Bài 3: Khẳng định vai trò cầu nối chính quyền và người dân

Từ hiệu quả thực tế đã có, công tác dân vận, các mô hình 'dân vận khéo' tại Hà Nội đã góp phần quan trọng tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Nhân dân với chính quyền cơ sở. Do đó, hệ thống dân vận các cấp đang xây dựng nhiều các mô hình 'dân vận khéo', để công tác dân vận thật sự đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận từ cơ sở.

Sát dân, gần dân

Đánh giá một cách tổng quát có thể thấy, với tinh thần “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, cấp ủy, chính quyền từ TP đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, giải quyết hiệu quả những vấn đề thiết thực đến đời sống của dân; quan tâm lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp xây dựng của Nhân dân, kịp thời điều chỉnh những chủ trương, cách làm không phù hợp.

Hội viên phụ nữ phường Xuân La (quận Tây Hồ) tham gia giữ gìn đoạn đường sạch, đẹp

Hội viên phụ nữ phường Xuân La (quận Tây Hồ) tham gia giữ gìn đoạn đường sạch, đẹp

Trong đó, thực hiện “Năm dân vận chính quyền”, “Năm dân vận khéo”, hệ thống dân vận các cấp TP sâu sát hơn, gắn bó hơn với các cấp chính quyền cơ sở, nhất là những vấn đề đang được quan tâm như cải cách hành chính, quản lý đất đai, trật tự đô thị, GPMB… Việc này nhằm tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý của chính quyền các cấp.

Như tại quận Tây Hồ, theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn, đơn cử như công tác GPMB, trong những năm qua, quận phải giải quyết khối lượng công việc rất lớn với nhiều dự án lớn trên địa bàn liên quan đến hàng nghìn hộ dân, nhưng người dân đều đồng thuận, bảo đảm tiến độ dự án. Có nhiều việc Bí thư, Chủ tịch UBND quận phải đối thoại với người dân để tìm hướng tháo gỡ. MTTQ, các đoàn thể cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động, nắm được tâm tư, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.

Chỉ tính riêng năm 2019, TP Hà Nội có 9.931 mô hình, điển hình “dân vận khéo”; trong đó, cấp TP có 764 mô hình; cấp quận, huyện, thị ủy, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy có 2.852 mô hình; cấp cơ sở có 6.315 mô hình.

Tại quận Cầu Giấy, phong trào “dân vận khéo” cũng được tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có công tác GPMB, quản lý đô thị, chỉnh trang đường phố, chống ùn tắc giao thông, vệ sinh môi trường…, đặc biệt là những vấn đề dân sinh bức xúc. Những kết quả đạt được đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, tạo niềm tin trong dân đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay như: MTTQ với mô hình “dân vận khéo” trong công tác hòa giải; Đoàn Thanh niên với mô hình “dân vận khéo” trong công tác vệ sinh môi trường, chỉnh trang đường phố…

Trở lại việc triển khai mô hình Khu dân cư văn hóa “5 không” tại quận Thanh Xuân, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Xuân Lưu cho biết, sau gần 2 năm triển khai, từ mô hình Tổ dân phố văn hóa “5 không” đến mô hình Khu dân cư văn hóa “5 không” đã được các chi bộ, tổ dân phố đến các đoàn thể khu dân cư vào cuộc tích cực, vừa gương mẫu thực hiện, vừa vận động người dân cùng tham gia. Cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu thực hiện trước, các hộ dân hưởng ứng tham gia, thực hiện tổng vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng giờ, bóc xóa quảng cáo, rao vặt sai quy định, tự giác nhắc nhở nhau sắp xếp phương tiện đúng nơi quy định.

Đoàn thanh niên phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) sơn, vẽ lại bờ tường trong các ngõ, ngách Tổ dân phố số 5 - Tổ dân phố văn hóa “5 không”

Từ mô hình này, có thể khẳng định, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ phường tới cơ sở được nâng cao trong quá trình triển khai thực hiện mô hình Khu dân cư văn hóa “5 không” nói riêng và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nói chung. Với chất lượng, hiệu quả thực chất hơn, sâu sát hơn, được đông đảo các tầng lớp Nhân dân đồng tình, tham gia tích cực, ủng hộ.

Khắc phục hành chính hóa

Hiện tại Hà Nội, việc xây dựng các mô hình, điển hình “dân vận khéo” được triển khai đồng bộ trong 4 lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị và thực hiện theo 3 cấp: TP; quận, huyện, thị ủy, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy và cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp). Các mô hình “dân vận khéo” được đăng ký ngay từ đầu năm để làm tiêu chí thực hiện và đánh giá thi đua dịp cuối năm.

Đặc biệt, phong trào “dân vận khéo” được triển khai gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua như “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức và người lao động trong các cơ quan trên địa bàn TP... nên đã phát huy hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng an ninh...

Ông Nguyễn Mạnh Hoạt - Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 7, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm sử dụng máy tính để tra cứu thông tin trên bản đồ số quản lý dân cư

Nhiều cách làm hay, mô hình tiêu biểu đã xuất hiện và tạo sức lan tỏa như “Xây dựng trang thông tin điện tử tiếp nhận ý kiến của người dân về chất lượng phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức” của Sở Nội vụ Hà Nội; mô hình “Xây dựng tổ dân phố điện tử ứng dụng công nghệ thông tin” của tổ dân vận tổ dân phố số 7, phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm); “Xây dựng đội tuyên truyền cơ động quận Hà Đông” của Hội Cựu chiến binh quận Hà Đông…

Có thể thấy rằng, hệ thống dân vận của TP Hà Nội đã góp phần quan trọng tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Nhân dân với Đảng, chính quyền. Để nâng cao hiệu quả công tác này, lãnh đạo TP liên tục quán triệt yêu cầu công tác dân vận cần phải gần dân, sát dân, hiểu dân, công khai, minh bạch theo đúng các nguyên tắc xây dựng Đảng, không để dân chủ cơ sở chỉ là hình thức. Cùng với đó, tiếp tục phát huy, xây dựng nhiều hơn các mô hình “dân vận khéo”, để công tác dân vận ngày càng đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận từ cơ sở. Từng cán bộ phải hiểu được công việc mình đang làm, luôn gương mẫu, có trách nhiệm truyền tải khi tiếp xúc với Nhân dân.

Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, công tác dân vận của TP đang từng bước được đổi mới, khắc phục tình trạng hành chính hóa, đi vào cụ thể hơn. Trong công tác dân vận chính quyền, bên cạnh việc chủ động xây dựng cơ chế phối hợp với Ban Cán sự Đảng UBND TP, Ban Dân vận Thành ủy đẩy mạnh giám sát thông qua hoạt động của MTTQ và các đoàn thể; trong đó tập trung giám sát chuyên đề những vấn đề, nội dung “nóng” dễ phát sinh tiêu cực như thuế, trật tự xây dựng, GPMB… để có những kiến nghị cụ thể với các cơ quan quản lý.

"Phong trào thi đua “dân vận khéo” được triển khai trên địa bàn đang được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ quận, huyện đến cơ sở đẩy mạnh thực hiện, tạo sự lan tỏa và đạt những kết quả thiết thực. Để khuyến khích các địa phương, đơn vị thực hiện phong trào tốt hơn, tới đây, TP sẽ nghiên cứu hoàn thiện các chính sách khen thưởng, hỗ trợ phù hợp, giúp các tổ dân vận tại khu dân cư hoạt động hiệu quả, góp phần tích cực vào việc hoàn thành các mục tiêu chính trị của địa phương" - Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến

HỒNG THÁI - NGUYỄN VŨ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cung-co-niem-tin-bang-dan-van-kheo-bai-cuoi-khang-dinh-vai-tro-cau-noi-chinh-quyen-va-nguoi-dan-392684.html