Bài 3: Biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc

Biên giới trên đất liền Việt Nam và Trung Quốc dài hơn 1.400 km. 7 tỉnh của Việt Nam gồm: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh tiếp giáp với tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc.

Lịch sử hình thành và quá trình xác lập biên giới

Biên giới Việt Nam – Trung Quốc được hoạch định và phân giới, cắm mốc lần đầu tiên trong lịch sử bằng Công ước hoạch định biên giới ngày 20/6/1887 và Công ước bổ sung ngày 20/6/1895 ký kết giữa Pháp và nhà Thanh (Trung Quốc).

Sau khi Cách mạng thành công ở mỗi nước, vào cuối thập niên 50 của thế kỷ 20, Việt Nam và Trung Quốc thỏa thuận giữ nguyên trạng đường biên giới giữa hai nước trên cơ sở Công ước Pháp - Thanh năm 1887 và 1895 và sẽ tiến hành hoạch định lại đường biên giới vào lúc thích hợp.

Giữa thập niên 70 của thế kỷ 20, Việt Nam và Trung Quốc chính thức đàm phán về biên giới. Do nhiều nguyên nhân các cuộc đàm phán không có tiến triển và đã bị gián đoạn trong một thời gian dài.

Ngay sau khi bình thường hóa quan hệ tháng 11/1991, Việt Nam và Trung Quốc đã thỏa thuận tiến hành đàm phán giải quyết các vấn đề biên giới giữa 2 nước:

-Tháng 11/1991, Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp định tạm thời về việc giải quyết công việc trên vùng biên giới; gồm có: quản lý biên giới theo tình hình thực tế, thẩm quyền giải quyết biên giới cấp chính phủ và giữ mốc biên giới.

-Tháng 10/1993 Việt Nam và Trung Quốc ký Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ, trong đó nhất trí mở ra 4 diễn đàn đàm phán về biên giới lãnh thổ, gồm ba cấp chuyên viên và một cấp chính phủ.

Hai nước thống nhất căn cứ pháp lý để đàm phán như sau: “Hai bên đồng ý căn cứ vào Công ước hoạch định biên giới ký giữa Pháp và Trung Quốc 1887 và Công ước bổ sung 1895, cùng các văn kiện và bản đồ hoạch định, cắm mốc kèm theo đã được hai Công ước nói trên xác nhận hoặc quy định, đối chiếu xác định lại toàn bộ đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc”.

Thực hiện thỏa thuận nói trên, từ tháng 2/1994 đến tháng 12/1999, hai bên đã họp 6 vòng cấp chính phủ, 16 vòng nhóm công tác liên hợp, 3 vòng nhóm soạn thảo Hiệp ước.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc tại cột mốc biên giới số 1116 (phía Việt Nam) trong lễ chào mừng hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, ngày 23/2/2009, tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Tại vòng hai vào tháng 7/1994, Nhóm công tác đã trao bản đồ chủ trương, qua đối chiếu có 870 km/1.360 km đường biên giới trùng nhau (67%), 436 km/1.360 km, 289 khu vực không trùng nhau với tổng diện tích hơn 236 km2. Trong đó có 74 khu vực loại A (gần 2 km2) kỹ thuật vẽ chồng lấn nhau, 51 khu vực loại B (hơn 3 km2) không vẽ tới, 164 khu vực loại C do quan điểm hai bên khác nhau, trong đó có một số khu vực tranh chấp trên thực địa.

Phân giới cắm mốc và quản lý biên giới

Đến tháng 12/1999, Việt Nam và Trung Quốc chính thức ký Hiệp ước hoạch định biên giới, được Quốc hội hai nước phê chuẩn trong năm 2000. Hiệp ước này mô tả hướng đi của đường biên giới bằng lời văn và thể hiện bằng đường màu đỏ trên bản đồ địa hình tỷ lệ 1/500.000. Dựa vào Hiệp ước này, từ tháng 12/2001, hai bên tiến hành phân giới, cắm mốc.

Đến cuối năm 2008, công tác phân giới cắm mốc cơ bản hoàn thành. Kết quả là chiều dài biên giới chính xác là 1.449,566 km, trong đó có 383,914 km đường biên giới đi theo sông suối, cắm được 1.970 cột mốc, trong đó có 1.548 cột mốc chính, 422 cột mốc phụ.

Quá trình giải quyết các tranh chấp về biên giới, lãnh thổ để xác lập được một hệ thống đường biên giới, mốc quốc giới rõ ràng, chính quy, hiện đại và bền vững giữa Việt Nam và Trung Quốc là một quá trình kéo dài trên 30 năm, với rất nhiều khó khăn trở ngại, không chỉ do lịch sử để lại mà còn do những nguyên nhân về điều kiện tự nhiên, khoa học kỹ thuật, chính trị, pháp lý, tâm lý, tình cảm mà cả hai bên phải vượt qua.

Quá trình giải quyết vấn đề biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc đã trải qua 3 giai đoạn: Thỏa thuận nguyên tắc, Hoạch định biên giới và Phân giới cắm mốc. Quá trình này hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc và thủ tục pháp lý quốc tế mà hai bên đã thống nhất vận dụng; xuất phát từ lợi ích chính đáng của hai quốc gia, đáp ứng được nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước.

Đội hình tuần tra hai bên gặp gỡ nhau trên biên giới tại khu vực mốc 125

Sau khi hoàn thành việc phân giới cắm mốc, để hợp tác bảo vệ, quản lý biên giới và mốc quốc giới, năm 2009, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định quản lý biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc và Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc; năm 2015, hai bên đã chính thức ký kết Hiệp định tàu thuyền đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân và Hiệp định hợp tác, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc.

Sau khi ký Hiệp định về quy chế quản lý biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc năm 2009 và để triển khai thực thi Hiệp định, Việt Nam đã ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về Khu vực biên giới, Vành đai biên giới, Vùng cấm (Nghị định số 34/2014/NĐ-CP, ngày 29 tháng 04 năm 2014). Nghị định này gồm 4 Chương và 24 Điều, với những quy định rất cụ thể về: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các hành vi bị nghiêm cấm trong khu vực biên giới đất liền, quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới đất liền, trách nhiệm xây dựng, quản lý, bảo vệ khu vực biên giới đất liền…

Có thể nói với việc ban hành Nghị định này, Chính phủ Việt Nam không những đã tích cực thực thi trách nhiệm với tư cách là một bên ký kết, mà còn cho thấy sự quan tâm đối với sự nghiệp bảo vệ, quản lý biên giới quốc gia trong quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc mà quá trình tranh chấp biên giới lãnh thổ đã diễn ra với quá nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử và có nhiều bài học đã được viết nên bằng máu, nước mắt của biết bao thế hệ người Việt Nam và Trung Quốc.

Điểm cực Bắc trên đất liền của Việt Nam nằm ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang tại tọa độ 23,391185°B 105,323524°Đ. Điểm cực Nam trên đất liền của Việt Nam nằm ở mũi Rạch Tàu, huyện Ngọc Hiển (huyện Năm Căn cũ tính đến ngày 17 tháng 12 năm 1984), tỉnh Cà Mau tại tọa độ 8,562035°B 104,836335°Đ. Điểm cực Tây trên đất liền của Việt Nam nằm ở A Pa Chải-Tá Miếu (thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, ngã ba biên giới Việt-Trung-Lào) tại tọa độ 22,397745°B 102,143297°Đ. Điểm cực Đông trên đất liền của Việt Nam nằm ở mũi Đôi trên bán đảo Hòn Gốm, vịnh Vân Phong, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa tại tọa độ 12,38941°B 109,27899°Đ (không nên nhầm với mũi Điện ở Phú Yên).

Tài liệu tham khảo:

Việt-Trung và đường biên giới pháp lý, công bằng, hữu nghị

TS Nguyễn Hồng Thao (thành viên đoàn đàm phán) - (VietNamNet)

Vu Duong Ninh (ed.), Bien gioi tren dat lien Viet Nam-Trung Quoc [China‐Vietnam Land boundary], Hanoi (Cong An Nhan Dan ed. 2011).

TS Trần Công Trục

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/bai-3-bien-gioi-dat-lien-viet-nam-trung-quoc-111845.html