Bài 2: Tạo đổi thay trên những miền quê

Với việc triển khai hiệu quả Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về 'Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân' giai đoạn 2016-2020 đã từng bước thay đổi diện mạo nông thôn của Thủ đô, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao.

Sản xuất nông nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực

Trong những năm qua, mặc dù thời tiết diễn biến bất thường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến thiên tai, dịch bệnh, hạn hán. Song với sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, sự điều hành của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân nên sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản giai đoạn 2015-2019 tăng trưởng và phát triển ổn định. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 2,54%/năm; giá trị sản xuất đạt 280 triệu đồng/ha, tăng 1,21 lần so với năm 2015.

Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng kinh tế hàng hóa, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho nông dân. Phát triển nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao và an toàn thực phẩm được chú trọng; hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung, chăn nuôi quy mô lớn. Đến nay, Thành phố thực hiện dồn điền, đổi thửa được 79.454,3ha (đạt 104,6%), tăng 2.562,6 ha so với cuối năm 2015. Công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau dồn điền đổi thưảcơ bản hoàn thành đạt 99,21%.

Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” giai đoạn 2016-2020 đã từng bước thay đổi diện mạo nông thôn của Thủ đô

Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” giai đoạn 2016-2020 đã từng bước thay đổi diện mạo nông thôn của Thủ đô

Thành phố chuyển đổi được 40.229,4 ha sau dồn điền đổi thửa sang các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Có 164 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê...

Các mô hình đã tạo chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững và tạo ra sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, tạo nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, bảo đảm đầu ra cho nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định, tránh tình trạng được mùa mất giá.

Việc đưa cơ giới vào đồng ruộng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất được tăng cường; việc củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã được coi trọng, nhiều hợp tác xã, tổ đội sản xuất, hình thức hợp tác mới được hình thành mô hình “4 nhà”, “6 nhà” đi vào thôn, xã và hộ nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được tăng cường

Trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, các huyện, thị xã và các xã đã tích cực triển khai thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; đường làng, ngõ xóm được kiên cố hóa, hệ thống thoát nước cơ bản đáp ứng yêu cầu; đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, nội đồng đảm bảo nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Các địa phương cũng tập trung nâng cấp và xây mới các trường học đảm bảo nhu cầu giảng dạy và học tập tại địa phương; xây mới và sửa chữa, mua sắm các thiết bị cho các nhà văn hóa thôn đảm bảo sinh hoạt cộng đồng; cải tạo, nâng cấp, xây mới các trạm y tế đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.

Đến nay, toàn Thành phố đã có 06 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai và Gia Lâm. Từ đầu năm 2020 đến nay, Ủy ban nhân dân Thành phố đã công nhận thêm 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới 355/382 xã (chiếm 92,9%), 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đời sống người dân không ngừng được cải thiện

Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” giai đoạn 2016-2020 đã từng bước góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nông dân. Báo cáo về kết quả 5 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU cho thấy, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 51,5 triệu đồng/người/năm.

Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sĩ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn Thành phố đạt 88,3%. Có 100% số xã kết nối Internet; hầu hết các hộ có điện thoại.

Công tác đảm bảo an sinh xã hội nói chung, thực hiện chính sách giảm nghèo nói riêng luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, các địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 1,81% xuống còn 0,69% (chưa trừ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội), đến nay có 03 huyện Đông Anh, Gia Lâm và Hoài Đức không còn hộ nghèo.

Công tác Giáo dục và Đào tạo được quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, việc tuyển sinh, việc chống bỏ học được chú trọng chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, công tác phổ cập giáo dục và xóa mù được tiến hành một cách thực chất tại các huyện, thị xã với cả 3 cấp học.

Công tác phát triển văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Đời sống tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, phấn khởi, đoàn kết, văn minh, tiến bộ hơn.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bai-2-tao-doi-thay-tren-nhung-mien-que-113680.html