Bài 2: Xây đập ngăn mặn sông Cầu Đỏ, Đà Nẵng sẽ có nguy cơ uống nước nhiễm độc?

Tiếp tục trao đổi với PV Infonet về những nguy cơ nếu xây đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ để lấy nguồn nước thô cho các nhà máy nước Cầu Đỏ, Sân Bay xử lý, cung cấp cho người dân Đà Nẵng sử dụng, chuyên gia Huỳnh Vạn Thắng nêu ra các hướng giải quyết!

PV: Là chuyên gia hàng đầu về tài nguyên nước, thủy lợi, PCLB… ở miền Trung và từng là Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng, trong phần đầu cuộc trả lời phỏng vấn Infonet chiều 14/11, ông đã nêu ra nhiều nguy cơ khẳng định không nên xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ để lấy nước thô cho Nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ. Nhưng nếu không xây con đập này thì làm sao đảm bảo đủ nguồn để cung cấp nước sạch cho TP Đà Nẵng, thưa ông?

Chuyên gia Huỳnh Van Thắng trả lời phỏng vấn Infonet chiều 14/11 (Ảnh: HC)

Chuyên gia Huỳnh Van Thắng trả lời phỏng vấn Infonet chiều 14/11 (Ảnh: HC)

Ông Huỳnh Vạn Thắng: Nếu Hà Nội tiếc kinh phí thì họ có thể lấy nước mặt sông Hồng ngay tại Hà Nội để uống, nhưng họ có lấy đâu mà phải “đau khổ” lên tới sông Đà lấy nước về. Tuy tốn kém thêm một tí nhưng đảm bảo chất lượng vì sức khỏe của người dân. Để xây dựng đường ống đưa nước từ sông Đà về, Hà Nội cũng đã phải chịu nhiều sự cố “đau đớn” chứ đâu có dễ.

Thế nhưng Hà Nội vẫn chấp nhận bằng mọi giá để lấy nước sông Đà về cho dân uống chứ không lấy nước ngay tại Hà Nội. Tương tự, TP.HCM cũng có lấy nước từ nguồn tại chỗ đâu mà lên tới tận tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai lắp đặt đường ống dẫn nước về. Cũng phải đi xa tới 60 – 70km nhưng đảm bảo chất lượng nguồn nước phục vụ cho người dân.

Vì vậy tôi cho rằng đã đến lúc Đà Nẵng cần đặt vấn đề không tiếp tục lấy nước sông Cầu Đỏ cung cấp cho người dân TP về lâu dài mà phải khẩn trương làm ngay NMN Hòa Liên 120.000m3/ngày. Và cùng với đó, cần xem xét phương án xây dựng thêm NMN mới 120.000m3/ngày ở khu vực Hòa Tiến hoặc Hòa Phước phía thượng lưu An Trạch, để phục vụ luôn cho khu vực phía Nam và phía Tây Nam TP. Trước mắt, lấy nước ở đó sẽ sạch hơn.

Nhưng trong tương lai, sau năm 2030 đến 2050 thì từ thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) xuống tới Hòa Khương (Hòa Vang, Đà Nẵng) cũng sẽ là vùng đô thị lớn. Lúc đó nguồn nước tại An Trạch cũng sẽ có nguy cơ bị bẩn, và Đà Nẵng phải tính tới việc chuyển lên lấy nước sông Vu Gia ở phía trên Ái Nghĩa, chẳng hạn lấy nước ở vùng Hà Nha.

Lấy nước ở Hà Nha sẽ sạch, an toàn, khoảng cách cũng không phải quá xa. Từ Đà Nẵng lên tới Ái Nghĩa chỉ 30 cây số; từ An Trạch lên Ái Nghĩa chỉ 20 cây số cộng thêm 10 cây số lên tới Hà Nha cũng chỉ 30 cây số, không ăn thua gì so với Hà Nội lấy nước từ sông Đà cách 50 – 60 cây số, TP.HCM lấy nước từ Tây Ninh, Đồng Nai cách 60 – 70 cây số.

Hiện giờ NMN Cầu Đỏ lấy nước trên sông Cầu Đỏ thì còn có thể chấp nhận được, nhưng về lâu dài sẽ không còn phù hợp nữa. Khi khu vực đô thị Tây Nam mở ra thì vùng Cầu Đỏ bây giờ cũng sẽ là vùng trung tâm TP. Ai lại đi lấy nước ở trung tâm TP về uống, lỡ có ai đó phát hiện có chất độc hại gì trong nguồn nước thì rất nguy hiểm!

Tôi khẳng định lại, không việc gì Đà Nẵng cứ tiếp tục lấy nước ở sông Cầu Đỏ về uống. Sau này không chỉ nhà nước mới đi xét nghiệm đâu mà nếu có nghi vấn thì tư nhân cũng được quyền, cá nhân cũng được quyền lấy mẫu nước đi xét nghiệm. Nếu họ xét nghiệm có chất độc hại và công bố lên thì lúc đó sẽ ra sao, anh cứ hình dung đi!

Chưa kể, nếu xây đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ thì sẽ bỏ trạm bơm phòng mặn An Trạch à? Năm 2001, Đà Nẵng bắt đầu nhiễm mặn do sông Vu Gia bị cắt dòng, chuyển nước về sông Thu Bồn để thủy điện Đăk Mi 4 phát điện, nên năm 2002 – 2003 TP tiến hành xây trạm bơm phòng mặn An Trạch. Tôi không nhớ cụ thể kinh phí xây dựng bao nhiêu nhưng so với bây giờ thì lớn lắm. Mới hoạt động mấy năm mà bỏ đi thì sẽ lãng phí xã hội cực kỳ lớn!

PV: Nhiều người cho rằng nếu không có thủy điện Đăk Mi 4 thì sẽ không có vấn đề gì đối với việc cung cấp nước sạch cho Đà Nẵng, và chính quyền TP cũng chẳng cần phải băn khoăn lựa chọn giải pháp xử lý gì cả. Từng nhiều năm lăn xả trong cuộc đấu tranh với thủy điện Đăk Mi 4 để giành lại nguồn nước cho người dân Đà Nẵng, ông nghĩ gì về ý kiến này?

Ông Huỳnh Vạn Thắng: Đúng vậy! Thực ra nếu không có thủy điện Đăk Mi 4 thì sẽ không có vấn đề gì đối với việc cấp nước của Đà Nẵng cả. Trước đây thi thoảng một năm có chừng vài ngày nhiễm mặn nhưng chấp nhận được và nước sông Vu Gia đổ về sẽ nhanh chóng đẩy mặn. Không có Đăk Mi 4 thì Đà Nẵng thừa nước để dùng, trước đây đã không phải xây trạm bơm phòng mặn An Trạch chứ đừng nói phải tính tới các giải pháp như tôi đề cập.

Nhưng bây giờ không còn là lúc để nói chuyện “nếu không có thủy điện Đăk Mi 4” nữa, mà phải tính toán về chất lượng nguồn nước lâu dài. Theo tôi, chỉ chừng 5 – 10 năm nữa thôi thì sông Túy Loan sẽ chịu không nổi và bị ô nhiễm rất nặng, không thể tiếp tục lấy nước ở đó để dùng được. Nên Đà Nẵng phải tính toán việc lấy nước dần ở phía thượng nguồn sông Vu Gia.

NMN Cầu Đỏ có thể vẫn ở tại chỗ, nhưng nguồn nước thô không lấy ở Cầu Đỏ nữa mà lấy nơi khác đưa về xử lý. Hoặc TP xây dựng tiếp các NMN ở thượng nguồn An Trạch. Nói gì thì nói, công nghệ xử lý có hiện đại tới mấy chăng nữa thì trước hết nguồn nước phải sạch. Vì sức khỏe của người dân, bắt buộc phải tìm nguồn nước sạch chứ không thể đùa được. Không thể cứ hô lên: “Thiếu nước hả? Thiếu nước thì đắp đập chặn nước!”.

Tôi xin hỏi, đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ nằm ở phía hạ lưu thì chặn nước thế nào nếu ở đập An Trạch ở phía thượng lưu cũng thiếu nước? Một khi phía thượng nguồn thiếu nước thì anh có xây đập chặn ở sông Cầu Đỏ cũng chẳng có nước. Đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ chỉ ngăn được mặn nhiễm vào thôi chứ không thể làm tăng được nước từ thượng lưu xuống, nên thiếu nước thì vẫn cứ thiếu.

Cũng có nghĩa nếu xây đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ thì TP Đà Nẵng cũng chỉ mới giải được một nửa bài toán về tình trạng thiếu nước. Mới giải được nửa bài toán, thiếu nước vẫn hoàn thiếu nước, mà lại gây ra rất nhiều hệ lụy về môi trường sinh thái, đặc biệt là đối với an toàn sức khỏe của người dân, thì liệu có nên làm hay không?

PV: Xin cám ơn ông đã dành cho Infonet cuộc trao đổi này!

HẢI CHÂU (thực hiện)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bai-2-xay-dap-ngan-man-song-cau-do-da-nang-se-co-nguy-co-uong-nuoc-nhiem-doc-post281962.info