Bài 3: Nhà nước Việt Nam đã làm tốt công tác bảo đảm quyền con người (Tiếp theo và hết)

Thành công từ mô hình trồng chè ở Cao Bồ (Vị Xuyên) và HTX Lanh Trắng (Đồng Văn) đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của tỉnh Hà Giang, góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ qua biên giới, bảo đảm an ninh trật tự. Đó là những minh chứng khẳng định Nhà nước Việt Nam đã làm tốt công tác bảo đảm quyền con người đối với người dân tộc thiểu số (DTTS).

Nhiều năm trở về trước, hai huyện Vị Xuyên và Đồng Văn được biết đến là những địa phương nghèo và phức tạp về tình hình an ninh trật tự. Được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, với nỗ lực, ý chí quyết tâm của đồng bào các DTTS, Vị Xuyên và Đồng Văn đang dần “thay da đổi thịt”.

Tại hai huyện trên, hộ nghèo vùng đồng bào DTTS đã tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về trường học, trạm y tế, nhà ở, công trình nước hợp vệ sinh, văn hóa thông tin; thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng. Theo ông Dinh Chí Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Văn: Ngoài việc trồng lanh lấy sợi để dệt vải, bà con dân tộc Mông ở Đồng Văn còn trồng những loại cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi bò, nuôi ong… cho thu nhập cao. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, huyện chủ trương khuyến khích bà con trồng cây tam giác mạch, vừa thúc đẩy du lịch, vừa lấy nguyên liệu làm bánh, trà, rượu. Đây là hướng đi tốt để mọi người dân đều có việc làm, cải thiện cuộc sống, từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, kinh tế phát triển góp phần thúc đẩy bình đẳng giới. “Ngược lại, khi bình đẳng giới được thực hiện, công tác xóa đói giảm nghèo sẽ thực hiện thuận lợi hơn, đồng tâm và đạt được kết quả cao”, ông Dinh Chí Thành nhấn mạnh.

Đoàn bác sĩ TP Hồ Chí Minh tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo của tỉnh Hà Giang tháng 7-2019.

Đoàn bác sĩ TP Hồ Chí Minh tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo của tỉnh Hà Giang tháng 7-2019.

Cùng chung quan điểm với ông Dinh Chí Thành, bà Đặng Thị Phượng, Phó chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho biết: "Ngoài chè là cây chủ lực, người dân ở địa phương còn trồng cây thảo quả, quế, mía nguyên liệu, dưa hấu, nuôi bò giống… cho năng suất cao, góp phần xóa đói giảm nghèo. Trong 6 tháng đầu năm, huyện Vị Xuyên đã làm mới được 10,2km đường bê tông; huy động nhân dân đóng góp hơn 1.666 ngày công, mở rộng, san nền đường đất đá được 3,15km; vận động nhân dân hiến 1.530m2 đất; láng 136 nền nhà cho 60 hộ dân, kiên cố kênh mương được 15,8km….

Nhờ thực hiện tốt các chính sách dân tộc, đời sống vùng đồng bào DTTS ở Vị Xuyên và Đồng Văn nói riêng, tỉnh Hà Giang nói chung không ngừng được nâng lên. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 26,2 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 34,18% xuống còn 28,75%; 100% xã có điện lưới quốc gia; 91,4% hộ dân được sử dụng điện; 81,5% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 43% thôn, tổ dân phố được công nhận tiêu chí văn hóa; 100% trạm y tế có bác sĩ. Bản sắc văn hóa các dân tộc tiếp tục được duy trì và phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên; hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Câu chuyện thành công từ các mô hình trồng chè ở Cao Bồ hay làm lanh ở Sà Phìn là minh chứng sống động khẳng định Nhà nước Việt Nam đã làm tốt công tác bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền có việc làm và phát triển thị trường lao động, quyền hưởng thụ các thành tựu phát triển kinh tế, quyền bảo đảm an sinh xã hội… của người DTTS.

Việt Nam là một quốc gia thống nhất với 54 dân tộc. Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2019, hơn 14,1 triệu người trong tổng số hơn 96,2 triệu dân Việt Nam thuộc 53 DTTS, chiếm 14,7% tổng dân số của cả nước. Nhà nước Việt Nam đặc biệt coi trọng chính sách dân tộc, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Trong những năm qua, Nhà nước ban hành 187 văn bản quy phạm pháp luật về chính sách phát triển KT-XH theo vùng hay theo lĩnh vực. Đáng chú ý có các chương trình đem lại hiệu quả lớn, như: Chương trình hành động 122 của Chính phủ về công tác dân tộc, Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về giảm nghèo bền vững; Chương trình 135 (giai đoạn 2) về phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa…

Việc thực hiện chính sách dân tộc của Nhà nước Việt Nam đã và đang mang lại những kết quả to lớn, tạo điều kiện thúc đẩy việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền cho người DTTS. Tình hình KT-XH ở các vùng đồng bào DTTS và miền núi được cải thiện rõ rệt. Từ năm 2007 đến năm 2017, đã có 118.530 hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn được vay vốn; 33.969 hộ được hỗ trợ phát triển sản xuất, 80.218 hộ được hỗ trợ mở rộng quy mô chăn nuôi, 4.343 hộ được hỗ trợ sang ngành nghề dịch vụ. Tổng hộ nghèo người DTTS là 1.422.261 người, chiếm 5,97% tổng số hộ người DTTS trong cả nước(1).

Bên cạnh đó, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng việc xây dựng và phát triển các chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ. Thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp quy thể hiện nguyên tắc về bình đẳng giới, không phân biệt đối xử, phòng, chống bạo lực với phụ nữ, như: Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Phòng, chống mua bán người… Trên bình diện quốc tế, Chính phủ Việt Nam nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ thành viên của Công ước quốc tế về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối với phụ nữ (CEDAW) và nhiều công ước khác của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về điều kiện lao động, chống phân biệt đối xử về giới trong lao động…

Dù còn tồn tại một số hạn chế, song những thành tựu về phát triển KT-XH, phục vụ đời sống của người dân, trong đó có người DTTS ở nơi địa đầu Tổ quốc, đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Điều này một lần nữa khẳng định sự coi trọng bảo đảm quyền con người của Nhà nước Việt Nam.

Bài và ảnh: LINH OANH

(1) Sách “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam” do Bộ Ngoại giao Việt Nam phát hành năm 2017

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-3-nha-nuoc-viet-nam-da-lam-tot-cong-tac-bao-dam-quyen-con-nguoi-tiep-theo-va-het-593060