Bài 2: Xử lý môi trường, vấn đề sống còn để sản xuất hiệu quả

Do đặc thù của ngành giấy, những năm qua, Nhà máy Giấy An Hòa (Công ty Cổ phần Giấy An Hòa, thuộc Tập đoàn Geleximco) luôn đối mặt với thách thức về xử lý môi trường.

(Tiếp theo và hết)

Vì thế, đi đôi với nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, việc giữ gìn môi trường để phát triển bền vững là một trong những vấn đề sống còn mà Chủ tịch Tập đoàn Geleximco Vũ Văn Tiền giao cho lãnh đạo Nhà máy Giấy An Hòa.

Trang bị hệ thống quan trắc môi trường tự động

Trước năm 2015, An Hòa được xem là một trong những “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường của tỉnh. Cải thiện môi trường là yêu cầu sống còn đòi hỏi nhà máy phải tìm giải pháp khắc phục. Sau thời gian nghiên cứu, đến quý IV năm 2016, nhà máy tiến hành cải tạo tất cả công đoạn từ đầu vào nguồn nước tới xử lý cấp 1, cấp 2 và cấp 3 của quy trình xử lý nước thải. Để từng bước hoàn thiện, nhà máy tập trung thay đổi công nghệ xử lý nước thải, mời chuyên gia nước ngoài tư vấn, hỗ trợ.

Ông Nguyễn Văn Anh, Tổng giám đốc Nhà máy Giấy An Hòa chia sẻ: "Với mục tiêu gắn lợi ích kinh doanh với bảo vệ môi trường (BVMT), nhà máy đã trang bị hệ thống xử lý môi trường đồng bộ với dây chuyền sản xuất. Cùng với đó là tìm kiếm hợp tác với các đơn vị uy tín, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực môi trường, xử lý nước thải trên thế giới, để xử lý. Sau nhiều ngày nghiên cứu, các chuyên gia và kỹ sư của nhà máy đã tiến hành các giải pháp đồng bộ: Cải tạo, bổ sung tháp làm mát nhằm ổn định nhiệt độ đầu vào; bổ sung hệ thống sục khí tại bể cân bằng để tăng hiệu quả xử lý vi sinh; cải tạo trong nhà máy giúp giảm lưu lượng, tải lượng chất thải ra; sử dụng các chất lắng cho xử lý màu và giảm COD sau vi sinh… Sau một loạt giải pháp ấy, hiện nay mùi gần như không còn, nguồn nước thải chứa trong hồ điều hòa có thể nuôi cá, tưới tiêu trồng cây”.

Nối tiếp thành công, đầu năm 2017, nhà máy hoàn thành lắp đặt, đưa vào sử dụng hệ thống quan trắc tự động xử lý nước thải. Cứ 5 phút, hệ thống quan trắc tự động cho kết quả và truyền trực tiếp về trung tâm theo dõi của nhà máy và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang để giám sát. Hiện nay, các chỉ số đều đạt tiêu chuẩn loại A theo Quy chuẩn Việt Nam-QCVN 12-2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về nước thải của ngành công nghiệp bột giấy, giấy. An Hòa cũng là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn Tuyên Quang lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động, theo dõi, cập nhật online các thông tin về môi trường.

Toàn cảnh Nhà máy Giấy An Hòa nhìn từ trên cao.

Đầu tư lớn bảo vệ môi trường, doanh thu vẫn tăng

Nhờ làm tốt công tác BVMT góp phần giảm chi phí, doanh thu của nhà máy năm sau luôn cao hơn năm trước. Báo cáo cho thấy, năm 2017, doanh thu của nhà máy đạt gần 3.000 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách tỉnh Tuyên Quang hơn 200 tỷ đồng. Việc làm của người lao động ổn định, hiện nhà máy có 1.095 cán bộ, kỹ sư, công nhân, với mức lương bình quân hơn 6,6 triệu đồng/người/tháng, phấn đấu thu nhập đạt 7 triệu đồng/người/tháng trong năm 2018. Theo số liệu của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang, đây là mức thu nhập cao nhất của công nhân trên địa bàn tỉnh hiện nay. Với việc vận hành ổn định, vùng nguyên liệu dồi dào giúp nhà máy hoạt động 100% công suất, bình quân mỗi năm thu mua khoảng 600.000 tấn nguyên liệu dăm, gỗ keo, giá trị khoảng 700 tỷ đồng; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục vạn người dân vùng trồng nguyên liệu trên địa bàn nhiều tỉnh.

Trong dịp đến thăm, làm việc tại nhà máy gần đây, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư biểu dương nỗ lực của Tập đoàn Geleximco và nhà máy; đánh giá cao tinh thần “Gắn lợi ích kinh doanh với phát triển bền vững và BVMT”. Đó là điểm cộng, là giá trị nhân văn sâu sắc trong văn hóa kinh doanh mà nhà máy đã thực hiện được. Đồng chí Trần Quốc Vượng cũng mong muốn nhà máy luôn giữ vững vị trí hàng đầu trong ngành công nghiệp giấy, bột giấy tại Việt Nam về BVMT, về nguồn nhân lực và đẳng cấp sản phẩm, qua đó đưa sản phẩm vươn rộng xuất khẩu ra thị trường thế giới; phát huy tốt hơn nữa công tác BVMT, giữ gìn nguồn nước và chăm lo cho đời sống người lao động.

Quan tâm, chăm lo đời sống người lao động

Có được kết quả như hiện nay, cùng với sự quyết đoán của lãnh đạo tập đoàn và nhà máy còn là cống hiến trí tuệ, công sức của tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân. Hiểu được điều đó, nhà máy luôn quan tâm và không ngừng cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động.

Kỹ sư Nguyễn Hữu Xuân (quê ở TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), Trưởng ngành Công nghệ Phân xưởng Giấy, bộc bạch: “Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội về làm việc tại Nhà máy Giấy Bãi Bằng hơn hai năm, khi Nhà máy Giấy An Hòa đi vào hoạt động và có chính sách thu hút nhân tài, tôi quyết định chuyển về đây. Tôi được tạo điều kiện làm đúng ngành học và ứng dụng trên dây chuyền công nghệ hiện đại bậc nhất ngành giấy hiện nay. Không những thế, nhà máy còn chăm lo đời sống cho người lao động ở xa quê khi xây dựng 3 khu nhà ở cao tầng khang trang với hàng chục hộ gia đình, cùng khu vui chơi, giải trí đồng bộ, như: Sân tennis, bóng chuyền, cầu lông... Vợ chồng tôi làm việc cùng phân xưởng, hằng ngày đi về từ khu tập thể đến nhà máy chưa đến 3km”.

Cùng suy nghĩ ấy, kỹ sư Trần Minh Hùng, kỹ thuật viên Phòng Kỹ thuật công nghệ cho rằng: “Gần 4 năm công tác ở nhà máy giúp tôi không chỉ học hỏi được nhiều kiến thức mới mà còn có điều kiện tiếp xúc với môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, tác phong công nghiệp, có nguồn thu nhập ổn định để yên tâm gắn bó với nơi đây”.

Hằng năm, nhà máy còn ký hợp đồng với Bệnh viện Medlatec Hà Nội về khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ, công nhân để phát hiện sớm, ngăn ngừa bệnh tật, bảo đảm sức khỏe cho người lao động. Đây là việc làm không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà còn là sự quan tâm, tôn trọng tới đời sống sức khỏe của người lao động.

Một chính sách nhân văn nữa của nhà máy là, 70% lao động là người địa phương. Với việc liên kết cùng Trường Cao đẳng Công nghệ Giấy Việt Trì, nhà máy ký hợp đồng với công nhân, đưa đi đào tạo, sau đó nhận vào làm. Ví dụ, trường hợp chị Trần Thị Loan, công nhân Phân xưởng Giấy, ở xã Thái Long, TP Tuyên Quang đã làm việc ở nhà máy hơn 3 năm với mức lương gần 7 triệu đồng/tháng nên cuộc sống ổn định. Chính vì vậy, chị thêm gắn bó, yêu mến, coi nơi đây thực sự trở thành ngôi nhà chung cùng vun đắp, xây dựng nhà máy phát triển bền vững.

“Cảm thông với người lao động nên tiền nhà, tiền điện, nước hằng tháng nhà máy hỗ trợ 100%. Từ chính sách này, rất nhiều cặp đôi đã nên duyên vợ chồng. “Đất lành chim đậu”, nơi đây thực sự trở thành quê hương thứ hai của người lao động, họ đang ngày đêm nguyện đem sức trẻ cống hiến vì sự phát triển của thương hiệu Giấy An Hòa ra thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Hoàng Minh Sơn, Giám đốc Hành chính nhân sự nhà máy, cho biết.

Tri ân những vùng quê còn khó khăn

Từ năm 2012 đến nay, nhà máy phát động, thực hiện nhiều hoạt động nghĩa tình trên địa bàn vùng nguyên liệu, như “Chung tay cùng Tây Bắc và các huyện nghèo” với số tiền 300 triệu đồng; xây dựng Trường Mầm non huyện Đồng Văn (Hà Giang) trị giá 1,5 tỷ đồng; xây dựng tặng xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương một trường mầm non với 4 phòng học, mỗi phòng 50m2 quy mô hơn 100 cháu với số tiền 752 triệu đồng; làm tuyến đường bê tông liên xã Cấp Tiến-Vĩnh Lợi trị giá 1,2 tỷ đồng và nhiều chương trình từ thiện, xã hội khác… Những việc làm này tuy chưa hẳn lớn song thể hiện tinh thần, trách nhiệm, cách ứng xử đậm chất văn hóa doanh nghiệp mà cán bộ, công nhân Nhà máy Giấy An Hòa nỗ lực xây dựng, duy trì trong nhiều năm qua.

Bằng chính sách nhân văn và thiết thực, Nhà máy Giấy An Hòa đã mang lại nhiều đổi thay giúp người dân yên tâm bám đất, bám rừng. Chúng tôi tin rằng, với triết lý kinh doanh “Gieo lên mầm xanh để tạo dựng những đổi thay” thương hiệu Giấy An Hòa sẽ vững bước trên con đường trở thành thương hiệu giấy số 1 tại thị trường Việt Nam.

Tuyên Quang, tháng 7-2018

Bài và ảnh: VŨ QUANG THÁI, NGUYỄN TUẤN CƯỜNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-2-xu-ly-moi-truong-van-de-song-con-de-san-xuat-hieu-qua-547901