Bài 3: 'Đại phẫu' phong cách cán bộ để ý Đảng hợp lòng dân

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự việc xảy ra ở Tây Nguyên năm 2001 được đúc rút là việc hệ thống chính trị (HTCT) và đội ngũ cán bộ (ĐNCB) ở cơ sở có nhiều yếu kém, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành. Bởi thế, ngay sau khi sự việc được xử lý, một cuộc 'đại phẫu' được Trung ương quyết liệt chỉ đạo, HTCT các địa phương vùng Tây Nguyên triển khai rốt ráo, tập trung chỉnh đốn phong cách, tác phong công tác của cán bộ theo hướng gần dân, sát dân, để ý Đảng thật sự hợp với lòng dân.

Xa dân... là mất tất cả!

Chúng tôi cùng đoàn cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắc Lắc về buôn Ea Mấp, thị trấn Ea Pốk (Cư M’gar) đúng vào mùa thu hoạch cà phê. Đã thành lệ, cứ mỗi tháng hai lần, cơ quan tuyên giáo lại cắt cử cán bộ về địa phương kết nghĩa này để nắm bắt tình hình địa bàn và cuộc sống của bà con. Khi núi rừng Tây Nguyên còn chìm trong sương sớm, đồng chí Nguyễn Cảnh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắc Lắc đã gọi điện thúc giục: “Anh em ta xuất phát thôi. Đã hẹn với dân rồi nên phải về đúng giờ, không thể để dân chờ”.

 Cán bộ Binh đoàn 15 hướng dẫn bà con địa phương và người lao động kỹ thuật cạo mủ cao su.

Cán bộ Binh đoàn 15 hướng dẫn bà con địa phương và người lao động kỹ thuật cạo mủ cao su.

Vừa đặt chân đến Ea Mấp, buôn trưởng Ma Bút (68 tuổi) và nhiều bà con đã đứng chờ sẵn tại nhà văn hóa buôn. Nhìn thấy thế, anh Cảnh vỗ nhẹ vai tôi như chủ ý lý giải cho cuộc gọi lúc sáng sớm: “Bà con chờ và mong cán bộ về cơ sở nhiều lắm. Nếu chúng ta thất hứa, hoặc sai hẹn nhiều lần thì đồng bào ắt sẽ mất niềm tin”.

Trong suốt 3 ngày đi công tác cùng đồng chí Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắc Lắc, chúng tôi cảm nhận rõ tính kế hoạch và tác phong sâu sát, quần chúng của người cán bộ đã dành trọn thời gian công tác gắn bó với Tây Nguyên. Anh luôn đúng hẹn với dân, vui vẻ hòa vào dân, đến tận từng nhà dân, trò chuyện để lắng nghe và giải thích tỉ mỉ những gì đồng bào còn băn khoăn, hoặc chưa biết, chưa hiểu. Nói về tác phong làm việc của mình, anh Cảnh thật lòng: “Xa dân là mất tất cả! Đó là bài học thấm thía mà một thời ĐNCB cơ sở từng vấp phải, trở thành căn nguyên dẫn đến sự việc ở Tây Nguyên trong các năm 2001, 2004. Điều đó luôn nhắc nhở, bất kỳ cán bộ ở cương vị nào cũng không được phép lặp lại”.

Đồng chí Đinh Tuy, Bí thư chi bộ làng Pông, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai (ngoài cùng bên trái) vận động bà con chung tay xây dựng làng nông thôn mới.

Theo đồng chí Lê Nam Cao, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Cư M’gar, sau giải phóng, trong một thời gian dài các cấp chính quyền chưa thật sự quan tâm xây dựng HTCT ở cơ sở. Bộ máy chính quyền, nhất là ở cấp thôn, buôn không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng. Trong khi đó, nhiều cán bộ cơ sở thiếu kinh nghiệm, ít được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng vận động quần chúng (VĐQC). Mặt khác, một bộ phận cán bộ lại rơi vào nạn hành chính quan liêu, nói nhiều làm ít, không quan tâm đến lợi ích thiết thực của người dân. Dù công tác ở cấp cơ sở, sát với dân nhất, nhưng một số cán bộ sống tách biệt, ít gặp gỡ, đối thoại nên không hiểu dân và dân cũng không biết rõ về cán bộ, không có tình cảm và không trọng cán bộ.

“Chính tác phong xa dân đã tự nó tạo khoảng cách vô hình giữa cán bộ với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Bấy giờ, cán bộ không thực sự còn là điểm tựa, chỗ dựa niềm tin của đồng bào như trong những năm chiến tranh nữa. Thậm chí, trong một gia đình, chồng là cán bộ nhưng vợ con vẫn không nghe theo, vì đã bị FULRO lôi kéo, mua chuộc”-đồng chí Lê Thái Dũng, Bí thư Huyện ủy Cư Kuin (Đắc Lắc) nêu lên một thực tế.

Chuyện diễn ra khá phổ biến ở nhiều thôn, xã của tỉnh Kon Tum vào thời điểm “tà đạo Hà Mòn” còn tác oai tác quái những miền quê nghèo khó. Khi ấy, dù chồng là cán bộ địa phương, nhưng vợ, con vẫn bị cuốn theo “cơn gió độc tà đạo”. Người chồng không chỉ bất lực trong vận động người thân mà còn bị vợ, con phỉ báng, tuyệt giao. Trong nhiều nếp nhà sàn của đồng bào DTTS ở các tỉnh: Gia Lai, Đắc Lắc... những thành viên trong gia đình là cán bộ địa phương lại bị người thân nghe theo FULRO, cố tình cô lập, tránh xa hoặc gây áp lực, khiến một số đồng chí nảy sinh tư tưởng, một số buộc phải bỏ việc...

Nắm được thực trạng xa dân của một bộ phận cán bộ địa phương, FULRO và các thành phần phản động, chống phá đã sớm lên kịch bản, khoét sâu vào khoảng trống trong mối quan hệ giữa cán bộ và nhân dân; kích động mâu thuẫn, làm cho cán bộ xa dân hơn, khiến quần chúng thiếu niềm tin và xa lánh cán bộ. Với những mưu đồ chính trị thâm độc, FULRO cử các phần tử đến tận nhà dân để nói xấu, bôi nhọ cán bộ...

Tất nhiên, vào thời điểm ấy, cũng có không ít cán bộ cơ sở luôn tâm huyết, trách nhiệm, chủ động về với dân, lắng nghe dân, nhưng địa bàn hành chính Tây Nguyên rộng lớn, đặc thù văn hóa các dân tộc rất đa dạng; cùng với sự bất đồng về ngôn ngữ là những yếu tố tạo khoảng cách giữa cán bộ với đồng bào DTTS. Mặt khác, HTCT vẫn mặc định niềm tin, rằng tất cả quần chúng nhân dân, nhất là đồng bào DTTS đều tích cực, một lòng theo Đảng, Nhà nước. Trong khi thực tế lại biến đổi mau lẹ và diễn biến khó lường. Khi ấy, bọn FULRO đã lôi kéo, mua chuộc, chi phối một bộ phận quần chúng; thậm chí còn o bế, gây áp lực đến công tác quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trò chuyện, động viên bà con dân tộc thiểu số ở Gia Lai.

“4 cùng” để thêm gần dân, hiểu dân

Là người từng trực tiếp chỉ đạo xử lý sự việc ở Tây Nguyên năm 2001, Trung tướng Nguyễn Thành Út, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó tư lệnh về Chính trị Quân khu 5 nắm rất chắc mọi diễn biến và thấu hiểu bản chất của sự việc đáng tiếc này. Thế nhưng, với cách nhìn lạc quan, vị tướng già vẫn cho rằng, xét theo một góc độ nào đó thì chính vụ việc năm 2001 lại là “tiếng chiêng cảnh tỉnh” đối với toàn bộ HTCT Tây Nguyên. Bấy giờ, ĐNCB các cấp được dịp soi lại chính mình; cảnh tỉnh về ý thức và trách nhiệm trong thực hiện bổn phận “công bộc của dân”.

Chính từ bài học xương máu đó và trước yêu cầu giữ dân, bám dân, quyết tâm đẩy lùi FULRO và thế lực thù địch, tất cả các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn Tây Nguyên đồng loạt thành lập các tổ công tác, cử một lượng lớn cán bộ giàu kinh nghiệm về với buôn, làng đồng bào DTTS; trực tiếp tiến hành công tác VĐQC và giúp dân xóa đói, giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội...

Theo đồng chí Mai Thị Lan Anh, nguyên Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đắc Lắc, vào thời điểm sau sự việc (năm 2001), Đắc Lắc đã huy động hơn 3.000 cán bộ, có cả các đồng chí Tỉnh ủy viên về cơ sở tiến hành công tác VĐQC. Đến tháng 6-2004, Tỉnh ủy Đắc Lắc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thành lập các đội công tác 164, sau đó là các đội công tác 253 để nắm địa bàn, duy trì hoạt động cho đến tận bây giờ. Đồng chí Lan Anh giải thích: “Mỗi đội công tác ở cấp tỉnh có khoảng 18 thành viên, ở cấp huyện mỗi đội có 3-4 đồng chí. Các đội này chịu sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy cùng cấp, được bảo đảm về chế độ, chính sách và trang bị phương tiện hoạt động hiệu quả... Vào thứ năm hằng tuần, các đội báo cáo kết quả hoạt động và tình hình địa bàn về Ban Dân vận Tỉnh ủy, để cơ quan này báo cáo Tỉnh ủy vào thứ sáu hằng tuần”.

Tương tự như ở Đắc Lắc, tỉnh ủy các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắc Nông... đều có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo tiến hành CTDV; chỉ đạo tổ chức các đội công tác cho sát với đặc thù cơ sở và văn hóa từng vùng đồng bào DTTS. Thế nhưng, có một điểm chung là các đội này đều phải có thành viên là cán bộ DTTS hoặc cán bộ thông thạo tiếng đồng bào để thực hiện “4 cùng” với dân.

Là một cán bộ DTTS có nhiều năm làm công tác VĐQC, đồng chí Siu H’ Phiết, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Chư Pưh (Gia Lai) hiểu rõ tầm quan trọng của tiếng đồng bào. Theo chị, ngày trước, HTCT đã thực hiện rất tốt “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm); thế nhưng như vậy là chưa đủ, nay cần phải “4 cùng”. Tức là, phải có thêm “cùng nói tiếng dân tộc”, vì về với dân mà không hiểu dân nói gì, không biết nói thế nào cho dân hiểu thì hiệu quả dân vận sẽ không cao. Thực tế cũng cho thấy, một khi cán bộ biết giao tiếp bằng ngôn ngữ địa phương thì đồng bào sẽ dễ mở lòng, bắt chuyện ngay từ lúc mới gặp gỡ, tiếp xúc. Cũng bởi thế, chị Siu H’ Phiết rất tâm huyết với chủ trương đẩy mạnh việc dạy và học tiếng đồng bào DTTS trong ĐNCB các cấp ở các tỉnh Tây Nguyên thời gian qua, đồng thời cấp ủy, chính quyền và LLVT phải luôn gần gũi, làm tốt công tác vận động quần chúng ở mọi địa bàn...

Là lực lượng nòng cốt trong tiến hành công tác dân vận, các đơn vị quân đội: Quân khu 5, Quân đoàn 3, Binh đoàn 15 và các đơn vị LLVT tổ chức hàng trăm đội công tác, hàng nghìn đợt hành quân làm dân vận về tận các buôn, làng từng xảy ra điểm nóng. Vào thời điểm ấy, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Kon Tum cũng tổ chức và chỉ đạo 10 tổ đội công tác chuyên ngành, 14 đội công tác 133 và 13 tổ, đội công tác liên ngành đưa xuống các địa bàn trọng điểm, tiến hành công tác VĐQC.

Với quyết tâm giữ yên Tây Nguyên, nhiều đội công tác vẫn được duy trì hoạt động hiệu quả cho đến ngày nay. Và chính trong quá trình VĐQC, tình cảm giữa cán bộ và nhân dân ngày càng thêm bền chặt. Ăn cùng, ở cùng, làm cùng, nói cùng ngôn ngữ đồng bào; vui cùng cái vui của đồng bào, buồn cùng nỗi lo, nỗi khổ của quần chúng... đã giúp cán bộ xem việc về cơ sở, đến với dân như một niềm vui công tác, cống hiến.

Quả đúng vậy, sau 20 năm kể từ khi sự việc diễn ra, “về với dân” đã trở thành chế độ, nền nếp thường xuyên của ĐNCB các cấp và ngày càng thực chất hơn. Theo đó, cấp ủy mỗi cấp đều phân công cấp ủy viên phụ trách và chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi địa bàn. ĐNCB chủ trì, chủ chốt, nhất là người đứng đầu thực hiện tốt việc nêu gương đi cơ sở và đối thoại với dân, tạo sức lan tỏa sâu rộng đến mọi cấp, mọi ngành.

Để mối quan hệ cán bộ - nhân dân thêm gắn kết máu thịt

Để củng cố HTCT, nâng cao chất lượng ĐNCB các cấp, Tỉnh ủy Gia Lai nhất quán thực hiện chủ trương “tỉnh nắm xã, huyện nắm buôn, làng và xã nắm hộ gia đình”. Cùng với đó, các đơn vị quân đội trên địa bàn Tây Nguyên cũng khẳng định vai trò hết sức quan trọng trong tham gia củng cố HTCT cơ sở. Đặc biệt, những năm sau sự việc, các đơn vị quân đội xác định rõ: Nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng chính là nhiệm vụ của đơn vị.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, ở những buôn, làng còn đang trắng đảng viên, cán bộ quân đội trực tiếp tham gia cấp ủy, làm bí thư, phó bí thư, tạo nguồn phát triển đảng cho cơ sở và từng bước xóa các thôn, buôn, làng trắng chi bộ đảng và trắng đảng viên. Trong đó, nổi bật là Binh đoàn 15, Quân đoàn 3, Sư đoàn 2 (Quân khu 5) đã tạo dựng được cơ sở chính trị vững chắc trên các địa bàn đóng quân. Các đồn biên phòng cử cán bộ tham gia cấp ủy, chính quyền cấp xã và sinh hoạt tại các chi bộ thôn, buôn để nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy.

Củng cố, xây dựng HTCT vững mạnh từ cơ sở là nhiệm vụ quan trọng, nhưng quan trọng hơn là tìm lại cho được niềm tin nơi đồng bào. Bởi thế, không chỉ về với dân, hòa vào dân, nhiều cơ quan, đơn vị, LLVT đã sáng tạo nhiều mô hình bền vững, góp phần thắt chặt mối quan hệ máu thịt giữa cán bộ với quần chúng. Tiêu biểu là mô hình kết nghĩa anh-em, kết nghĩa cha-con giữa cán bộ biên phòng và người DTTS. Việc kết nghĩa được tiến hành phong phú, đa dạng giữa: Cán bộ người Kinh với người DTTS; giữa cán bộ DTTS với hộ DTTS... Tại Kon Tum, mô hình này được thực hiện từ năm 2010, với chỉ tiêu phấn đấu đặt ra cho từng cấp hết sức cụ thể: Cán bộ cấp đồn và cấp đội biên phòng kết nghĩa với hai hộ dân; nhân viên kết nghĩa với 3 hộ đồng bào; cán bộ tăng cường xã trực tiếp giúp đỡ, kết nghĩa với 7 hộ dân. Nhờ hoạt động kết nghĩa mà tình cảm quân-dân, cán bộ-nhân dân trở nên gần gũi, gắn bó keo sơn.

Đón nhận tình cảm đó của cán bộ, qua năm tháng, đồng bào DTTS Tây Nguyên ngày càng thấu hiểu hơn tấm lòng và sự hy sinh ở những “công bộc của dân”. Họ tự chia sẻ, truyền tai nhau về câu chuyện, rằng trên chính nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình, đã và đang có hàng vạn cán bộ, nhân viên, quân nhân sinh sống và công tác. Họ từ nhiều miền quê khác nhau trên cả nước, về với Tây Nguyên, qua năm tháng gắn bó càng thêm yêu đồng bào, yêu vùng đất đỏ bazan nghĩa tình; rồi quyết chí, quyết lòng gắn bó trọn cuộc đời, chọn nơi đây là quê hương thứ hai của mình.

Ông Siu Rik, 62 tuổi, ở làng Klăh, xã Thăng Hưng (Chư Prông, Gia Lai)-người từng tham gia hoạt động FULRO, lôi kéo bà con biểu tình, bị bắt và chịu án 3 năm tù, trải lòng: “Giờ nghĩ lại cảm thấy có lỗi quá nhiều với anh em cán bộ địa phương. Sau lầm lỗi, tôi mới nhận thấy, rằng có không ít cán bộ người Kinh, dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng họ không ngần ngại nhường cơm sẻ áo với đồng bào. Họ nhận đỡ đầu, giúp đỡ đồng bào qua các mô hình gắn kết hộ, kết nghĩa anh em; từng bước cảm hóa, vận động, nâng cao nhận thức, cải biến cách nghĩ, cách làm của đồng bào”.

Từ những cán bộ luôn hướng về dân, dành tất cả cho dân như thế đã kết nên một đội ngũ công bộc đúng nghĩa ở các tỉnh Tây Nguyên, với phương pháp, tác phong quần chúng, sát dân, trọng dân. Đó cũng chính là con đường xây đắp “thành trì lòng dân” và giúp HTCT nắm chắc địa bàn, kịp thời phát hiện, bóc gỡ mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trong suốt hai thập niên qua. Nhất là trong năm 2018, khi mà ở một số địa phương trở thành điểm nóng, diễn ra các hoạt động biểu tình, gây rối trước sự kích động, chống phá của thế lực thù địch, thì sự ổn định, bình yên của Tây Nguyên đã minh chứng cho thành quả cống hiến của ĐNCB một lòng, một dạ vì dân.

(còn nữa)

Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/bai-3-dai-phau-phong-cach-can-bo-de-y-dang-hop-long-dan-646475