn cho được những người đứng đầu cấp ủy xứng đáng. Bên cạnh những giải pháp đổi mới công tác lựa chọn người đứng đầu (như thí điểm thi tuyển bí thư cấp ủy, bố trí bí thư cấp ủy không phải người địa phương...), thì cần đặc biệt chú trọng đến phát huy dân chủ trực tiếp trong tổ chức đảng. Có một đảng viên 50 năm tuổi Đảng tâm sự: “Năm nay tôi 50 năm tuổi Đảng, đã trọn một đời theo Đảng, ước nguyện của tôi là được một lần cầm lá phiếu để bầu đồng chí bí thư tỉnh ủy mà có lẽ sẽ không thực hiện được”. Tâm sự ấy phản ánh một vấn đề, dân chủ trực tiếp trong Đảng còn nhiều hạn chế. Tiêu chuẩn kết nạp đảng viên của Đảng ta rất cao, nhưng cơ chế để đảng viên phát huy quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong xây dựng Đảng còn nhiều vấn đề đáng bàn. Chừng nào dân chủ trực tiếp chưa được chú trọng thì vấn đề lựa chọn người đứng đầu “vừa hồng, vừa chuyên” và kiểm soát quyền lực trong Đảng còn gặp nhiều khó khăn. Công tác chất vấn trong Đảng hiện còn nhiều bất cập. Điều lệ Đảng ghi rõ đảng viên có quyền chất vấn những công việc của Đảng nhưng việc tổ chức chất vấn trong các cấp bộ đảng chưa được quan tâm triển khai thực hiện. Thẳng thắn đánh giá thì thấy, việc chất vấn tại Quốc hội và HĐND các cấp trong thời gian qua có nhiều tiến bộ rõ rệt, góp phần thúc đẩy dân chủ và công bằng trong xã hội. Nhưng việc chất vấn trong các tổ chức đảng chưa được như vậy. Chất vấn là một hoạt động rất quan trọng để bảo đảm dân chủ, xây dựng con người và xây dựng tổ chức, trong đó có khắc phục vấn đề “hậu duệ”-một vấn nạn được đảng viên ở cơ sở xem như một ung nhọt của Đảng hiện nay.

Có những cán bộ rất tốt, không hề muốn “chạy chức, chạy quyền”, nhưng khi họ hội đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm một chức vụ nào đó, tự thấy mình “chẳng hậu duệ, cũng chẳng đồ đệ”, thế là không yên tâm và cũng tìm cách “chạy”. Mà đã “chạy” để ngồi vào “ghế” rồi, sẽ phải “chạy” tiếp để giữ “ghế” và ngoi lên “ghế” cao hơn. Nạn “hậu duệ”, vì thế như một chiếc đầu tàu, kéo cán bộ, đảng viên cả tốt lẫn chưa tốt vào hành trình ‘chạy” liên tục bất tận. Chặn đứng nạn “hậu duệ” cũng có nghĩa là chúng ta đã chặn “chiếc đầu tàu” tiêu cực trong công tác cán bộ của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán những đảng viên sa vào CNCN: “Cái gì cũng chỉ biết có mình và gia đình mình chứ ít khi nghĩ đến cái gia đình lớn là dân tộc, cái mình lớn hơn là phải hòa vào với dân tộc”. Nhưng Người tin rằng: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Nếu chúng ta đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị để mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao ý thức trách nhiệm trước Đảng-“không muốn biến con cháu thành “hậu duệ”; tích cực củng cố, hoàn thiện thể chế, bịt mọi lỗ hổng để cán bộ, đảng viên “không thể thu vén cho người nhà”; xử lý thật nghiêm đối tượng “9C” khiến con em cán bộ, đảng viên “không dám quan lộ thần tốc”; xây dựng hệ thống chính sách chăm sóc, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau một cách dân chủ, công bằng để thế hệ trẻ “không cần bố mẹ ưu ái” thì vấn đề “hậu duệ” sẽ không còn là trở lực trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Tại hội nghị cán bộ toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) ngày 27-2-2012, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng phá ta từ bên trong, làm cho "cộng sản tự diệt cộng sản", "cộng sản con diệt cộng sản bố". Hiện thực lịch sử ở Liên Xô, Đông Âu trước đây là minh chứng sống động cho thấy, nếu chúng ta chủ quan trước vấn nạn “hậu duệ” thì tương lai đất nước phải đối mặt với hậu họa khôn lường.

“Quét cầu thang”, vì thế, cần lắm những “bàn tay sạch”!

NGUYỄN HỒNG HẢI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-chong-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/bai-3-quet-cau-thang-can-ban-tay-sach-tiep-theo-va-het-613548