Bài 3: Ai đã đánh tráo khái niệm?

Ai đã đánh tráo khái niệm, để giáo viên 29 năm trời an yên với vị trí của một hợp đồng lao động ngắn hạn mà không hề có băn khoăn gì? Không có bất cứ giải pháp nào, chỉ cho đến khi nguy cơ mất việc hiển hiện ngay trước mắt thì họ mới lên tiếng kêu cứu và mong muốn phơi bày mọi thứ ra trước ánh sáng của chính sách và pháp luật?

Trong giờ học tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Cát Hải, Hải Phòng). Ảnh: Đức Chiêm

Trong giờ học tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Cát Hải, Hải Phòng). Ảnh: Đức Chiêm

Hợp đồng trong biên chế?

Chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ hồ sơ minh chứng của một số trường hợp tiêu biểu trong số 256 giáo viên hợp đồng của huyện Sóc Sơn (Hà Nội) gửi kèm theo đơn kêu cứu và thấy được nhiều vấn đề cần bàn đến về việc hợp đồng giáo viên.

1. Hầu như không có hợp đồng lao động được kí giữa người đứng đầu cơ sở giáo dục (là người trực tiếp sử dụng giáo viên), hoặc nếu có thì cũng chỉ mang tính hình thức, không thể hiện cụ thể những nội dung quan trọng như: Thời gian thực hiện hợp đồng, chế độ, chính sách được hưởng kèm theo và những ràng buộc về quyền lợi và trách nhiệm giữa hai bên.

2. Các giáo viên được nhận vào hợp đồng tại một cơ sở giáo dục (chủ yếu là trường tiểu học và THCS) đều có Quyết định do lãnh đạo UBND huyện kí (giai đoạn những năm 1998 về trước là lãnh đạo UBND thành phố kí).

3. Cứ mỗi 3 năm, giáo viên lại nhận được 1 quyết định “điều chỉnh tiền công cho lao động hợp đồng ngắn hạn” do lãnh đạo UBND huyện kí, trong đó, giáo viên được tăng 1 bậc lương một cách tuần tự giống như viên chức trong biên chế Nhà nước. Như vậy, mặc nhiên trong vòng 29 năm, cơ quan có thẩm quyền đã khẳng định giáo viên hợp đồng thuộc nhóm “hợp đồng lao động ngắn hạn” và giáo viên đều đã biết điều đó. Nhưng dường như, chính các giáo viên lại có tâm lý rất yên tâm với khái niệm “hợp đồng trong biên chế” vì về cơ bản, họ vẫn được tăng lương theo định kỳ, được đánh giá, khen thưởng như một viên chức Nhà nước.

Các Quyết định hợp đồng giáo viên của cơ quan có thẩm quyền đều nêu rất rõ căn cứ pháp lý để kí, từ Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Nội vụ hay Quyết định của UBND thành phố.

Chẳng hạn, căn cứ là Quyết định số 42/2010/QĐ-UB ngày 19/6/2001 của UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy định tạm thời thực hiện chế độ hợp đồng lao động một số loại công việc trong cơ quan hành chính, sự nghiệp Nhà nước thuộc thành phố Hà Nội (QĐ42).

Nhưng trong QĐ42 thì hợp đồng ngắn hạn là hợp đồng mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới một năm. Còn hợp đồng dài hạn là hợp đồng lao động không xác định thời hạn (là hợp đồng không ấn định trước thời hạn kết thúc trong bản hợp đồng lao động và áp dụng cho những công việc có tính chất thường xuyên, ổn định từ 1 năm trở lên) hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 - 3 năm (áp dụng cho các công việc đã xác định được thời gian kết thúc).

Như vậy, nếu khẳng định các giáo viên hợp đồng nêu trên là hợp đồng lao động ngắn hạn, thì hợp đồng phải được kí hàng năm và chính sách tiền lương, các đãi ngộ đối với giáo viên phải thực hiện theo thỏa thuận và thời gian làm việc thực tế làm việc của giáo viên tại hợp đồng.

Tuy nhiên, khi được hỏi, các giáo viên đều khẳng định: Họ chỉ nhận được quyết định của cơ quan có thẩm quyền lần đầu khi bắt đầu thực hiện hợp đồng, sau đó, cứ 3 năm lại nhận được 1 quyết định tăng lương, chính sách tiền lương của giáo viên được nhận đủ 12 tháng/năm và nối tiếp tất cả các năm (nhiều nhất là 29 năm).

Ảnh minh họa/ Internet

Không có hợp đồng lao động cho các công việc chuyên môn

Ở một khía cạnh khác, cần phải thấy một điều là, tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ quy định về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp (NĐ68) thì trong đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước (trong đó có các cơ sở giáo dục công lập) vốn không có hợp đồng lao động cho các công việc chuyên môn.

Đến nhóm các công việc khác (khoản 6, Điều 1 NĐ68) cũng đã được hướng dẫn cụ thể bao gồm: Các công việc như: Nấu ăn tập thể, tạp vụ, mộc nề, chăm sóc và bảo vệ cảnh quan trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và hiện nay đã được hướng dẫn là các công việc thừa hành, phục vụ khác có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống (NĐ161).

Còn một số công việc chuyên môn nghiệp vụ cơ bản (trong đó có công việc giảng dạy của giáo viên) chỉ được thực hiện kí hợp đồng lao động trong trường hợp công chức đang đảm nhiệm về nghỉ hưu nhưng chưa có người thay thế (tạm thời thực hiện cho đến khi các kỳ thi tuyển công chức được tổ chức chủ động theo kế hoạch).

Trong Quyết định hợp đồng lao động lần đầu đối với các giáo viên mà chúng tôi tiếp cận được, thường cũng có câu “hợp đồng vào làm việc trong khi chờ thi tuyển công chức”.

Câu hỏi đặt ra là: Ai đã đánh tráo khái niệm, để giáo viên 29 năm trời an yên với vị trí của một hợp đồng lao động ngắn hạn mà không hề có băn khoăn gì, không có bất cứ giải pháp nào, chỉ cho đến khi nguy cơ mất việc đang hiển hiện ngay trước mắt thì họ mới lên tiếng kêu cứu và mong muốn phơi bày mọi thứ ra trước ánh sáng của chính sách và pháp luật?

Nguyễn Hương (Cục NG&CBQLGD)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bai-3-ai-da-danh-trao-khai-niem-3997867-b.html