Bài 3: Nêu cao trách nhiệm của toàn xã hội (tiếp theo và hết)

Phòng, chống tai nạn đuối nước không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, địa phương, gia đình mà cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.

Nâng cao nhận thức

Trong những năm qua, TP Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ. Nổi bật như quận Phú Nhuận đã kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền để phụ huynh, học sinh nắm rõ được thông tin về các hoạt động dạy bơi, học bơi phòng, chống đuối nước trẻ em trên Cổng thông tin và giao tiếp điện tử quận; bản tin quận và website Trung tâm thể dục thể thao (TDTT); treo băng rôn, khẩu hiệu, cờ, chiếu video về các kỹ thuật bơi, hình ảnh kỹ thuật bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho đông đảo người dân... Trong năm 2019, quận đã tặng 6.800 suất bơi miễn phí cho thiếu nhi trong dịp hè, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Nguyễn Hồng Sang, chuyên viên Phòng Quản lý TDTT, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết: “Sự phối hợp nhịp nhàng giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh mang đến lợi ích cho việc thực hiện chương trình bơi, phòng, chống đuối nước. Đồng thời, các quận, huyện trên địa bàn thành phố nghiêm túc và sáng tạo trong việc thực hiện chương trình, thực hiện giảm giá vé bơi, miễn phí vé bơi cho các trường hợp khó khăn, mở các buổi tuyên truyền và các lớp phổ cập bơi miễn phí. Việc xây dựng các hồ bơi mới của TP Hồ Chí Minh phát triển, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận”.

 Phụ huynh cần để tâm tới con em trong các buổi tập bơi.

Phụ huynh cần để tâm tới con em trong các buổi tập bơi.

Tại tỉnh Kon Tum, để tăng cường công tác phòng, chống đuối nước, những năm gần đây, tỉnh đều có văn bản chỉ đạo tới các huyện, xã và được phát trên kênh phát thanh-truyền hình của tỉnh. Ngoài ra các cộng tác viên, hướng dẫn viên, huấn luyện viên, giáo viên còn sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền chương trình đến đông đảo người dân. Ông Giáp Văn Khanh, Trưởng phòng Quản lý TDTT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết: “Nhằm tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn về chương trình bơi, phòng, chống đuối nước, từ năm 2017 đến nay, chúng tôi đã mở 5 lớp tập huấn với 495 học viên, trong đó 468 học viên được cấp giấy chứng nhận. Mới đây nhất, chúng tôi đã mở lớp học tại huyện Ngọc Hồi với sự tham gia của 63 học viên, tất cả đều hoàn thành nội dung khóa học. Ngoài ra, sở khuyến khích, động viên các cơ sở kinh doanh hoạt động bơi và mở các lớp tập bơi. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 28 bể bơi của tư nhân tham gia tích cực vào công tác phòng, chống đuối nước”.

Theo thống kê, trong hơn 3 năm qua, Vụ TDTT quần chúng, Tổng cục TDTT đã đã phối hợp với Kênh VTV7, Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất và phát sóng trên 50 video hướng dẫn trẻ em học bơi và phòng, chống đuối nước; chủ trì biên soạn, in ấn và phổ biến tới các địa phương 15.000 cuốn tài liệu dành cho hướng dẫn viên dạy bơi, 30.000 tờ tranh kỹ thuật dạy bơi trườn sấp và bơi ếch, 20.000 tờ gấp hướng dẫn về kỹ năng phòng, chống đuối nước, đặc biệt là biên soạn tài liệu tập huấn cho hướng dẫn viên dạy bơi; hướng dẫn kỹ năng an toàn trong môi trường nước và triển khai thí điểm tiêu chí đánh giá trẻ em biết bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước.

Xã hội hóa và hơn thế nữa

Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em là nhiệm vụ cấp bách được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, nguồn ngân sách nhà nước dành cho triển khai chương trình còn hạn chế. Chính vì thế, Vụ TDTT quần chúng đã kêu gọi sự chung tay, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, như: Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Tổ chức Bơi an toàn Huế Hepl, Công ty TNHH Giáo dục, Thể thao và giải trí Việt Nam, Công ty Thể thao Thành Oanh, Công ty TNHH Bằng Linh... Trong đó, Công ty TNHH Netsle Việt Nam là đơn vị tài trợ cho Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước của Tổng cục TDTT và tài trợ tổ chức hoạt động thể thao theo Chương trình “Năng động Việt Nam”. Ông Khuất Quang Hưng, Trưởng bộ phận truyền thông đối ngoại, Công ty TNHH Nestle Việt Nam cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng của bộ môn bơi đối với sự an toàn và sức khỏe của trẻ em nên kể từ năm 2017 đến nay, nhãn hàng Nestle MILO thuộc Công ty Nestle Việt Nam đã đưa bơi trở thành môn thể thao chính thức của Chương trình “Năng động Việt Nam”. Nestle MILO liên tục đồng hành với chương trình thông qua nhiều nội dung, nhiệm vụ trọng tâm nhằm tuyên truyền về lợi ích, tác dụng của việc tập luyện môn bơi, các kỹ năng an toàn trong môi trường nước".

Trẻ tự tin xuống nước khi biết bơi, nắm được các kỹ năng ứng cứu khi ở dưới nước.

Sau gần 4 năm triển khai chương trình phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em đã có 63/63 tỉnh, thành phố tổ chức tốt việc đánh giá sơ kết nhằm rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ, giải pháp và nhân rộng những mô hình, cách làm hiệu quả tại đơn vị, địa phương trong thời gian tới. Số bể được xây lắp tại các địa phương tăng so với năm 2016 khoảng 1.000 bể, hồ bơi các loại. Các địa phương có nhiều bể bơi, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang, Đắc Lắc, Bến Tre, Đồng Tháp...

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã tổ chức những hoạt động thiết thực như “Hội thi kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em”, “Tập huấn nghiệp vụ bơi-phòng, chống đuối nước”... Năm 2019, theo đoàn công tác của Tổng cục TDTT, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã được chứng kiến bầu không khí sôi nổi, hào hứng ở “Hội thi kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em” tại địa bàn thị xã Đông Triều (Quảng Ninh). Đến với hội thi, các em học sinh trải qua hai phần thi: Tìm hiểu kiến thức phòng, chống đuối nước thông qua Cuộc thi “Rung chuông vàng”. Kiểm tra các kỹ năng an toàn trong môi trường nước và cứu đuối an toàn được tổ chức dưới dạng thực hành các trò chơi dưới nước. Thông qua các trò chơi, các em học sinh đã dần hình thành thói quen và ý thức phòng, chống đuối nước, qua đó nâng cao khả năng bơi an toàn, đặc biệt nắm rõ nguyên tắc trẻ em dù biết bơi, bơi giỏi nhưng tuyệt đối không cứu người đuối nước bằng phương pháp cứu đuối trực tiếp mà chỉ nên cứu đuối gián tiếp từ trên bờ, hoặc gián tiếp dưới nước bằng cách dùng các vật nối và vật nổi.

Đánh giá cao những hội thi, lớp tập huấn nghiệp vụ về bơi, phòng, chống đuối nước trên địa bàn toàn quốc, ông Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng cho chúng tôi biết: “Tỷ lệ trẻ em học bơi và biết bơi hằng năm tăng nhanh, số ca đuối nước trẻ em giảm rõ rệt từ con số khoảng 3.000 trẻ xuống dưới 2.000 trong năm 2018 và 2019. Ngành thể thao đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai chương trình bơi an toàn cho trẻ em; phấn đấu 80% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, THCS biết bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước; bảo đảm 100% các cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn có huấn luyện viên, hướng dẫn viên bơi, nhân viên cứu hộ và bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn theo quy định của pháp luật; giảm 25% số trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước so với năm 2015”.

Vui mừng trước những con số tích cực nêu trên nhưng cũng phải thấy rằng, việc kêu gọi xã hội hóa trong việc dạy bơi, phòng, chống đuối nước cho con trẻ không hề đơn giản. Có địa phương kêu gọi được xã hội hóa nhưng lại không có quỹ đất để xây bể bơi. Trò chuyện cùng chị Nguyễn Thu Thủy, chuyên viên Bộ môn bơi, Phòng Quản lý TDTT (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) chúng tôi được biết, dù đã huy động được nguồn kinh phí nhưng khó tin là đến nay huyện Sóc Sơn vẫn chưa thể triển khai được việc xây lắp bể bơi do quỹ đất hạn hẹp. Trước thực trạng này, ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT mong mỏi: “Để xây dựng, triển khai kế hoạch Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2020 thời gian tới đạt hiệu quả cao, cần sự chung tay góp sức, nêu cao trách nhiệm của toàn xã hội. Trong đó, nổi bật là vai trò của phụ huynh trong việc quan tâm, chăm lo, bảo vệ con em. Các ban, ngành, địa phương cần chủ động đưa ra các biện pháp thực tế nhằm phổ biến kiến thức bơi an toàn tới học sinh và trẻ nhỏ, qua đó giúp các em biết bơi, nắm rõ, hiểu đúng về các kỹ năng phòng, chống đuối nước”.

Chỉ đạo và phát động toàn dân tập luyện môn bơi; phòng, chống đuối nước năm 2019, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Bơi là môn thể thao hữu ích, tuy nhiên biết bơi vẫn chưa đủ, điều quan trọng là cần phải có kiến thức và kỹ năng về phòng, chống đuối nước. Có như vậy mới giúp chúng ta vượt qua hiểm họa và nguy cơ đe dọa tính mạng của con người.

Bài và ảnh: KHOA MINH - HỮU TRƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-3-neu-cao-trach-nhiem-cua-toan-xa-hoi-tiep-theo-va-het-626309