Bài 3- Hiệu quả tích cực của triển khai thí điểm nâng cao chất lượng hòa giải, đối thoại tại TP. Hải Phòng

Triển khai thí điểm hòa giải, đối thoại tại TP. Hải Phòng mặc dù được triển khai trong thời gian gấp, song đã thực hiện nghiêm túc, bài bản, đồng bộ và kịp thời, do đó kết quả thu được rất tích cực, cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra.

Qua 6 tháng triển khai thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND TP. Hải Phòng và 9 TAND cấp huyện của TP. Hải Phòng (từ tháng 3/2018 đến tháng 8/2018), 10 Trung tâm hòa giải, đối thoại nhận 2.573 đơn khởi kiện; đã đưa ra hòa giải, đối thoại 2.399 đơn. Các Trung tâm đã hòa giải, đối thoại thành 1.827 đơn, đạt tỷ lệ 76,2%.

Kết quả thí điểm hòa giải, đối thoại

Đối với 159 vụ dân sự hòa giải thành, có 15 vụ tranh chấp về quyền sở hữu; 136 vụ tranh chấp về hợp đồng dân sự; 5 vụ tranh chấp về thừa kế tài sản; 3 vụ tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nhiều vụ tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất kéo dài nhiều năm, chính quyền địa phương không giải quyết được, nội bộ gia đình mâu thuẫn, mất đoàn kết. Sau khi được hòa giải viên phân tích, các thành viên trong gia đình, các đương sự không còn căng thẳng với nhau nữa và đã chủ động thỏa thuận phân chia đất có sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND quận Hải An, Kiến An, Lê Chân và huyện Tiên Lãng, An Dương đạt tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự cao đã giảm áp lực cho Tòa án.

Đối với 1.606 vụ hôn nhân và gia đình hòa giải thành, có 250 vụ hòa giải vợ chồng đoàn tụ, đương sự rút đơn; 1.356 vụ các đương sự đề nghị Tòa án ra quyết định công nhận thỏa thuận. Các vụ việc đương sự đề nghị Tòa án ra quyết định công nhận thỏa thuận có 675 vụ, các đương sự chỉ mâu thuẫn về tình cảm vợ chồng; 681 vụ các đương sự có tranh chấp về tài sản chung vợ chồng và nuôi con. Quá trình hòa giải, đối thoại, các hòa giải viên bằng hiểu biết pháp luật và kinh nghiệm trong cuộc sống đã phân tích cho đương sự về văn hóa giao tiếp ứng xử, về trách nhiệm của vợ chồng, của cha mẹ với con cái. Nhiều trường hợp vợ chồng được hòa giải đoàn tụ đã chủ động gọi điện cảm ơn hòa giải viên.

Các đương sự đạt được đồng thuận khi tiến hành hòa giải

Đối với 45 vụ tranh chấp về kinh doanh, thương mại, có 33 vụ tranh chấp về hợp đồng tín dụng; 9 vụ tranh chấp về hợp đồng thương mại; 3 vụ tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm. Nhiều trường hợp đã được hòa giải thành, bị đơn vay tiền ngân hàng đã thực hiện việc trả tiền cho ngân hàng ngay tại Trung tâm hòa giải. Nhiều vụ việc chốt nợ, thống nhất phương án trả nợ gốc, lãi được ngân hàng đồng ý và rút đơn khởi kiện. Đối với 4 vụ lao động hòa giải thành, có 3 vụ tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; 1 vụ tranh chấp về tiền công lao động; cả 4 vụ đương sự đều rút đơn khởi kiện.

Đối với 13 vụ khiếu kiện hành chính, có 1 vụ đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính đúng, sau khi được đối thoại viên phân tích, người khởi kiện xin rút đơn; 12 vụ việc đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính, hành vi hành chính sai, sau khi được đối thoại viên phân tích, người bị kiện đã sửa đổi, hủy bỏ quyết định hành chính, dừng, khắc phục hành vi hành chính, người khởi kiện đã rút đơn khởi kiện. Các Trung tâm hòa giải, đối thoại TAND TP. Hải Phòng đã hòa giải thành (12/13 vụ). Số vụ việc đối thoại thành đã tạo bước chuyển biến quan trọng về nhận thức đối với cả người khởi kiện và người bị kiện. Qua đối thoại, nhiều cơ quan hành chính thấy được quyết định hành chính ban hành chưa chuẩn xác đã chủ động sửa đổi, hủy bỏ quyết định để ban hành lại, người khởi kiện rút đơn khởi kiện, tạo niềm tin trong nhân dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước.

Những Trung tâm hòa giải, đối thoại có số vụ hòa giải, đối thoại thành cao như: Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND quận Hồng Bàng đạt 84,6%; tại TAND huyện Kiến Thụy đạt 84,1%; tại TAND huyện Thủy Nguyên đạt 83,5%; tại tại TAND quận Hải An đạt 82,2%. Nhiều hòa giải viên, đối thoại viên thể hiện năng lực hòa giải, đối thoại với khả năng phân tích, vận động, thuyết phục khá tốt, nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm với công việc được giao. Có hòa giải viên đã bỏ nhiều công sức, trí tuệ để trung hòa giải, đối thoại thành nhiều vụ tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại và khiếu kiện hành chính phức tạp. Trung bình mỗi tháng, mỗi hòa giải viên, đối thoại viên hòa giải, đối thoại thành được 5,25 vụ việc.

Mô hình hòa giải, đối thoại phù hợp với Việt Nam

Triển khai thí điểm hòa giải, đối thoại tại TP. Hải Phòng mặc dù được triển khai trong thời gian gấp, nhưng với tinh thần cố gắng, quyết tâm cao nên quá trình thí điểm đã được thực hiện nghiêm túc, bài bản, đồng bộ và kịp thời. Chính vì vậy, kết quả triển khai thí điểm đã thu được những kết quả rất tích cực, cơ bản đạt được các mục tiêu của Đề án thí điểm.

Đặc biệt, số vụ việc hòa giải, đối thoại thành trong 6 tháng là 1.827 vụ, đã giúp 9 đơn vị TAND cấp huyện thực hiện thí điểm không phải thụ lý để giải quyết là 1.827 vụ, thực tế giảm được số vụ án tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính phải giải quyết, xét xử so với cùng kỳ năm 2017. Đối với 1.451 vụ các đương sự đề nghị Tòa án ra quyết định công nhân sự thỏa thuận, các vụ việc này sẽ được cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành trên cơ sở tự nguyện của các đương sự, không phải cưỡng chế cũng giúp cơ quan Thi hành án dân sự giảm được rất nhiều thời gian, chi phí.

Việc thành lập Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án tạo ra một cơ chế mới hữu hiệu giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện và thực tiễn áp dụng cho thấy đây là mô hình cơ bản phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện thông qua các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án có ưu điểm là giải quyết hiệu quả với thủ tục đơn giản, linh hoạt, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội. Các đương sự không mất thời gian theo đuổi vụ kiện tại Tòa án qua các quy trình tố tụng; hiệu quả giải quyết mâu thuẫn cao, hạn chế kháng cáo, kháng nghị, tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, tồn đọng kéo dài, giảm tải cho công tác xét xử của Tòa án. Hoạt động hòa giải, đối thoại giúp hàn gắn rạn nứt giữa các đương sự, tạo niềm tin, phấn khởi trong nhân dân và doanh nghiệp, tác động tích cực đến việc ổn định các quan hệ xã hội tại địa phương, tạo đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân phù hợp với định hướng của Đảng, Nhà nước; góp phần nâng cao uy tín và xây dựng bộ máy cơ quan tư pháp trong sạch. Qua thực tiễn áp dụng cho thấy đây là mô hình cơ bản phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam và sẽ được triển khai thực hiện trong toàn hệ thống TAND nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Nhằm nhân rộng mô hình có hiệu quả này và thực hiện kết luận của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tại phiên họp thứ 6, ngày 15/9/2018, TANDTC tiếp tục và mở rộng thực hiện thí điểm tại Hải Phòng và 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Quá trình thí điểm là cơ sở pháp lý để tạo bước đột phá trong việc đẩy mạnh hòa giải, đối thoại trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án và hình thành các vấn đề lý luận, thực tiễn cho việc xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

(còn nữa)

Trần Quang Huy

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/hoat-dong-toa-an/tieu-diem/bai-3-hieu-qua-tich-cuc-cua-trien-khai-thi-diem-nang-cao-chat-luong-hoa-giai-doi-thoai-tai-tp-hai-phong-272108.html