Bài 3: Điệu Lambada trên nền đổi mới

Từ giữa thập niên 1980, cùng với đổi mới toàn diện xã hội, đổi mới văn học đã tạo ra nhiều thay đổi ấn tượng trong cái nhìn về người nữ.

Ở đó, sau khoảnh khắc cất tiếng thương cảm kiểu con người nạn nhân, thua thiệt và tủi phận bởi chiến tranh, những tác phẩm văn học nghệ thuật sáng giá đều có xu hướng tạo dựng người nữ gai góc, phức tạp trong tính cách và táo bạo, mới mẻ trong lối sống, hành xử thường ngày. Cả hai, dù ẩn dưới lớp vỏ thăm dò phản ứng, vẫn là phép thử khá nhức đầu đối với sự tiếp nhận lúc bấy giờ.

Con người nạn nhân

Sau chiến tranh, quán tính của văn học sử thi có thể đẩy nhiều tác giả tiếp tục mạch ca ngợi, “tự si” chiến công vĩ đại vừa có, nhưng đồng thời, cũng làm một số tác giả nhanh chóng đứng lùi sau những hào quang chiến thắng, tìm thấy khoảng lặng và trầm tĩnh hơn để quan sát đời sống, nhân sinh.

Bằng cách đó, họ nhìn thấy những gì dữ dội, khốc liệt, mất mát và đau đớn nhất không chỉ diễn ra trên chiến trường mà còn âm thầm nhưng luôn dai dẳng ở hậu phương, ở phía không đạn bom, không tiếng súng.

Khá sớm, các nhà thơ đã nhắc đến những thua thiệt, mất mát, những đau khổ khó thốt thành lời nhưng đều là dữ liệu mới cho một sự thức nhận toàn diện về chiến tranh: “Chị thiếu anh nên chị bị thừa ra/ Trong giỗ tết họ hàng nội ngoại/ Bao nhiêu tiếng cười vẫn côi cút một mình/ Những đêm trở trời trái gió/ Tay nọ ấp tay kia/ Súng thon thót ngoài đồn dân vệ/ Một mình một mâm cơm/ Ngồi bên nào cũng lệch/ Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền” (Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh).

Xuân Quỳnh thì nói nhiều đến nỗi cô đơn, bị bỏ rơi, và, bởi là chứng nhân của thời đại quá nhiều chia ly, đã dự cảm tàn lụi tất yếu diễn ra, “tôi biết chắc mùa xuân rồi cũng hết/ Hôm nay non, mai cỏ sẽ già” (Có một thời như thế). Đoàn Thị Lam Luyến chất chứa tâm sự với Lỡ một thì con gái, Lâm Thị Mỹ Dạ thì tự Tặng nỗi buồn riêng

Trong văn xuôi, với những Cỏ lau, Mùa trái cóc ở miền Nam, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu, Chuyện sót lại ở thung lũng Chớp Ri của Nguyễn Quang Lập, Bến không chồng của Dương Hướng, Họ đã trở thành đàn ông của Phạm Ngọc Tiến,…, hình tượng người nữ được khai thác sâu hơn ở chiều bi kịch hôn nhân, hạnh phúc bất thành vì nỗi đoạn trường binh đao.

Góa phụ, mẹ già, người vợ chờ chồng, người con gái lỡ thì…, tất cả, trở nên đông đảo trong văn chương và tập hợp đó, dưới giọng điệu cảm thương, mới đích thực tạo nên gương mặt thời hậu chiến gian khó, đơn độc và thường xuyên dằn vặt, ưu tư.

Những sự thật, bao gồm cả buồn đau và nhẫn nhục chịu đựng điều tiếng, bắt đầu hắt lên vai người nữ, và chính họ chứ không chỉ lính tráng trận mạc, mới thấm thía hơn hết dư vị ngậm ngùi, cay đắng trong thời đoạn hòa bình.

Bao giờ cho đến tháng Mười (1984), tác phẩm lớn của Đặng Nhật Minh, là dấu mốc quan trọng để hôm nay vỡ lẽ thêm về khả năng gượng dậy, tự chữa lành vết thương của những người nữ vốn bị khuôn vào chức trách, bổn phận “hậu phương lớn”.

Rõ ràng, phụ nữ sau chiến tranh là những người chịu thua thiệt, bẽ bàng mà không an ủi nào, kể cả an ủi trong tưởng tượng, có thể khỏa lấp được: “Ở đằng sau khúc khải hoàn đẹp nhất/ những người đàn bà còn gánh chiến tranh/ những người đàn bà làm cỏ thanh minh/ xanh về phía vết thương chưa lành sẹo(Sinh ở cuối dòng sông).

Mô tả “vết thương” hay thậm chí, “chấn thương” ở người nữ trong văn chương nghệ thuật rộng hơn và phức tạp hơn so với bất kì con số, tổng kết nào trong sử sách. Bi kịch nhỏ, Hậu thiên đường, Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, Người sót lại của rừng cười, Xưa kia chị đẹp nhất làng,... lần lượt khía sâu vào nỗi đau khuất lấp, ẩn giấu, cho thấy chiến tranh là một tai ương cuốn mất những phẩm tính nữ thông thường.

Thấp thoáng cảm hứng phản chiến, Phương của Nỗi buồn chiến tranh có lẽ là hình tượng người nữ đẹp và ám ảnh nhất, không chỉ bởi nhan sắc tuyệt trần, thông minh tuyệt đích mà còn bởi, Phương cũng là hiện thân của nữ tính vĩnh viễn không bao giờ tìm lại được.

Trong và sau chiến tranh, Phương đều lớn hơn, tự do hơn, vượt thoát ra ngoài mọi ý nghĩ, sức hiểu của Kiên, của giấc mộng anh hùng mà nam giới thêu dệt nên.

Thách thức và kháng cự

Đời sống kinh tế thị trường những năm đầu đổi mới đã hắt bóng trực tiếp lên mọi trang văn. Nếu thương mại bùng nổ, nói như Philippe Papin, đã làm thay đổi sâu xa tác phong con người thì trong văn chương, giới cầm bút phản ánh thực tế đó một cách rốt ráo nhất ở người nữ.

Trong thiên truyện Tướng về hưu nổi tiếng, Nguyễn Huy Thiệp đã tạo ra nhân vật Thủy gây nhiều tranh cãi. Việc Thủy lấy nhau thai nhi bỏ đi để nuôi chó béc-giê, ở góc nhìn đạo đức thuần túy, sẽ bị phản đối. Nhưng ở năng lực thích nghi đời sống mới, theo tôi, lại cần thấu đáo thêm.

Thủy là lựa chọn của nền kinh tế mở, biết cách tạo lập sự chủ động cho mình, từ "cầm trịch chi tiêu" đến chuyện tình cảm ngoài hôn nhân.

Đặc biệt, với Thủy, ta bắt gặp một truyền thống nội tướng tay hòm chìa khóa, buôn bán nhỏ chưa bao giờ lép vế nhưng đã bị lối sống phụ quyền và chiến tranh kéo dài làm cho mờ đi. Thủy có học thức, lại "am tường các việc lo liệu kinh tế cũng như dạy dỗ con cái", đã đi chệch khỏi các ràng buộc thân phận hay vị trí mà nữ giới thời chiến đảm nhận.

Jayne S. Werner, trong tiểu luận Đổi mới kinh tế ở Việt Nam – một quá trình về giới đã coi người đàn bà này đại diện cho các thói xấu của một số người trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Giống như nhân vật Lý của Mùa lá rụng trong vườn thông minh quyền biến, dám tách khỏi nếp sống cũ của đại gia đình, thích hội hè làm ăn buôn bán, chủ động li hôn,… Thủy báo hiệu tính bất ổn trong khuôn nhận thức, quy chiếu giá trị nữ giới vào "ba đảm đang" từng có.

Hơn nữa, Thủy, với cung cách sống chú mục vật chất, tình cảm phóng khoáng, nhạy bén làm ăn và thụ hưởng, đã khẳng định sự tái xuất tầng lớp trung lưu đô thị gần như bị biến mất hoàn toàn trong văn học cách mạng giai đoạn trước đó.

Sự thay đổi lối sống, tác phong khiến người nữ trở thành nhân vật thử thách, kháng cự lại các quy chuẩn ổn định. Một anh hùng từ chiến trường trở về như Sài (Thời xa vắng) đã bị một “vố” điếng người bởi Châu, cô gái Hà thành lõi đời.

Cũng một cựu binh loay hoay mưu sinh bằng cách nuôi chó Nhật nhưng thất bại thảm hại, phải bám víu vào vợ lẫn cô nhân tình hờ (Mi-nu xinh đẹp). Một gia đình toàn đàn ông (Không có vua) trở nên bấn loạn, vô luân khi cô con dâu xuất hiện...

Xáo trộn và tranh cãi, chấp thuận và từ chối, các cảm xúc trái ngược ấy đã song hành với kiểu nhân vật nữ có khả năng làm mất mặt nam giới, tự đặt mình vào thế khiêu khích cảm quan cũ kĩ, nghiêm trang quá đà.

Những ca từ đầy chất trào lộng trong nhạc của Trần Tiến (“Ơi cô gái thôn tương Bần có còn mặc áo tứ thân/ Ôi cô gái thôn tưng bừng có còn chơi điệu trống quân/ Đêm trăng sáng đi Tây về quê nhà em chơi điệu lam ba da lam ba da”Lambada quê ta, 1990) hay hình ảnh những “chân dài” trong dòng phim video mì ăn liêì̀n của Sài Gòn đều mang lại rất nhiều thiện cảm vì sự tươi mới, trẻ trung ở đó.

Dòng “nhạc nhẹ” hay phim truyền hình nhiều tập thường tạo ra những thước đo thẩm mĩ rất lạ lẫm mà người ta có thể say sưa phổ cập cho nhau, kiểu Sao em nỡ vội lấy chồng, Cho em một ngày, Giọt sương trên mi mắt, Lời của gió

Người nữ, như vậy, là nhân tố then chốt khi nghệ thuật muốn đa dạng hóa hình thức giải trí. Và điều này đòi hỏi công chúng phải quen dần với sự cởi mở, nới lỏng trong cách đánh giá, phán xét “phái yếu”.

Những cảnh trong phim “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Bến không chồng”, “Tướng về hưu”.

Cuối năm 1988, lần đầu tiên sau thống nhất, Việt Nam có cuộc thi Hoa hậu, những tấm lịch tết in hình hoa hậu Bích Phương phát hành rộng rãi khắp nước. Ngắm ảnh diễn viên, hoa hậu bắt đầu là nhu cầu lớn.

Thời trang cũng thay đổi. Nhà nghiên cứu Đoàn Văn Chúc, vào năm 1997, đã nhắc đến hiện tượng “xăng xu xăng xi” (sans soutien, sans slip) ở Sài Gòn hồi 1977-1978 và “thả rông” ở một phân số nhỏ “phụ nữ trẻ sinh hoạt phóng đãng”.

Philippe Papin thì ngạc nhiên vì váy ngắn đã quá phổ biến trong khi ở thời chiến, công an còn kiểm tra ống quần rộng hay hẹp bằng cách lấy chai bia cho vào đó! Những bước chuyển mau lẹ này khiến mỹ cảm trong văn chương không còn quá xa lánh thân thể người nữ.

Chiều quay của những khám phá về cái tôi, bản ngã, một lần nữa, chạm vào thân thể người nữ như cái cách mà thơ Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư và Ly Hoàng Ly hoặc tinh tế hoặc chân thực, đã diễn tả: “Cảm thấy tiếng gọi lan trên hai bầu vú/ Người đàn bà hổn hển lao về phía con đường bấy lâu chị tránh” (Thiếu phụ và con đường); “Nụ hôn gióng căng ngực miền trắc ẩn” (Do dự); “Mở mãi, muốn mở mãi/ Mà bầu ngực vẫn trắng, không đêm/ Mở mãi, muốn mở mãi/ Bầu ngực này căng đêm” (Mở nút đêm)…

Chưa bao giờ, các bộ phận cơ thể như “môi”, “mắt”, “lưỡi”, “thịt da”, “chân”, “đùi”… lại hiển thị với tần số cao như vậy trong thơ.

Chứng cứ của một cuộc bùng vỡ cảm giác thiên về nhục cảm ấy, cố nhiên không hề dễ dập tắt, sẽ phá vỡ các bức tường ngăn cản khao khát, đòi hỏi được sống bằng vẻ đẹp tự nhiên khỏe khoắn, lành mạnh.

Như một châm ngôn, của Eva phải thuộc về Eva, đấy là lúc các tác giả nữ sẽ giành quyền viết về chính mình, đông đảo và gấp gáp, quyết liệt và táo bạo đến khó ngờ.

Mai Anh Tuấn

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/bai-3-dieu-lambada-tren-nen-doi-moi-512602/