Bài 3: Nhà lãnh đạo trong nền kinh tế tri thức

Tri thức được sáng tạo như thế nào và ai là người dẫn dắt toàn bộ quá trình vận động sáng tạo tri thức trong nền kinh tế tri thức. Đây là vấn đề mà mỗi nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần lưu tâm nếu muốn tồn tại và phát triển trong nền kinh tế tri thức.

Quá trình sáng tạo ra tri thức

Tri thức được tạo ra trong sự tương tác năng động giữa tính chất chủ quan và khách quan, từ quá trình tổng hợp tư duy và hành động của các cá nhân khi tương tác bên trong và bên ngoài giới hạn tổ chức. Tri thức này sau đó hình thành một tập quán tương tác mới, làm cơ sở cho việc tiếp tục sáng tạo ra tri thức mới.

Quá trình sáng tạo tri thức-Mô hình SECI.

Theo Giáo sư Ikujiro Nonaka (người Nhật Bản) - cha đẻ của lý thuyết quản trị dựa vào tri thức, mô hình về quá trình sáng tạo tri thức là một vòng tròn xoắn ốc biến đổi tri thức SECI (Socialization, Externalization, Combination và Internalization). Đó là các bước tuần tự nối tiếp nhau trong một chu trình khép kín để biến đổi tri thức ẩn từ người này chuyển sang người khác (S), từ tri thức ẩn sang dạng hiện (E), từ tri thức hiện rời rạc sang tri thức hiện có chất lượng cao hơn(C), và chuyển đổi từ tri thức hiện vào trong mỗi cá nhân (I).

SECI là một vòng xoắn ốc liên tục đi lên. Sự tương tác giữa cá nhân với môi trường xung quanh theo trình tự SECI sẽ liên tục làm giàu tri thức của mỗi người và chính tổ chức, doanh nghiệp và quốc gia đó.

Mặt khác, tri thức phụ thuộc vào bối cảnh vì nó được tạo ra trong hành động theo tình huống cũng mang đặc tính của bối cảnh đó theo nghĩa nó phụ thuộc vào không gian và thời gian cụ thể. Vì vậy, quá trình sáng tạo tri thức cần phải có bối cảnh đặc trưng về mặt thời gian, không gian, và mối quan hệ với người khác. Tri thức không thể được tạo ra trong hư không, mà phải cần có địa điểm hay bối cảnh cho phép sự diễn giải thông tin để xây dựng ý nghĩa và trở thành tri thức.

Trong lý thuyết về sáng tạo tri thức tổ chức, Nonaka và các cộng sự đã xác định tầm quan trọng của không gian vật chất hoặc không gian ảo của tương tác, gọi là “Ba” (tiếng Nhật là Basho) có nghĩa là bối cảnh của sáng tạo tri thức. Ba là bối cảnh chia sẻ chung trong vận động, nghĩa là “một địa điểm hiện sinh trong đó những thành viên tham gia chia sẻ bối cảnh và sáng tạo ý nghĩa mới qua tương tác”. Hình tượng cụ thể của Ba như chiếc đĩa cấy ươm mầm ý tưởng, Ba là chỗ chứa tạm thời những tương tác sáng tạo được dẫn dắt bởi một quan điểm thế giới cụ thể, cái thiết lập nên các điều kiện tham gia. Ba cũng có thể được xem là một “không gian chung để các mối quan hệ xuất hiện” giữa các cá nhân, và giữa các cá nhân với môi trường.

Trong doanh nghiệp, Ba có thể tồn tại ở dạng các cuộc họp, nhóm dự án, các cuộc gặp gỡ không chính quy, tổ chức chính thức, hay đơn giản là một cuộc hội thảo truyền hình. Có thể hình dung một công ty như một tập hợp các Ba đa tầng có kết nối, cùng với các tổ chức khác tạo thành một hệ sinh thái (ecosystem) cho nền kinh tế tri thức.

Người dẫn dắt quá trình sáng tạo

Lãnh đạo đóng nhiều vai trò khác nhau trong quá trình sáng tạo tri thức, như đưa ra tầm nhìn, mục tiêu và định hướng, phát triển và động viên việc chia sẻ tài sản tri thức, tạo ra, hỗ trợ và kết nối các cá nhân, xây dựng và phát triển vòng xoắn ốc sáng tạo tri thức qua đối thoại và thực hành. Người lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp hay một quốc gia xây dựng nền kinh tế tri thức không cần phải là người trực tiếp sáng tạo ra tri thức mà là người dẫn dắt toàn bộ quá trình sáng tạo đó.

Nhà lãnh đạo trong nền kinh tế tri thức là người dẫn dắt toàn bộ quá trình sáng tạo tri thức.

Tố chất cơ bản của người lãnh đạo là sự khôn ngoan có tính thực tế (phronesis), giúp đưa ra những quyết định cần thiết và có hành động thích hợp đúng thời điểm để đạt được lợi ích chung.

Theo chúng tôi để làm nên tố chất cơ bản của nhà lãnh đạo cần 6 năng lực gồm đánh giá “cái tốt”, chia sẻ bối cảnh chung với người khác để tạo ra không gian tri thức chung, nắm bắt bản chất của hiện tượng/sự vật cụ thể, khả năng sử dụng ngôn ngữ/khái niệm/tường thuật để tái cấu trúc cái cụ thể vào cái tổng quát và ngược lại, khả năng sử dụng phương tiện chính trị cần thiết để hiện thực hóa các khái niệm vì lợi ích chung, khuyến khích phronesis của người khác để xây dựng một tổ chức linh hoạt.

Lãnh đạo tổ chức sáng tạo tri thức không phải là quản lý hành chính cố định, mà cần linh hoạt và phân bổ ở nhiều cấp, theo đó vai trò lãnh đạo là do từng bối cảnh quyết định. Quá trình sáng tạo tri thức diễn ra ở mọi cấp của tổ chức qua công việc hằng ngày, đòi hỏi sự tham gia tích cực của mỗi cá nhân trong tổ chức, chứ không phải là một nhóm nhỏ xuất sắc, vì tri thức được tạo ra qua quá trình tương tác vận động và đa dạng của con người.

Sáng tạo tri thức không phải là vật chất mà là một quá trình. Về mặt khái niệm, các công ty tri thức luôn ở trong tình trạng “trưởng thành” (become) qua sáng tạo và đổi mới. Lợi thế cạnh tranh bền vững của một công ty trên hết phụ thuộc vào loại giá trị mà công ty có thể liên tục sản xuất. Giá trị không chỉ đơn giản được tạo ra qua kết hợp hay xử lý thông tin, hoặc phân tích logic các môi trường.

Hơn thế, nó phải xuất phát từ khả năng phân tích môi trường dưới cái nhìn chủ quan, và trên hết là xuất phát từ việc theo đuổi một giá trị tuyệt đối (được quyết định bởi tầm nhìn riêng biệt của công ty về điều tốt, cái thiện) và việc áp dụng nó phù hợp với từng hoàn cảnh.

Tri thức, gắn liền với chủ nghĩa thực dụng lý tưởng, cùng lúc hướng đến giá trị phổ quát và thực tiễn cụ thể, thể hiện một cách sống. Khi chúng ta theo đuổi cái hoàn mỹ một cách không mệt mỏi, tri thức của chúng ta sẽ trở thành sự thông thái. Quá trình kết hợp vận động sự thông thái đó, là bản chất của quản trị dựa trên tri thức.

Có thể thấy rằng việc xem tri thức là một nguồn lực được tạo ra bởi con người trong các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với môi trường. Lý thuyết về quản trị dựa vào tri thức được xây dựng trên các nền tảng về yếu tố con người trong sáng tạo tri thức là một quá trình. Nó sẽ mang lại sự hiểu biết bao quát về doanh nghiệp như là một chủ thể tạo ra tương lai, tổng hợp các mâu thuẫn trong sự thay đổi không ngừng. Sự quản lý hiệu quả được phát sinh từ sự phân bổ những đánh giá và hành động kịp thời giữa người với người, những người thể hiện sự khôn ngoan thực tế (phronesis) bằng cách chia sẻ với nhau những giá trị thẩm mỹ cá nhân trong kinh nghiệm thực tế “tại đây - bây giờ” trong dòng chảy tri thức luôn biến đổi không ngừng.

Điều này có nghĩa rằng sự quản lý hiệu quả không còn là vấn đề kỹ năng kiểm soát, mà là vấn đề về cách chúng ta nên sống như thế nào. Theo nghĩa đó, quản lý không còn là công cụ, mà là một cách sống.

Bàn rộng hơn về tầm vĩ mô, để tạo ra được một môi trường kinh tế và thể chế xã hội thuận lợi cho sáng tạo và sử dụng tri thức trước hết là trách nhiệm của những nhà lãnh đạo Đất nước. Ở đây, vai trò của những người làm trong bộ máy chính quyền là những người có ảnh hưởng nhiều nhất/mang tính dẫn dắt đến môi trường kinh tế và thể chế xã hội. Bởi vậy việc nâng cao trình độ “quan trí”, như chúng ta thường nói, là một điều rất hệ trọng và cần phải làm khẩn trương và trước tiên.

Việt Nam đang ngày càng tiến sâu vào hội nhập thế giới. Xây dựng một nền kinh tế tri thức là cách duy nhất để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội hợp tác một cách bình đẳng trong sự hội nhập đó. Xây dựng nền kinh tế tri thức chắc chắn không dễ dàng, nhưng với truyền thống vượt khó của dân tộc ta trong lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, chúng ta càng tin tưởng vào tương lai tươi sáng của một nền kinh tế tri thức, một xã hội tri thức sẽ được xây dựng và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Bùi Công

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/bai-3-nha-lanh-dao-trong-nen-kinh-te-tri-thuc-513133.html