Bài 3: Hướng đến xây dựng giải pháp căn cơ, đồng bộ

Khiếu nại, tố cáo (KNTC) là quyền tự nhiên của con người trước những vấn đề bị vi phạm để tự bảo vệ mình. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng công tác giải quyết KNTC, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách trong lĩnh vực này và xác định giải quyết KNTC là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước. Để thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC cần có giải pháp căn cơ, đồng bộ, được thực hiện chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở.

Những cách làm hay từ cơ sở

Hiện chưa có trường lớp nào dạy căn bản, toàn diện cách thức tiếp công dân, giải quyết KNTC, song từ chính thực tiễn đã xuất hiện nhiều cách làm hay, phù hợp và sáng tạo từ cơ sở.

Một trong những cách làm có hiệu quả trong tiếp công dân, giải quyết KNTC là đối thoại dân chủ, thực chất với công dân, nhất là vụ việc phức tạp, kéo dài. Ông Lê Văn Ánh, Chánh thanh tra tỉnh Quảng Ninh cho rằng, đối thoại là cách giải quyết tốt nhất, bởi nó thể hiện đầy đủ cả tình, cả lý. Từ lâu nay, Quảng Ninh đặt yêu cầu đối thoại lên hàng đầu trong quá trình giải quyết các vụ việc. Tại Văn bản số 2623/QĐ-UBND, ngày 24-4-2018 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc chấn chỉnh công tác giải quyết KNTC, yêu cầu: Trong trường hợp kết quả xác minh và kết luận giải quyết khiếu nại còn có yếu tố khác nhau thì chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố phải trực tiếp làm việc với đoàn xác minh. Các đoàn khi triển khai kế hoạch xác minh, tổ chức đối thoại phải đúng quy trình, thủ tục, kiên quyết từ chối đối thoại nếu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cử người không đúng thành phần. Ban Tiếp công dân tỉnh không được trình UBND tỉnh hồ sơ giải quyết khiếu nại lần hai đối với hồ sơ thiếu biên bản đối thoại hoặc biên bản đối thoại với các thành phần không đúng thẩm quyền. Hiện, Quảng Ninh cũng là tỉnh duy nhất có Hội đồng Tiếp công dân tỉnh. Thành phần của hội đồng gồm: Phó chủ tịch UBND tỉnh, đại diện HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư… Nét khác biệt nữa mà Quảng Ninh đang triển khai hiệu quả là tỉnh giao tổ chức hội, đoàn thể lựa chọn vụ việc đơn thư đang được chính quyền các cấp thụ lý để tham gia giám sát, phản biện trực tiếp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, đoàn viên tổ chức mình.

 Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu thực hiện công khai, minh bạch thủ tục hành chính từ hệ thống chính quyền cấp cơ sở. Ảnh: QUANG THÁI.

Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu thực hiện công khai, minh bạch thủ tục hành chính từ hệ thống chính quyền cấp cơ sở. Ảnh: QUANG THÁI.

Giải quyết KNTC là vấn đề phức tạp, đặc biệt là những vụ việc kéo dài. Điều quan trọng nhất trong quá trình giải quyết là chính quyền các cấp phải tạo được lòng tin với người dân. Ông Vũ Minh Lượng, Chánh thanh tra tỉnh Nam Định cho rằng, muốn tạo được lòng tin, chính quyền các cấp khi tổ chức giải quyết vụ việc phải có sự thống nhất trong cách nhìn nhận vấn đề. Đối với Nam Định, để tránh tình trạng mỗi lãnh đạo khi đối thoại, giải quyết vụ việc với người dân nói một kiểu khác nhau, tỉnh Nam Định tổ chức tập huấn nghiệp vụ tiếp dân, giải quyết KNTC cho tất cả lãnh đạo tỉnh và thủ trưởng sở, ban, ngành, huyện, xã, phường, thị trấn. Tỉnh Nam Định yêu cầu tất cả đồng chí lãnh đạo phải tiếp dân. Hằng quý, các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố họp với lãnh đạo tỉnh để báo cáo về từng vụ việc còn tồn đọng, phương hướng, tiến độ giải quyết. Quan điểm thống nhất cách giải quyết trong từng vụ việc được in thành tài liệu cẩm nang để lãnh đạo tỉnh khi tiếp dân, giải quyết KNTC có quan điểm nhất quán. Đặc biệt, tỉnh thành lập Hội đồng tư vấn để giải quyết các vụ việc KNTC phức tạp. Các thành viên hội đồng gồm: Lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Ủy ban Kiểm tra, Công an, Cục Thi hành án dân sự, Ban Nội chính, Đoàn Luật sư, Mặt trận Tổ quốc… Đây là cách làm hay, thể hiện sự quan tâm giải quyết triệt để vấn đề này.

Là thành phố đầu tàu về kinh tế của cả nước, tại TP Hồ Chí Minh việc tiếp công dân luôn được lãnh đạo các cấp, các ngành coi trọng. Tại hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính 9 tháng năm 2018, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nêu một số biểu hiện của người đứng đầu không quan tâm đến công tác này và khẳng định: Nếu có hơn 50% biểu hiện có thể bị xem xét, xử lý, chuyển công tác. Những biểu hiện đó là, ngại tiếp dân, không quan tâm bức xúc của dân mà giao cấp dưới xử lý; không quan tâm đoàn kết nội bộ, giải quyết sai phạm của đơn vị…

Những kiến nghị cần nghiên cứu, tháo gỡ

Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC phải đi từ gốc vấn đề. Kiến nghị, phản ảnh, KNTC đều xuất phát từ cơ sở nên phải chú trọng giải quyết từ đây. Để làm được điều đó thì việc nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, phương pháp công tác cho đội ngũ cán bộ cơ sở là yếu tố hàng đầu.

Ông Nguyễn Hải Bình, Chánh thanh tra TP Hải Phòng kiến nghị: “Từ thực tế thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở, chúng tôi cho rằng, đối với đội ngũ làm công tác này phải được đào tạo từ các ngành luật, quản lý đất đai, quản lý hành chính. Có kiến thức rồi nhưng đội ngũ cán bộ còn phải là những người có phẩm chất đạo đức tốt, trách nhiệm, thái độ ứng xử mềm mỏng, linh hoạt, tận tụy, vì dân, vì công việc”.

Ở một khía cạnh khác, cần phải có chế độ chính sách ưu đãi tốt hơn cho đội ngũ cán bộ. Tiếp dân, giải quyết tốt KNTC là công việc khó, do đó những cán bộ làm công tác này phải được nhìn nhận đúng với tính chất công việc để có ưu đãi phù hợp. Hiện, tỉnh Quảng Ninh có chế độ hỗ trợ khá tốt cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tiếp dân, giải quyết KNTC, trong khi nhiều địa phương lại chưa quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan đến chế độ chính sách nên cần nghiên cứu ở phạm vi toàn quốc.

Mặt khác, tiếng nói từ chính các địa phương cho rằng, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ trong giải quyết KNTC, khắc phục tình trạng chuyển đơn thư của công dân lòng vòng hoặc chậm giải quyết, né trách nhiệm. Quy định rõ cơ quan, người có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính phải chịu trách nhiệm về tính đúng đắn của quyết định đã ban hành; có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để xử lý kịp thời phát sinh trong quá trình thực hiện quyết định hành chính và chế tài xử lý kiên quyết đối với trường hợp vi phạm.

Ý kiến của nhiều cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết KNTC cho rằng, để công tác này đạt hiệu quả tốt, cần hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan đến lĩnh vực này, đặc biệt là những vấn đề về đất đai, thực hiện chính sách đền bù, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giải quyết tranh chấp đất đai. Cùng với đó, hoàn thiện các văn bản liên quan đến việc thực hiện chính sách xã hội. Trên thực tế khoảng 80 đến 90% đơn thư KNTC hiện nay liên quan đến lĩnh vực đất đai và chế độ chính sách. Đây thực sự là vấn đề lớn ở tầm quốc gia cần sự chung tay, vào cuộc quyết liệt từ Trung ương đến địa phương.

Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về trình tự thủ tục, thời gian giải quyết đơn kiến nghị, phản ảnh dẫn tới tình trạng nhiều nơi thường chuyển đơn KNTC sang giải quyết thành đơn kiến nghị để không bị ràng buộc về thời gian, trách nhiệm. Chính quy định chưa rõ ràng này khiến việc giải quyết KNTC ở cơ sở bị “lách luật”. Đây là vấn đề cần được nghiên cứu để có giải pháp khắc phục kịp thời, triệt để.

Việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đến người dân là rất quan trọng. Khi người dân hiểu biết về pháp luật, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước họ mới có cách giải quyết vấn đề của mình đúng pháp luật.

NGUYỄN ANH TUẤN - VŨ QUANG THÁI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-3-huong-den-xay-dung-giai-phap-can-co-dong-bo-551741