Bài 2: Xây dựng vùng nguyên liệu từ gỗ rừng trồng

Đến hết tháng 11/2018, ngành sản xuất đồ gỗ chính thức xuất siêu hơn 5,3 tỷ USD. Với sức phát triển nhanh như hiện nay, bài toán về đảm bảo nguyên liệu được đặt ra cấp thiết để chính thức xây dựng một ngành kinh tế mũi nhọn.

Nguồn cung gỗ trong nước đáp ứng 75% nhu cầu sản xuất - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Thiếu gỗ chất lượng cao

Theo thống kê hiện nay trên cả nước gần 3 triệu ha rừng sản xuất, nhưng có hơn 1,4 triệu hộ trồng rừng. Bình quân đất rừng/hộ quá nhỏ khiến người trồng rừng phải lấy ngắn nuôi dài, chu kỳ rừng 4-5 năm đã phải khai thác. Bên cạnh đó, một số diện tích đất rừng sỏi đá, quá cằn cỗi cũng khiến rừng trồng khó phát triển.

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), hiện nay nguồn gỗ nguyên liệu trong nước phục vụ cho chế biến của các DN hiện ước chiếm khoảng 75%, chủ yếu vẫn đang là tràm và cao su. Khoảng 25% gỗ nguyên liệu còn lại (chủ yếu gỗ chất lượng cao dùng để phủ - dán bên ngoài sản phẩm) đang phải nhập khẩu (NK).

Ông Huỳnh Văn Hạnh cho rằng, việc NK gỗ, nhất là đối với một số nguồn gỗ nguyên liệu đặc thù mà trong nước không thể sản xuất là yêu cầu tất yếu, nhất là khi ngành công nghiệp gỗ của nước ta đang ngày càng lớn mạnh và đa dạng về sản phẩm. Tuy nhiên, thực trạng đơn điệu về nguồn gỗ nguyên liệu, nhất là gỗ nguyên liệu chủ yếu lại là gỗ nhỏ đang đặt ra yêu cầu cho ngành gỗ Việt Nam và cả cơ chế của Chính phủ phải có một chiến lược dài hơi, bài bản để cải thiện, chú trọng cho trồng rừng gỗ lớn.

Không chỉ ở các xưởng sản xuất nhỏ lẻ, hay các làng nghề, mà ngay tại một DN lớn hàng đầu về sản xuất đồ gỗ như Nhà máy gỗ Hoàng Anh Gia Lai – Hàm Rồng (thuộc Công ty Cổ phần gỗ Hoàng Anh Gia Lai) đóng tại TP. Pleiku cũng vướng phải bài toán nguyên liệu như trên.

Ông Lê Ngọc Dũng, Giám đốc Nhà máy gỗ Hoàng Anh Gia Lai - Hàm Rồng cho biết: “ Hiện nay mỗi ngày nhà máy tiêu thụ bình quân khoảng 300 m3 gỗ nguyên liệu, trong đó gỗ cao su vẫn là chủ lực, chiếm trên 70% và một phần là gỗ tràm (keo) hay một lượng nhỏ gỗ muồng. Các sản phẩm đồ gỗ dân dụng được sản xuất tại NM hiện nay chủ yếu có cốt bên trong là gỗ cao su, bên ngoài phủ gỗ veneer hoặc các loại gỗ NK như xoan đào, sồi trắng...”

Nếu như trước đây, Nhà máy gỗ Hoàng Anh Gia Lai - Hàm Rồng có thể thu mua nguồn gỗ xoan đào tại nhiều địa phương ở Tây Nguyên thì hiện nay, nguồn gỗ xoan đào trong nước cũng đang cạn kiệt dần. Vì vậy, khoảng 15-20% nguồn gỗ chất lượng cao dùng để dán phủ bên ngoài đồ gỗ đều phải NK từ EU hoặc Nam Phi.
“Phải thừa nhận chúng ta có lợi thế về nguồn gỗ giá rẻ như cao su, tràm. Tuy nhiên hiện nay, nguồn gỗ nguyên liệu này lại đa số lại là gỗ nhỏ, nên mất rất nhiều chi phí vào công nghệ cắt ghép, dán. Xu hướng tất yếu của thị hiếu tiêu dùng của ngành gỗ, kể cả trong nước hay XK sẽ càng ngày càng cao và luôn phải thay đổi, nhưng chúng ta nhìn quanh hiện nay cũng chỉ có gỗ cao su, gỗ keo – tràm, các loại gỗ chất lượng đều phải NK rất đắt đỏ” – ông Lê Ngọc Dũng nhận định.

Thực tế nguồn gỗ cao su thanh lý trong nước cũng đang ngày càng khan hiếm. Tại Tây Nguyên, mặc dù là “sân nhà” của Công ty Hoàng Anh Gia Lai – Hàm Rồng nhưng mỗi khi tới kỳ thanh lý vườn cao su, công ty này cũng chịu sự tranh mua hết sức quyết liệt từ các nhà máy chế biến gỗ tới từ các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và cả tận ĐBSCL, nhất là các DN từ Bình Dương, TPHCM...

Cùng với gia tăng chế biến, chất lượng gỗ rừng trồng được đánh giá cao hơn gỗ tự nhiên khi đưa vào sử dụng - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Chế biến gỗ đi lên thì trồng rừng đi lên

Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) hiện nay gỗ rừng trồng đã đáp ứng được khoảng 75% nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, rõ ràng các loài của Việt Nam còn rất nghèo nàn, chỉ khoảng 17 loại gỗ rừng trồng có thể đưa vào sản xuất. Thị trường không chấp nhận sự nghèo nàn đó, sản phẩm cần đa dạng do đó nguyên liệu gỗ cũng cần đa dạng hơn. Một trong những “khoảng trống” có thể bù đắp trong đa dạng và NK nguyên liệu chính là phát triển rừng gỗ lớn.

Hiện nay ở Cà Mau có những mô hình trồng rừng tràm được trồng trên chân đất phù sa than bùn, tới năm thứ 4 thì cho tỉa thưa, thu hàng trăm mét khối gỗ dăm, và chỉ để lại tầm 600-700 cây/ha để trồng rừng gỗ lớn. Rừng gỗ lớn cho tốc độ sinh trưởng rất nhanh, tới năm thứ 6-7 thì đường kính đã trên 35cm, cho sinh khối vô cùng lớn, tới 500 m3 gỗ lớn giá trị cao phục vụ chế biến cùng 300 m3 cành, ngọn làm gỗ dăm, trị giá lên tới 3,7 – 3,8 triệu đồng/cây.

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, một số nơi, người dân đã sáng tạo kết hợp trồng tràm – lúa, tràm – ngô ở giai đoạn đầu sau khi tràm trồng được 20 ngày tuổi thì gieo lúa hoặc kết hợp trồng ngô. Năng suất lúa lên tới 5 tấn/ha, mà tràm cũng lớn như thổi nhờ được hưởng lượng phân bón khi bón cho lúa... Hiện cũng đã có mô hình người dân sáng tạo kết hợp trồng rừng gỗ lớn, sau khi thu hoạch rừng thì trồng nấm linh chi trên gốc cây, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng chỉ trong nửa năm. Có mô hình nông dân trồng 5.000 cây đinh lăng dưới tán rừng ở giai đoạn thiết kế cơ bản, cho thu nhập lên tới 500 triệu đồng/ha...

“Những mô hình, cách làm sáng tạo đó cho thấy chủ trương trồng rừng gỗ lớn không phải là không có cách. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ về vốn, cần nghiên cứu, tổng kết để cho ra đời đa dạng hơn giữa trồng rừng và kết hợp với các hoạt động kinh tế khác, làm sao trồng rừng không chỉ thu lợi từ gỗ, mà còn thu mang lại nhiều nguồn thu khác để tăng thêm thu nhập cho người trồng rừng”, ông Hạnh nhìn nhận.

Tổng cục Phó Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển cũng cho hay: “Tư tưởng của trồng rừng gỗ lớn là lấy hiệu quả kinh tế cao và tính bền vững của nó để thu hút người làm rừng. Để có được rừng gỗ lớn, có thể thực hiện hai giải pháp chính là trồng rừng gỗ lớn bằng giống tốt, thâm canh và chu kỳ khai thác hợp lý; Thứ hai là chuyển hóa rừng trồng hiện có thành rừng gỗ lớn, đang áp dụng với Keo, Bồ đề, Mỡ... Thực tế lịch sử phát triển ngành chế biến gỗ và phát triển rừng cho thấy, công nghiệp chế biến gỗ đi lên sẽ kéo theo nền công nghiệp trồng rừng phát triển.”

Ông Điển cũng khẳng định, hiện nay cả nước đã có 193 nghìn ha rừng sản xuất gỗ lớn là rừng trồng và 94 nghìn ha rừng được chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Theo ngành lâm nghiệp dự kiến, trong giai đoạn 2020 - 2025, lượng gỗ lớn sẽ chiếm 40% trữ lượng gỗ sản xuất cả nước.

Đỗ Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/bai-2-xay-dung-vung-nguyen-lieu-tu-go-rung-trong/353657.vgp