Bài 2: Thay đổi cách nghĩ, cách làm

Làm đẹp cho quê hương, làm đẹp cho đường làng, ngõ xóm bằng những con đường hoa trải dài, những con đường bê tông khang trang là việc làm thiết thực mà người dân Thủ đô đã và đang chung tay góp sức, bảo vệ môi trường (BVMT) sống gắn với thực hiện quy tắc ứng xử (QTƯX) nơi công cộng.

Đường hoa của lòng dân

Hơn hai năm nay, hình ảnh bà Trần Thị Huệ, tuổi gần 70, cặm cụi nhổ cỏ, trồng cây, quét dọn đường làng, ngõ xóm trở nên quen thuộc với người dân thôn 2, xóm 7, xã Yên Mỹ (Thanh Trì). Bà Huệ hồ hởi dẫn tôi tới đoạn đường mà người dân nơi đây vẫn gọi với cái tên thân mật: “Đường hoa bà Huệ”. Hai hàng cây trải dọc đoạn đường chừng 2km từ trạm xá thôn đến UBND xã với đủ loại hoa: Dâm bụt, hoa hồng, hoa ngũ sắc... Nhờ công sức dọn dẹp, chăm sóc hằng ngày của bà Huệ, con đường cỏ dại ngày nào của thôn giờ đã phong quang, rực rỡ sắc hoa, tạo cảnh quan sạch đẹp, tô điểm sức sống mới. Bà Huệ tình nguyện làm việc này vì muốn đóng góp công sức cho làng, xóm để mọi người cùng làm theo. Bà Huệ cho biết: “Thay vì tập thể dục mỗi sáng thì tôi trồng cây, trồng hoa, dọn dẹp ngõ phố. Tôi tự nguyện làm, nên khi nào còn sức thì còn làm để tuổi già vui, khỏe, có ích”.

 Bà Nguyễn Thị Huệ cùng cháu chăm sóc đoạn đường hoa trong xã Yên Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội).

Bà Nguyễn Thị Huệ cùng cháu chăm sóc đoạn đường hoa trong xã Yên Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội).

Bà Huệ là một trong những gương điển hình của xã Yên Mỹ có những đóng góp tích cực trong việc BVMT, thực hiện QTƯX nơi công cộng mà thành phố ban hành. Trồng hoa, trồng cây cảnh thay cỏ dại giờ trở thành phong trào ở xã Yên Mỹ. Việc trồng cây xanh không chỉ mang lợi ích trước mắt là đem lại màu xanh, mà xa hơn là nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên, BVMT của người Hà Nội. Vì thế, người dân Yên Mỹ dù ở lứa tuổi nào cũng có ý thức trong gìn giữ cảnh quan môi trường, không vứt rác bừa bãi, không thả rông chó ra đường… Ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ cho biết: “Xã Yên Mỹ hiện có 5.916 nhân khẩu với 3 thôn trên tổng diện tích đất là 384ha. Xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) từ năm 2014. Đến thời điểm này, diện mạo nông thôn đã đổi thay rõ rệt từng ngày nhờ sự vào cuộc của toàn thể nhân dân”.

Công tác vệ sinh môi trường, chăm sóc các tuyến đường hoa được Yên Mỹ thực hiện theo mô hình xã hội hóa. Ngay sau khi bộ QTƯX nơi công cộng được ban hành, ông Khánh đã vận động bà con mỗi người đóng góp 1.000 đồng/tháng để duy trì quỹ trồng cây xanh, các tuyến đường hoa. Chủ trương của xã được nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Để người dân cùng chung tay gìn giữ cảnh quan môi trường, ông Khánh và đội ngũ cán bộ, đảng viên của xã đã đi đầu trong dọn dẹp vệ sinh môi trường, trồng hoa, chăm sóc các tuyến đường vào sáng thứ bảy hằng tuần. Nhờ đó, những đoạn đường cỏ dại ở Yên Mỹ tiếp tục được nở hoa.

Chúng tôi về xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì vào thời điểm Hà Nội vừa bị ảnh hưởng của một trận mưa lớn. Con đường dẫn đến UBND xã Tòng Bạt nhiều đoạn lầy lội, ngập nước. Từ đầu xã, chúng tôi đã nghe thấy tiếng cười nói râm ran của người dân làm cho làng quê yên bình thêm rộn ràng, sôi động. Từ nhiều ngày nay, ngày nào các chị trong hội phụ nữ xã cũng gọi nhau quét dọn khắp các khu dân cư, khắc phục vệ sinh môi trường sau ảnh hưởng của mưa to gió lớn.

Vừa trồng lại những bó hoa ven đường, chị Dương Thị Phương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tòng Bạt vừa giới thiệu cho chúng tôi về đoạn đường hoa đẹp nhất xã của thôn Thái Bạt 3. Đoạn đường này được hình thành từ khi xã triển khai bộ QTƯX nơi công cộng. Xác định để bộ QTƯX thực sự đi vào đời sống người dân, hội phụ nữ xã đã đồng lòng tiên phong trong phong trào gìn giữ vệ sinh môi trường. Chị Phương chia sẻ: “Ý thức được lợi ích của trồng cây xanh trong việc BVMT, chúng tôi đã loại bỏ những bãi cỏ rậm trong xã rồi tự huy động kinh phí để trồng hoa. Đến nay, thành thông lệ, mỗi tháng chúng tôi tổ chức 2-3 đợt làm cỏ, chăm bón cây”.

Cái gốc là thay đổi thói quen, ý thức cho người dân

Chúng tôi cảm nhận được sự gắn kết tình làng nghĩa xóm của người dân Tòng Bạt. Cơn bão đi qua, không chỉ có hội viên phụ nữ, mà tất cả bà con từ người già tới các em học sinh đều cùng tham gia vệ sinh môi trường, trồng lại những luống hoa. Toàn xã Tòng Bạt có 5 thôn với 10.165 nhân khẩu. Hiện nay, thôn nào cũng có tuyến đường hoa. Tùy vào khoảng đất trống của thôn mà người dân tự chủ động nhân rộng trồng hoa, trồng cây xanh.

Năm 2019, Tòng Bạt là một trong 4 xã của huyện Ba Vì đăng ký phấn đấu về đích đạt chuẩn NTM. Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vì vậy, quá trình thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, xã Tòng Bạt tiếp tục hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí văn hóa trong NTM, gắn với việc thực hiện QTƯX nơi công cộng. Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Đức Lâm, Chủ tịch UBND xã Tòng Bạt cho biết: “Tuy bước đầu gặp khó trong triển khai QTƯX, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, nhận thức về tiêu chí văn hóa, ứng xử văn hóa, đặc biệt là văn hóa ứng xử với môi trường của người dân đã có bước chuyển rõ rệt”.

Rời xã Tòng Bạt, chúng tôi tiếp tục về huyện Thường Tín. Những con đường liên xã, liên thôn được đổ bê tông khang trang, rộng rãi khiến chúng tôi ngạc nhiên về sự đổi thay tích cực của mảnh đất nơi đây. Tiếp chúng tôi, ông Lê Mạnh Cường, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thường Tín phấn khởi khi nhắc đến kết quả sau hai năm triển khai QTƯX nơi công cộng. Với sự gương mẫu, đi đầu trong công tác tuyên truyền của lực lượng nòng cốt là các ban, ngành, đoàn thể từ huyện tới cơ sở, những điều “nên làm” và “không nên làm” của QTƯX nơi công cộng đang dần làm thay đổi nếp sống của người dân trên địa bàn.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Cường dành nhiều lời khen khi nhắc tới xã Hồng Vân-một điểm sáng trong thực hiện mô hình “Thôn, tổ dân phố không tệ nạn xã hội, môi trường xanh-sạch-đẹp”. Đây cũng là xã về đích NTM từ năm 2014 và đang xây dựng đạt chuẩn NTM nâng cao của huyện Thường Tín.

Trăm nghe không bằng một thấy, chúng tôi về xã Hồng Vân theo lời giới thiệu của ông Cường. Trên chiếc xe điện màu xanh thân thiện với môi trường cùng sự nhiệt tình của anh “hướng dẫn viên” là cán bộ xã, mảnh đất Hồng Vân hiện lên trong mắt chúng tôi thật trong trẻo, thanh bình. Những rặng hoa giấy, những thảm ruộng rau xanh mướt trải dài dọc hai bên đường, lối dẫn về UBND xã. Ấn tượng hơn cả là những con đường được đặt theo tên các loài hoa, như: Hoa Ban, Chuông Vàng, Phượng Vĩ… Vì yêu thiên nhiên nên người Hồng Vân hôm nay đang quyết tâm xây dựng mảnh đất quê hương phát triển theo hướng du lịch sinh thái làng nghề.

Để đem đến hơi thở mới cho mảnh đất này, xã xác định gìn giữ bản sắc văn hóa quê hương đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì vậy, theo ông Mai Văn Ngần, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Vân: Sau khi thành phố ban hành QTƯX nơi công cộng, ròng rã hai năm, cán bộ xã phải xuống từng hộ dân, tuyên truyền, vận động để mọi người thay đổi nhận thức trong văn hóa ứng xử. Hệ thống thùng rác được lắp khắp đường làng, ngõ xóm nhằm nâng cao ý thức người dân. Quyết tâm của chính quyền địa phương đã dần làm thay đổi nhận thức của người dân. Người dân bảo nhau tự nguyện hiến đất làm đường, gìn giữ cảnh quan đường làng, ngõ xóm.

“Quá trình triển khai QTƯX nơi công cộng, khó khăn nhất là làm thế nào để thay đổi nhận thức của người dân. Thực tế cho thấy, ở nơi nào cấp ủy, chính quyền địa phương đề cao trách nhiệm, sâu sát thì nơi đó văn hóa ứng xử với môi trường của người dân có nhiều chuyển biến tích cực”, ông Mai Văn Ngần, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Vân (Thường Tín) cho biết.

Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/bai-2-thay-doi-cach-nghi-cach-lam-593058