Bài 3: Bồi đắp lối sống và làm việc có văn hóa

Trong tiến trình hướng tới mục tiêu chiến lược có tính dẫn hướng thời đại, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh đặt con người vào trung tâm phát triển, coi văn hóa là nguồn lực nội sinh, động lực tinh thần, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của con người Việt Nam.

Bài 1: Du lịch văn hóa “made in Vietnam”

Bài 2: Giáo dục văn hóa cho giới trẻ - nhiệm vụ mang tầm chiến lược

Xây dựng văn hóa chính trị được chú tâm hơn bao giờ hết để làm sao hướng đến một đội ngũ cán bộ, đảng viên có trình độ văn hóa, làm việc có văn hóa, sống có văn hóa.

Kế thừa văn hóa yêu nước
Ở Việt Nam, văn hóa chính trị thời hiện đại được kế thừa, tiếp biến trên nền tảng truyền thống yêu nước, thương nòi, tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo trong tiến trình dựng nước và giữ nước. Danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh là nhịp cầu nối giữa văn hóa chính trị truyền thống với văn hóa chính trị hiện đại, định hướng và mở ra chân trời tương lai tươi sáng cho dân tộc Việt Nam.
TS Nguyễn Viết Chức cho rằng: “Từ khi ra đời, sự vận động chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy rất rõ tính tiếp biến của văn hóa chính trị, tuy có thăng, có trầm, nhưng căn bản là ngày càng hoàn thiện, ngày càng tạo dựng được vị thế chính trị - xã hội trong lòng Nhân dân”. Vấn đề bao trùm xây dựng văn hóa chính trị chính là xây dựng con người. Văn hóa là sản phẩm do con người tạo ra, đồng thời lại là sản phẩm của chính nền văn hóa ấy.

 Đưa quy tắc ứng xử vào cuộc sống đã góp phần tích cực bồi đắp văn hóa công sở. Ảnh: Thanh Hải

Đưa quy tắc ứng xử vào cuộc sống đã góp phần tích cực bồi đắp văn hóa công sở. Ảnh: Thanh Hải

Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, văn hóa chính trị đã được Đảng ta, đứng đầu là Hồ Chí Minh cùng với toàn dân khắc họa thành công: Một dân tộc tràn trề khát vọng độc lập, tự do đã nhất tề vùng lên giành quyền sống. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng và Hồ Chủ tịch đã cho thấy diện mạo văn hóa chính trị Việt Nam thời đại mới là xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Linh hồn văn hóa chính trị ấy đã khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ nền độc lập vừa giành được.
Tháng 11/1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, có giá trị như “Hội nghị Diên Hồng” về nghị lực và ý chí xây dựng một nền văn hóa Việt Nam thời độc lập, tự chủ, hướng tới chủ nghĩa xã hội. Tại hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Và thực sự văn hóa chính trị là ngọn đuốc soi sáng chế độ mới ở nước ta. Tháng 11/2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc là sự tái hiện “Hội nghị Diên Hồng” trên mặt trận văn hóa, bồi đắp thêm trí tuệ, nhiệt huyết và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức đồng lòng xây dựng văn hóa, con người mang bản sắc truyền thống yêu nước, thương nòi, khát vọng hòa bình, độc lập, tự lực, tự cường; gia cố cho văn hóa chính trị thời đại Hồ Chí Minh tiếp tục thật sự là động lực tinh thần, sức mạnh nội sinh cho Đảng bất diệt và dân tộc trường tồn. Và đến Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo...
Xây dựng văn hóa trong Đảng
Một trong những chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ sau Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 là xây dựng một nền văn hóa, trong đó có chính trị, xứng tầm làm nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, nói đến văn hóa chính trị, trước tiên phải là văn hóa trong Đảng, văn hóa nêu gương của người cán bộ. Từ trước đến nay, thực tế có rất nhiều nhà lãnh đạo, quan chức các cấp đã nêu gương trong sạch, liêm khiết, điều đó tạo ra niềm tin rất lớn cho cấp dưới, niềm tin cho xã hội. PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo (nguyên trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí & Tuyên truyền) nhận định: Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên hết sức quan trọng. Bởi không phải lúc nào tổ chức cũng ở bên mình, không phải lúc nào tự thân mỗi người có thể nhận ra được khuyết điểm của mình. Một khi đã ý thức, tự tu dưỡng, sẽ luôn luôn ý thức công việc của mình, mình làm được đã đúng chưa, có vì dân chưa, việc làm của mình có tổn hại đến lợi ích chung của tập thể không…
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, cán bộ là phải trung thực, nêu gương, gương mẫu, giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sáng của mình. Càng làm càng phải có trách nhiệm với dân, phải thể hiện cái cốt cán, gương mẫu của một người cán bộ, một người đầy tớ trung thành với người dân. Dù là cán bộ có chức hay cán bộ không có chức đi nữa cũng phải thể hiện là một tấm gương trong sáng, gương mẫu, thực hiện tốt những điều Bác Hồ đã dạy, cán bộ là phải liêm khiết.
Cùng với “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng” ra đời năm 2018, trước đó nhiều nghị quyết, quy định về nêu gương cũng đã được ban hành. Từ Quy định của T.Ư, mỗi bộ, ban, ngành, địa phương đã và đang cụ thể hóa thành các quy định, chuẩn mực đạo đức phù hợp với tính chất, đặc thù công việc, giúp cho cán bộ, đảng viên dễ thực hiện và thực hiện hiệu quả.
Việc thực hiện những quy định nêu gương không chỉ giúp hình thành đội ngũ cán bộ có đạo đức, có văn hóa, mà chính những tấm gương sáng về nhân cách, lối sống giản dị, liêm khiết, có ảnh hưởng sâu sắc và rộng lớn đến những giá trị đạo đức của toàn xã hội. Để xây dựng văn hóa chính trị, nêu gương chính là nhân tố tiên quyết. Như các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ, nếu làm tốt việc nêu gương thì hiệu quả vô cùng to lớn, bởi nó có sức lan tỏa và thuyết phục bằng sức mạnh của niềm tin, sự yêu mến, cảm phục. Có như vậy thì tinh thần, giá trị con người Việt Nam với lối sống và làm việc có văn hóa sẽ được bồi đắp.

"Sự gương mẫu của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, chính là hành vi đạo đức cao đẹp nhất, có sức thuyết phục và lan tỏa sâu rộng nhất đối với quần chúng, đối với cộng đồng. Đảng muốn trong sạch về đạo đức, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, đề cao lòng tự trọng, tính liêm sỉ, biết cảnh giác và tránh xa “cái bả” ham muốn vật chất và chạy theo “tiền tài danh vọng”. Đồng thời, tự nguyện đặt lợi ích của cá nhân mình vào lợi ích chung của tập thể, cộng đồng và xã hội. Nếu bản thân cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo mà thiếu tư cách đạo đức thì không những làm tổn hại đến thanh danh, uy tín của Đảng, mà còn không lãnh đạo, giáo dục được quần chúng." - GS Hoàng Chí Bảo (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

(Còn nữa)

Hoàng Lan

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/phat-huy-suc-manh-noi-sinh-cua-van-hoa-bai-3-boi-dap-loi-song-va-lam-viec-co-van-hoa-444013.html