Bài 3: Ba mô hình Tập đoàn Kinh tế Nhà nước

Bà Nguyễn Thị Cẩm Lan - Chuyên viên Ban Chiến lược Đầu tư - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng Nhà nước cần sớm ban hành các quy định về tính pháp lý, mô hình và nguyên tắc hình thành các TĐKT, những yêu cầu và tiêu chí về quy mô tổ chức, phương pháp tổ chức, các hệ thống quản lý, đội ngũ cán bộ, số vốn pháp định, các chỉ tiêu kinh tế tối thiểu...

Phân tích thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrolimex, bà Nguyễn Thị Cẩm Lan cho rằng Tập đoàn đang phải cạnh tranh ngày càng cao nhưng vẫn phải chịu một số bất cập kìm hãm sự phát triển.

Petrolimex đang phải đối phó với cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Petrolimex đang phải đối phó với cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Cụ thể, do sự hấp dẫn của thị trường kéo theo nhiều đối thủ cạnh tranh tiềm tàng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là các doanh nghiệp mới sẽ được thành lập của Việt Nam, các Tập đoàn nước ngoài là các hãng kinh doanh xăng dầu nổi tiếng trên thế giới khi có cơ hội vào kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam.

Bên cạnh việc tăng thêm số lượng thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu nhập khẩu, cụ thể, ngay sau khi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP có hiệu lực thì tính đến nay đã có khoảng 29 đầu mối nhập khẩu và 69 thương nhân phân phối xăng dầu tham gia thị trường xăng dầu trong nước, cạnh tranh lẫn nhau và cạnh tranh trực tiếp với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu về giá bán lẻ xăng dầu.

Mặt khác, xăng dầu là mặt hàng nằm trong diện quản lý và bình ổn giá của Nhà nước; giá xăng dầu chưa thực sự theo cơ chế thị trường do Nhà nước vẫn điều hành và can thiệp giá bán để thực hiện các mục tiêu vĩ mô khác. Mặc dù giá xăng dầu đã được điều chỉnh theo xu thế biến động của giá xăng dầu thế giới, tuy nhiên, do mức tăng/giảm giá xăng dầu trong nước nhiều thời điểm không cùng xu thế hoặc có biên độ điều chỉnh không tương ứng với mức tăng/giảm của giá xăng dầu thế giới nên có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn.

Căn cứ trên phân tích thực tế về Petrolimex, bà Nguyễn Thị Cẩm Lan đã đưa ra một số gợi ý chính sách phát triển TĐKTNN tại Việt Nam như, tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật để tạo hành lang pháp lý an toàn cho các tập đoàn hoạt động.

Kinh doanh xăng dầu cần theo đúng quy luật thị trường.

Trong đó, Nhà nước sớm ban hành các quy định về tính pháp lý, mô hình và nguyên tắc hình thành các TĐKT, những yêu cầu và tiêu chí về quy mô tổ chức, phương pháp tổ chức, các hệ thống quản lý, đội ngũ cán bộ, số vốn pháp định, các chỉ tiêu kinh tế tối thiểu... Song song với khung khổ cơ bản nhất về pháp lý, Nhà nước cần có những quy định rõ ràng hơn trong cơ chế hoạt động và mối quan hệ bên trong mỗi tập đoàn liên quan đến kinh doanh, đầu tư, tài chính, thông tin, nhân sự, tài sản, trách nhiệm... Quan trọng nhất là phải xác định và phân biệt một cách rõ ràng hơn nữa vai trò quản lý của Nhà nước và của chủ sở hữu.

Nhà nước cần tập trung đổi mới thể chế về đầu tư; thể chế về đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh; thể chế về vốn; thể chế về thuế, bao gồm các loại thuế liên quan đến tập đoàn như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất, nhập khẩu.

Mặt khác tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính như hải quan, công chứng. Đặc biệt là đổi mới đăng ký kinh doanh đối với tập đoàn, rà soát bãi bỏ các giấy phép kinh doanh không cần thiết.

Tiếp theo, Nhà nước cần thực hiện đa dạng hóa sở hữu và cổ phần hóa doanh nghiệp. Trong đó, vấn đề xác định chủ sở hữu là yếu tố then chốt để tạo động lực cho các tổng công ty và doanh nghiệp thành viên.

Thực hiện đa dạng hóa sở hữu bằng cách tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp, phát hành trái phiếu, tham gia thị trường chứng khoán để huy động vốn cho TĐKT.

Thành lập công ty TNHH MTV được chuyển đổi từ doanh nghiệp thành viên của TCT. Doanh nghiệp thành viên của TCT sau khi chuyển đổi thành công ty TNHH MTV sẽ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2005 (khác với Luật Doanh nghiệp nhà nước trước đây).

Thứ ba, cần đổi mới cơ chế quản lý, giám sát TĐKT. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc quản lý và giám sát TĐKT, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư giám sát công ty mẹ thành lập doanh nghiệp mới, góp vốn vào doanh nghiệp khác thuộc lĩnh vực có nguy cơ rủi ro, giám sát các danh mục đầu tư, các ngành nghề kinh doanh chính và ngành nghề liên quan.

Bộ Nội vụ theo dõi, đánh giá năng lực cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp; Bộ Tài chính giám sát, đánh giá hoạt động tài chính, kết quả kinh doanh của công ty mẹ và toàn bộ hoạt động của TĐKT, giám sát việc tăng vốn điều lệ của công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên, phát hành cổ phiếu, việc vay vốn đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản; giám sát việc chuyển dịch vốn, đầu tư, các nguồn lực bên trong tập đoàn và ngoài tập đoàn.

Nhà nước cũng cần giao quyền và năng lực đầy đủ cho kiểm toán nhà nước để kiểm toán thường xuyên TĐKTNN, với mật độ kiểm toán dày hơn. Kiểm toán vừa bảo đảm cái lợi về lâu dài cho năng lực cạnh tranh của tập đoàn vừa giúp Nhà nước quản lý tốt hơn.

Mặt khác, hệ thống ngân hàng, đặc biệt các ngân hàng thương mại quốc doanh cần kiểm soát vốn vay tốt hơn. Hiện nay, các khoản tín dụng cho vay đối với TĐKT vẫn còn mang tính bao cấp chứ chưa xem xét tính khả thi của dự án. Vì vậy, cần xóa bỏ tình trạng bao cấp trong hoạt động tài trợ vốn cho danh nghiệp, thay vào đó là các khoản vay mang tính chất thương mại.

Xây dựng cơ chế về mối quan hệ, liên kết và tính liên thông giữa các tập đoàn để phục vụ cho lợi ích của dân tộc và tránh tình trạng "vườn ai nhà nấy rào", "đèn ai nhà nấy rạng". Ví dụ như, sự liên thông về vốn đầu tư, công nghệ... giữa các tập đoàn.

Tái cơ cấu DNNN cần tiếp tục đẩy mạnh.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Lan nhấn mạnh cũng cần phải xem xét tổ chức lại các mô hình hoạt động cho các TĐKTNN. Bà Cẩm Lan phân tích, xuất phát từ thực trạng hoạt động của các TĐKT hiện nay, tình hình kinh tế đất nước cũng như bối cảnh toàn cầu hóa, chúng ta có thể tổ chức lại các TĐKT theo các hướng Tập đoàn công nghệ, tài chính hay kinh tế.

Cụ thể, Tập đoàn công nghệ là một tổ chức kinh tế hội tụ các doanh nghiệp có quan hệ mật thiết xung quanh một dây chuyền công nghệ khép kín, từ khai thác, cung ứng nguyên vật liệu, sản xuất và bán sản phẩm, đến nghiên cứu chế tạo sản phẩm mới...

Các doanh nghiệp ở nhóm này thường tập trung trên một vùng lãnh thổ nhất định và điều này càng có ý nghĩa chiến lược trong việc phát triển kinh tế khu vực. Thế mạnh của mô hình tập đoàn công nghệ là mức độ tập trung nội lực cao, thu hút được đầu tư trọng điểm vào công nghệ, cơ cấu tổ chức quản lý rành mạch. Mối quan hệ với các doanh nghiệp thành viên khác phải được thiết lập theo cơ chế thị trường.

Tập đoàn tài chính là mô hình phổ biến, được ứng dụng rộng rãi ở rất nhiều nước trên thế giới. Nếu như mô hình tập đoàn công nghệ lấy phân hệ sản xuất làm hạt nhân, thì tập đoàn tài chính lấy phân hệ tài chính làm trọng điểm. Do vậy, để bảo đảm việc quản lý hiệu quả dòng chảy tài chính của tổ chức kinh tế mới này cần phải huy động được nguồn vốn đầu tư hùng hậu và một thể chế tài chính phù hợp.

Tập đoàn mạng kinh tế là một mô hình liên kết doanh nghiệp tương đối mới và có nhiều ưu điểm phù hợp với kinh tế nước ta hiện nay. Mạng kinh tế là một tổ chức trong đó kết nối các chủ thể kinh tế độc lập vào một mạng thống nhất với mục đích tăng hiệu quả hoạt động kinh tế của từng thành viên và của toàn hệ thống. Hiệu quả của mạng đạt được thông qua việc các thành viên cùng sử dụng những nguồn lực chung, giảm thiểu các chi phí phát sinh, đặc biệt là chi phí hợp đồng.

Quan hệ giữa các doanh nghiệp trong mạng là quan hệ đối tác, trên cơ sở hợp đồng ký kết. Chính vì vậy, mạng kinh tế đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của tổ chức kinh tế hiện đại: mềm dẻo trong cấu trúc, năng động trong quản lý và bền vững trong phát triển. Mạng kinh tế cho phép các thành viên với những trình độ phát triển rất khác nhau cùng hoạt động hiệu quả.

Tùng Dương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/bai-3-ba-mo-hinh-tap-doan-kinh-te-nha-nuoc-527987.html