Bài 2: Thi giáo viên dạy giỏi - Cần nhưng phải thực chất

Nhiều ý kiến cho rằng vẫn nên duy trì hội thi giáo viên dạy giỏi, tuy nhiên nên có những sửa đổi để thực chất và hiệu quả hơn.

Mọi hoạt động giáo dục phải đi vào thực chất qua từng tiết học. Ảnh: Hữu Cường

Mọi hoạt động giáo dục phải đi vào thực chất qua từng tiết học. Ảnh: Hữu Cường

Đơn giản quy trình tổ chức

Làm việc trong lĩnh vực giáo dục nhiều năm, đặc biệt là giáo dục mầm non và từ thực tiễn quản lý giáo dục, TS Nguyễn Thị Thanh – Hiệu trưởng Trường Mầm non thực hành Hoa Sen (Hà Nội) - cho rằng việc duy trì các hội thi giáo viên dạy giỏi là cần thiết.

Lý do TS Nguyễn Thị Thanh đưa ra là hội thi giáo viên giỏi nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua nâng cao chất lượng dạy – học trong nhà trường và toàn ngành, nhằm góp phần xây dựng, nâng cao chất lượng hiệu quả đội ngũ giáo viên. Hội thi là “sân chơi” thực sự bổ ích, thiết thực để các thầy, cô giáo gặp gỡ, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau và thể hiện năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của mình được đúc kết qua một quá trình công tác, giảng dạy.

“Qua thực tiễn quản lý, hỗ trợ giáo viên tham gia hội thi giáo viên giỏi, tôi nhận thấy, nhiều giáo viên trở nên tự tin, vững vàng, trưởng thành hơn trong công tác chuyên môn qua lần tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh. Sự trưởng thành về nghề nghiệp của nhiều giáo viên có sự đóng góp của các cuộc thi giáo viên dạy giỏi”TS Nguyễn Thị Thanh chia sẻ.

Kết quả của hội thi không phải là điểm số, các giải thưởng, giấy khen mà chính là việc giáo viên có thêm những kinh nghiệm tốt, học tập được các phương pháp mới từ đồng nghiệp, trường bạn áp dụng vào trường, lớp của mình. Hội thi cũng khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp giáo dục, tổ chức môi trường học tập cho học sinh theo hướng phát triển các hoạt động, phát huy tính tích cực, sáng tạo, tự tin của học sinh.

Để hội thi thiết thực, hiệu quả hơn, TS Nguyễn Thị Thanh kiến nghị Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu qui định và hướng dẫn tổ chức hội thi gọn nhẹ, thực chất, khuyến khích các ý tưởng sáng tạo áp dụng trong tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ em.

Quy trình tổ chức nên đơn giản hơn. Phần thi thực hành có thể giữ nguyên. Tuy nhiên, phần thi lý thuyết nên thay bằng báo cáo biện pháp đã thực hiện có hiệu quả nhất trong công tác giáo dục học sinh tại nhà trường, để hạn chế áp lực cho giáo viên phải học thuộc lòng rất nhiều văn bản, quy định, con số, tài liệu…

Tay nghề giỏi là đỉnh cao của một công việc phải phát huy, nhất là nghề dạy học. Ảnh minh họa/ INT

Sáng kiến kinh nghiệm không cần có trong hội thi giáo viên dạy giỏi

Bày tỏ quan điểm cá nhân cho rằng, Hội thi giáo viên dạy giỏi là cần thiết, cần được duy trì và phát huy, NGƯT Tô Ngọc Sơn – chuyên viên Sở GD&ĐT Đồng Tháp – cho rằng: Giáo viên giỏi hay giáo viên dạy giỏi là giá trị của một việc, một ngành nghề. Tay nghề giỏi là đỉnh cao của một công việc phải phát huy, nhất là nghề dạy học. Có như thế mới đáp ứng được xu thế phát triển, theo kịp với thời đại.

Thầy giáo giỏi, nhất định và chắc chắn sẽ sản sinh ra học trò giỏi. Thi đua là áp lực. Tất cả đều nhìn thấy rõ như vậy. Nhưng với ngành nghề, không thi đua thì không có sự sáng tạo. Trong học tập, không thi đua thì đâu cần phải xếp loại.

Để chuẩn bị cho năm học mới, theo NGƯT Tô Ngọc Sơn, mỗi thầy cô đều phải xây dựng trong kế hoạch năm học của cá nhân những việc cần làm và phải làm. Tất cả nội dung trong kế hoạch đều hướng tới mục đích hoàn thành nhiệm vụ năm học, được đánh giá tốt chuẩn nghề nghiệp giáo viên, xếp loại cao trong việc xếp loại viên chức, công chức…

Việc làm này là cơ sở, là chìa khóa để mở cửa, đón nhận kết quả một giáo viên giỏi trong tương lai. Những tiêu chí, những quy định trong Luật Giáo dục đã đủ để mỗi giáo viên được ghi nhận là một giáo viên giỏi. Như vậy, trên những quy định, những tiêu chí mà ngành sẵn có, nên khuyến khích và lựa chọn những người đạt được thành tích để tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi.

Hằng năm mỗi giáo viên giảng dạy còn phải được tham gia những đợt thanh tra, kiểm tra, dự giờ, thăm lớp… Kết quả ấy cần phải có giá trị và được ghi nhận, bảo lưu. Kết quả giảng dạy thường xuyên được ghi nhận là tốt rồi thì hãy lấy đó làm cơ sở của một tiết dạy dự thi giáo viên dạy giỏi.

NGƯT Tô Ngọc Sơn cũng cho rằng: Trong hội thi giáo viên dạy giỏi, Ban tổ chức và Hội đồng Ban giám khảo là những nhà giáo dạy giỏi trước đây cần phải đến tận nơi giáo viên dự thi để dự thêm một tiết dạy nữa, gọi là xác thực kết quả đã được ghi nhận nếu đạt tiết dạy tốt thì được công nhận giáo viên dạy giỏi. Việc đến tận nơi trường lớp giáo viên giảng dạy có ý nghĩa rất tích cực. Ban tổ chức có dịp thị sát thực tế tại địa phương, đóng góp nhiều ý kiến cho địa phương, cũng là dịp để nhà trường chỉn chu bộ mặt trường lớp, giáo viên của trường được giao lưu, chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn…

Đặc biệt, sáng kiến kinh nghiệm không cần có trong hội thi giáo viên dạy giỏi. Hãy bổ sung nội dung sáng kiến kinh nghiệm vào trong tiêu chí thi đua, tiêu chí đánh giá xếp loại viên chức, công chức. Ghi nhận kết quả giáo viên dạy giỏi cần phải được tổng hợp tất các kết quả trong quá trình giảng dạy một năm học. Thời gian ghi nhận giáo viên dạy giỏi phải được tiến hành vào cuối năm học và được trao tặng ngay trong buổi lễ tổng kết năm học.

“Sự tổng hòa các kết quả của cả một quá trình vừa thực vừa gọn nhẹ, chất lượng và chắc chắn không phải là diễn. Hội thi giáo viên dạy giỏi như vậy không chỉ giúp giáo viên nâng cao tay nghề mà còn tạo thói quen nền nếp, rèn luyện thêm cho giáo viên các kỹ năng cần thiết như xây dựng kế hoạch, thiết kế công việc, nâng giá trị đạo đức nhà giáo, đạo đức công vụ…

Kết quả thi đua phải được ghi nhận, trưng dụng và phát huy. Cần phải có thứ bậc của những giá trị thi đua trong việc xét chọn, tuyển dụng hay sắp xếp vị trí việc làm. Có như thế mới kích cầu, mới tiến bộ và mới đáp ứng được xu thế phát triển của thời đại 4.0” - NGƯT Tô Ngọc Sơn nêu quan điểm.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bai-2-thi-giao-vien-day-gioi-can-nhung-phai-thuc-chat-4028389-b.html