Bài 3: Cần tăng chế tài xử phạt

Mặc dù quy định xử phạt vi phạm về nồng độ cồn đã được đưa vào Luật Giao thông đường bộ, nhưng hiệu quả thi hành chưa cao. Để khắc phục tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia giao thông cho toàn dân, các cơ quan chức năng cần tăng chế tài xử phạt, đồng thời sử dụng thêm nhiều hình thức xử phạt bổ sung.

Những năm gần đây, việc tuyên truyền về pháp luật giao thông được các địa phương trong cả nước triển khai thực hiện với những cách làm mới, sáng tạo. Thế nhưng, theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, trung bình mỗi ngày cả nước vẫn có khoảng 22 người tử vong do tai nạn giao thông (TNGT), trong đó có nguyên nhân do lạm dụng rượu, bia. Đặc biệt, vào những dịp lễ, tết thì tỷ lệ TNGT liên quan đến rượu, bia tăng tới mức báo động, khiến dư luận hoang mang, lo lắng. Không ít người dân cho rằng, với khung hình phạt cao nhất đến 18 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô, 4 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn như hiện nay thì còn nhẹ, chưa đủ răn đe.

Lái xe vi phạm nồng độ cồn bị Đội CSGT số 5 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) kiểm tra, xử lý. Ảnh: VĂN HUẾ.

Về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra TNGT (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) cho biết: "Đã đến lúc cần tăng cường các biện pháp quản lý đối với đối tượng vi phạm. Ví dụ, những người vi phạm về nồng độ cồn, ngoài việc phải chịu phạt hành chính thì còn phải thi lại giấy phép lái xe ở một mức độ cao hơn. Đặc biệt, cần sớm ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia để người dân không thể dễ dàng tiếp cận với rượu, bia như bây giờ. Ngoài ra, bên cạnh việc xử lý nghiêm của lực lượng chức năng, cũng cần có sự lên án của cộng đồng đối với hành vi uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông…".

Luật sư Đường Ngọc Hân (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng: "Phạt hành chính đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn mức cao nhất tới gần 20 triệu, mức tiền không ít, nhưng chưa đủ sức răn đe. Theo tôi được biết, tại một số quốc gia trên thế giới, hành vi lạm dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông ngoài phạt hành chính ra còn phải chịu một số hình phạt bổ sung, như: Buộc phải đi lao động công ích, bị thu hồi vĩnh viễn giấy phép lái xe… Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và bổ sung hình phạt này vào các văn bản luật hiện hành. Mặt khác, các cấp, các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ dân, yêu cầu chủ gia đình và các thành viên từ đủ 18 tuổi trở lên ký cam kết với nội dung không vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện".

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội, không ít đại biểu Quốc hội cho rằng, để hạn chế tình trạng vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông như hiện nay thì cần “mạnh tay” trong việc xử lý vi phạm. Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, để hạn chế tình trạng này, trước tiên cần phải có các hình thức tuyên truyền, vận động để chính những người tham gia giao thông nhận thức được tác hại của rượu, bia đối với bản thân, gia đình và xã hội. Trong trường hợp lái xe vẫn cố tình vi phạm thì phải có chế tài nghiêm minh trong xử phạt. Cụ thể, nên giáo dục, tuyên truyền, xử phạt hành chính và phân chia các mức xử phạt: Xử phạt lần đầu, xử phạt lần hai hoặc tước bằng lái xe vĩnh viễn. Cùng chung quan điểm tăng hình thức xử phạt, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) kiến nghị, với vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, phải xử lý thu hồi giấy phép lái xe từ 3 đến 5 năm hoặc xử phạt từ 50 đến 100 triệu đồng mới đủ tính răn đe. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp nhằm hạn chế vi phạm. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh: “Tôi kỳ vọng khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được ban hành sẽ giảm bớt được ít nhất 50%-60% các vụ TNGT, tai nạn lao động do sử dụng rượu, bia. Bên cạnh đó, khi luật được ban hành, tất cả các bộ, ngành, địa phương phải có kế hoạch triển khai, đồng thời phải có bộ máy để tuyên truyền phổ biến luật đến tận người dân, từng cơ quan đơn vị”. Còn đại biểu Sùng A Hồng (đoàn Điện Biên) cho rằng: Đã đến lúc nên quy định những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà vi phạm về nồng độ cồn là vi phạm pháp luật hình sự...

TNGT đã và đang thực sự trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội. Dư luận rất chờ đợi một giải pháp có tính chất toàn diện, đồng bộ từ cơ quan chức năng đến mỗi người dân. Cùng với việc hoàn thiện, ban hành các luật, văn bản quy phạm pháp luật, điều quan trọng nhất là sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của mỗi người dân. Chỉ có như vậy, vấn đề TNGT mới từng bước được khắc phục.

Bài và ảnh: Nhóm phóng viên Phòng Bạn đọc - CTV

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-3-can-tang-che-tai-xu-phat-576165