Bài 2. Tiềm năng và triển vọng: Cơ hội vàng cho các doanh nhân

Nhằm tiếp tục giúp bạn đọc có thêm nguồn thông tin hữu ích, tìm cơ hội kinh doanh thành công, Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết tiếp theo rút tỉa từ nghiên cứu của TS. Đinh Công Hoàng, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, bàn về triển vọng hợp tác thương mại-kinh tế Việt Nam-Israel.

Nguồn: Internet.

Nguồn: Internet.

Dựa trên điều kiện và tình hình phát triển của hai nước, Việt Nam và Israel còn rất nhiều tiềm năng hợp tác về thương mại và đầu tư song phương.

Tiềm năng cần đánh thức

Những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Israel là: Đá quý, kim loại quý, dược phẩm, thiết bị quang học, kỹ thuật, y tế, các loại hóa chất, phân bón, dụng cụ kim loại (dao kéo, đồ dùng cầm tay), vũ khí, đạn dược, thiết bị quân sự, máy móc, thiết bị điện, linh kiện, chi tiết máy bay, tàu vũ trụ, sản phẩm hóa chất vô cơ.

Israel có các tập đoàn lớn trong các lĩnh vực: sản xuất dược phẩm, sản xuất thiết bị hàng không vũ trụ, công nghệ nông nghiệp. Trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm, Israel có tập đoàn dược phẩm Teva là một trong những công ty dược phẩm lớn nhất thế giới, với khoảng 40.000 nhân viên, chuyên về dược phẩm thông dụng, nắm giữ độc quyền với một số nhóm thuốc hoạt tính. Đây cũng là một trong 15 công ty dược phẩm lớn nhất thế giới.

Trong công nghiệp hàng không và quốc phòng, Israel có Israel Aerospace Industries là nhà sản xuất các sản phẩm hàng không, vũ trụ và quốc phòng.

Trong nông nghiệp, Israel có các doanh nghiệp chủ chốt như Adama Agricultural Solutions là doanh nghiệp cung cấp giải pháp thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch; Agrexco, Carmel Agrexco, Plasson là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và cung cấp giải pháp đóng gói, bảo quản; Netafim, Plastro Irrigation Systems là các doanh nghiệp cung cấp giải pháp tưới; Strauss Group, Tara, Tnuva là các nhà sản xuất và cung cấp công nghệ trong ngành chăn nuôi và sữa; Israel Chemicals là nhà sản xuất phân bón và chế phẩm nông nghiệp.

Bảng 3: Kim ngạch các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Israel năm 2018

Nguồn: Intracen, 2018

Israel có các trường đại học nằm trong top chất lượng cao của thế giới, có năng lực đào tạo lao động ở đẳng cấp thế giới, lao động tốt nghiệp đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế trong một số ngành chất lượng cao.

Theo xếp hạng QS World University Rankings, Israel có một số trường hàng đầu như: Tel Aviv University nằm trong top 100 trường đại học trong các lĩnh vực khoa học máy tính, toán, tâm lý học, kinh tế; Học viện Công nghệ Israel (Technion-Israel Institute of Technology) được đánh giá nằm trong top 100 viện công nghệ tốt nhất thế giới trong các lĩnh vực khoa học máy tính, toán và các ngành kỹ thuật; Đại học Ben-Gurion (Ben-Gurion University of the Negev), Đại học Bar-Ilan (được xếp hạng trong phạm vi 551-600 trong năm 2018) và Đại học Haifa (xếp hạng 601-650) là những đại học nằm trong top 600 trường đại học tốt nhất.

Hệ thống đào tạo Israel có thế mạnh về đào tạo khoa học và kỹ thuật công nghệ, có thể cung cấp các khóa học trong các ngành kỹ thuật máy tính, lập trình, khoa học tự nhiên, kỹ thuật điện, điện tử, quang học, hàng không, thiết kế, hóa học, công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp.

Trong lĩnh vực công nghệ, Israel có thế mạnh trong sáng tạo công nghệ với chính sách hỗ trợ hợp lý của chính phủ và khả năng nuôi dưỡng một hệ sinh thái khởi nghiệp luôn năng động. Tel Aviv là nơi có gần 1.000 công ty khởi nghiệp - hay 19 công ty khởi nghiệp trên mỗi km vuông, cùng với khoảng 50 trung tâm R&D quốc tế thuộc sở hữu của một loạt tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Amazon, Facebook, Google, Apple, Cisco, Dell, eBay, Alibaba, Qualcomm, Nvidia, Microsoft, IBM, HP, Broadcom, ARM… Có thể nói Israel là trung tâm công nghệ của khu vực Trung Đông.

Hệ sinh thái sáng tạo công nghệ của Israel là nơi cung cấp ý tưởng và giải pháp công nghệ cho các tập đoàn lớn, và vì vậy cung cấp giải pháp công nghệ cho cả thế giới. Vì vậy, trong mối quan hệ với Việt Nam, Israel có lợi thế về năng lực công nghệ, giải pháp công nghệ. Đây cũng là yếu tố mà Việt Nam muốn tận dụng từ phía Israel.

Kinh tế Việt Nam và Israel mang tính bổ sung cho nhau. Mặc dù nền kinh tế Israel được ứng dụng nhiều thành tựu công nghệ nhưng năng lực sản xuất của nước này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, nên Israel vẫn phải nhập khẩu lương thực, thực phẩm và đồ uống, hàng tiêu dùng và nhiều nguyên liệu công nghiệp.

Nhiều mặt hàng thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như hàng thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, nhựa, cao su, linh kiện thiết bị điện, điện tử … vẫn còn nhiều tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Israel. Ngược lại, Isarel có thế mạnh đối với công nghệ cao, khởi nghiệp, giáo dục, vũ khí và còn là thị trường cầu nối tới thị trường Trung Đông và Hoa Kỳ …

Triển vọng hợp tác thương mại và đầu tư

Về triển vọng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Israel: Do đặc điểm diện tích tương đối nhỏ, khí hậu khô nóng, dân số ít nên nền kinh tế Israel có xu hướng hướng đến công nghiệp công nghệ cao, nhóm các ngành chế biến chế tạo và phần mềm, là những ngành có thể phát triển trong điều kiện nhà, xưởng.

Việt Nam có nhiều triển vọng xuất khẩu hàng hóa sang Israel. Nguồn: TTXVN.

Với lực lượng lao động tương đối ít, Israel ít có điều để phát triển rộng rãi các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày và các ngành gia công cần nhiều nhân lực, trong khi Việt Nam lại có thế mạnh trong những ngành này. Vì vậy, Việt Nam có thể cung cấp cho Israel nhiều sản phẩm thuộc một số ngành mà Israel cần như: cung cấp linh kiện điện tử phục vụ cho công nghiệp và dân dụng, cao su, nhựa; nhóm hàng thực phẩm như: các loại nông sản tiêu dùng như cà phê, điều; nhóm sản phẩm tiêu dùng như: sản phẩm dệt may, giày dép, đồ gỗ, thiết bị điện gia dụng.

Nhờ FTA, các mặt hàng có lợi thế của Việt Nam như may mặc có thể tạo ra xu thế chuyển hướng thương mại, thay thế hàng may mặc từ các quốc gia chưa có FTA với Israel và chiếm lĩnh được thị trường Israel.

Mặt hàng may mặc Việt Nam vốn đã có ưu thế về giá, khả năng đáp ứng đa dạng thị hiếu, mẫu mã có thể thâm nhập được vào một thị trường “ngách” như Israel.

Triển vọng nhập khẩu của Việt Nam từ Israel: Khi FTA song phương đi vào thực hiện, các mặt hàng công nghệ nhập khẩu từ Israel đến Việt Nam có thể rẻ đi đáng kể so với các mặt hàng công nghệ tương tự mà Việt Nam hiện phải nhập khẩu từ các nước khác.

Do đó, có cơ sở để kỳ vọng hiện tượng chệch hướng thương mại sang phía Israel của thị trường Việt Nam có thể xảy ra đối với một số mặt hàng nhất định. Những mặt hàng của phía Israel có triển vọng sẽ gia tăng được kim ngạch xuất khẩu vào Việt Nam gồm:Tthuốc và thiết bị y tế, thiết bị điện tử, thiết bị quang học, thiết bị công nghệ trong ngành nông nghiệp, phân bón và chế phẩm nông nghiệp, trang thiết bị quân sự.

Điều này là có lợi cho cả Việt Nam và Israel. Ngoài ra, Israel có thể cung cấp các dịch vụ có thể được triển khai trên nền tảng mạng cho các đối tác phía Việt Nam, như: dịch vụ bảo mật, an toàn thông tin, chính phủ điện tử, giải pháp thành phố thông minh, tài chính.

Về hợp tác đầu tư: Các nhà đầu tư Israel có thể tìm thấy ở Việt Nam nhiều cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực như: sản xuất công nghiệp trong các lĩnh vực mà Israel có thế mạnh như: dược phẩm, hóa chất, phân bón, điện, điện tử và nhiều ngành có tiềm năng tại Việt Nam như bất động sản văn phòng, bất động sản nhà ở, bất động sản du lịch, dịch vụ tài chính.

Doanh nhân Israel có thể xem Việt Nam như một nơi đầu tư và định cư lâu dài. Các nhà đầu tư Israel có thể xem Việt Nam như khu vực gia công sản xuất tin cậy, cho phép xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á, Hoa Kỳ, Châu Âu.

Dựa trên ưu thế của Israel và nhu cầu, tiềm năng của Việt Nam, có nhiều lĩnh vực đầu tư mà đối tác hai nước có thể triển khai, như:

Đầu tư sản xuất công nghiệp: Phía Israel có nhiều công ty có thế mạnh công nghệ và nghiên cứu. Những ngành sản xuất mà Israel có thế mạnh gồm: sản xuất hóa chất mà nổi bật là muối, hóa dược, sản xuất dược phẩm, hoạt chất trong thuốc, sản xuất thiết bị hàng không, thiết bị y tế, thiết bị điện, vũ khí, trang bị quân sự công nghệ cao, nông sản.

Tuy nhiên, Israel lại phụ thuộc lớn vào nguồn nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu từ bên ngoài, thiếu nhân lực để đa dạng hóa nền kinh tế. Trong khi đó, Việt Nam có nguồn nhân lực lớn, nhiều doanh nghiệp tại Việt nam có nhu cầu nhập khẩu thiết bị và giải pháp công nghệ phục vụ sản xuất, nhất là trong các ngành chế biến nông sản, bảo quản, sản xuất thiết bị công nghệ cao, thiết bị điện tử. Vì vậy đây là lĩnh vực tiềm năng mà hai bên có thể hợp tác.

Phía Israel và Việt Nam đều có năng lực về công nghệ thông tin, đều quan tâm và dành nhiều ưu đãi cho khởi nghiệp sáng tạo. Israel được xem là một thung lũng silicon quan trọng của thế giới, hàng trăm công ty công nghệ có cơ sở tại Tel Aviv, hàng năm hàng trăm triệu USD được đầu tư vào R&D tại đây nhằm tìm kiếm các ý tưởng mới.

Cộng đồng khởi nghiệp tại Israel được xem là một nguồn cung ý tưởng và giải pháp cho các tập đoàn công nghệ. Các doanh nghiệp CNTT Israel làm việc cho nhiều tập đoàn có vốn lớn, nguồn nhân lực trong ngành này tại Israel hiện đang thiếu hụt. Trong khi đó, Việt Nam có nguồn nhân lực CNTT ngày càng đông đảo, có thể cung cấp cho Israel nguồn nhân lực và lực lượng hỗ trợ. Vì vậy, hai bên có có thể trao đổi, hợp tác để cùng phát triển.

Đầu tư sản xuất nông sản: đây là lĩnh vực mà hai bên đang hợp tác cùng nhau, khả năng mở rộng phạm vi hợp tác là rất lớn, bởi Việt Nam có nền nông nghiệp đa dạng, tiềm năng sử dụng công nghệ vào nông nghiệp còn rất lớn. Các cơ quan hoạch định chính sách Việt Nam cũng mong muốn tìm kiếm đối tác có khả năng hỗ trợ giúp nông nghiệp Việt Nam hiện đại hóa, vươn tầm ra thế giới.

Trong khi đó, công nghệ nông nghiệp của Israel đã được chứng minh là hiệu quả tại nhiều dự án ở Việt Nam. Vì vậy, tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn, phía Israel có tiềm năng đầu tư vào Việt Nam để tăng khả năng cung cấp giải pháp trên diện rộng hơn tại Việt Nam và khu vực.

Đầu tư vào các ngành công nghiệp thiết bị điện tử. Công nghiệp công nghệ cao Việt Nam hiện đang ở giai đoạn đa dạng hóa, đang có ngày càng nhiều nhà sản xuất điện tử đặt nhà máy tại Việt Nam như Samsung, LG, Hitachi, Cannon, Panasonic với các chủng loại sản phẩm điện tử ngày càng đa dạng. Các nhà sản xuất và công ty công nghệ Israel có thể tìm thấy cơ hội cung cấp giải pháp công nghệ cho chuỗi giá trị điện tử ở Việt Nam và thực hiện các dự án đầu tư để có thể hiện thực hóa khả năng gia nhập chuỗi giá trị này.

Đầu tư vào bất động sản văn phòng, bất động sản nhà ở, bất động sản công nghiệp, du lịch. Thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá sẽ duy trì tăng trưởng trong dài hạn, bất động sản cũng là ngành mà dòng vốn FDI đổ vào nhiều nhất chỉ sau lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trên thực tế, đã có nhà đầu tư Israel đầu tư hàng trăm triệu USD vào bất động sản du lịch tại Việt Nam. Các nhà đầu tư Israel có thể cùng tham gia vào lĩnh vực đầy tiềm năng này của Việt Nam.

Về một số lĩnh vực cụ thể

Trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Việt Nam và Israel còn nhiều tiềm năng hợp tác trong nông nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ phục vụ nông nghiệp. Với thế mạnh là quốc gia công nghệ, Israel có nhiều công ty nông nghiệp xuất khẩu nông sản và cung cấp giải pháp đóng gói, bảo quản, cung cấp giải pháp tưới, sản xuất và cung cấp công nghệ trong ngành chăn nuôi và sữa, sản xuất phân bón và chế phẩm nông nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp sở hữu công nghệ nông nghiệp, có kinh nghiệm trong triển khai công nghệ vào nông nghiệp, có mối quan hệ thị trường, có tiềm năng trở thành đối tác tốt của phía Việt Nam.

Hợp tác với các doanh nghiệp Israel, sản phẩm của Việt Nam có tiềm năng nâng cao chất lượng để mở rộng hơn thị phần tại Châu Âu và khu vực Trung Đông. Đồng thời, các doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp Israel có mối liên hệ rộng rãi với nhiều doanh nghiệp nông nghiệp lớn cũng là cơ hội để phía Việt Nam tiếp cận với môi trường làm việc quốc tế, mở rộng mối quan hệ.

Sau khi FTA giữa hai nước được ký kết, rào cản thuế quan với nhiều chủng loại hàng hóa, trong đó có sản phẩm công nghệ từ Israel vào Việt Nam được hạ thấp, sản phẩm của Israel sẽ có sức cạnh tranh tốt hơn tại Việt Nam.

Dựa trên thế mạnh của phía Israel và nhu cầu từ phía Việt Nam, một số lĩnh vực nông nghiệp có triển vọng mà Việt Nam và Israel có thể hợp tác sau khi FTA Việt Nam – Israel được ký kết gồm: Công nghệ tưới, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, phân bón chuyên biệt, công nghệ giống, đặc biệt là các giống mà hai bên cùng quan tâm là giống cây trồng phát triển trong môi trường khô hạn, chế phẩm nông nghiệp, hợp tác sản xuất nông sản tại Việt Nam để cung cấp cho thị trường Việt Nam hoặc cung cấp cho bên thứ ba.

Bên cạnh đó là công nghệ trồng cây ăn quả, chăn nuôi bò sữa, sản phẩm sau sữa, bò thịt, sơ chế rau quả, chế biến các loại hạt, hợp tác trong thương mại và phân phối nông sản, hình thành chuỗi cung ứng nông sản.

Về công nghệ thông tin, Chính phủ Israel có kinh nghiệm trong xây dựng chính sách dành cho đối tượng khởi nghiệp, trong xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong khi hỗ trợ khởi nghiệp là lĩnh vực mà Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam hiện rất quan tâm.

Vì vậy, từ góc độ quản lý nhà nước, phía Israel và Việt Nam có thể hợp tác chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Ở chiều ngược lại, thông qua chia sẻ kinh nghiệm quản lý, doanh nghiệp công nghệ, phần mềm, phía Israel có thể tìm hiểu cộng đồng doanh nghiệp CNTT Việt Nam để tận dụng nguồn lao động CNTT trẻ và tương đối dồi dào của Việt Nam để hỗ trợ cho doanh nghiệp Israel.

Dù là quốc gia nhỏ bé với chỉ 8,62 triệu người nhưng Israel là nơi có hơn 300 công ty công nghệ trên toàn cầu quy tụ, từ những tập đoàn lớn như IBM, Intel, Microsoft, Motorola, Cisco đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến từ Châu Âu...

Từ năm 2014 đến nay, có ít nhất 117 công ty từ 21 quốc gia chọn Israel làm điểm đến thành lập các trung tâm R&D. Các công ty lớn và nhỏ đầu tư tại đây với mong muốn tận dụng hệ sinh thái khởi nghiệp hiện có hơn 6.000 startup của Israel.

Cũng vì mật độ doanh nghiệp cao, Israel hiện thiếu hụt trầm trọng nhân lực có chất lượng trong ngành CNTT. Bản bảo cáo thường niên của Ngân hàng Trung ương Israel đã chỉ ra, cầu về nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao tại quốc gia này vượt xa so với nguồn cung. Với tổng lao động công nghệ cao dưới 300.000 người, Israel hiện phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khoảng 15.000 kỹ sư lành nghề. Các doanh nghiệp Israel và chi nhánh của các công ty đa quốc gia tại đây đã có xu hướng thuê ngoài nhân lực nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu.

Ở lĩnh vực gia công phần mềm, Việt Nam lại là một trung tâm gia công phần mềm mới nổi lên. Với nguồn nhân lực trẻ và tương đối dồi dào, Việt Nam đã và đang làm gia công phần mềm cho nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc như Hitachi, Samsung, LG… và trong các hệ sinh thái của Google, Facebook, Alibaba. Hàng năm, các trường đào tạo CNTT của Việt Nam có thể cung cấp thêm 20-50 nghìn nhân lực CNTT mới.

Để nhân lực CNTT Việt Nam phù hợp với yêu cầu từ phía Israel, các trường đào tạo và các doanh nghiệp CNTT cần chủ động liên hệ tìm hiểu yêu cầu của đối tác phía Israel để có kế hoạch đào tạo phù hợp.

Mặt khác, các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp Israel và Việt Nam đều có thể nghiên cứu hệ sinh thái khởi nghiệp của nhau để cùng tìm kiếm cơ hội và hợp tác. Phía Israel có thể xem Việt Nam như một điểm nhận gia công tốt giúp giảm chi phí, phía Việt Nam có thể cùng hợp tác với phía Israel trong thực hiện các dự án CNTT để cung cấp cho bên thứ ba, hoặc tìm kiếm ý tưởng, giải pháp cho mình từ cộng đồng khởi nghiệp Israel. Bên cạnh đó, nhà đầu tư hai bên có thể đầu tư vào các dự án khởi nghiệp của nhau do cả hai nước đều có các quỹ đầu tư mạo hiểm, cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đang hoạt động.

Về hợp tác trong giáo dục và đào tạo, Israel có hệ thống đào tạo tiên tiến trong các lĩnh vực như: thiết kế điện, điện tử, lập trình phần mềm, hóa dược, công nghệ nông nghiệp. Các trường đại học của Israel có thế mạnh về sáng tạo công nghệ, tỷ lệ bằng sáng chế/dân số của Israel trong một thập kỷ vừa qua thuộc hàng cao nhất thế giới, xếp trên cả Mỹ và các quốc gia Châu Âu.

Trong lĩnh vực đào tạo, Việt Nam và Israel đã hợp tác với nhau về đào tạo thực tập sinh nông nghiệp, trong 5 năm gần đây, số lượng thực tập sinh nông nghiệp người Việt tại Israel thuộc hàng đông đảo nhất. Các thực tập sinh Việt Nam từng học tập và làm việc tại Israel khi về nước đã trở thành đội ngũ kỹ thuật viên có vai trò trọng yếu trong các dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.

Hợp tác đào tạo giữa Việt Nam và Israel còn nhiều tiềm năng, nhất là trong các lĩnh vực đào tạo mà Israel có năng lực như: Đào tạo công nghệ thông tin, thiết kế mạch tích hợp, thiết kế chế tạo thiết bị quang học, y tế, linh kiện, thiết bị hàng không. Trong đó, đào tạo lập trình viên và thiết kế mạch tích hợp là những lĩnh vực hợp tác khả thi ngay trong giai đoạn trước mắt do nhu cầu của phía Việt Nam trong lĩnh vực này đang có xu hướng nhiều hơn.

Vì vậy, sau khi hiệp định FTA giữa hai nước có hiệu lực, các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu và doanh nghiệp của hai nước có thể tìm hiểu và hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng này.

Về hợp tác lao động, Việt Nam và Israel đều có nhu cầu hợp tác trong lĩnh vực lao động. Phía Israel có nhu cầu tiếp nhận lao động phổ thông trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nhân công nghiệp, xây dựng.

Trong khi đó Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lao động, lao động Việt Nam có nhu cầu, có khả năng và phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của phía Israel. Ngược lại, phía Việt Nam có nhu cầu tiếp nhận lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp, bảo mật, thiết kế mạch tích hợp, là những lĩnh vực mà phía Israel có thế mạnh và có thể hợp tác. Dựa trên điều kiện và tình hình phát triển của hai nước, Việt Nam và Israel còn rất nhiều tiềm năng hợp tác về thương mại và đầu tư song phương.

TS. Đinh Công Hoàng

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/y-kien/bai-2-tiem-nang-va-trien-vong-co-hoi-vang-cho-cac-doanh-nhan-6532.html