Bài 3: Nếu chủ động tấn công sẽ khống chế được dịch

Các khu công nghiệp và chế xuất, các DN cần quản lý thật tốt công nhân, làm tốt việc sàng lọc, vận dụng mô hình Tổ an toàn COVID để quản lý công nhân theo từng nhóm nhỏ, sớm phát hiện những trường hợp có các yếu tố nguy cơ và những yếu tố dịch tễ liên quan. Trong đợt dịch này, nếu chủ động tấn công sẽ khống chế được dịch.

 PGS.TS. Nguyễn Văn Chi

PGS.TS. Nguyễn Văn Chi

Từ tâm dịch Bắc Giang, PGS.TS. Nguyễn Văn Chi, Trưởng Khoa Cấp cứu A9 của BV Bạch Mai, thành viên đoàn công tác hỗ trợ chống dịch tại Bắc Giang đã chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ về các giải pháp chống dịch COVID-19 tại Bắc Giang, cũng như các địa phương nói chung và tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) nói riêng.

Công tác hỗ trợ chống dịch cho tỉnh Bắc Giang, nhất là tại các KCN, KCX hiện nay như thế nào, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Văn Chi: BV Bạch Mai đã thường xuyên chủ động hỗ trợ chuyên sâu về nhiều lĩnh vực cho các địa phương trong nhiều năm nay qua. Trong đợt dịch này, Bộ Y tế đã phân công BV hỗ trợ phòng, chống dịch cho các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Điện Biên, Vĩnh Phúc và nước bạn Lào. Đoàn công tác của BV Bạch Mai được thành lập như một nhóm task force, gồm lãnh đạo và bác sĩ, y tá các khoa A9, Chống độc, Hồi sức tích cực, Kiểm soát nhiễm khuẩn, Đào tạo…

Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, cấp cứu chuyên sâu để thu nạp những bệnh nhân nặng tại trung tâm hồi sức cấp cứu được chúng tôi thành lập ngay tại Bắc Giang, Bắc Ninh. Tổ chức đào tạo tại chỗ các nhóm điều dưỡng thành các nhóm thích hợp; đào tạo, hướng dẫn quy trình chống nhiễm khuẩn cho các bác sĩ, y tá, điều dưỡng. Trước tiên là phải bảo vệ an toàn cho chính đội ngũ y, bác sĩ, bệnh nhân và cộng đồng.

Chúng tôi cũng đào tạo lại quy trình làm việc, quy trình thực hiện các hoạt động chuyên môn tại những khu vực chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân mắc COVID-19. Đây là những quy trình tỉ mỉ và chặt chẽ, vì nồng độ virus trong môi trường ở đó rất cao, nếu bác sĩ không cẩn thận thì có thể sẽ bị nhiễm ngay.

Với kinh nghiệm đã thực hiện thành công ở Hải Dương, tại Bắc Giang, chúng tôi đã tổ chức đào tạo, “cầm tay chỉ việc” các kíp, các nhóm bác sĩ, y tá để họ chủ động được các quy trình tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Riêng với các ca bệnh nặng, các bác sĩ, chuyên gia trong đoàn công tác sẽ trợ giúp và can thiệp chuyên sâu. Tại Bắc Giang hiện nay có nhiều bác sĩ, y tá thì đã tự tin để làm được những can thiệp, xử lý chuyên môn kỹ thuật cao mà trước đây chưa bao giờ làm.

Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đã sớm hoàn thành BV dã chiến tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh với quy mô 620 giường. Chiều 25/5 đã hoàn tất chuẩn bị nhân lực để đoàn công tác từ BV Bạch Mai đào tạo, tập các tình huống giả định, quy trình làm việc.

Thưa ông, chúng ta cần làm gì để hạn chế lây nhiễm trong các ổ dịch tại các KCN, KCX?

PGS.TS. Nguyễn Văn Chi: KCN, KCX có nguy cơ cao về lây lan dịch bệnh, giống như chợ, siêu thị, chung cư… Tuy nhiên, các KCN, KCX có thêm các yếu tố nguy cơ cao như công nhân làm việc trong các nhà xưởng, một số dây chuyền sản xuất gần nhau, không gian làm việc có điều hòa trung tâm; sau giờ làm, công nhân về các khu nhà trọ đông dân cư và mầm bệnh lan ra cộng đồng rất khó kiểm soát. Do đó, chúng ta phải cần quyết liệt dồn lực khống chế dịch bệnh tại các KCN, KCX.

Tại các KCN, KCX trong thời điểm này cần mở cửa thông thoáng và giãn cách tốt. Người lao động phải đeo khẩu trang và khử khuẩn tốt, không chạm với các núm cửa, thành lan can cầu thang. Khi đi xe đưa đón công nhân phải ngồi đúng xe, đúng ghế theo quy định để khi có trường hợp phát hiện bệnh sẽ dễ dàng truy vết F1, F2…

Các KCN, KCX cần tổ chức sàng lọc sớm, định kỳ cho công nhân; xét nghiệm sớm những trường hợp nguy cơ nghi nhiễm, cách ly sớm và thực hiện các biện pháp an toàn phòng dịch.

Tôi nghĩ, mô hình Tổ an toàn COVID-19 đang được triển khai ở một số KCN, KCX rất hiệu quả. Kinh nghiệm từ các đợt dịch trước đã chứng minh hiệu quả ở các khu phố, do đó rất nên áp dụng ở các KCN, KCX.

Các KCN, KCX, các DN cần phải quản lý thật tốt công nhân, làm tốt việc sàng lọc, vận dụng mô hình Tổ an toàn COVID-19 để quản lý công nhân theo từng nhóm nhỏ, sớm phát hiện những trường hợp có các yếu tố nguy cơ và những yếu tố dịch tễ liên quan. Các thành viên của Tổ an toàn COVID-19 giống như những an toàn viên để kịp thời phát hiện những yếu tố gây nên sự mất an toàn trong sản xuất, từ đó có cảnh báo kịp thời.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo “Chúng ta sẽ là chủ động tấn công dịch, không để cho dịch bệnh tấn công vào chúng ta”, muốn như vậy cần tiếp tục duy trì và thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng dịch 5k và tiêm phòng vaccine.

Hiện Chính phủ, cũng như các ngành, các cấp, các địa phương đang nỗ lực tối đa để tiêm phòng vaccine, từ đó chủ động phòng, chống dịch COVID-19. Mọi người dân có thể chủ động phòng bệnh, không tốn kém và không khó khăn khi thực hiện nghiêm các quy định của ngành y tế. Tự phòng vệ cho mình là đang cùng Chính phủ chống dịch, hỗ trợ tốt nhất cho hệ thống y tế, cũng như cho những người làm công tác chống dịch hiện nay.

Công tác chống dịch của chúng ta đang được thực hiện quyết liệt và từng bước khống chế được dịch bệnh, làm thế nào để phát huy hiệu quả hơn nữa kết quả này, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Văn Chi: Chúng ta thấy rõ hiện nay Chính phủ đã đưa ra những biện pháp rất mạnh mẽ, linh hoạt để điều chỉnh việc khoanh vùng nhỏ hơn, từ đó duy trì sinh hoạt và sản xuất, nhưng vẫn bảo đảm khống chế dịch.

Đợt dịch đầu tiên, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm, cũng như năng lực về tầm soát, kiểm soát, xét nghiệm… nhưng hiện nay chúng ta có năng lực tốt hơn, tổ chức khoanh vùng những nơi phát sinh ổ dịch hiệu quả. Chủ trương, đường lối của Chính phủ về chống dịch linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp, các địa phương cùng cộng đồng chung tay chủ động tấn công phòng ngừa dịch bệnh, nên nguy cơ lây nhiễm giảm đi rất nhiều.

Tôi tin rằng, nếu kiên định đường lối mà chúng ta đã và đang làm sẽ phòng, chống được dịch bệnh một cách khoa học và hoàn toàn khống chế được dịch bệnh

Tại Bắc Giang, tôi thấy rằng toàn bộ hệ thống chính trị, từ lãnh đạo đến cơ sở, ngành y tế quyết tâm, đồng lòng cùng vào cuộc theo chỉ đạo của Chính phủ và mọi việc đang thực hiện rất tốt để sớm kiềm chế, khống chế ổ dịch. Mỗi người dân đều có thể tự bảo vệ được mình để phòng bệnh và gìn giữ những kết quả chung với phương châm “Mình an toàn là mọi người an toàn”.

Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Anh (thực hiện)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/bai-3-neu-chu-dong-tan-cong-se-khong-che-duoc-dich/432566.vgp