Bài 3: Hiện thực những ước mơ...(tiếp theo và hết)

Hơn 60 năm trôi qua, nhưng nỗi đau da cam vẫn hằn lên trong mỗi gia đình nạn nhân da cam. Theo số liệu thống kê, ở nước ta có 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc hóa học; nhiều người trong số đó mắc bệnh hiểm nghèo, bị dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ; di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4, gây nên biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải gánh chịu.

Có thể nói, nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ.

Đồng chí Phạm Hồng Hương, Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam (ngồi thứ tư, phải sang) trò chuyện thân mật cùng các cháu là nạn nhân chất độc da cam.

Đồng chí Phạm Hồng Hương, Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam (ngồi thứ tư, phải sang) trò chuyện thân mật cùng các cháu là nạn nhân chất độc da cam.

Gần 25 năm qua, Làng Hữu nghị Việt Nam đã đón hơn 600 cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin về nuôi dưỡng, học tập, nhằm giúp các cháu tăng khả năng hòa nhập cộng đồng. Đây không chỉ là niềm ao ước, khát khao của các cháu và gia đình mà còn là nỗi trăn trở, là đích hướng tới của Làng, góp phần nhỏ bé vào khắc phục hậu quả da cam.

Là người được hỗ trợ 32 triệu đồng để chăn nuôi gà chọi, ấp thành con và bán gà giống, em Lê Đức Quang, ở xã Hoằng Tân, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa phấn khởi chia sẻ với tôi: “Sau thời gian được Làng Hữu nghị Việt Nam nuôi dưỡng, học nghề, học kỹ năng sống, sức khỏe khá lên và em tiến bộ rất nhiều. Khi trở về nhà, làng vẫn quan tâm giúp đỡ. Đặc biệt là hỗ trợ vốn giúp em mở rộng chăn nuôi, phát triển kinh tế để có thể tự lo được bản thân, giảm bớt gánh nặng cho mẹ già, anh em”.

Quang là con CCB Lê Đức Ngữ (mất năm 2006, từng ở chiến đấu ở chiến trường Tây Quảng Trị) và bà Lê Thị Tâng (năm nay 84 tuổi). Trước khi đi chiến trường, vợ chồng ông bà sinh được 3 người con đều khỏe mạnh bình thường; sau khi ở chiến trường về, ông bà sinh thêm 4 người con nữa nhưng cả 4 người đều bị dị tật vẹo xương cột sống và thấp lùn, trong đó Quang vừa thấp nhất nhà, lại teo cơ nên chân tay co quắp, đi lại khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ của làng, mô hình chăn nuôi của em hiện có hơn 200 con gà chọi sinh sản. Mỗi năm bán được 3 lứa gà giống và 2 lứa gà thịt, tạo thêm nguồn thu giúp gia đình ổn định trong cuộc sống.

Em Lê Đức Quang, ở Hoằng Tân (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) chăm sóc đàn gà do Làng Hữu nghị Việt Nam hỗ trợ vốn.

Là con gái của CCB, thương binh Vũ Đức Dụ, thôn Trại Máng, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, em Vũ Thị Thùy Linh sinh năm 1986, dân tộc Tày “khởi nghiệp” từ cửa hàng tạp hóa. “Mình không thể sống phụ thuộc mãi vào bố mẹ. Như vậy mình sẽ là gánh nặng của gia đình. Dù trong hoàn cảnh nào mình cũng phải cố gắng hết sức…” - Thùy Linh khẳng định.

Mặc dù bị dị tật vận động, việc đi lại, giao tiếp khó khăn nhưng Thùy Linh kiên trì học nghề bán hàng từ em trai. Ban đầu, em dùng số vốn ít ỏi mua một số hàng hóa về bán cho những người quen. Hiện nay, ngoài bán hàng tại ki ốt gần chợ, Thùy Linh còn bán online các hàng đặc sản, dược liệu Tây Bắc.

Có mặt tại buổi trao vốn cho Thùy Linh, ông Địch Quang Phục, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Vũ Linh, xúc động trước việc làm ý nghĩa, nhân văn của Làng Hữu nghị Việt Nam, ông nói: “Làng Hữu nghị Việt Nam đã làm được những điều vô cùng ý nghĩa, có sức lan tỏa lớn, chia sẻ tình yêu thương, đồng thời tạo động lực, khích lệ những cháu có hoàn cảnh khó khăn như cháu Linh vươn lên trong cuộc sống”.

Lãnh đạo Làng Hữu nghị Việt Nam và chính quyền địa phương đến thăm, trao tiền hỗ trợ em Vũ Thị Thùy Linh mở rộng cửa hàng tạp hóa.

Những ngày cuối tháng 5-2022, Đoàn công tác của Làng Hữu nghị Việt Nam tiếp tục đến “khúc ruột miền Trung” hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị trao vốn hỗ trợ cho hai em Phạm Trung Vệ và Nguyễn Văn Tiến thực hiện Dự án phát triển kinh tế.

Đã bước sang tuổi 30, nhưng Tiến như đứa trẻ tiểu học. Tiến nhiễm chất độc da cam từ ông nội nên bị khuyết tật vận động và ngôn ngữ, khuôn mặt lúc nào cũng nghênh sang một bên. Hoàn cảnh em Tiến cũng rất éo le khi bố cháu mấy năm nay bị tai biến, sức khỏe yếu, không làm được gì, mẹ ở nhà chăm sóc bố và hai em nhỏ. Sau thời gian học tập ở làng về nhà hòa nhập cộng đồng, hằng ngày Tiến đi xin cá trên các tàu rồi đem bán lấy tiền phụ giúp bố mẹ. Hai năm qua, em đi bán vé số dạo, gần đây em mở một sạp bán vé số ngay đầu ngõ. Biết được hoàn cảnh và nghị lực của Tiến, Làng Hữu nghị Việt Nam cùng các tổ chức quốc tế và trong nước đã hỗ trợ em 35,5 triệu đồng tiền vốn để mở rộng đại lý này.

Căn nhà em Nguyễn Văn Tiến nằm sâu hút trong con ngõ ở khu phố An Đức 1, thị trấn Cửa Tùng (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Những người có mặt tại nhà em Tiến hôm trao vốn, ai cũng có chung tâm trạng vừa xúc động, vừa vui mừng phấn khởi. Xúc động vì chương trình ý nghĩa, nhân văn mà Làng Hữu nghị Việt Nam hợp tác với các tổ chức quốc tế đã và đang thực hiện. Vui mừng, phấn khởi cho em Tiến và gia đình vì có số vốn để thực hiện ước mơ của mình.

Tham dự buổi trao vốn, đồng chí Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Quảng Trị vô cùng xúc động nói: “Chúng tôi rất mong chương trình ý nghĩa, nhân văn như thế này của Làng Hữu nghị Việt Nam và các tổ chức quốc tế tiếp tục được nhân lên và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa để nhiều đối tượng là nạn nhân chất độc da cam được thụ hưởng”.

Qua tìm hiểu, được biết, sau nhiều năm hợp tác, giúp đỡ Làng Hữu nghị Việt Nam; nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của một số cháu có nghị lực và quyết tâm vượt lên số phận, Ủy ban Quốc tế về Làng Hữu nghị Việt Nam đã chủ trương giúp các cháu lập nghiệp sau khi được trở về với gia đình. Từ đó, họ đã kêu gọi các nhà hảo tâm thành lập Quỹ George Mizo scholarship Fund - Quỹ hỗ trợ các cháu hòa nhập cộng đồng, thực hiện Dự án hỗ trợ các cháu hòa nhập cộng đồng, tạo điều kiện cho các cháu ổn định cuộc sống sau khi rời Làng.

Ngoài hỗ trợ các cháu trong học tập, học nghề, từ năm 2019 đến nay, làng đã hỗ trợ 10 em thực hiện theo dự án. Theo ông Phạm Văn Khái, Phó giám đốc Làng Hữu nghị Việt Nam: “Dự án giúp các cháu có số vốn nhất định phát triển kinh tế, thực hiện ước mơ làm chủ cuộc sống, khi đó sự vận động cả về trí tuệ lẫn hình thể giúp tăng khả năng phục hồi chức năng, khắc phục bệnh tật mà các cháu đang phải gánh chịu. Dự án cũng góp phần thực hiện chính sách chăm sóc người có công, đối tượng chính sách của Đảng, Nhà nước, tăng ý nghĩa nguồn tài trợ trong nước và quốc tế. Đặc biệt, các cháu hòa nhập cộng đồng là tấm gương cho những bạn cùng hoàn cảnh, nhất là các cháu từng về học tập, rèn luyện, chữa bệnh ở Làng Hữu nghị làm theo”.

“Hiện nay, rất nhiều em sau khi hòa nhập cộng đồng, khao khát được đứng trên đôi chân của mình. Nhưng hoàn cảnh quá khó khăn nên các em không có cơ hội thực hiện ước mơ. Làng Hữu nghị Việt Nam đã làm và rất muốn giúp được nhiều cháu hơn nữa nhưng nguồn quỹ hạn hẹp. Với quyết tâm của mình, làng sẽ cố gắng đồng hành, chia sẻ cùng các em có cơ hội tự lo cuộc sống”, ông Phạm Văn Khái cho biết thêm.

Lãnh đạo Làng Hữu nghị Việt Nam cùng Hội CCB tỉnh Quảng Trị trao tiền hỗ trợ vốn cho em Nguyễn Văn Tiến ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh.

Mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên Làng Hữu nghị Việt Nam đều rất hạnh phúc trước sự tiến bộ của các cháu ở đây. Khi các cháu đủ điều kiện về sống cùng gia đình thì niềm hạnh phúc đó được nhân lên gấp bội, đặc biệt là với các cháu có khả năng làm kinh tế để tự trang trải cuộc sống. “Quan điểm của chúng tôi là khi các cháu về hòa nhập cộng đồng, làng vẫn tiếp tục theo dõi, giúp đỡ. Với các cháu có khả năng, nghị lực thực hiện các mô hình kinh tế, chúng tôi sẽ hỗ trợ để các cháu có thể tự nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội. Đặc biệt, với tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Ủy ban Quốc gia Mỹ làm lan tỏa kết quả của việc khắc phục hậu quả chiến tranh”, đồng chí Nguyễn Thăng Long, Giám đốc Làng Hữu nghị Việt Nam nhấn mạnh.

Thời gian qua, Làng Hữu nghị Việt Nam đã và đang tích cực liên hệ, tìm nguồn tài trợ giúp các cháu nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh. Đã có kết quả bước đầu, tuy chưa nhiều nhưng mang lại hiệu quả thiết thực đối với cuộc sống của các cháu. Thêm mỗi cháu được hỗ trợ là mỗi lần tiếp thêm động lực cho cán bộ, nhân viên Làng Hữu nghị Việt Nam tiếp tục công việc mình.

Nói về hoạt động của Làng Hữu nghị Việt Nam, đồng chí Phạm Hồng Hương, Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam khẳng định: “Với chức năng điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe, góp phần điều trị cho các CCB bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin; chăm sóc y tế, giáo dục đặc biệt và đào tạo nghề cho trẻ khuyết tật do di chứng chất độc da cam/dioxin thì đây là cơ sở kiểu mẫu trong lĩnh vực từ thiện nhân đạo. Làng Hữu nghị Việt Nam đã và đang đóng góp thiết thực vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh và tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc. Đó chính là “biểu tượng của tình đoàn kết, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và hòa giải”.

Những năm qua, mặc dù được sự quan tâm, hỗ trợ từ Đảng, Nhà nước và các tổ chức trong và ngoài nước nhưng những nạn nhân chất độc da cam vẫn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần; nhiều hoàn cảnh nghèo khó, bệnh tật làm cho gia đình kiệt quệ, nên rất cần sự quan tâm, sẻ chia hơn nữa của mọi cấp, mọi ngành, để những nạn nhân da cam nói chung, những nạn nhân da cam ở Làng Hữu nghị Việt Nam nói riêng họ có cơ hội được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, cải thiện cuộc sống, có thêm nghị lực vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích đối với bản thân, gia đình và xã hội, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xoa dịu một phần nỗi đau da cam.

Bài, ảnh: THÀNH MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-3-hien-thuc-nhung-uoc-mo-tiep-theo-va-het-701918