Bài 3: Phim ảnh bỏ rơi con trẻ

Hơn 40 phim điện ảnh Việt ra rạp mỗi năm, thấp thoáng vài gương mặt trẻ thơ trong những vai phụ. Phim về đề tài thiếu nhi, có thiếu nhi là nhân vật chính càng hiếm hoi. Dòng chảy phim ảnh cho trẻ cứ thế cạn dần.

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là bộ phim hiếm hoi về thiếu nhi gần đây để lại dấu ấn

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là bộ phim hiếm hoi về thiếu nhi gần đây để lại dấu ấn

CHẲNG CÓ GÌ ÐỂ XEM

Hơn chục năm lại đây, Việt Nam cũng ăn theo mùa phim bom tấn Hollywood ra rạp mỗi dịp vào hè. Mỹ chiếu gì Việt Nam có ngay phim nấy. Phim Mỹ nào siêu anh hùng cứu thế, phim hành động hàng trăm triệu đô nhưng thường gắn nhãn cấm dưới 16 tuổi. Kho phim ảnh cho người lớn cứ nới rộng ra bất tận, còn thời gian giải trí bằng phim ảnh của trẻ dần co hẹp lại. Đưa trẻ đến rạp, phụ huynh chỉ biết trông vào một số phim hoạt hình gia đình Hollywood là chính, muốn đổi món cũng chẳng có gì mà lựa.

Hoạt hình ở Mỹ doanh thu ngang ngửa, thậm chí trội hơn phim dành cho người lớn. Còn ở ta cũng có hẳn hãng phim hoạt hình, nhưng gần như không có cửa ra rạp. Bước sang tuổi 61, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam từng có thời ghi dấu ấn nhờ hệ thống chiếu bóng, rạp chiếu phát hành rộng rãi kho phim từ thời cắt giấy, vẽ tay. NSND Hà Bắc- một trong những đạo diễn hoạt hình gạo cội- nói: “Những năm chiến tranh dữ dội, bom đạn triền miên thì phim hoạt hình lại kiên cường vô cùng, nhiều tác phẩm để đời như Con khỉ, Ông Gióng, Mèo con, Gà trống hoa mơ... ăn sâu vào tuổi thơ của chúng tôi. Rõ ràng khi chưa có nhiều phương tiện giải trí thì hoạt hình là món ăn tinh thần ghi dấu ấn sâu đậm cho hồi ức của lớp trẻ Việt Nam”.

Thời công nghệ thông tin bùng nổ, hoạt hình Việt phải cạnh tranh với các phương tiện nghe nhìn khác đã đành, công nghệ sản xuất tụt hậu khiến cho tác phẩm chỉ chừng chục phút không thể đưa lên màn ảnh rộng. Hằng năm, các giải thưởng của Liên hoan phim Việt Nam, giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam đều đặn tìm ra giải Vàng ở mảng phim hoạt hình Việt. Phát hành, quảng bá tới đông đảo khán giả nhỏ tuổi dường như ngoài tầm với của các nhà tổ chức, các nhà làm phim.

Hoạt hình thất thế, nhìn sang dòng chảy truyền hình và điện ảnh cũng thưa vắng đến thương. NSND đạo diễn Thanh Vân nhận định, độ dăm bảy năm nay thiếu hụt trầm trọng phim điện ảnh về thiếu nhi và cho thiếu nhi, phim nổi bật càng hiếm. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015) là hiện tượng hiếm hoi thành công cả phòng vé lẫn nghệ thuật. Thật tiếc, đó cũng là phim ăn theo tác phẩm văn học, bối cảnh mang màu sắc thương nhớ đồng quê mấy chục năm về trước. Không nhiều phim chạm tới những câu chuyện xúc động, vấn đề về thiếu nhi nhức nhối trong xã hội đương thời.

Ngay cả ở địa hạt truyền hình vốn dễ tiếp cận, trẻ em dần bị đẩy ra bên lề. Có thời các nhà làm truyền hình chịu quan tâm tới mảng đề tài này, cho ra đời những bộ phim gắn với tuổi thơ nhiều thế hệ như Đội đặc nhiệm nhà C21, Đất phương Nam, Mùa hè sôi động, Chiến dịch trái tim bên phải, Kính vạn hoa, Ngũ quái Sài Gòn... Những món ăn tinh thần này vốn chưa phải quá phong phú, nay càng thêm vắng.

LỰC BẤT TÒNG TÂM?

Kế cận các đạo diễn gạo cội như đạo diễn NSND Vũ Minh Trí, Phương Hoa, Hà Bắc, nay đạo diễn NSƯT Trần Khánh Duyên có nhiều phim hoạt hình ẵm giải Vàng: Bò vàng, Con chim gỗ. Làm nghề, có những thành công nhất định nhưng anh vẫn canh cánh về việc chưa thể đưa phim ra rạp. “Chúng tôi rất muốn làm phim chiếu rạp nhưng không dễ dàng. Phim hoạt hình ra rạp của Mỹ tốn hàng chục thậm chí hơn trăm triệu USD, cần sự đồng bộ từ nhân lực tới máy móc. Không riêng Việt Nam, nhiều quốc gia điện ảnh phát triển cũng khó lòng cạnh tranh với hoạt hình Hollywood- nơi tập trung công nghệ làm phim hiện đại nhất thế giới”, đạo diễn Khánh Duyên nói.

Không thể chiếu rạp, thời gian gần đây các nhà làm phim hoạt hình chỉ còn cách đưa phim lên Youtube. Nhiều phim đạt vài triệu lượt view, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Đạo diễn Trần Khánh Duyên cho biết, Hãng phim Hoạt hình tìm kiếm, kêu gọi các nhà đầu tư, nhà sản xuất hợp tác làm phim hoạt hình dài hơi hơn, có khả năng đáp ứng yêu cầu đồng bộ về nội dung, kỹ thuật để ra rạp. Tuy thế mơ ước chỉ là ước mơ, bởi nhà đầu tư không dễ đổ tiền sản xuất phim hoạt hình nếu họ nhìn thấy trước số vốn đầu tư khủng, nguy cơ thua lỗ cực lớn.

Hỏi đạo diễn Vũ Hồng Sơn từng làm Đội đặc nhiệm nhà C21: liệu có phải giới đạo diễn thường “né” làm phim thiếu nhi? Ông khẳng định không có chuyện đó. “Tôi tin các đạo diễn đều mong muốn làm phim thiếu nhi, nhưng điều kiện không cho phép. Làm phim thiếu nhi rất vất vả nhưng cũng vô cùng lí thú, mang tới cho những người sáng tạo cảm hứng tươi mới”, ông nói. Đồng quan điểm, NSND Thanh Vân kể, năm 17 tuổi trong lúc chờ đợi kết quả thi vào trường Đại học Kiến trúc, chính bộ phim Mẹ vắng nhà cho ông cảm hứng theo đuổi nghề đạo diễn. Phim ảnh không chỉ là món ăn tinh thần giải trí, trong đó còn là các câu chuyện giáo dục, truyền cảm hứng là vì thế.

Nhận định sự thiếu hụt nghiêm trọng tác phẩm phim ảnh cho thiếu nhi, đạo diễn NSND Nguyễn Thanh Vân lấy làm tiếc vì các nhà làm phim nước ta mất hẳn Xưởng phim thanh thiếu nhi. “Cơn lốc thị trường và xã hội hóa cũng có mặt trái, nhà đầu tư ngần ngại khi làm phim thiếu nhi-chắc chắn không “hot” như các mảng đề tài khác. Đội ngũ sáng tác ngần ngại, một phần do không nhận được sự khuyến khích, hỗ trợ rõ rệt từ các nhà quản lý, nhà đầu tư”, NSND Thanh Vân phân tích.

NSND Thanh Vân nêu nguyên nhân sâu xa hơn, đó là sự thiếu vắng kịch bản- khâu đầu tiên luôn bị xem là yếu và thiếu của phim ảnh Việt. Là thành viên của Hội đồng kịch bản ở Cục Điện ảnh lẫn Hội Điện ảnh, NSND Thanh Vân thấy chỉ lác đác vài kịch bản phim thiếu nhi trong vô vàn kịch bản ở mảng đề tài khác. “Phim ảnh thiếu nhi là khoảng rộng mênh mông, ở đó có câu chuyện, cuộc sống, hiện tượng và có thể đặt ra tầm nhìn về giáo dục. Cuộc sống không hiếm chuyện xót xa như đứa trẻ bị bỏ quên, trẻ em bị bỏ rơi, lạm dụng trẻ em... nhưng dường như chưa thật sự lay động tới giới biên kịch chăng”, ông nói.

(Còn nữa)

Vướng mắc cơ chế

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Ðiện ảnh cho biết, hằng năm Cục vẫn đều đặn đặt hàng Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất hơn chục phim ngắn cho thiếu nhi. Cục cũng thẩm định kịch bản phim điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm Thiên thần nhỏ của tôi của Nguyễn Nhật Ánh. “Vấn đề đặt hàng sản xuất phim điện ảnh đang rất khó khăn với ngành điện ảnh. Bộ Tài chính yêu cầu Bộ VHTTDL trình Thủ tướng để xin lại cơ chế đặt hàng”, ông Vi Kiến Thành nói.

Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng là thành quả đặt hàng một phần của Cục Ðiện ảnh hợp tác với hãng phim tư nhân. Thực tế, chưa nhiều phim đặt hàng thành công về doanh thu, chủ yếu về đề tài chiến tranh cách mạng, phim tuyên truyền.

NSND HÀ BẮC: Chuyên nghiệp hơn

Công nghệ số, kỹ thuật truyền hình quá mạnh và đặc biệt ai cũng có điện thoại di động thông minh với nhiều lựa chọn giải trí, kênh hoạt hình chiếu miễn phí suốt ngày với kỹ thuật và chất lượng rất cao. Việt Nam chưa có nhà đầu tư chuyên nghiệp, chưa có nhà tổ chức chuyên nghiệp để đưa hoạt hình Việt Nam thành hệ thống, vì thế khán giả chưa tiếp cận nhiều phim Việt.

Việt Nam mỗi năm sản xuất 15-20 phim hoạt hình, dung lượng khoảng 10 phút/phim. Để làm ra mỗi bộ phim đó đòi hỏi 20-30 họa sĩ vẽ trong cả năm trời. Làm phim vô cùng công phu, tuy nhiên để đến được khán giả không thể chỉ trông chờ vào nghệ sĩ sáng tạo. Nghệ sĩ chỉ biết làm phim, họ đau đáu đưa phim tới khán giả đấy nhưng không thể làm gì hơn. Mong rằng phim hoạt hình Việt Nam được đầu tư, sản xuất nhiều hơn và tiếp cận khán giả rộng hơn.

NHÀ BÁO NGUYỄN LƯU: Không chỉ kinh phí

Ở những nền điện ảnh phát triển, người ta xem việc làm phim cho trẻ con tương đương nhiệm vụ tạo ra phim cho người lớn. Việt Nam không có được điều đó. Khi tôi còn bé xíu- thời những đạo diễn hàng đầu như Phạm Khoa được du học Nga, thế hệ chúng tôi được xem nhiều phim nổi bật của điện ảnh Liên Xô. Điện ảnh Việt Nam sau đó cũng học tập, cho ra đời những phim tốt như Em bé Hà Nội, Mẹ vắng nhà, Con chim vành khuyên. Thế nhưng ngay hồi ấy, bên cạnh những phim nổi tiếng về thời chiến đó, chúng ta đã thiếu nhiều phim thiếu nhi cho thời bình.

Muốn có những phim tốt, thường người ta có thể dựa vào những tác phẩm văn học chất lượng, đương nhiên vẫn có đạo diễn tự viết kịch bản riêng. Việt Nam thi thoảng mới thấy bóng dáng mấy đứa bé con trong phim về đề tài cho người lớn. Đó là điều hết sức sai lầm, bất công cho trẻ con hưởng thụ văn học nghệ thuật. Trong thời 4.0 bùng nổ nhiều trò chơi, chương trình giải trí bạo lực tấn công trẻ con, thì phim ảnh tử tế phát huy chức năng giáo dục rất tốt. Muốn chống cái xấu thì phải động viên và làm điều tốt.

Tôi cho rằng thiếu kinh phí là một phần, thật ra cái quan trọng hơn là cái đầu, là tư duy sáng tạo. Hơn nữa tôi nghĩ cần có sự chỉ đạo, yêu cầu rõ ràng từ phía các cơ quan có trách nhiệm. Chúng ta đều đặn làm phim kỷ niệm hội hè, vậy tại sao không làm phim cho trẻ? Phim trẻ con xứng đáng được đặt hàng nhiều hơn.

ÔNG NGUYỄN MINH NHỰT (Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo TƯ): Thiếu hụt

Sự thiếu hụt tác phẩm văn học nghệ thuật cho thiếu nhi là vấn đề cấp bách mà các ngành các cấp, giới cầm bút phải lưu tâm, dành quan tâm lớn, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Tác phẩm hiện nay từ văn học, âm nhạc, phim ảnh số lượng đều chưa đủ, chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của thiếu nhi. Sáng tác cho thiếu nhi không phải muốn là làm được, chẳng những đòi hỏi tài năng của giới sáng tác mà còn cần tình yêu với thiếu nhi, hiểu được sự thiếu hụt và khát vọng của các em.

Văn học nghệ thuật nuôi dưỡng tâm hồn, khơi nguồn tri thức, vì thế tác phẩm dù ở tầm cỡ tinh hoa nhân loại cũng không thể thay người Việt gieo tâm hồn Việt cho trẻ. Các em tiếp cận sớm với tinh hoa văn hóa nhân loại phát triển nhanh, nhưng chính tâm hồn Việt mới làm nên sự khác biệt. Chỉ có người Việt mới nuôi dưỡng tâm hồn Việt.

Không phải bây giờ chúng ta mới thấy sự thiếu hụt này, những năm trước có những dự án sáng tác cho thiếu nhi, một số tác giả từng bước khắc phục nhưng hiệu quả chưa được như ý, chưa theo kịp thực tiễn xã hội. Điều này đòi hỏi các cơ quan có trách nhiệm, giới văn học nghệ thuật cần dành sự quan tâm lớn hơn nữa.

Nguyên Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/bai-3-phim-anh-bo-roi-con-tre-1688831.tpo